Nhà văn TÔ HẢI VÂN và truyện ngắn "Đi 3 mét trên cầu vồng"

Thứ Tư, 06/12/2017 00:47
truyen ngan hay tac gia tu chon

to20hai20van
Có thể đi dạo chơi trên cầu vồng được không? Với người thường thì không thể, nhưng với nhân vật chính trong truyện này thì có thể. Minh là người nghiên cứu khoa học, gã những muốn leo lên đấy để chơi, và để tìm cái công thức tổng quát gã vẫn suy nghĩ tìm tòi lâu nay.
Trong mỗi con người thường có nhiều bản thể. Cô Nguyệt yêu “gã”, là yêu cái bản thể sáng tạo trong khoa học của anh ta, là yêu cái con người thuần chất của anh ta. Minh là bản thể thứ hai, to cao đẹp trai dũng cảm, vẫn thường bảo vệ “gã” trong cuộc đời, cô cũng thích, nhưng là cái thích thứ hai. Chỉ có bản thể thứ nhất là leo được lên cầu vồng, nhưng tiếc thay, cuộc đời đâu có chấp nhận, nó phải rơi xuống đất thôi, và chỉ còn cái thứ vô tích sự là vẫn ở đấy, trên trần thế này.

 
Nhà văn TÔ HẢI VÂN

Gã nghĩ gã là thiên tài khi hoàn tất nghiên cứu. Đề ngày tháng. Rồi đóng tập chuyên đề lại. Gã ngồi rung đùi rất lâu. Nhưng chỉ được hai hôm làm thiên tài. Sau đó, giở ra đọc lại, gã lại nghĩ ngược lại: Mình là thằng ngu. Ngu quá thể.

Minh cười, bảo gã: Đẹp hơn để làm gì? Hay hơn để làm gì? Có cần thiết phải như thế hay không?

Gã vẫn lắc đầu quầy quậy. Phải tìm bằng được cái công thức tổng quát hơn. Nhưng bằng cách nào? Leo lên trời hỏi à?

Minh và gã thân nhau từ thời còn cởi truồng. Thời ấy, cái làng của gã vẫn còn là làng. Gã hát: Làng/ tôi xanh/ bóng tre. Đúng là thời ấy làng còn có tre. Có cả ao để mùa hè trẻ con nhảy ùm xuống tắm. Nhưng gã vốn sợ nước. Không bao giờ tự nhảy xuống được. Có cần phải tắm ao hay không? - Gã luôn tự hỏi. Đứng trước nước, gã luôn cảm thấy bất an. Nhưng đã có Minh. Minh đứng sau gã, khẽ đẩy một cái. Gã theo cái đà đẩy ấy, rơi tùm xuống ao… Thằng bé là gã sợ nước, nhưng lại rất thích mưa. Cứ trời mưa là nhảy ra sân dầm. Mặc có mỗi cái quần đùi. Trần trùng trục khoa chân múa tay trong mưa. Minh hỏi: Thích lắm à? Gã bảo: Thích lắm. Minh cười rất bao dung với thằng bạn thích nghịch mưa nhưng lại sợ nước. Từ thuở đó, Minh đã “người lớn” hơn gã. Đến bây giờ, Minh vẫn “người lớn” hơn gã.

- Không. Chúng tôi xin ở cùng bộ môn. - Khi tốt nghiệp đại học, cả Minh và gã đều được nhà trường giữ lại làm giáo viên. Đầu tiên, họ phân công mỗi đứa một bộ môn. Nhưng hai đứa khăng khăng xin vào cùng một bộ môn.

Chị gái Minh hỏi: Có cần thiết phải như thế hay không?

Thực ra, cả gã và Minh đâu có điểm chung. Khác hẳn nhau mới đúng.

