Yêu thương đầy ắp

Thứ Sáu, 08/12/2017 00:04
Tản văn . ĐỖ BÍCH THÚY

Từ nơi chị tôi nằm, trên lưng chừng núi, nhìn xuống thấy một khúc sông Lô tuyệt đẹp. Đẹp là bởi ở giữa sông có một đoạn doi nổi lên, chia dòng sông ra làm đôi, rồi về cuối doi lại chập lại. Trên bãi doi, nhiều cây lâu năm, xanh mướt. Nước mới rút sau trận mưa lớn từ thượng nguồn, rều rác còn treo đầy trên những tán cây.

Đây là nghĩa địa của làng. Làng toàn dân Nam Định, Thái Bình lên lập nghiệp từ những năm sáu mươi của thế kỉ trước. Tính đến giờ, nhiều gia đình đã có tới bốn thế hệ sống ở đây. Phía dưới một chút, người Tày, người Dao có nghĩa địa riêng, chia theo dòng họ. Còn người Kinh lên sinh cơ lập nghiệp, thì cứ rời cõi tạm là lên rừng.

Trẻ con bọn tôi không sợ ma. Rừng chỉ là rừng thôi, cho dù là người sống hay người chết trú ngụ, thì cũng chẳng khác gì nhau. Làng mới làm một con đường bê tông nhỏ lên lưng chừng núi. Hai bên, không nhiều lắm, những người đã qua đời nằm đấy. Những nấm mồ lẫn vào cỏ cây. Mỗi khi gia đình lên thăm phải mang theo một con dao quắm, vừa đi vừa phát cây. Nhưng phát gì thì phát, chỉ chục ngày sau, mưa xuống, là lại xanh um, trùm phủ kín mít.

Trẻ con ở làng, chiều chiều đi lấy củi trên núi, về đến đây thường vắt vẻo trên bờ tường bao của một ngôi mộ nào đấy, nhẩn nha nhai một cọng mua vừa tước ở ngay bên cạnh. Cọng mua chua chua, chát chát. Thỉnh thoảng còn vớ được một bụi mâm xôi chín đỏ rực, ngọt lừ, vươn ngọn vào sát mái mộ. Người đi đã đi rồi, với trẻ con thì chẳng có gì quan trọng, cho dù là người dưới đấy trước đây sống thế nào.

Tôi với ông anh cả lên thăm chị lúc trời sắp tắt nắng. Muỗi. Chao ôi là muỗi. Toàn muỗi vằn, gầy, bé, như vãi trấu, lao vào đốt như điên, bất cứ chỗ nào hở ra. Chúng đói đến nỗi lao vào, có khi chưa kịp đậu chắc đã cắm vòi vào da người, dốc ngược lên mà hút máu. Muỗi rừng không sợ chết, cũng chả có kinh nghiệm chạy trốn, cứ đậu là đốt, có khi chưa kịp đốt đã bị đập nát bét. Anh tôi nhặt mấy cái lá sẹ khô còn ẩm sau cơn mưa, đốt lên hun cho bọn muỗi sợ. Thế mà chúng cũng sợ thật, chạy thật.

Tôi lẩn thẩn hỏi anh: Sao ngày xưa mình mò mẫm trong rừng suốt mà cũng chịu được bọn này nhỉ? Anh cười, không chịu được thì cũng phải chịu. Quen đi chứ! Đúng thế thật. Quen đi. Cái gì cũng có thể quen đi. Khi ấy, rừng xanh hơn bây giờ vì nhiều cây cổ thụ. Dưới tán cổ thụ là lớp cây non hơn, thấp hơn, dưới nữa là đám cây bụi. Dưới cây bụi là cỏ, là dương xỉ, là sa nhân… Bọn trẻ con trong làng sáng đi học, chiều lên rừng. Lấy củi, lấy chuối về chăn lợn, chăn trâu, chăn dê, đào măng…

Đời người, làm trẻ con là quãng thời gian hạnh phúc nhất. Hạnh phúc bất tận. Cho dù là nghèo thật nghèo, ăn chả đủ, mặc thì rét. Có cái áo len thì mặc suốt mùa đông không giặt lần nào. Giặt làm sao khô được. Nhưng nhớ lại, ngày nào cũng vui. Buồn gỉ buồn gì cũng chỉ thoảng qua mà thôi. Đi đất lên rừng, chân dẫm đạp lên đủ thứ đá sắc, gai góc, gốc cây gãy đổ, mảnh nứa mảnh vầu… chả làm sao cả. Cứ để thế, về nhà chằng buộc tạm bằng một miếng giẻ cũ, vài hôm là lành. Lại leo trèo dẫm đạp.

Chị tôi không có tuổi thơ của tôi. Chị mất sớm lắm, còn chưa biết cầm dao lên rừng chặt củi. Sinh ra trong thung lũng, lớn lên dưới chân núi, chỉ đến khi ra đi mới được lên rừng. Và mãi mãi nằm lại lưng chừng ngọn núi ấy, dưới những tán cây sẫm tối và réo rắt đến ù tai tiếng muỗi vằn lùng sục kiếm ăn. Tôi với chị, họ tên giống hệt nhau, khác mỗi một dấu sắc và dấu huyền. Suốt những năm tháng bé thơ, lủi thủi một mình trên rừng khi hai anh đi học xa, lúc nào tôi cũng ước mình còn chị. Sau này mới nghe người ta nói, chị em gái như trái cau non. Lúc ấy, chẳng cần biết là trái gì, chỉ cần có chị, còn chị là đủ. Nhưng ông trời ông ấy không nghe. Cứ phải làm cho con người khi vui khi buồn, khi hạnh phúc khi đau khổ, lúc thăng lúc giáng, ông ấy mới bằng lòng.

