Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 966 (đầu tháng 6/2021)

Thứ Hai, 31/05/2021 14:02

 “Quân với dân như cá với nước”, câu nói bất hủ ấy của Bác Hồ luôn khẳng định giá trị qua thời gian. Trong chiến lược quân sự Việt Nam thời kì mới, Đảng ta tiếp tục nhất quán kiên định đường lối chiến tranh nhân dân, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Đây là sự kế thừa truyền thống, nghệ thuật quân sự của người xưa. Những bài học giữ nước của cha ông ta đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Dù chiến tranh có phát triển tới hình thái nào, kẻ địch có mạnh đến mấy, vũ khí có hiện đại đến đâu... cũng phải bất lực trước một nền quốc phòng toàn dân, một “thế trận lòng dân” vững chắc mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã dày công xây dựng…

Bài trò chuyện mang tên Dân là thành tố quan trọng bậc nhất trong chiến tranh vệ quốc giữa phóng viên VNQĐ và trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 966.

Phần Văn xuôi ấn tượng với các truyện ngắn: Công tử của Phạm Đình Hải, Kí ức vui vẻ của Trần Nhã Thuỵ, Phù thuỷ thứ thiệt của Nguyễn Thị Kim Hoà; ghi chép Khát vọng Lũng Ngàn của Châu Ngọc; tuỳ bút Tiếng gà của Kiều Maily.

Công tử là những suy tư, trải nghiệm cuộc sống của Phát - một công tử con nhà quyền thế. Những điều đương nhiên được hưởng thụ cùng sự bảo bọc của gia đình đã khiến Phát cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt, vô định, mất phương hướng. Những lựa chọn, những ngã rẽ sẽ thay đổi cuộc đời Phát như thế nào? Danh xưng “công tử” rốt cuộc sẽ đưa Phát về đâu khi giá trị thực sự của nó đã không còn?

Kí ức vui vẻ là những mảnh đời sống đa dạng, sinh động, thường nhật nhưng cũng là cái gì đó vùn vụn, bảng lảng, mỏng manh như thể kí ức của mỗi người. Một đời sống hiện thực nhưng cũng song song đó một đời sống của ý niệm, hai đời sống ấy đồng thời nuôi dưỡng nhau nhưng cũng triệt tiêu nhau để bên cạnh chuyện vui ta vẫn đọc ra được nỗi buồn, bên cạnh cái sống động ta vẫn cảm thấy sự nhàn nhạt … Đâu là nơi chúng ta thực sự thuộc về?

Phù thuỷ thứ thiệt đánh dấu sự trở lại của nhà văn Nguyễn Thị Kim Hoà trên VNQĐ. Một truyện ngắn xúc động, nhân văn, chân thực. Nhà văn đi vào đời sống nội tâm của nhân vật, đặc biệt ở đây là những nhân vật nhí một cách tự nhiên, giản dị để hiểu được và nắm bắt tâm lí, cảm xúc, ước muốn của chúng. Giọng kể hồn nhiên, dí dỏm mà có lúc vẫn khiến ta cay sống mũi…

“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Âm thanh kí ức của nhà văn Doãn Dũng.

Phần Thơ với sự tham gia của các tác giả: Lâm Bằng, Thy Nguyên, Vũ Thị Huyền Trang, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Tiến Sỹ, Nông Thị Hưng, Myo, Mai Diệp Văn, Phan Mai Hương, Anh Anh, Trương Trọng Nghĩa, Phát Dương, Nguyên Như.

Những cây bút trẻ, những cây bút mới đã góp phần làm nên sự tươi mới, phóng khoáng trong những trang thơ số này. Họ mang đến những cảm xúc, suy tư và diện mạo của thời đại mình trong thơ. Với góc nhìn lạ hoá và trẻ trung, người viết trẻ cho bạn đọc thấy được họ đang chiếm lĩnh, khai thác những vỉa tầng mới của thơ. Điều này làm cho cuộc thi thơ của VNQĐ càng thêm cuốn hút, hứng khởi và hứa hẹn nhiều bất ngờ, thú vị.