Bây giờ, khi gã hát Làng/ tôi xanh/ bóng tre, theo điệu valse, nhịp phách đàng hoàng, dậm chân đàng hoàng, mà chỉ hát có đúng mỗi câu đó thôi, luôn luôn hát xong là gã cười rộ. Bởi làng gã bây giờ bói cũng không ra một cây tre nào. Chỉ nhìn thấy tre hiện thân ở rổ bát nhà nghèo. Và, tre bây giờ được vót thành những đôi đũa mà chỉ nhà nghèo mới dùng. Mà còn phải mua ở đâu đâu mang về. Làng gã như có chân, nó tiến dần về phía thành phố. Rồi hòa vào thành phố. Trở thành phố. Ao bây giờ chỉ xuất hiện khi trời mưa to mà cống chưa kịp thoát nước. Minh không còn phải đẩy gã xuống nước mỗi khi gã muốn tắm ao nữa. Làng biến thành phố khi cả hai cùng lên lớp mười. Đi học “trái tuyến” ở phường bên cạnh. Phường đó trước cũng là làng, sau cũng biến thành phố, cũng không có ao. Vì một nguyên nhân nào đó (không phải vì phường đó có truyền thống hiếu học hơn, ngược lại là đằng khác, hoặc giả, do đất rộng hơn?), mà phường đó lại được ân sủng của trên cho xây trường phổ thông trung học. Thành ra, học trò các phường bên cạnh thành trái tuyến hết. Hai tên vào một cái lớp rất lạ. Trừ việc học ra, đứa nào cũng thích hơn người khác về một cái gì đấy. Kể cả bọn con gái. Chành chọe nhau, vì chỉ thích hơn nhau. Con trai thì kiễng chân ra vẻ ta đây cao hơn thằng khác. Nhưng chẳng đứa nào thích học giỏi hơn đứa khác. Chẳng đứa nào thích mình đạo đức hơn, khiêm tốn hơn đứa khác. Lạ chưa? Lọt vào đó hai thằng “trái tuyến” thích học, cả lớp buồn cười. Coi như những người ngoài hành tinh. Lại có ba thằng đầu gấu, nhân chi sơ, tính hung hăng, thích thụi bạn. Không thụi người khác không chịu được. Bản tính chúng nó thế. Ấy cái lũ như thế lại rất nhát. Hung hăng nhưng lại hèn. Minh biết vậy, nên dù không biết miếng võ nào, cũng cố tình trở thành cao thủ võ lâm, đứa nào mon men đến gần gã là Minh xù người chuẩn bị đánh nhau. Lũ kia trông thấy Minh xù lông xù cánh, lập tức biến. Đến đi đái Minh cũng phải hộ tống gã, khổ thế. Nhưng Minh không thể bảo vệ bạn mãi được. Có một lần, chẳng hiểu gã đi đâu một mình, bị bọn hiếu chiến kia quây lại, đánh cho một trận. Bị đấm ngã, mồm sưng vêu, gã vẫn cố ngóc đầu, hỏi: Sao chúng mày vô cớ đánh tao? Lũ kia trả lời: Thấy cái bản mặt mày là thấy ghét. Có thế thôi à? Gã cố hỏi lại. Hình như cái bản tính thích tìm tòi nghiên cứu trong người gã vẫn cứ nổi lên dù còn bé và dù bị ăn đấm ăn đá. Phải, chỉ có thế thôi, uỵch! uỵch! một đấm một đá nữa. Mẹ mày, cái đồ mọt sách, một đứa chửi. À, ra vậy, gã yên tâm nằm xuống. Minh nhặt được gã sau đó, mang về, thấy người thâm tím. Đầu rách một chỗ, sưng u mấy chỗ. Liệu cái đầu mày có làm sao không? Minh lo lắng. Không sao, gã nói, mặc dù rất đau. Có mất trí nhớ không nhỉ? - Gã tự hỏi. Rồi tự kiểm tra: Căn bậc hai của 3 là bao nhiêu? Số pi với sáu số lẻ là bao nhiêu? Sin2x bằng bao nhiêu?

- Làm sao chúng mày chơi được với nhau? - Chị gái Minh hỏi.

- Không biết… - Minh bâng khuâng.

Minh to lớn, đẹp trai, học giỏi. Gã nhỏ bé, mong manh, được cái cũng học giỏi. Ừ, cũng có điểm chung. Và bây giờ, cùng là hai thầy giáo trẻ.

