Thơ  Thơ trên bàn biên tập

Tiếng gọi từ sâu thẳm

Thứ Hai, 22/10/2018 00:37
ttntt

(Đọc Trong những lời yêu thương của Đinh Thị Như Thúy, Nxb Hội Nhà văn, 2018)

Không điệu đàng tô vẽ hay cầu kì khách sáo, Đinh Thị Như Thúy cuốn tôi vào thế giới thơ chị, mãnh liệt và vô thức, không cách nào dừng lại. Sự khoáng đạt của không gian thơ mở ra những biên độ tưởng tượng, và cảm xúc của nhà thơ luôn làm nên nỗi niềm người đọc.

Những bông hoa trắng cứ chúi vào nhau. Rũ rượi. Nhất là trong mưa. Những bông hoa trắng chúi vào nhau như những con nhạn ướt cánh rũ vùi. Đẹp. Man dại. Buồn bã. Và đau đớn. Thơ văn xuôi như một biểu đạt và nâng đỡ để sự mãnh liệt trở nên có kiểm soát và hiện diện theo lối của tư duy. Dạt dào nhưng sâu lắng, chảy tràn và thầm lặng, Đinh Thị Như Thúy đã tạo nên những dư ba và định vị được mình. Tôi không muốn khu biệt thơ chị trong sự mênh mông vời vợi của Tây Nguyên, hay trong thể loại thơ văn xuôi vốn còn nhiều rào cản với sự tiếp nhận. Tôi đọc chị trong sự buông lơi ý thức, cứ để ngôn ngữ dẫn dắt mình đi. Tôi cũng không định trình bày hay cố gắng diễn đạt xem chị đang nói điều gì. Tôi thả trôi theo một tiếng nói thầm trong thơ chị. Khát những trong sạch. Vườn uống cạn lá nõn. Những nõn búp đẫm hơi sương buốt. Mặt đất khẽ rung như lồng ngực người xao động.

Đó là tiếng gọi từ sâu thẳm, nơi không dễ gì chạm tới, nhưng là chìa khóa để mở ra tiềm thức và bất tận. Ngay khi đặt bút nhà thơ đã thỏa hiệp với tiếng gọi từ nơi nào đó trong chính con người mình. Đến lượt người đọc, tiếng gọi ấy tiếp tục chứng tỏ sức mạnh của nó để chúng ta hoặc thức tỉnh, hoặc mộng mơ. Đêm đêm trong giấc ngủ có khi nàng nghe tiếng gọi. Có khi chính tiếng nàng thì thầm giục giã. Hãy ra đi. Hãy trở về. Hãy quay về nơi đó. Nhưng đó là nơi nào? Đây có lẽ mãi là câu hỏi và cũng là mục đích của đời sống nghệ thuật và đời sống thực tại. Chúng ta, mọi thứ, rốt cuộc đều đi theo tiếng gọi của vô thức.

 
trong nhung loi yeu thuong 2

Dường như với Đinh Thị Như Thúy sự trở về một nơi nào đó luôn luôn ám ảnh chị. Nơi đó là một tồn tại địa lí hay một tồn tại của kí ức thì chị vẫn tha thiết và bất an. Em xin anh đừng ở lâu dưới vòm trời. Biết đâu chúng ta mọc cánh mà bay đi mất. Em thèm trở lại (em rất thèm trở lại). Chúng ta luôn bị giằng co giữa sự đa chiều của cuộc sống và của cảm nhận. Thơ sẽ mở ra một chiều kích khác, ở đó không có đúng hay sai mà là “một sức mạnh tươi mát và thỏa mãn chúng ta bằng những hình tượng mà không vương nét bi lụy” (Wilhelm Dilthey). Sao chúng ta chạm mặt nhau chỉ để rời xa/ Sao cứ muốn trốn nhanh về nơi trú ẩn/ Vùi mặt vào gối chăn/ Tìm dấu vết chính mình/ Nghe đơn côi chảy rùng rùng trong máu. Khi chạm đến một giới hạn nào đó bằng trải nghiệm cũng là khi nhà thơ chạm đến tận cùng của chính mình. Không phức tạp, không mâu thuẫn, nhiệt huyết của nỗi cô đơn đủ để kiến tạo nên sức mạnh thơ Đinh Thị Như Thúy.

