Cần "dắt tay" người tốt trở lại với văn học

Thứ Bảy, 05/02/2022 10:16

 Kí họa chân dung nhà văn Nguyễn Bình Phương của họa sĩ Đỗ Hoàng Trường.

Hẹn nhà văn Nguyễn Bình Phương nói chuyện văn chương có lẽ còn khó hơn... mời đi uống rượu. Dù chúng tôi thường xuyên gặp nhau, nhưng cuộc trao đổi này phải chắp nối nhiều lần mới thành. Anh bảo đấy là cái tạng của mình. Mỗi khi phải tranh luận, to tiếng hay căng thẳng, anh thấy năng lượng văng ra khỏi người. “Càng ít tiếp xúc, tôi càng còn có cảm xúc để viết. Hôm nào đóng cửa ngồi một mình trong phòng và suy nghĩ thì tôi thấy ngày hôm đó rất có ích”.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh đã xuất bản khoảng 10 tiểu thuyết, 4-5 tập thơ, nhưng quan trọng hơn, phần lớn tác phẩm của anh đều gây được sự chú ý của dư luận.

 

Nhà thơ Hữu Việt (HV): Đời sống hai năm qua xảy ra nhiều biến động lớn, như đại dịch Covid-19 chẳng hạn, nhưng có cảm giác các nhà văn vẫn đứng bên lề, bằng chứng là chúng ta chưa có những tác phẩm lớn về hiện thực này... Anh có thấy thế không?

Nhà văn Nguyễn Bình Phương (NBP): Có lần tôi đã nói ở đâu đó là hiện nay, nhà văn đang sống quá gần với thân nhiệt xã hội, nên văn học không còn khiến người ta nể phục nữa. Vì khi đi cùng nhịp với cuộc sống, nhà văn chỉ là người bình thường, cách nhìn, cách nghĩ của họ cũng bình thường. Trong khi, theo tôi, nhà văn phải là người lùi lại, đi đằng sau để quan sát, chiêm nghiệm về cuộc sống; hoặc giả có người xuất sắc hơn thì đi vượt lên phía trước để nhìn lại đời sống, chứ dứt khoát không nên đi cùng với nó. Cụ thể là chuyện đại dịch đang diễn ra, đại đa số nhà văn đang đi cùng với đời sống nên chưa đủ bình tĩnh để nhìn xuyên qua sự kiện ấy, vì vậy chưa có tác phẩm hay cũng là điều dễ hiểu.

HV: Một tác phẩm hay đồng nghĩa nó phải hấp dẫn. Ai chẳng muốn cái mình viết ra hấp dẫn, nhưng lại không biết sự hấp dẫn đến từ đâu?

NBP: Có thể từ vấn đề mà tác phẩm đặt ra, văn phong của tác giả hoặc nội dung câu chuyện... Ngay cả sự tìm tòi nghệ thuật trong tác phẩm cũng làm nên sự hấp dẫn. Tôi nhớ ai đó đã nói rằng: cái thiện trong tác phẩm muốn được phổ cập thì phải đi kèm với cái đẹp, nó phải đẹp thì người đọc mới xán đến, mới chiêm ngưỡng được cái thiện. Đó chính là sự hấp dẫn.

HV: Tôi thì cho rằng, sự hấp dẫn có thể không nhất thiết phải đẹp, nhưng nhất định phải có duyên...

NBP: Đúng vậy. Có người hễ cứ mở miệng nói đã khiến người khác phải há mồm nghe. Có người vừa đặt bút viết đã ra thứ văn mà người khác nhao đi tìm đọc. Độ hấp dẫn thuộc về cái duyên riêng của từng người. Nhiều nhà văn đặt ra những vấn đề to tát hơn cả truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng độc giả không đọc, lại chỉ tìm đọc ông Thiệp, vì ông ấy có duyên hơn.

HV: Tư tưởng hay thông điệp của tác phẩm có làm nên sự hấp dẫn không?