Bắt đầu khác nhau rồi đây. Gã không thích lên lớp, thích đào sâu nghiên cứu. Còn Minh, cũng thích nghiên cứu, nhưng công trình nào cũng bỏ dở. Thích đi giảng hơn. Đi giảng nhiều, số “tiết” nhiều, trừ định mức, thanh toán nhiều. Còn nghiên cứu, mệt lắm, Minh nói. Nhưng thích lắm, gã nói. Thích cái gì? Minh hỏi. Như bơi, như bay trong mớ tri thức khoa học, gã trả lời. Minh cười ầm ĩ. Thời này, có đứa thích bay!

- Hai thằng khùng. - Chị gái Minh bảo.

Đúng là hai thằng khùng. Vì có nhà trong phố, vẫn thuê phòng trong kí túc xá ở với nhau.

Tại sao lại thế? Vì khùng. Một hôm, cùng đang đọc sách trong thư viện trường thì trời đổ mưa. Hai đứa ra đứng ở hành lang. Nhìn về phía khu kí túc xá giáo viên, đột nhiên thấy cầu vồng. Gã nói: Mày nhìn xem, có vẻ như cầu vồng mọc từ khu kí túc xá ấy nhỉ? Minh bảo: Ừ nhỉ? Giống thật. Gã nói: Sao lại giống? Đúng là như thế. Minh nói: Hâm quá, chẳng tôn trọng quy luật vật lí gì cả. Ánh sáng khuếch tán qua lăng kính là những giọt mưa… Gã cười. Suýt nữa lại hát Làng/ tôi xanh… nhưng dừng được. Bảo: Chúng mình thuê phòng trong khu tập thể đi, ở đó tĩnh lặng hơn ở nhà. Thực ra, gã nghĩ: Ở chân cầu vồng cũng hay. Ừ, Minh nói, gã thấy bạn thích, gã cũng chiều.

Từ ngày vào kí túc xá ở với nhau, Minh và gã chăm hẳn lên. Đóng cửa “luyện công” cũng có khác. Cả hai đều đã có chuyên đề nộp bộ môn. Thỉnh thoảng, bất chợt đang làm việc, gã lại gào lên Làng/ tôi xanh/ bóng tre, theo điệu valse, rồi lại cười rộ. Không ai biết trong đầu gã nghĩ những thứ gì.

Thỉnh thoảng, tức là những khi nào thấy gã hát với liều lượng nhiều quá ngày thường, Minh lại tự nghĩ: Không biết cái đầu nó sau khi bị đòn hội đồng có sao không? Minh lặng lẽ quan sát bạn. Đến khi thấy gã trở lại bình thường mới yên tâm.

Có đêm, Minh thức giấc, nhìn thấy gã bạn thân đứng cạnh cửa sổ nhìn ra ngoài. Minh ngái ngủ, hỏi: Chưa ngủ à? Chưa, gã trả lời. Ngoài kia đang mưa à? Minh hỏi. Ừ, đang mưa. Thế mày đang làm gì thế? Minh ngáp một cái thật dài. Đang nghĩ. Nghĩ gì? Mai có cầu vồng không nhỉ? Dở hơi quá, Minh nói, rồi lại ngủ tiếp. Còn gã, vẫn đứng đấy, trong đầu lúc này chỉ có câu hỏi không biết sáng mai có cầu vồng không nhỉ?

Sáng hôm sau, Minh hỏi: Có viết tiếp được không? Gã trả lời: Được. Minh: Có hay không? Gã: Hay! Minh thở dài. Bảo: Mày biết không, tao cũng muốn nghĩ ra được một điều gì mới mẻ như mày. Nhưng không hiểu sao, tao luôn luôn thấy có một cái gì đó mà tao không vượt qua được. Cứ đến gần là thấy sợ. Còn tao, chẳng thấy sợ gì, gã nói. Mày hãy biến tất thảy những gì phức tạp thành đơn giản. Tưởng dễ à? Minh có vẻ nổi cáu. Không dễ, nhưng khi hô biến được, sẽ thích lắm, gã nói.

