. HOÀNG ĐÌNH BƯỜNG
Chân trần chí thép là cuốn sách khá đặc biệt trên nhiều phương diện. Đặc biệt thể hiện từ tiêu đề tác phẩm đến lai lịch tác giả, nội dung sự kiện và quan điểm người cầm bút ở bên kia chiến tuyến từng tham chiến ở Việt Nam, bàn về cuộc chiến đã qua. Từ cái nhìn hằn học, định kiến đến sự “vỡ lẽ” bất ngờ.
Tôi đã từng là “Cộng quân Bắc Việt” (từ dùng của Mĩ và chính quyền Việt Nam Cộng hoà chỉ bộ đội miền Bắc vào chiến đấu ở miền Nam; quân Giải phóng miền Nam họ gọi là “Việt Cộng”), đối mặt với cựu trung tá Thủy quân Lục chiến (TQLC) Mĩ - James G. Zumwalt, tác giả cuốn sách Chân trần chí thép. Sau nửa thế kỉ kết thúc cuộc chiến, bây giờ tôi là nhà giáo nghỉ hưu, ông là nhà văn nhà báo. Chúng tôi gặp nhau trên trang sách nổi tiếng của ông giữa lúc Việt Nam và Hoa Kì đã chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, là đối tác chiến lược, toàn diện của nhau. Đổi thay nhanh chóng, choáng ngợp nhưng không phải tất cả.
Chân trần chí thép ra đời ngày 26/4/2011 ở Mĩ, gây tiếng vang lớn. Người Mĩ, người Việt Nam đua nhau tìm đọc và luận bàn, phủ sóng dư luận khắp thế giới. Tháng 11/2012, theo hợp đồng chuyển giao bản quyền giữa tác giả và Công ty First News - Trí Việt, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã ấn hành 10.000 cuốn do ông Đỗ Hùng, Trưởng ban Quốc tế Báo Thanh niên dịch ra tiếng Việt. Sách bán cháy hàng trong năm đó. Tôi may mắn mua được một cuốn, đọc ngấu nghiến đến trang cuối cùng - trang 375. “Nhóm bạn trà” của tôi (hầu hết là cựu chiến binh) gồm 12 người cũng chuyền tay nhau đọc, trao đổi rôm rả vào các buổi sáng gặp nhau trên bàn trà các gia đình. “Các cụ” có vẻ cũng mê Chân trần chí thép, nhắc đi nhắc lại nhiều lần cả tác giả và tác phẩm, cũng luận bàn, đánh giá tùy hứng.
Về lai lịch, James G. Zumwalt và anh trai đều là lính TQLC tại Việt Nam cùng với cha là Elmo Russell Zumwalt, Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Mĩ, trực tiếp chỉ huy lực lượng Hải quân Hoa Kì ở Việt Nam. Những năm đó, vị Đô đốc đêm đêm dò tìm danh sách quân Mĩ thương vong trên chiến trường Việt Nam xem có con mình không. Dòng họ ông là Zumwalt nên khi nào ông cũng dò đọc từ dưới lên theo vần A, B, C. Tình cha con ở đâu cũng thế, hai đứa con đang ở giữa chiến trường khốc liệt, sao không lo!
Rất may, sau chiến tranh Việt Nam, cả ba cha con cùng trở về nước trong lúc 58.000 quân nhân Mĩ thì vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nhưng thật oái oăm, người con đầu của ông đã chết sau đó không lâu vì nhiễm chất độc màu da cam/ dioxin do chính ông ra lệnh rải xuống chiến trường miền Nam (từng được ca ngợi là “sáng kiến” hay, giúp Mĩ giảm thương vong). Cả nhà vô cùng đau buồn, James G. Zumwalt cũng vậy. Và họ đổ lỗi cho chiến tranh ở Việt Nam, người Việt Nam gây ra!? Bộ máy tuyên truyền của Hoa Kì tỏ ra vẫn có hiệu quả sau chiến tranh, ít nhất là trong các gia đình sĩ quan cao cấp của Mĩ. Sau cái chết của anh trai, James G. Zumwalt càng căm giận và có cái nhìn định kiến về đối phương. Thời đó (trước năm 1994) viên trung tá TQLC James G. Zumwalt có cái nhìn và cách nghĩ sai lệch về con người và đất nước Việt Nam trước và sau chiến tranh cũng không có gì quá lạ. Nhưng, nếu mạch nguồn cảm nghĩ đó vẫn tiếp tục thì đã không thể có được Chân trần chí thép nổi tiếng như bây giờ, và tôi cũng đã chẳng biết được ông là ai trong số hàng chục vạn lính Mĩ tham chiến.