NBP: Có đấy, nhưng thông điệp nhiều khi còn vượt lên trên sự hấp dẫn. Nếu hấp dẫn để dẫn dụ người đọc thì văn chương đích thực phải đứng cao hơn nó mới bảo toàn được nguyên vẹn tư tưởng của người viết. Khi tư tưởng bảo toàn được thì anh mới khác với tất cả các nhà văn khác.

 Nhà văn Nguyễn Bình Phương và nhà thơ Hữu Việt. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

HV: Theo tôi quan sát thì công nghệ thông tin là một thế giới rất hấp dẫn và ảo diệu, nhưng hình như anh có vẻ là người hơi xa lánh nó?

NBP: Tuy tôi không chơi facebook hay mạng xã hội, nhưng tôi không hề tẩy chay công nghệ, ngược lại, tôi thấy nó có rất nhiều cái lợi. Nó bắt nhà văn phải suy nghĩ nhiều hơn và bắt văn học quay trở lại với hiện thực. Bởi vì trong khi nhà văn ngồi kỳ cạch viết thì người đọc chỉ cần vuốt màn hình điện thoại thông minh hoặc iPad một cái là đã tới được một thiên hà nào đó rồi. Sự ảo diệu, mơ mộng của nhà văn không là gì so với công nghệ. Vì vậy muốn tồn tại thì văn học phải quay trở lại với hiện thực đời sống.

HV: Cái này tôi hoàn toàn đồng ý với anh, bởi vì theo tôi, văn chương nếu thoát ly khỏi đời sống thì nó chẳng còn nhiều ý nghĩa.

NBP: Đúng vậy. Khi anh lang thang trên mạng, ở đâu xảy ra chuyện gì anh cũng biết ngay, nhưng đấy mới chỉ là thông tin đời sống. Còn hiện thực đời sống là anh phải sống kề bên nó, cảm nhận được âm thanh, mùi vị của nó. Vì sao có người viết rất điêu luyện, chau chuốt nhưng lại không có độ mặn của đời sống, nói thẳng ra là thiếu muối đời sống. Tìm trong tác phẩm của họ một vài chi tiết để ám ảnh rất khó. Vì sao? Vì cái đó không thể tìm thấy trên mạng. Cho nên tôi thường nói với một số đồng nghiệp trẻ rằng, hãy tỉnh táo với mạng xã hội vì nó dễ khiến ta nổi hứng tuyên ngôn, ngay cả những lời khen ở trên đó cũng vậy, nó dễ làm ta lầm mình là người lớn lao. Hãy thử đóng facebook lại vài hôm xem, người ta sẽ quên mình ngay. Thế nên, hãy dành thời gian để viết, vì với người cầm bút, lớn hay nhỏ đều nằm ở tác phẩm.

HV: Quan sát đời sống văn học hôm nay, tôi thấy có hiện tượng đáng chú ý: khi nhà văn viết về cái ác, cái bất thiện thì nhiều người đọc tin, còn viết về những việc tốt, người tốt, thì người ta lại cho là “tuyên truyền”, là văn học minh họa? Hiện tượng đó nói lên điều gì?

NBP: Nó nói rằng: đó là điều đáng sợ. Tôi đã từng viết ở đâu đó rằng, người tốt đang bị “dắt tay” ra khỏi văn học, hay nói thô bạo thì họ bị “tống cổ” ra khỏi văn học. Nhiều tác giả chủ yếu viết về cái ác, cái xấu, cái tiêu cực, sự u ám... như anh nói. Chúng ta thấy, văn chương thời bao cấp, người tốt luôn thống trị trong tác phẩm. Nhân vật chính thường là người tử tế, chiến đấu với người xấu và khiến cho những người này cảm thấy xấu hổ, chùn bước. Còn bây giờ thì người tốt không còn chiếm thế thượng phong nữa. Ngay cả khi nhà văn viết về họ thì họ cũng ở vai trò nạn nhân để kẻ xấu dày vò, hành hạ, làm cho tổn thương là chính.

HV: Vì sao?