Trong năm năm nghiên cứu, gã đọc được hàng trăm quyển sách, viết được tám cái chuyên đề, in được ba bài báo, trong đó có một bài in ở nước ngoài. Đôi lúc Minh đùa: Mày nghiên cứu có kết quả biết đâu là do hồi xưa bị lũ kia nó đấm vào đầu?

Mắt gã tăng lên ba độ cận. Máy tính thì đầy virus. Chỉ có Minh mới diệt nổi những con virus đó. Những lúc diệt virus cho gã, Minh lại làu bàu: Dở hơi quá, dở hơi quá. Không biết Minh nói ai dở hơi. Hệt như hồi xưa Minh phải làm hộ vệ cho gã, cũng làu bàu kiểu ấy.

- Không biết cái thằng ấy nó có biết yêu không nhỉ? - Chị gái Minh lại hỏi.

- Có ai lại không biết yêu? - Minh trả lời.

Người yêu của gã tên là Nguyệt. Lẽ ra, Nguyệt phải yêu Minh mới hợp lí. Minh đẹp trai. To cao. Còn nàng, đẹp. Nàng cũng to đùng. Nhưng trớ trêu thế nào, chơi với cả hai, nàng lại chọn gã. Minh bảo: Nguyệt thích mày. Tao thôi. Hệt như hồi xưa Minh vẫn nhường nhịn gã.

Nguyệt thường xuyên than phiền với Minh: Anh ấy hay quên quá. Có lần, gã hẹn Nguyệt đi xem phim, bảo Nguyệt mua vé và đợi. Nguyệt đợi từ bẩy giờ đến chín giờ không thấy đến, gọi điện thoại di động, lại tắt. Chín rưỡi Nguyệt đùng đùng đi tìm. Hóa ra gã quên, vẫn còn ngồi ở thư viện! Thời nay có người lạ lùng như vậy, có hợp lí không? Lắc đầu. Không hợp lí.

Gã cũng không cần phải xin lỗi mấy lần Nguyệt mới tha cho. Đối với nàng, xin lỗi một lần là đủ. Con gấu cái ôm choàng lấy cây sậy, bao dung. Có những lúc ôm gã Nguyệt có cảm giác như ôm Minh, nhưng thực ra lại là ôm gã, người con trai bé nhỏ mong manh. Thôi anh đền, gã nói. Đền gì? Nàng hỏi. Lên mái nhà chơi đi. Hai người theo cầu thang lên tầng thượng. Rồi leo qua cái ô bé tí để trèo lên mái nhà. Gã leo nhanh như con khỉ, còn nàng to lớn, ì ạch mới lên nổi. Lâu lắm mới thấy anh chàng lãng mạn một chút, Nguyệt nghĩ, và lấy làm sung sướng. Trong đầu, nàng nghĩ, gã rủ nàng lên đấy là tới chỗ vắng vẻ. Nếu gã có tiến lên một bước thì nàng cũng sẽ lui một bước. Nhưng chỉ chấp nhận hai bước thôi, không hơn. Nghĩ thế, nàng đỏ mặt một mình.

Nhưng lên đến nóc nhà rồi, gã chẳng tiến cũng chẳng lui. Gã ngồi phệt xuống nền xi măng còn âm ấm do nắng hun từ chiều. Nàng cũng nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh gã. Vẻ rất tin cậy, nàng tựa người vào người gã. Làm gã xiêu đi. Nàng nặng quá mà. Gã phải lên gân mới ngồi lại được ở tư thế vững. Muốn vững hơn, gã bắt buộc phải quàng tay sau lưng nàng, ôm lấy nàng. Mà đã ôm, tự nhiên bản lĩnh đàn ông trỗi dậy, gã thấy mình cũng mạnh mẽ như ai. Mạnh mẽ như Minh. Gã siết lấy nàng, làm một cái hôn thật dài. Nàng đếm: Một bước. Gã nghĩ: Cái hôn ngon ơi là ngon. Đồng thời lại nghĩ: Cái công thức chết tiệt. Đáng lẽ phải chia cho xij thì mình lại quên mất. Còn hệ số k không biết phải nhét vào đâu? Đợi lâu quá, mãi chưa thấy gã bước sang bước thứ hai, Nguyệt ngọ nguậy. Nàng nhìn lên mặt gã, thấy khuôn mặt ngây ngây dại dại, nàng nghĩ có lẽ gã muốn bỏ qua bước hai mà bước thẳng sang bước ba chăng? Không được. Nàng là cô gái ngoan. Cái gì được là được, còn cái gì không vượt qua được thì dừng lại. Cái gì cũng có một rào chắn, đâu dễ vượt qua.

