Thơ  Tác giả & tác phẩm

VNQĐ giới thiệu: Thơ Bạch Diệp

Thứ Bảy, 03/11/2018 00:19
bach diep Tên thật: Trần Thị Bạch Diệp
Nơi sinh: Lệ Thủy, Quảng Bình
Sống tại Huế
Đã xuất bản:
- Vũ điệu lam, Nxb Văn học, 2011
- Tùng gai, Nxb Văn học, 2014
Tặng thưởng:
Tác phẩm hay Tạp chí Sông Hương, 2011


 
Với thi ca: “Tôi những muốn giữ bí mật của mình trong thinh lặng
Tận đáy hố sâu
Nhưng tôi biết, ngôi nhà của bốn mùa đều tràn ngập nỗi buồn
Và tôi viết
Để được khóc thành tiếng được nói lời yêu thương giữa tuyệt vọng để được tự do dưới mặt trời không cần che kín mặt
.”
 

Hạt sương

Đôi khi những lời đau đớn tối tăm cay độc
bật ra từ đôi môi khép
từ những kiêu hãnh cài then
em riết róng thay vì nụ hôn dài
thay vì những thì thầm đã hết
 
Trên chiếc ghế nhìn ra ô cửa
bóng anh còn đó
một đôi lần
như mây
như mây như sương như thực như mơ
anh là tình yêu hoang đường của em
là sự cẩu thả giễu cười của số phận
 
Em đã bắt đầu câu chuyện này vào một đêm tháng tư
giọng nói của anh tan cùng đất nâu với tiếng rì rầm
          của trái cây mùa lên men nhẫn nại trong vườn
đừng thức tỉnh em
em luôn mất ngủ vì nỗi ám ảnh nhớ anh
mưa đã đến đây rồi
trốn vào đâu cũng ướt
 
Em muốn kể anh nghe câu chuyện giọt sương
vũ điệu của nước mắt
ngàn triệu năm ngóng đợi mặt trời
để chết đi trong giấc mơ hạnh phúc
 
Chẳng có gì hối tiếc
cho dù
sự trừng phạt là khoảng cách thời gian hay chốn hiu quạnh mà mắt em đang hướng tới
thần thánh không ở lại nơi đây nhưng nghi lễ tôn giáo
vẫn diễn ra sau tiếng chuông nguyện lúc năm giờ chiều
như một sự rồ dại
không vô nghĩa
 
Hãy thức tỉnh em
khi anh trở lại
trên cánh đồng mặt trời
những hạt sương chết
trong sự chạm
vào tan biến...


Dấu vết
 
Em biết rất rõ
từ lúc bắt đầu
chỉ là giấc mơ hoang đường của em
con đường ra biển
 
Em quẩn quanh trong vũng tù trước biển
em hoảng hốt lục tìm anh trong kí ức trước biển
không! không!
chỉ là gió, gió u ơ rèm cửa
vệt mascara trên chiếc khăn màu trắng
em không thể vò sạch, bằng nước mắt
anh hiểu không
 
Có nhiều thứ
không thể chùi được bằng nước mắt
như ánh sáng kia trên bầu trời hoàng hôn và bình minh của biển
như sự nín lặng bất lực của cát
như bàn tay. Bên cạnh một bàn tay
 
Dấu vết thành sẹo
vết sẹo trong tim em lớn hơn mây trên trời
loang ra, như những hố bê tông
đóng đinh mặt đường thinh lặng
 
Khóc đi
giai điệu cuối cùng
bản giao hưởng Schubert như một sự tiễn biệt
vĩnh viễn những dấu vết
em mang.

 

La Pines
 

Chẳng có ngọn lá thông nào ở đây
lò sưởi và những bát đĩa tách li
toàn những thứ dễ vỡ
tôi kẹp mặt trăng giữa hai cổ chân
lớn dần lên
vàng rực
đẩy tôi bay như con chó nhỏ trên đường đến thiên đường
trên trán có một mùi hương
thứ sa phiến chết người khi tôi chưa kịp nhìn rõ màu mắt
đã quá nhiều nỗi đau ngoài kia cùng tiếng thét
sao người không thể ngưng lời
mặt đất lộng lẫy mà chật hẹp cho những cái chết vội
người ta đánh nhau vì những con rối
những lầm than khốn cùng và cả những kẻ đang yêu
 
Trời ơi
váy áo tôi mang đầy nếp gấp những cơn đau
người đời khóc nhau tôi khóc cho đời tôi khóc cho người tôi khóc cho tôi cạn khô nước mắt
thịt da này dù nhạt
xin đừng thù ghét nhau
li rượu vang có mùi lá thông đã thêm vị mặn nước mắt và màu của máu
lời nói chôn nhau dưới lớp lá thông còn xanh và mùi hương còn nồng
tôi bện những vòng dây cuối cùng
cột mình cùng
cô đơn và im lặng.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)