Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1046 (đầu tháng 10/2024)

Thứ Sáu, 04/10/2024 20:31

 Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ. Chắc hẳn bạn đọc đã từng nghe câu thơ quen thuộc của thi sĩ Bảo Định Giang về một miền đất mênh mang, trù phú và thấm đẫm tình người. Đồng Tháp, một trong những điểm đến hấp dẫn của khách du lịch khi ghé thăm sông nước miền Tây. Ở nơi đó, biểu tượng của "lục tỉnh Nam kỳ" xưa và không gian văn hóa khoáng đạt ngày nay dường như mãi đan xen, hòa quyện trong miền trầm tích. Mảnh đất phù sa châu thổ địa linh nhân kiệt này hội tụ cả miệt vườn trù phú và đời sống văn hóa nhiều màu sắc. Về Cao Lãnh thưởng thức món cá linh, bông điên điển nở vàng theo con nước nổi. Ghé Xẻo Quýt với hình ảnh tái hiện một thời trận mạc, chiến khu xưa; dập dềnh trên thuyền nghe đờn ca tài tử sâu lắng ngọt ngào; đặc biệt, hình ảnh của SEN nở rộ trên vùng đất sen hồng. Du khách thập phương có thể thưởng lãm không gian văn hóa thuần khiết như hồn sen. Tất cả có trong một Đồng Tháp vừa miên man, trầm mặc, vừa năng động, phát triển.

Để độc giả có một cái nhìn đầy đủ hơn về mảnh đất này, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Huỳnh Minh Tuấn, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp xoay quanh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương trong những năm qua. Bài trò chuyện Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn sen sẽ mở đầu Tạp chí số này.

Truyện ngắn Nàng kĩ nữ ở Hoa Xuân Lầu của Nguyễn Anh Tuấn kể câu chuyện về nàng Đông Mai và mối tình ngang trái với Lương Việt, người võ sĩ thân cận với thái tử Lê Duy Vĩ, con trai vua Lê Hiển Tông. Lấy bối cảnh truyện là thời vua Lê chúa Trịnh, dựa trên những tư liệu lịch sử, tác giả đã xây dựng nên mối tình nhiều éo le, đau xót. Qua đó ta thấy được số phận nhỏ bé của con người, của tình yêu trước những biến loạn thời cuộc. Truyện có những tình huống kịch tính, cao trào, hấp dẫn.

Truyện ngắn Lá thư từ quá khứ của Văn Xương gây xúc động bởi tình đồng đội, tình yêu trong chiến tranh. Những người lính sẵn sàng nhận lấy phần hi sinh về mình để đồng đội được sống được hạnh phúc. Họ đã sống, đã chiến đấu và đã yêu một cách đầy trách nhiệm, nhân văn. Những đau đáu trong lòng người lính năm xưa đã được thế hệ hôm nay giải đáp trong sự vỡ oà…

Truyện ngắn Cây sa mu lặng lẽ của Nguyễn Công Đức giản dị, ấm áp bởi câu chuyện giữa bà Sa, cô con dâu tên Khiêu và anh bộ đội biên phòng tên Thăng. Bà Sa đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời và những biến cố lịch sử, bà giống như cây sa mu lặng lẽ của núi rừng nhưng luôn quan sát, lắng nghe và chở che cho con người. Liệu tình yêu thương, lòng trắc ẩn của bà Sa đối với Khiêu và Thăng có được thấu hiểu, và ước muốn thầm kín của bà có trở thành hiện thực? Bên cạnh đó truyện cũng đề cao tình yêu Tổ quốc, quê hương thiêng liêng, cao đẹp.

Phần Văn xuôi còn có ghi chép Người duy nhất trở về sau trận Rongvean của Nguyễn Vũ Điền; “kí ức người lính” Li cà phê bản Noong Bua của Vũ Công Chiến.

Bài viết “Đi đi non nước chờ anh đó…” của Trương Nguyên Việt là bài viết dành cho mục kỉ niệm 80 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị - Quân đội nhân dân Việt Nam.

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Mai Nam Thắng, Lê Thanh My, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trần Ngọc Khánh Dư, Trang Thanh, Trần Ngọc Mỹ, My O, Doãn Thị Ngọc Bạch, Dương Thắng, Hoàng Thuý, Xuân Huyên, Hoàng Hiền, Nguyễn Thị Anh Đào, Trịnh Oanh Lan, Đinh Hạ.

Những không gian văn hóa, lịch sử sẽ được mở ra trong thơ từ mọi góc nhìn, mọi chiều kích. Những vẻ đẹp, những ẩn khuất của đời sống ở các khía cạnh của tình yêu, gia đình, xã hội với những vui, buồn, quá vãng, giấc mơ, xao động… cũng là nguồn chất liệu bất tận cho thơ. Qua thi phẩm của mình, người viết đã cho thấy khát vọng được chạm sâu vào những thăm thẳm của mọi đề tài nhằm sáng tạo nên một đời sống khác. Những trang thơ vì vậy mà trở nên đa dạng và đầy hứng khởi.

