Làm sao để khơi dậy đam mê, tài năng và tính chuyên nghiệp của người viết? Đó là những băn khoăn chung của thế hệ nhà văn đi trước, những người làm công việc chuyên môn, hay những cây viết trẻ khi nghĩ về công việc đào tạo viết văn hiện nay ở Việt Nam. Bài trò chuyện cuối tháng 10 giữa Tiến sĩ, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm với các cán bộ quản lí, giảng viên và sinh viên của Khoa Viết văn – Báo chí (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du) – Đại học Văn hóa Hà Nội sẽ làm sáng tỏ hơn, sâu sắc hơn những băn khoăn ấy.
Cuộc thi truyện ngắn “Lửa mới” đang tiến đến những giai đoại cuối cùng, không còn bao lâu nữa, Tạp chí Văn nghệ Quân đội sẽ tổng kết cuộc thi và tìm ra những cái tên xứng đáng nhất để tôn vinh, trao giải. Số 927, phần Văn xuôi là chùm truyện ngắn dự thi đặc sắc: Đằng sau câu hát của Phan Đức Nam; Đảo trong đêm của Trần Ngọc Diệp; Ngủ một nửa của Vũ Thanh Lịch; bút kí Như gió mùa thu thổi mãi của Phùng Văn Khai và ghi chép chiến trường Những ca gác đêm của Trung Sĩ.
Có những khi nhắc đến tên một nhà thơ, người ta cũng nhớ ngay tới tác phẩm in đậm dấu ấn, làm nên tên tuổi của họ. Với trường hợp của nhà thơ Hữu Loan, đó là bài thơ Màu tím hoa sim – bài thơ luôn được các thế hệ bạn đọc yêu mến. Trong truyện ngắn Đằng sau câu hát, nhân vật tôi đã kể lại câu chuyện tình cờ gặp gỡ, chuyện trò với nhà thơ Hữu Loan, cũng tình cờ cùng nhà thơ gặp một nhân vật đặc biệt. Nhân vật đặc biệt đó là người nghệ sĩ rong ruổi mưu sinh bằng những bài hát. Bài hát Màu tím hoa sim qua tiếng hát của người nghệ sĩ như tìm thấy sự đồng cảm, trải nghiệm, đầy u sầu, da diết đã lay động mọi người. Đằng sau những câu hát ấy còn là câu chuyện thân phận khiến chúng ta phải ngậm ngùi, buồn thương.
Những kì trước, Trần Ngọc Diệp đã thử sức ở những đề tài khác biệt: Dốc thẳng dội vào lòng người đọc sự xa xót trước cơn giận dữ của tự nhiên; Khói mật hương khai thác khía cạnh tâm linh kể về hành trình đi tìm kí ức cảm động và sâu sắc của một người lính đã ngã xuống, thì ở số này, nhà văn dẫn người đọc tìm hiểu một câu chuyện mới. Đảo trong đêm thể hiện một cách sâu sắc về những giằng xé trong nội tâm Du với những giấc mơ đầy ám ảnh mà cô mắc phải. Là một tiến sĩ tâm lí chuyên chữa bệnh cho mọi người nhưng trong cuộc sống của mình, Du có những nỗi niềm riêng, nỗi cô đơn, trống trải, sợ hãi, mất phương hướng không thể mở lời. Đó chính là một ví dụ điển hình trong những căn bệnh tâm lí trầm kha của xã hội hiện đại.
Ngay từ tên gọi, nhà văn đã hé lộ, gợi dẫn về một bức tranh ảm đạm, lơ mơ hệt như trạng thái Ngủ một nửa nửa vời. Truyện ngắn mang tiết tấu chậm, rề rà, sử dụng những câu nói lặp đi lặp lại mở đầu mỗi đoạn văn, khai thác những câu chuyện vụn vặt xung quanh đời sống nhân vật càng khắc họa rõ hơn tính chất đơn điệu, vụn vặt, quẩn quanh, nhàm chán và bất toàn của đời sống.