Cứ thế, hai người ngồi ôm nhau và nhìn lên trời. Buồn cười không? Ở nơi vắng lặng, không có ai, lại ngồi ôm nhau nhìn lên trời.

Mãi, Nguyệt cũng dịu đi. Nàng được cái tốt nết. Nàng biết tính gã. Đôi khi, cũng có thể vì nàng cảm thấy mình to đùng hơn gã nhiều, khỏe hơn gã nhiều, cho nên trong cư xử nàng bao dung hơn. Lúc thì nàng cảm thấy Minh hợp với mình hơn, lúc lại thấy mình yêu tha thiết gã hơn. Còn lúc này, nàng nhìn gã, thấy hình như đây đang là cả hai người, gã và Minh. Mỉm cười, nàng nghĩ, dốt thế, đã lên đây, cái gì có thể thì mình cũng chiều, thế mà cứ trơ cái thân cụ ra. Thế mà còn lãng mạn, kể chuyện xửa xưa. Gã kể: Trước đây, cái nhà này là kí túc xá sinh viên. Tối tối, các đôi yêu nhau đem nhau lên đây thay vì ra công viên. Cho nên mái nhà này được gọi là “công viên không cỏ không cây”, là “mái nhà tình yêu”. Thật tuyệt vời, nàng nói. Sau khi trường xây kí túc xá sinh viên thì nhà này được cải tạo lại, làm kí túc xá cho giáo viên và nghiên cứu sinh. Gã lại kể: Trước đây, tức là chưa lâu lắm, có đôi sinh viên yêu nhau mà không lấy được nhau, đem nhau lên đây hồi tưởng những giây phút lấp lánh trên mái nhà tình yêu rồi ôm nhau cùng nhảy xuống tự tử. Khiếp, nàng nói, thế người có nát bét ra không? Đương nhiên, gã nói, cao thế này cơ mà! Nàng nép người vào người gã chặt hơn. Đừng sợ, gã nói, như trong phim ấy, nếu có dù thì sẽ bay dần xuống. Lấy đâu ra dù? Ờ, không hiện thực. Hoặc, như trong phim viễn tưởng, nếu có cái gì đỡ dưới chân thì không rơi xuống được. Lấy cái gì mà đỡ? Nàng hổn hển. Cầu vồng chẳng hạn, gã trả lời, lúc này không hôn nàng thì còn làm gì nữa? Đi trên cầu vồng nó lâng lâng như thế này này, như thế này này…

 
di 3 m nguyen van duc 880
Minh họa: Nguyễn Văn Đức


- Thời đại này, ngớ ngẩn như nó thì khó sống. - Chị gái Minh nhận xét.

Minh không nói gì.

Đấy là một buổi tối chị gái Minh đi “kiểm tra” hai ông mãnh xem sống như thế nào. Đúng lúc hai ông mãnh ngồi gặm bánh mì. Sao không nấu cơm? Chị hỏi. Vừa sinh hoạt khoa học ở bộ môn về, Minh trả lời, mệt quá, làm tạm cái bánh mì.