Đứng dưới tán cây đang tối dần, ngửa mặt nhìn lên, tít trên cao còn nguyên một bầu trời xanh biếc, mây trắng lốm đốm đi dạo, trong những tia vàng óng cuối cùng của một ngày đẹp trời. Một tiếng be be của dê con từ trong bụi cây ngay cạnh vẳng ra, ngoái cổ nhìn thì chú dê đen nhánh tọt qua bụi gai rậm rạp chạy mất.

Hai, ba, bốn thập kỉ đã trôi qua. Chị đã nằm đây lâu lắm rồi. Nhưng trong khi anh em chúng tôi già đi, tóc anh tôi đã bạc gần hết, và mắt tôi thì lưu vết chân chim, chị vẫn còn nguyên là một bé gái tám tuổi. Một bé gái với hai bím tóc dài, dày, đen nhánh, cặp má hồng hào bầu bĩnh, mắt to và buồn, chân tay mập mạp trắng trẻo. Nhờ nghĩ về chị, nhớ chị trong hình ảnh vừa mơ hồ vừa ấm áp ấy, tôi thấy rừng của mấy thập kỉ vẫn còn nguyên, làng vẫn còn nguyên, những bãi phù sa đầy bắp cải, dưa chuột, đậu xanh, đậu đen vẫn còn nguyên, nước sông Lô cho dù đã chảy trăm năm vạn năm vẫn sẽ là nước sông Lô ấy. Và, nơi đây, yêu thương luôn ngập tràn tâm hồn.

Bố tôi là người già nhất nhì ở ngôi làng này. Một trong những người đầu tiên lên đây lập nghiệp. Giờ thì làng có tên hẳn hoi. Nhưng suốt mấy chục năm liền làng không có tên. Người thị xã hay người huyện gọi chúng tôi là “dân số bảy”, hay “dân số tám”. Vì sao gọi thế? Là vì gọi theo cột mốc ven đường. Khi bạn đi từ Hà Nội lên dọc theo quốc lộ 2, đến chỗ cột mốc ven đường ghi: Hà Giang 8 km, hoặc Hà Giang 7 km, thì đấy chính là ngôi làng vô danh mà tôi đang nói đến. Trong giấy khai sinh, sổ hộ khẩu của người làng chỉ ghi đến địa danh xã, chứ không có làng. Thư ở nơi khác mà gửi về xã, thì ôi thôi, có tìm đến “mùng thất” cũng không ra người nhận trong cái xã có chiều dài hàng chục kilômét dọc quốc lộ và sâu hàng kilômét vào chân núi ấy.

Làng vì thế như một ốc đảo. Giống cái bãi doi nằm giữa sông kia. Vẫn sinh sôi nảy nở, vẫn xanh ngắt mùa hè và vàng úa mùa đông, nhưng hoàn toàn biệt lập với thủ đô, với thị xã tỉnh lị, thị trấn huyện lị. Chẳng có điện lưới cũng chẳng có điện thoại. Hai thứ văn minh xa xỉ đó phải đến lúc gần kết thúc thế kỉ 20 người làng mới nghe nói đến.

Chúng tôi không phải dân ngụ cư. Khi kéo nhau lên đây để mong thoát khỏi đói nghèo trong những ngôi làng miền xuôi đất chật người đông, thì toàn bộ dải đất dọc quốc lộ, bên núi bên sông này, chỉ là rừng và những bãi hoang cây cối um tùm. Rừng còn đầy muông thú và cây thì mấy người ôm mới xuể. Làng từ lúc chỉ là rừng tới lúc lô nhô những mái nhà lợp cọ, từ lúc không tên tới lúc có tên, từ lúc không biết điện thắp sáng và cái ti vi là gì tới lúc có xe máy chạy nhì nhằng… đã trải qua bao nhiêu năm tháng vui buồn. Người làng thương nhau, chẳng họ hàng gì nhưng quấn quýt vấn vít như dây bầu dây bí. Sống ở cạnh nhau, tạm biệt cõi người rồi cũng sẽ lại theo nhau lên rừng, lặng yên mãi mãi trong muôn trùng gió thổi mây bay.

Trong số những đứa trẻ chân đất chui lủi trong rừng dạo ấy, nhiều đứa đã đi xa. Đi rồi, thì nỗi khắc khoải về một biếc xanh, sẫm tối, tĩnh lặng, yên bình lại mỗi lúc một thao thiết trào về.  

Trăm năm, vạn năm, vật đổi sao dời, chỉ cần núi vẫn ở nguyên chỗ núi, sông vẫn chảy nguyên trên sông, thì người đi xa vẫn còn nơi để thuộc về.

Đ.B.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)