Mặt trái của sự phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là những vấn đề môi trường đang ngày càng trở nên cấp thiết. Những sự cố gần đây như: Formosa Hà Tĩnh, Vedan, cháy nổ tại Công ti cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, ô nhiễm nguồn nước sông Đà,… phần nào cho thấy những bức thiết trong việc gắn liền giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Cùng tham gia vào công tác xử lí, khắc phục các sự cố môi trường không thể không nhắc đến công việc thầm lặng của những người lính hóa học.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số đầu tháng 11 sẽ bắt đầu bằng bài đối thoại có tiêu đề Thiếu tướng Hoàng Xuân Dũng, Chính ủy Binh chủng Hóa học: Bất cứ lĩnh vực nào thuộc chuyên môn, chúng tôi sẵn sàng và thực hiện có hiệu quả.
Phần Văn xuôi, các tác giả dự thi đang chạy đua nước rút với những tác phẩm đặc sắc, đa dạng trong nội dung và cách thể hiện như: Mạc trà của Triều La Vỹ, Ngõ thiên đường của Lưu Thị Mười, Cây đa trước miễu của Nguyễn Thảo Nguyên; bút kí Giấc quê trong vườn mẹ của Nhụy Nguyên và tản văn Chuyện xung quanh Hồ Gươm của Nguyễn Bảo Sinh.
Bằng Mạc trà, Triều La Vỹ đã vận dụng khéo léo những tư liệu lịch sử, lồng với lối hư cấu độc đáo để kể lại một câu chuyện về nhân vật lịch sử ở góc nhìn thân phận cá nhân. Ở đó, nhà văn vẫn đề cập tới nguồn gốc xuất thân, tài năng chí hướng của Mạc Đăng Dung; cách Mạc Đăng Dung phò tá Vua Lê gây dựng sự nghiệp rồi truất ngôi, nắm quyền lập nên nhà Mạc, song chú trọng miêu tả hình ảnh vị vua nhà Mạc một cách chân thực, gần gũi và thế tục trong mối quan hệ với con người, với tình bạn, tình yêu, có những cảm xúc của con người bình thường: với yêu ghét, những thủ đoạn, ham muốn, nỗi niềm cô đơn, uất hận, sầu não...; đặt nhân vật trong những đối thoại đa chiều: tốt và xấu; cao cả và thấp hèn; công và tội...
Tị nạn, di cư là vấn nạn nhức nhối của loài người và trở thành một trong những chủ đề lớn nhất trong văn học đương đại thế giới, đặc biệt là trong văn học châu Phi. Lưu Thị Mười đã nhanh nhạy nắm bắt và khai thác đề tài này qua truyện ngắn Ngõ thiên đường. Hân, Thụy, Camden đến từ các đất nước khác nhau, mỗi người mang những hoàn cảnh riêng đầy éo le. Họ tìm đến nước Mĩ như tìm đến một “ngõ thiên đường”, để chạy trốn khỏi chiến tranh, nghèo đói, bất công, đàn áp và những khổ đau của phận người. Liệu họ có dễ dàng thoát khỏi những bất hạnh, có một cuộc sống tốt đẹp hay họ phải tranh đấu, trải qua nhiều cay cực cùng thương tổn về thể xác và tinh thần nơi xứ người?
Truyện ngắn Cây đa trước miễu kể về bốn người bạn sinh ra, lớn lên trên cùng một mảnh đất. Thân nhau từ thuở thơ ấu, nhưng khi lớn lên, những run rủi của số phận, của tình cảm và chiến tranh đã buộc họ với nhau trên những lằn ranh đối đầu sống chết.
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Tro tàn rực rỡ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Phần Thơ, bên cạnh sự góp mặt của những tác giả quen thuộc của VNQĐ như: Nguyễn Quang Thiều; Nguyễn Trọng Văn, Đỗ Văn Nhâm, Nguyễn Hồng Hải, Nguyễn Giúp, Trần Ngọc Mỹ...; Tạp chí số này còn có sự xuất hiện của một vài cây bút mới, với các tác phẩm có giọng điệu riêng, ấn tượng. Những cảm thức về thời gian, không gian, lịch sử, văn hóa, vùng miền; các đề tài về Tổ quốc, chiến tranh, người lính, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, thiên nhiên; những suy tư, liên tưởng mới lạ; các thể loại thơ đa dạng đã kiến tạo một trang thơ phong phú, sinh động và lôi cuốn độc giả.
