Thơ của Trần Thế Vinh

Thứ Ba, 30/04/2024 08:08
Kí ức ngày người lính trở về
 
- Này em, phum yên ắng rồi
Bọn anh sáng mai về nước...
Lệnh mới nhận làm sao cho em hay được
Phum xa tuyến đường
Em không rành tiếng Việt
“Uôl ơi” (1) dòng chữ Việt này anh viết trên đường chia tay
Nơi con đường bụi đỏ lúc bi đông khô nước
Mặt trời xoay ngược rừng le
“Uôl ơi” đã cho anh đầu lưỡi ngọt
“Uôl ơi” anh trả lại em ánh nắng hồng
Con đường tên em
Cánh rừng mang tên “Me” Kam
Anh xin gởi lại
 
Anh về, một cây súng, một ba lô
Mà ngổn ngang chất đầy vai người lính
Chiếc áo bông xòe, tóc cắt bum bê
Bất chợt hiện về níu kéo bàn tay
Anh về nước sáng mai
Lệnh cấp trên: Không người lính Việt Nam nào mang gì về nước!
Anh làm sao khác được
Khi nhìn những cái vẫy tay
 
“Uôl” thì ở xa
“Me” tận trong rừng sâu làm sao chào kịp
Thôi “Uôl ơi lia hơi” (2) cùng em qua chữ viết
Tiếng mẹ đẻ của em!
 
Chúng tôi về...
Chúng tôi về nhưng trận chiến nào ngưng
Những giọt máu đồng đội tôi còn thấm sâu đất lạ
Tan hợp mỗi người mỗi ngả...
Có thằng mất chân khi về qua xóm cũ
Nhìn ngọn tầm vông cao, lay lắc nỗi ân tình
Hôm nay họp mặt
Hỏi mình, hỏi ai?
Ai đó nhắc:
Vào vườn hút hoa
Con bướm mang cánh đẹp
Người đi trong thành phố khoác áo màu
Len trong biên giới núi rừng
Người lính mặc áo xanh...
 
--------
1.Em ơi (tiếng Khmer).
2. Tạm biệt em (tiếng Khmer).
 
Viết trong căn cứ Phương Bình (1)
 
Ta đối mặt...
Căn cứ nổi giữa đồng kinh rạch
Một cơn mưa thôi sạch mắt lá tràm
Những căn nhà đất. Rộng cửa đón mùa sang
Như ngọn lửa hơn ba mươi năm vẫn cháy!
 
Ta vừa lạ, vừa quen lung ai
Đâu tuổi quá bốn mươi mới ướt giọt mưa ngày
Nhớ mùa nước nổi năm bảy mươi hai
Trẻ già ngồi chung vạch sơ đồ tác chiến
Đất Bà Bái cờ sao ẩn hiện
Rạch Lái Hiếu vỏ lãi trực chờ - Phút phát lệnh tấn công!
 
Đâu chỉ trận Tầm Vu, Đồng Gò hay Quang Phong...
Đã vội xao lòng
Có trăm đêm đỏ máu, đỏ sông
Má Hai, chú Mười...
Ôm chiến thắng - khóc nhiều hơn chúng ta bây giờ
 
Chữ vàng dành cho người dũng sĩ xanh mơ
Sáu Thượng điện đài, đồng chí Thủy giao liên...
Hi sinh trong đêm mưa bão
Đây căn hầm tránh pháo
Nơi ta chụp hình lưu niệm
Năm bảy mươi mốt, cỏ không kịp xanh
Vì ngày đêm gánh gió mưa pháo giặc
Hội trường trung đoàn Một. Cháy, lại cất lên
Cháy. Hôm sau lại cất
Như má Năm đưa hết con đi giữ đất Phương Bình
Lần lượt cả năm người hi sinh
Có mẹ nào đêm qua không vò võ
 
Trong căn cứ hôm nay
Xin đừng một ai van xin trời thôi mưa thôi gió
Để không ướt chính ta, không lạnh chính mình
Mỗi bước đi trơn hãy tìm lấy niềm tin
Rằng chiến tranh đổi bằng sự thật
Nơi người xưa căng đầy lồng ngực
Ngày gió, đêm mưa có ướt trái tim hồng?
 
Trưa nay, ta nhỏ như hạt mưa sa
Không cầm chân nổi con nước lớn ròng
Mà người xưa đã cầm đã giữ...
 
--------
1. Căn cứ cách mạng nằm ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang xưa.
 
Nguyên tiêu đêm núi Cấm
 
Đêm núi Cấm
Ta nép mình trong lá trong mây
Trong sương tan như tuyết
Nên còn thấy em đâu
 
Đêm núi Cấm
Ta ngậm từng giọt rượu
Giọt trăng, giọt sao lan tỏa khắp thân mình
Quên em là điều có thật
 
Đêm núi Cấm
Rì rào mây đọng trên thềm đá, cành cây
Ướt ngàn đóa hoa dại
Hoa gì, không mang tên em
 
Núi Cấm
Trăng chưa tàn sao ta đã say
Nhớ, quên từng giấc mơ hư thực
Nghe rừng hát tình ca vọng về vô thức
Hỏi đá trở mình bao đêm?
 
Mưa sương
trắng
nhẹ
giọt mềm...
Sao khuya lấp lánh
Nghiêng thềm cỏ hoa.
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)