Trời ơi, sống như chúng mày để làm cái gì kia chứ? Chị kêu lên hai lần câu nói đó, như một tuyên ngôn vĩ đại. Rồi tất tưởi đi vo gạo thổi cơm. Rồi xắn tay áo làm thức ăn. Xem tủ lạnh, thấy toàn trứng. Gã và Minh nhìn nhau, vừa lè lưỡi vừa lắng nghe chị làu bàu một mình. Chỉ nghe thấy toàn những từ “điên, điên”. Bữa cơm chỉ có trứng bác, canh trứng với hành, hành xanh lè bát canh. Lại thêm mấy trứng luộc để đêm lót dạ. Gã bảo: Mai chúng em biến thành trứng hết. Đẻ con cũng ra một bọc dăm quả trứng. Điên, chị lại mắng. Mày hay nói gở quá. Thế hôm nay “sinh hoạt khoa học” cái gì? Minh bảo: Thằng này ngu lắm chị ạ, người ta góp ý, có thể đúng có thể sai, mình cứ phải nghe hết, đằng này lại gân cổ cãi. Nó hung hăng như sắp đánh nhau ấy. Thế ư, chị buồn cười, thằng này tưởng hiền? Ngu thì có, sùi cả bọt mép ấy. Như một con gà trống xù lông chuẩn bị đánh nhau. Hỏng, chị nói, em bận sau không được như thế nhé. Gã bẽn lẽn: Vâng. Nhưng không hiểu sao cứ đến lúc ấy thì em lại thế. Giống như có cái gì trong người cứ dồn lên, dồn lên. Dồn lên thì phải nén lại, Minh nói. Ừ, biết rồi, gã nói. Minh mách chị: Giáo sư Thanh chủ nhiệm bộ môn bảo thằng này chỉ biết nhắm mắt mà đi, có ngày ngã lộn cổ xuống ao. Làm gì còn ao chuôm ở cái đất Hà Nội này, hi hi… Gã cười. Ông ấy có tốt bụng không? Chị lại hỏi. Tốt, Minh trả lời, chỉ có điều ông không thích lắm mỗi khi thấy nó có bài đăng báo nước ngoài. Và chưa bao giờ thấy ông ấy có một sáng tạo nào, gã bổ sung thêm. Toàn nói lại những điều trong sách đã nói. Chúng mày không được nói “sếp” như thế, hỗn, chị mắng. Sống thì phải khéo léo hơn. Vâng, Minh nói. Vâng, gã nói. Nhưng gã lại quay qua Minh, thì thầm: Thật sự tao không tự hiểu mình. Có một cái gì đó cứ đẩy tao mày ạ. Không ghìm được.

Thôi, chị phải về với cháu đây, chị gái Minh bảo. Hai đứa giữ gìn sức khỏe. Mai mua thêm rau muống, mua mấy mớ gói vào túi bóng cho vào tủ lạnh. Để mai chị mua sấu, gọt vỏ sẵn, chúng mày cho vào ngăn đá, mỗi khi nấu canh lấy hai quả ra cho vào nồi. Biết chưa? Biết rồi. Chị về đây. Vâng, chào chị. À này, chị kéo gã lại gần, cậu trong “sinh hoạt khoa học” nhớ phải ghìm mình lại nhé. Vâng, gã nói, nhưng trong đầu lại vang lên giọng mình: Không ghìm được. Nhưng gã lấp liếm: Còn trong “sinh hoạt” kia có phải ghìm lại như thế không chị? Đồ quỷ. Chị đi.

- Thằng ấy bình thường chứ? - Mấy tuần sau chị gái Minh lại hỏi.

- Có cái gì khác thường đâu? - Minh trả lời, nhưng trong câu trả lời đã thấy cái vẻ không chắc chắn lắm.

Bởi vì Minh thấy dạo này gã làm sao ấy. Minh can: Mày nghiên cứu vừa vừa thôi, không có thì tâm thần đấy. Gã lại hát Làng/ tôi xanh/ bóng tre, theo điệu valse, rồi lại cười rộ. Không biết cái trận đòn hồi còn học phổ thông có ảnh hưởng đến gã không nhỉ? Minh thầm nghĩ. Tâm thần làm sao được, gã nói. Nhưng tao thấy mày hay ngẩn ngơ? Minh nói. Đó là do tao đang suy nghĩ. Đang cố biến cái phức tạp thành cái đơn giản hơn. Phải tìm bằng được cái công thức tổng quát hơn. Nhưng bằng cách nào? Leo lên trời hỏi à? Minh bảo: Có cần thiết phải thế không? Gã quyết liệt: Cần.