“VNQĐ giới thiệu” số này là chân dung tác giả Trần Võ Thành Văn cùng chùm thơ ấn tượng của anh.

Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Hồ Anh Thái, Hồ Khánh Vân, Lại Nguyên Ân, Văn Giá, Nguyễn Bá Thành, Thu Sang.

Marie NDiaye - người phụ nữ đổi màu da cho giải Goncourt là một bài viết kĩ lưỡng và ấn tượng về nữ nhà văn mang dòng máu Âu - Phi. Với chữ nghĩa của mình, Marie NDiaye thực sự là người phụ nữ can đảm, thông minh và tinh tế đầu tiên đã đổi màu da cho giải Goncourt và đánh thức các màu da trên địa cầu này nhìn sâu vào nỗi đau nhập cư của những người đàn bà lưu lạc.

Ngành nghiên cứu văn học, tương tự nhiều ngành nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn khác ở Việt Nam, trong đời sống và hoạt động thường ngày của nó, thường chú ý tiếp nhận, học hỏi các nền nghiên cứu văn học trên thế giới. Các chuyên gia của ta từng được cử đi đào tạo ở nước ngoài; khi trở về, các công trình, các ý kiến của họ thường được chú ý lắng nghe. Dịch giả - nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư là một trường hợp như vậy. Bài viết Phạm Vĩnh Cư với ngành nghiên cứu văn học Việt Nam sẽ làm rõ hơn về vấn đề này.

Bên cạnh đó là nhiều bài viết xoay quanh các vấn đề đáng quan tâm của văn học nghệ thuật.

Tạp chí VNQĐ số 966 dày 120 trang với những bài viết thú vị, tranh, ảnh minh họa đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 5/6/2021. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

P.V

Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng: “Dân là thành tố quan trọng bậc nhất trong chiến tranh vệ quốc”

Phạm Đình Hải

Công tử

Châu Ngọc

Khát vọng Lũng Ngàn

Doãn Dũng

Âm thanh kí ức

Kiều Maily

Tiếng gà

Trần Nhã Thụy

Kí ức vui vẻ

Nguyễn Thị Kim Hòa

Phù thủy thứ thiệt

 

Thơ

Lâm Bằng

Những dấu chân…; Ông bán đá mài đi qua làng tôi

Thy Nguyên

Covid…; Giặt lại bình minh

Vũ Thị Huyền Trang

Vợ chồng; Tiếng câm

Hoàng Anh Tuấn

Mắt trầu

Nguyễn Đức Thịnh

Sân ga

Nguyễn Tiến Sỹ

Tiếng gió Hàng Dương

Nông Thị Hưng

Sợi tơ cột trái tim người

Myo

Nàng ả

Mai Diệp Văn

Những ngôi mộ không

Phan Mai Hương

Trên bến đá sông Kỳ Cùng

VNQĐ giới thiệu thơ Trần Võ Thành Văn

Ra đi, những cánh buồm; Ngụ ngôn mùa đông; Mùa gieo hạt

Anh Anh

Nói gì thì nói đi; Rẽ lời em; Người có yêu ta không

Trương Trọng Nghĩa

Đỉnh triều lên; Uống rượu suông ở phương Nam;

Vết cứa sầu riêng

Phát Dương

Về vá lại; Neo nhau bằng gì

Nguyên Như

Trầm; Trên cỏ

 

Bình luận văn nghệ

Hồ Anh Thái

Bản đồ văn chương: Tìm mãi tên anh

Hồ Khánh Vân

Marie NDiaye - người phụ nữ đổi màu da cho giải Goncourt

Lại Nguyên Ân

Phạm Vĩnh Cư với ngành nghiên cứu văn học Việt Nam

Văn Giá

Lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành:

Trường hợp Giấc mơ sông Thương

Nguyễn Bá Thành

Người viết giai điệu tự hào bằng thơ

Thu Sang

Mĩ thuật với đề tài Hà Nội

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Dáng xưa Tranh của họa sĩ Nguyễn Đức Huy

Minh họa: Trương Đình Dung, Nguyễn Văn Đức,

Ngô Xuân Khôi, Phạm Hà Hải, Nguyễn Anh Vũ, PV...

VNQD
Thống kê