Đêm luôn nhớ mùi cỏ rục/ Đêm luôn thừa thổn thức/ Thừa một bầy tóc dại không biết buông xòa vào đâu. Vẫn là những khát khao và kiếm tìm. Sự để ngỏ một điểm dừng trong thơ sẽ mở ra nhiều sáng tạo và mong đợi.
 
NGUYỄN THỊ KIM NHUNG chọn và giới thiệu


Mùa xuân náo động
 
Chực vỡ oà tiếng khóc
nơi sống mũi âm thầm nhức
giá như thở được
 
Giá như chảy máu được
giá như mí mắt đừng quá trĩu nặng
và tiếng còi xe đừng thúc giục
 
Quá nhiều điều lẽ ra phải được nói
được tỏ bày có thể
nơi một góc quán
 
Hai chiếc ghế thân mật đặt cạnh nhau
trong góc vườn
nơi ban trưa trút xuống bóng râm cây lá
 
Cũng có thể ở bất cứ nơi đâu
khi hơi ấm của bàn tay
khi sợi tóc rụng
 
Khi những hoa vàng trải dài bất tận
khi da thịt mở ra
và trái tim lên tiếng
 
Đã vật vã quay vòng
từ mùa đông đến mùa đông
quãng giữa là mùa xuân náo động.

 
Cây trong sương


Những tiếng gọi như tan vào khoảng rỗng
sương dâng mịt mờ
suốt một ngày dài một đêm dài
một ngày dài một đêm dài
rồi ngày dài rồi đêm dài tiếp nối
 
Những tiếng gọi cứ tan vào khoảng rỗng
sương dâng mịt mờ
chỉ cây
và cây
và cây
 
Những cây trổ mầm xanh bên cầu
những cây trơ trụi lá
những cây nứt ngang thân mầm rễ đỏ
những cây ngơ ngác ươm hoa
 
Nhẫn nại đứng im lìm trong màn sương bủa vây như sữa
chỉ cây
và cây
và cây
 
Đầm đìa chảy
từ lá từ thân
những dòng nước mắt trong suốt lạnh
chỉ cây
và cây
buồn bã chịu đựng
chỉ cây
và cây
 
Vẫn những tiếng gọi như tan vào khoảng rỗng
vẫn sương dâng mịt mờ
suốt những ngày dài những đêm dài
vẫn chỉ cây
và cây
và cây
 
Bất lực
cháy những đốm lửa rưng rưng trong kí ức.

 
Hoa trắng tháng Hai

 
Giờ thì nhắm mắt. Hình dung các triền đồi cà phê bên hồ Tân An.
 
Đang mùa hoa. Cả một vùng trắng như tuyết phủ. Cảm giác đó. Thật sự hiện hữu bởi cái lạnh. Và không gian mờ sương sớm. Mặt trời đang lên. Nhuốm chút hồng trong màu sữa nhạt. Một dòng hương thơm tuôn chảy tràn trề.
 
Vẻ đẹp đó. Quá chừng tinh khiết và lộng lẫy. Làm con người choáng váng. Thấy mình sao trần tục. Một ước muốn gột rửa bất chợt dâng đầy.
 
Là vậy. Bạn biết không? Sự cứu rỗi của cà phê không chỉ ở trong trái chín. Trong từng giọt sậm thơm lừng mỗi sáng. Mà ở đây. Cả trong mùa tưới. Mùa hoa. Trong đất đai nồng nã. Trong ngọn gió hoang. Mang nỗi nhớ bay đi. Vượt trùng trùng xa ngái. Tìm đến một người.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)