Dạo này, gã thường đang làm việc bỏ tất cả đấy, leo lên tầng thượng. Sáng, trưa, chiều, tối, đêm. Minh kể điều đó cho Nguyệt nghe. Nguyệt cảm động, nghĩ thầm: Có lẽ anh ấy nhớ mình. Thực ra, gã đâu có nhớ nàng khi leo lên đó! Ngồi trên giường, đi trong cầu thang, lúc ăn cơm, thậm chí có thể cả lúc ngồi trong toilet, lúc nào cũng có thể nhớ. Các nàng đừng quá giàu trí tưởng tượng như thế. Đàn ông đàn bà lúc nào cũng có thể tự tách mình ra làm đôi. Đứa này khác đứa kia.

Gã lên sân thượng bởi vì không hiểu sao trên đó gợi cho gã nhiều ý tưởng hay ho về cái công thức gã đang xây dựng dở dang. Ở đó, rất cao, phóng tầm mắt ra xa tít tắp, nơi mái nhà chỉ còn là những dấu chấm những dấu phẩy, gã nghĩ gã có thể tìm thấy nhiều ý tưởng ở đâu đó ngoài kia. Minh thì khác, thực tế hơn, chỉ sợ gã sảy chân ngã. Nói cho Nguyệt là để nàng ngăn cản gã. Vâng, Nguyệt nói, em sẽ khuyên nhủ, em sẽ để ý.

- Đàn ông, cứ phải lấy vợ đi mới ổn định được. - Chị gái Minh nhận xét. - Các hoóc-môn sẽ cân bằng.

Chị ấy trở thành nhà hóa-sinh học rồi đấy à? - Gã cười, hỏi. Không, vẫn bán rượu ngoại ở chợ, Minh nói. Nhưng chị ấy lo cho mày. Cám ơn chị, gã nói, cảm động. Chị của Minh có một sạp hàng ngoài chợ, chuyên bán rượu ngoại. Gã và Minh đã từng đến đấy trông hàng cho chị khi chị bận đi xin học mẫu giáo cho con. Hai thằng ngồi lọt thỏm trong đám chai lọ, ngắm nghía đủ loại rượu ngoại chị nhập về. Hệt như lạc vào động châu báu của bốn mươi tên cướp. Chai nào cũng đẹp. Màu sắc chai nào cũng óng ánh hấp dẫn. Nhưng đọc đến giá tiền nào đính lủng lẳng trên cổ chai cũng khiến cho hai chàng hồn vía bay lượn tứ tung. Thỉnh thoảng, lờ lãi khá, chị lại cho hai thằng một chai rượu ngoại nho nhỏ uống chơi. Cho chúng mày chai to, nghiện, tao chết, chị nói. Ngon, gã nói. Ngon, Minh nói. Kìa, Nguyệt đến tìm mày! - Minh nói, rồi bỏ ra khỏi phòng. Minh tự nhiên biến đi đâu mất không biết. Gã ở lại. Gã ôm choàng ngay lấy Nguyệt. Nàng đẩy ra: Khiếp, toàn mùi rượu. Nhưng không kịp nữa rồi, rượu làm cho gã bỏ qua bước một, sang ngay bước hai. Bước hai được chấp nhận. Sao ngon thế! Gã nói. Nguyệt thẹn thùng gài lại khuy áo. Lên nóc nhà đi? Gã rủ. Có cần phải lên đấy không? Nguyệt hỏi. Anh thích lên đấy, gã nói. Bước hai rưỡi được chấp nhận. Trong đầu Nguyệt cũng thoáng nhớ đến lời Minh, Minh chỉ sợ ông bạn ẻo lả và không khéo léo lên đấy rồi sảy chân ngã. Nàng cũng thoáng nhớ đến lời hứa của mình, sẽ khuyên nhủ, sẽ để ý. Nhưng những thứ đó nhớ thì nhớ và quên là quên. Người ta bao giờ cũng mụ mị trước những tiếng gọi từ nơi âm u.