Mục “VNQĐ giới thiệu” chân dung tác giả Trần Lê Khánh, một nhân tố mới của thơ ca hiện đại và chùm thơ mới sáng tác của anh.
Phần Bình luận văn nghệ có sự góp mặt của các tác giả: Lê Đình Tư, Thái Phan Vàng Anh, Hoài Nam, Hoàng Thụy Anh, Trần Ngọc Hiếu – Trần Thị Thùy An, Phan Văn Hưng. Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI kế thừa và cách tân thế nào từ “những cội rễ” văn học trung trại, cải biên biểu tượng Vọng phu – diễn dịch khác trong tự sự hậu chiến ra sao, hình ảnh Liệt nữ Mị Ê từ nguyên mẫu lịch sử tới sáng tạo văn chương có tương đồng và khác biệt nào... và nhiều bài viết hấp dẫn khác, sẽ có trong số này.
Tạp chí VNQĐ số 928 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 5/11/2019. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
PV
Thiếu tướng Hoàng Xuân Dũng, Chính ủy Binh chủng Hóa học: Bất cứ lĩnh vực nào thuộc chuyên môn, chúng tôi sẵn sàng và thực hiện có hiệu quả
Triều La Vỹ
Mạc trà
Nhụy Nguyên
Giấc quê trong vườn mẹ
Nguyễn Ngọc Tư
Tro tàn rực rỡ
Nguyễn Bảo Sinh
Chuyện xung quanh Hồ Gươm
Lưu Thị Mười
Ngõ thiên đường
Nguyễn Thảo Nguyên
Cây đa trước miễu
Thơ
Đỗ Văn Nhâm
Nhặt nắng; Đồng ca
Nguyễn Trọng Văn
Bài ca chim phượng; Mùa đông ở Xín Chái
Nguyễn Quang Thiều
Những hạt cây; Dã quỳ
Tuyết Nga
Dưới bóng ca dao; Quê chồng; Tháng mười
Trần Duy Trung
Chúng ta đi qua nơi này; Gió thổi qua tôi như thổi một cánh buồm;
Bài thơ gửi chị Chim Hải
Phan Trung Thành
Tỉnh Giác; Có một sáng tuyệt sinh
Nguyễn Hồng Hải
Tiếng vọng; Một mình với Sigtuna
Trần Ngọc Mỹ
Đôi cánh; Ám ảnh
Mẫu Đơn
Tổ ấm; Nàng
Phạm Hồng Oanh
Nghĩ vụn trong chùa
Phùng Khắc Đăng
Hồ Tây mùa đông
Nguyễn Đình Xuân
Quê nhà
Đặng Thiên Sơn
Bữa tiệc mặt trời
VNQĐ giới thiệu thơ Trần Lê Khánh
Dòng sông lặng lẽ; Về; Chẻ củi; Dấu chân
Nguyễn Văn Biên
Sông xưa; Khung trời ngày cũ
Nguyễn Đức Lợi
Lau nở rồi em ạ; Làm vía
Nguyễn Giúp
Những linh hồn rạ; Cơn mơ hoang ngày tháng mười;
Dỉm ơi, chiều tàn rồi
Bình luận văn nghệ
Lê Đình Tư
Nghệ thuật sân khấu với vai trò bảo vệ tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh
Thái Phan Vàng Anh
Những cội rễ trung đại của tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI
Hoài Nam
Lịch sử văn học Việt Nam: cần một cách viết khác
Hoàng Thụy Anh
Nguyễn Lương Sáng và hành trình từ Một mình đến Biển đời
Trần Ngọc Hiếu – Trần Thị Thùy An
Cải biên biểu tượng Vọng phu - diễn dịch khác trong tự sự hậu chiến
Phạm Văn Hưng
Liệt nữ Mị Ê, từ nguyên mẫu lịch sử tới sáng tạo văn chương
Minh họa, ảnh
Bìa 1: Tranh của họa sĩ Đào Hải Phong
Tranh, ảnh, minh họa: Nguyễn Vân Chung, Bùi Quang Đức, Đỗ Dũng, Phạm Minh Hải, Ngô Xuân Khôi, Tào Linh, PV, TL
VNQD