VNQĐ giới thiệu” chân dung tác giả Lê Tuyết Lan và chùm thơ của chị.

Phần Bình luận văn nghệ có sự góp mặt của các tác giả: Quyên Gavoye, Nguyễn Thùy Trang, Trịnh Bá Đĩnh, Hoài Nam, Nguyên Tô, Phạm Thanh Khương.

Trên thực tế, cuốn sách Đối diện với Hồ Chí Minh - sự kiện được viết dưới dạng tư liệu lịch sử và được xếp vào những tài liệu lịch sử “hàng đầu của hồ sơ lịch sử đương đại” (Lời giới thiệu, trang bìa thứ 4) nhưng ngoài những yếu tố lịch sử, cuốn sách chứa đựng rất nhiều tư liệu mang tính cá nhân... Bài viết Nhân cách của một bậc vĩ nhân qua con mắt của người bên kia chiến tuyến sẽ hé lộ những điều thú vị về cuốn sách này.

Trong một khoảng thời gian dài ở thế kỉ trước, văn học nghệ thuật đã hồn nhiên ca ngợi, cổ vũ cho những việc làm tác động đến cảnh quan sinh thái. Chỉ khi hội nhập quốc tế và đứng trước vấn nạn môi trường, con người mới quay về nhận thức lại mối quan hệ với tự nhiên, bắt mạch vào văn hoá truyền thống phương Đông cổ đại. Chính lẽ đó, phản tư về môi trường sinh thái - đô thị như một sự đối thoại đầy trách nhiệm của các nhà văn đương đại. Việc nhận thức lại môi trường sinh thái là một vấn đề cấp thiết, nhằm điều phối suy nghĩ và hành động của chúng ta. Bài viết Đối thoại về môi trường sinh thái - đô thị trong tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI sẽ có những kiến giải sâu sắc xoay quanh vấn đề này.

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ được tiếp cận với những bài nghiên cứu, bình luận sâu sắc, thú vị về các vấn đề khác nhau của văn học nghệ thuật.

Tạp chí VNQĐ số 1046 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 5/10/2024. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

VNQĐ

Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn sen

Nguyễn Công Đức

Cây sa mu lặng lẽ

Nguyễn Vũ Điền

Người duy nhất trở về sau trận Rongvean

Vũ Công Chiến

Li cà phê bản Noong Bua

Trương Nguyên Việt

“Đi đi non nước chờ anh đó…”

Văn Xương

Lá thư từ quá khứ

Nguyễn Anh Tuấn

Nàng kĩ nữ ở Hoa Xuân Lầu

 

Thơ

Mai Nam Thắng

Tuyên của Khánh; Trong ngôi nhà bom ở đầu nguồn Bến Hải; Cúc hoạ mi

Lê Thanh My

Ở ngã ba sông Bassac; Trước muôn chiều

Nguyễn Thị Ngọc Hà

Cánh đồng tháng mười; Chợ âm dương

Trần Ngọc Khánh Dư

Ru đêm; Mắt bão

Trang Thanh

Đồng chiêm; Lên núi

Trần Ngọc Mỹ

Chào tuổi bốn mươi; Quyển học bạ

My O

Mùa lanh; Hẹn vợ; Du ca

Doãn Thị Ngọc Bạch

Một chút Hội An; Có một ông già trên hè phố

Dương Thắng

Núi rách; Khi bão tan

Hoàng Thuý

Giấc mơ ánh khói; Ngồi giữa tháng tám

Xuân Huyên

Ngoại tôi

Hoàng Hiền

Gia phả cánh đồng

Nguyễn Thị Anh Đào

Phù sa máu

Trịnh Oanh Lan

Những ánh mắt trẻ em Làng Nủ

Đinh Hạ

Chạm Huế

VNQĐ giới thiệu thơ Lê Tuyết Lan

Đứa trẻ tôi; Sông người; Khoảng trống

 

Bình luận văn nghệ

Quyên Gavoye

Nhân cách của một bậc vĩ nhân qua con mắt của người bên kia chiến tuyến

Nguyễn Thuỳ Trang

Đối thoại về môi trường sinh thái - đô thị trong tiểu thuyết

Việt Nam đầu thế kỉ XXI

Trịnh Bá Đĩnh

Hà Nội - biểu tượng thiêng trong văn học

Hoài Nam

“Nhặt bóng người”, hay là sự nhoè của cái viết

Nguyên Tô

Mùa Đào Hải Phong, những file buồn tươi sáng

Phạm Thanh Khương

Từ những phận người

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Nhân dân đón chào bộ đội về tiếp quản Thủ đô

Tranh của họa sĩ Nguyễn Thu Trang

Minh họa: Lê Anh, Nguyễn Vân Chung, Lê Trí Dũng,

Phạm Minh Hải, Nguyễn Anh Minh

VNQD
Thống kê