Mốc thời gian tác giả thay đổi tầm nhìn và cảm nhận về đối phương bắt đầu từ chuyến đi sang Việt Nam đầu tiên sau gần 20 năm hòa bình. Tháng 9/1994, ông theo cha đến Việt Nam trong tâm trạng: “Khi máy bay hướng về Hà Nội, tôi tiếp tục suy nghĩ về cái chết của anh trai và hàng ngàn người lính đồng hương khác. Tôi muốn làm một điều gì đó cho họ”.
Nhưng khi cha ông, lúc đó đã 73 tuổi, tự tay nâng một thương binh Việt Nam cụt cả hai chân ra khỏi ghế, đặt lên chiếc xe lăn (quà tặng của cựu chiến binh Mĩ) thì James G. Zumwalt “cảm thấy rất lạ”. “Chứng kiến cảnh cha tôi nhấc người thương binh Việt Nam đặt vào xe lăn và cả hai cùng cười, tôi mới vỡ lẽ”. Tuy nhiên, “vỡ lẽ” từ cử chỉ, hành động của người cha chưa đủ để tác giả cuốn sách “chuyển mình xoay chiều” nếu không có những lần “đi thực tế” ở Việt Nam sau đó. Ông đi một cách hăm hở, tự giác, tràn đầy năng lượng, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, rào cản để đạt mục tiêu tìm ra sự thật về con người và sự kiện cuộc chiến đã kết thúc gần 20 năm trước. Đâu là chân lí, lẽ phải? Đâu là tuyên truyền lừa bịp?
Hai lần đi dọc Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh thành từ Quảng Trị đến Cà Mau, được ông Lê Đỗ Huy (người Mĩ gốc Việt) trợ giúp, James G. Zumwalt đã thực hiện gần 200 cuộc phỏng vấn, trò chuyện với rất nhiều người Việt Nam, chụp hơn 100 bức ảnh liên quan đến chiến tranh ở nhiều nơi. Nguồn tư liệu quý giá đó được ông biên tập, chọn lọc và đưa vào 375 trang sách. Đọc Chân trần chí thép, tôi cảm nhận như chiến tranh vừa mới đi qua, sặc mùi bom đạn, chết chóc, đau thương nhưng vô cùng anh dũng, quật cường lặn sâu trong tâm hồn, trí tuệ của những người đi qua cuộc chiến, để rồi họ nhìn lại và suy ngẫm, kể rành mạch cho tác giả cuốn sách.
Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh tối cao thời đánh Mĩ. Đó là Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam. Đó là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn huyền thoại, vận dụng “logistics” trong chiến tranh vô cùng tài tình, sáng tạo và hiệu quả.
Đó là những cựu chiến binh Việt Nam từng tham chiến trên cả hai miền Nam - Bắc. Đó là những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cống hiến, hi sinh tất cả cho Tổ quốc. Đó là những người dân bình thường gồng mình phục vụ chiến đấu và chiến thắng oanh liệt, vẻ vang, họ rất tự hào tin tưởng, hướng tới tương lai.
Đó là những vùng chiến địa khốc liệt như Củ Chi, Rừng Sác, Chiến khu Đ, Chiến khu R, Tây Nguyên, Trị - Thiên - Huế… lừng danh thời đánh Mĩ.
Bằng nhiều phương tiện, tác giả đã len mọi ngõ ngách để tìm gặp, phỏng vấn, ghi chép với 200 người Việt Nam không quen biết, vốn là kẻ thù. Đó là một kì tích của Trung tá TQLC, cựu chiến binh Mĩ James G. Zumwalt. Tôi rất khâm phục ông về điểm này.