Lên đến nóc, như mọi hôm, gã lại chủ động ngồi xuống nền xi măng nóng âm ỉ. Nàng cũng ngồi xuống bên cạnh. Phía Tây, mặt trời tuy sắp lặn nhưng còn đỏ ối. Trên này vẫn còn quá nóng. Bước ba chắc khó có thể xảy ra, vì nóng chết lên được. Đôi mông đặt xuống nền xi măng lập tức ran lên vì nóng. Khác gì ngồi vào cái chảo rang? Có quần còn thế, nếu cởi quần chắc khiếp đảm. Nhưng tương lai chắc sẽ tươi đẹp, vì lúc này bầu trời phía trên đầu đầy mây. Đám mây nào cũng nặng trĩu. Cái nóng chẳng làm cho các loại hoóc-môn giảm đi, có khi lại hun lên cho nó tăng. Và làm cho khuy áo bật ra. Thế mới mát. Và mát thật. Sau cái hôn dài, gã bảo: Cái công thức tổng quát ấy mà, anh sắp nghĩ ra rồi. Thế ư? Nàng ghì siết lấy gã. Phải có một cú huých nào đó thì nó mới bật hẳn ra, gã nói. Vâng, nàng nói. Và hiểu thế nào là cú huých. Nàng muốn chuẩn bị, nhưng lại không biết phải chuẩn bị như thế nào.

Bất đồ, oàng một cái, tiếng sấm.

Cả hai dừng lại. Nhìn trời.

Bầu trời nặng trĩu. Kiểu như có một cái võng đầy nước đang mắc ngang qua trời. Sẽ mưa. Mưa ở đâu cũng được, ở kia, ở đây, gã đều thích. Từ bé, gã đã sợ nước, nhưng lại rất thích mưa. Cứ trời mưa là nhảy ra sân dầm. Mặc có mỗi cái quần đùi. Nhớ đến đấy, gã mỉm cười, nhìn Nguyệt.

Đúng là có mưa ở phía kia. Không gian đằng kia sẫm hẳn lại. Cũng có một ngọn gió rất bé thổi qua. May quá, không mưa ở ngay chính nơi đây. Càng thích, đúng không em, gã nói. Vâng, vâng, nàng nói. Anh… bỏ ra nhé? Nàng không trả lời. Mát không? Gã nói. Nàng hơi mỉm cười. Dịu dàng, dịu dàng đến chết đi được, gã nghĩ. Hai người ghì lấy nhau, hối hả, mặc mẹ trời muốn mưa thì cứ mưa!

Năm phút sau, có những giọt mưa đầu tiên lác đác rơi, làm cho mái nhà rùng mình. Lúc này, gã sung sướng nhìn Nguyệt, bây giờ mới thấy nàng cũng to lớn thật. Nhưng nàng thật nhu mì, gã chỉ muốn tựa vào đấy mà ngủ. Nhưng ngủ thế quái nào được, bây giờ lại thấy nóng rẫy, mồ hôi mồ kê ròng ròng. Khỉ quá, cái công thức tổng quát vẫn chưa bật ra, trong khi cái khác lại bật ra, rất phi lí, gã nghĩ.

Phía kia, mưa có vẻ rất to, thế mà ở đây chỉ lác đác vài giọt. Từ đây nhìn sang, thấy hẳn một màn mưa màu xám đang giăng giăng, thích quá. Và đột nhiên, quả đất quay thế nào mà đột nhiên xuất hiện cầu vồng. Chân cầu vồng dường như mọc lên từ cái kí túc xá này. Rực rỡ. Gã đứng lên, từ từ đi về phía ấy. Có một cái gì đó ở trong đầu đang nảy ra, đang mọc ra. Trong một tâm trạng rất sung sướng và phấn khích, gã bước lên cầu vồng…

- Khổ thân thằng bé. - Chị của Minh khóc.

Anh cảnh sát điều tra hỏi Nguyệt: Lúc ấy, cô thấy chính xác như thế nào? Nguyệt khóc nức nở hồi lâu, rồi nói: Em thấy anh ấy đi được dễ đến ba mét trên cầu vồng.

Còn Minh, gã vẫn ngồi đó, như lúc nãy, trên mái nhà, trong không khí oi bức đến ngạt thở của lúc trước cơn giông, vẫn ôm chặt Nguyệt trong tay, người ngẩn ngơ. Dường như cái bản thể khác của Minh đã đi mất, còn lại cái thể trạng chán chường và vô tích sự này.
 
T.H.V

 
 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)