NBP: Thế hệ trước con người ta phơi phới rất lạ, vì họ có lý tưởng để sống. Chính vì có lý tưởng nên tuy có hạn chế về nghệ thuật nhưng gặp cái tốt là người nghệ sĩ có thể sáng tác được ngay: từ một anh đưa thư đến cô gái đi làm tín dụng, thậm chí cô công nhân chăn nuôi lợn... cũng đi vào những bài hát mà người ta nhớ đến tận bây giờ. Còn hiện nay, tôi có cảm giác cái lý tưởng ấy đang phai nhạt, người cầm bút không có được cảm xúc phơi phới ngày xưa nên không thể viết được như thế nữa, thậm chí có người chạy trốn vào những chỗ rất mù mịt.

HV: Chỗ mù mịt ấy không lẽ lại là cái bất thường, sự vô cảm, thậm chí cái ác?

NBP: Tôi nhớ đã từng đọc một chuyện cười của nước ngoài. Có hai người vào trong quán rượu, người này bảo sẽ chứng minh cho người kia thấy con người bây giờ bất thường thế nào. Anh ta cố tình nói thật to: Hôm nay tôi sẽ bắn chết 10 người và một con lừa. Người trong quán rượu ồ lên ngạc nhiên, hỏi lại anh ta: Tại sao ông lại bắn con lừa? Anh thấy không, người ta quan tâm đến con lừa chứ không màng đến việc 10 người chết! Cái thiện vốn bình thường, lặng lẽ, trong khi cái ác lại nổi lên, lồ lộ, ai cũng thấy ngay, nên coi nó là... bình thường. Người đọc không học được gì nhiều từ những câu chuyện viết về cái xấu, cái ác ngoài sự cảnh giác hay một vài kỹ năng chống lại cái ác. Vì vậy, tôi cho rằng, người cầm bút nhất thiết phải đưa người tốt trở lại với văn học để vực dậy tinh thần lạc quan.

HV: Có thể gọi đó là một phần thiên chức của nhà văn hay không?

NBP: Nên gọi là nghĩa vụ thôi. Về căn bản nhà văn nghiêng về cái thiện, nhưng họ không phải là công cụ của cái thiện. Bởi nếu nhà văn đánh mất đi sự độc lập, thì những gì họ viết ra không còn là nghệ thuật thuần túy nữa.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương tại Ngày Thơ Việt Nam năm 2019. Ảnh: Thành Duy

HV: Anh vừa viết văn, vừa làm thơ. Mới đây tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” của anh đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021. Nhưng nếu phải lựa chọn một trong hai thì anh thích thể loại nào?

NBP: Với người khôn ngoan thì sẽ nói mình thích cả hai, nhưng tôi thì nói luôn là thơ. Ở thơ tôi tìm thấy sự thỏa mãn chính mình và thấy chạm tới được một cái gì đó tạm gọi là hoàn hảo. Với tôi, thơ ảo diệu hơn và đáng sợ hơn văn xuôi. Còn như ai hỏi, khi phải sang thế giới bên kia muốn mang theo cái gì thì tôi bảo đảm rằng mình sẽ chọn thơ!

HV: Slogan của Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X sắp diễn ra có cách đặt vấn đề khá hay: Vì sao chúng ta viết? Những người cầm bút lâu năm hoặc đã ít nhiều thành danh, có phải trả lời câu hỏi này không?

NBP: Văn chương nó nghiệt lắm, thậm chí có người lúc thở hắt ra mới biết mình chọn nhầm nghề. Vì vậy, tôi cho rằng, việc trả lời câu hỏi này rất quan trọng với bất kỳ người cầm bút nào. Một nhà văn khi trình bày thế giới bằng con mắt thẩm mĩ của anh ta thì có cơ may làm cho thế giới phong phú thêm một chút. Cho dù mai kia ta dừng bút, có đến 90% người đọc, hoặc hơn, sẽ quên ta thì ít nhất ta cũng đã cống hiến cho họ góc nhìn về thế giới của một cá nhân.

HỮU VIỆT thực hiện

(Theo Nhân Dân)

 
 
VNQD
Thống kê