Tác giả không kể hết tất cả nội dung những cuộc gặp gỡ, những vùng đất Việt Nam đã đặt chân tới. Chúng ta cũng không đòi hỏi Zumwalt phải làm hết thảy mọi việc. Thực ra, không thể nào làm được và cũng chẳng cần. Cái tài tình, nhanh nhạy của tác giả là “điểm nhãn” một số nhân vật, sự kiện tiêu biểu đủ cho tác phẩm tỏa sáng: Chiến tranh ở Việt Nam là như vậy, con người Việt Nam là thế đấy! Qua đó bày tỏ quan điểm, cách nhìn cách nghĩ về cuộc chiến một cách khách quan, đúng với sự thật mà lịch sử phải ghi nhận.
Sự kiện trình bày không quá lớn, bóng dáng chiến trận khốc liệt ít được đề cập. Những người có vai trò vị trí quan trọng trong chiến tranh cũng không được nói nhiều. Tác giả chỉ kể những câu chuyện rất bình thường xảy ra trong chiến tranh. Nhưng đọc xong ta mới thấy hết cái phi thường, vĩ đại của những con người “Chân trần chí thép” đáng kính.
Bác sĩ Lê Cao Đài từ Hà Nội vào phụ trách một bệnh viện ở Ngã ba Đông Dương - Bệnh viện 211. Nói là bệnh viện nhưng thiếu thốn đủ bề từ thuốc kháng sinh đến kí ninh chống sốt rét, dụng cụ mổ xẻ… Ngay cả cái ăn cũng phải tự túc bằng cách trồng sắn, trồng ngô và hái rau rừng. Mổ không có thuốc mê, cắt xương bằng cưa thợ mộc. Vận chuyển thương binh, mai táng tử sĩ… nhân viên bệnh viện làm tất. Những thầy thuốc cũng sốt rét vàng võ, gầy nhom như lính trận nhập viện, cũng cầm súng chống trả địch không kém phần quyết liệt.
Ấy vậy mà bệnh viện của ông Đài đã vượt qua tất cả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở xứ sở rừng rú có một không hai (Ngã ba Đông Dương). Tác giả còn cho chúng ta biết bác sĩ Nguyễn Huy Phan đã phẫu thuật tạo hình, đổi dạng cho điệp viên Tư Mâu trở lại hoạt động giữa Sài Gòn. Điều kiện không cho phép, công việc ngoài sức tưởng tượng ở chiến trường, bằng nghị lực, ý chí quyết tâm, bác sĩ Phan đã làm được. Thật là diệu kì! “Chân trần chí thép” là đây chứ ở đâu xa! Anh hùng sinh ra từ tận cùng gian khổ, ác liệt.
Rồi chuyện bộ đội Trường Sơn phục kích hàng tháng trời để bắn rơi một máy bay cường kích - do thám Mĩ AC130 tại A Lưới, Thừa Thiên - Huế. Tất cả thiết bị máy bay thu được, chuyển ra miền Bắc nghiên cứu và lập kế hoạch đánh trả vô cùng hiệu quả, bảo vệ được tuyến đường huyết mạch xuyên suốt chiến trường miền Nam.
Giữa rừng núi thâm u, hiểm trở và ác liệt ở Trị - Thiên, văn công quân Giải phóng vẫn biểu diễn phục vụ bộ đội. Hình ảnh tác giả sao chụp và đưa vào cuốn sách rất giống cảnh biểu diễn của văn công Khu ủy Trị - Thiên cuối tháng 8/1972 lúc tốp thương binh chúng tôi ra viện đã gặp trên đường về đơn vị tại chân dốc “Ông Già”. Đang mặc quần đùi ống rộng thùng thình, da xanh màu sốt rét nhưng nhanh như sóc, tất cả chúng tôi leo lên ngồi trên cây “xem ké”, mắt sáng như đèn soi xuống các cô gái văn công múa hát, tim đập rộn ràng… “Khách không mời” mà tâm trạng như vậy, bộ đội được phục vụ chính thức chắc sẽ rất vui, hứng khởi, sẵn sàng ra trận, xả thân chiến đấu. Trong tôi kí ức chiến trường lại len lỏi tìm về nhờ đọc Chân trần chí thép.