Phần Thơ là những sản phẩm được “gặt hái về” từ Trại sáng tác văn học đề tài “Chiến tranh cách mạng và người lính trên quê hương Đồng Khởi” với sự góp mặt của những nhà thơ: Đông Triều, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Thánh Ngã, Hồ Minh Tâm, Trần Nhuận Minh, Phạm Nguyên Tường... Mỗi một nhà thơ là mỗi giọng điệu, góc nhìn, trải nghiệm và tâm thế riêng đã tạo nên một trang thơ phong phú, đa sắc diện về mảng đề tài này.
Mục Thơ trong những tập thơ là thi tập Mật ngôn của tình yêu của Lê Khánh Mai do Hoàng Đăng Khoa chọn và giới thiệu.
Phần Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Chuột Na Uy của nhà văn Ai Cập từng đoạt giải Nobel Văn chương 1988 - Naguib Mahfouz. Truyện ngắn này do Trần Hồ Ngọc Tường chuyển ngữ từ văn bản tiếng Anh.
Phần Bình luận văn nghệ có sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Mai Kiên, Đặng Ngọc Khương, Phước Lộc, Trần Đình Sử, Lê Phong, Uông Triều. Bằng cách tiếp cận riêng, mỗi nhà văn, nhà nghiên cứu sẽ lôi dẫn độc giả tìm hiểu những tầng sâu ẩn sau một vấn đề văn học. Qua đó, bạn đọc sẽ có những phát hiện và kiến giải thú vị...
Tạp chí VNQĐ số 927 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/10/2019. Mời các bạn đón đọc!
Văn
Nguyễn Thanh Tâm
Từ người viết đến nhà văn hay câu chuyện khai phóng
tài năng và chuyên nghiệp
Phan Đức Nam
Đằng sau câu hát
Phùng Văn Khai
Như gió mùa thu thổi mãi
Trung Sĩ
Những ca gác đêm
Trần Ngọc Diệp
Đảo trong đêm
Vũ Thanh Lịch
Ngủ một nửa
Thơ
Đông Triều
Chợ Bến Đá; Dành cho quê hương;
Ở thung lũng Shizuoka
Nguyễn Thanh Hải
Khi qua thương nhớ Bến Tre; Dốc sông;
Những ngọn sóng tháng bảy
Nguyễn Thánh Ngã
Người má Bến Tre; Trong vùng trí nhớ thâm nâu
Hồ Minh Tâm
Man khúc nguyên giang; Quê tôi & Mẹ;
Bài mưa cho Hà Nội
Trần Nhuận Minh
Cảm ơn cỏ; Thôi đừng trách mùa thu;
Còn bao nhiêu thời gian
Hoàng Chiến Thắng
Mình; Làm dấu
Hoàng Đăng Khoa
Cả một đời yêu
(Đọc Mật ngôn của tình yêu - Lê Khánh Mai)
Phạm Nguyên Tường
Người ở với em; Trưa đứng bóng ở Thạnh Phong
Văn Công Hùng
Những lá dừa một thuở hát về nhau; Mắt trẻ con
Nguyễn Nhật Nam
Người đàn bà chạy dọc triền sông
Trần Quốc Toàn
Giấc mơ cố thổ
Nguyễn Trường Phong
Vắng
Văn học nước ngoài
Naguib Mahfouz
Chuột Na Uy (Trần Ngọc Hồ Trường dịch từ
“Naguib Mahfouz The time and the place and other stories”)
Bình luận văn nghệ
Nguyễn Mai Kiên
Giản dị và ngân vang
Đặng Ngọc Khương
Thực tại như là trò chơi - ý thức kiến tạo thực tại trong
tiểu thuyết Việt Nam sau 1986
Phước Lộc
Lí thuyết tiếp nhận - khả dụng và giới hạn
Trần Đình Sử
Bàn thêm về đoạn kết của Truyện Kiều
Lê Phong
Lục bát - của tin còn một chút này làm ghi
Uông Triều
Vô chiêu và hữu chiêu
Minh họa, ảnh
Bìa 1: Thiếu nữ bên hoa cúc chi Tranh: Nguyễn Thị Hòa
Tranh, ảnh, minh họa: Nguyễn Văn Đức, Lê Trí Dũng, Nguyễn Văn Minh, Vũ Đình Tuấn, Nguyễn Quốc Trung, PV, Internet.
VNQD