James G. Zumwalt gặp rất nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng trong đó có Mẹ Nguyễn Thị Thứ có đến 9 người thân trong gia đình là liệt sĩ. Nhưng ông chỉ dừng lại ở Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè. Mẹ Mè cùng chồng là Nguyễn Văn Nhơn là nhà giáo từng có trường tư ở Sài Gòn nhưng chủ trương giáo dục theo hướng tiến bộ cách mạng nên bị đóng cửa. Ông bà lên chiến khu R tiếp tục hoạt động. Bốn người con trai của họ trưởng thành và đều trở thành giáo viên. Nhưng không bao lâu, bốn anh em đều nhập ngũ đứng trong đội hình quân Giải phóng. Cuộc Tổng tấn công nổi dậy Mậu Thân 1968, trong vòng hai tháng, ba người con đầu là Sanh, Tài, Đại hi sinh ở tuổi 26, 24 và 22. Đạo, con trai thứ tư, lúc đó 20 tuổi cũng bị trọng thương trên mặt trận. Ông bà Mè ngất lịm tại chiến khu R nhưng rồi lại gắng gượng vươn lên gánh vác nhiệm vụ cách mạng. Đứa con gái tên là Bình đang học ở chiến khu R được cấp trên khẩn trương gửi ra miền Bắc bằng con đường giao liên trên Trường Sơn. Tình cảnh đớn đau tê tái là vậy, nhưng ngày tác giả gặp, Mẹ Mè (lúc đó đã 90 tuổi) nỗi buồn hình như đã biến mất từ lâu. Mẹ tươi tỉnh, đôn hậu trong nét mặt rạng ngời tương lai: “Nhiều người hỏi cô, sao không nghỉ ngơi an hưởng tuổi già. Cô trả lời: Những người con trai của cô từng hứa chiến đấu để thống nhất đất nước, sau đó sẽ xây dựng Tổ quốc đẹp giàu. Các con mới hoàn thành vế đầu của lời hứa nên giờ cô phải làm phần còn lại”.
Câu trả lời toát lên tất cả tâm hồn, phẩm giá, ý chí của Mẹ Việt Nam Anh hùng. Một lần nữa “Chân trần chí thép” lại được minh chứng và khẳng định, tỏa ánh hào quang, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Ra miền Bắc, tác giả cũng đi nhiều nơi, gặp nhiều người và cuối cùng dừng lại ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Nơi đó đã xảy ra cuộc đọ sức lịch sử 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” khiến Hoa Kì choáng váng và cuối cùng nhận thất bại. Phố đổ nát không còn nhiều, cây đã phủ màu xanh, cuộc sống mới đổi sắc thay da. Hình bóng chiến tranh trên miền Bắc chủ yếu lưu lại trên ảnh. Đó là cảnh hoang tàn đổ nát ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, Hà Nội, Hải Phòng… Là hình ảnh địa đạo Vịnh Mốc. Là những em nhỏ đội mũ rơm chui rúc trong hầm hào. Đau xót nhất là hình ảnh em bé Hà Nội chết gục bên chiếc lồng chim cầm trong tay. Nhưng có lẽ, đây mới là điều tác giả lưu tâm: O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mĩ lênh khênh bước cúi đầu/ Ra thế, to gan hơn béo bụng/ Anh hùng đâu cứ phải mày râu. Tấm ảnh o du kích và phi công Mĩ quá ấn tượng, bên to bên nhỏ, bên cao bên thấp, bên cúi đầu, bên giương cao súng dẫn giải tù binh… ghìm chân, dán mắt tác giả vào đó.
Việt Nam là vậy, phía Mĩ thì ra sao trong cuộc chiến? Người Mĩ qua Việt Nam thực hiện nghĩa vụ “vì danh dự, lí tưởng tự do, công lí”? - Lừa phỉnh. Ra đi có phần hăm hở nhưng qua thực tế chiến tranh họ bắt đầu hoài nghi. Vậy nên, họ tính từng ngày để trở về. Chơi gái điếm, xài búp bê tình dục, dùng bật lửa hình phụ nữ “bấm trên xòe dưới”, cờ bạc cũng dính luôn. Súng lính Mĩ bắn ra không có mục tiêu rõ ràng như Việt Cộng/ Cộng quân Bắc Việt trên chiến trường. Thua cuộc là tất yếu.
Nhìn nhận đúng sự thật cả hai phía, tác giả đã có những nhận định, kết luận khá chính xác: “Có lẽ sai lầm lớn nhất của chúng ta (Mĩ) tại Việt Nam là không nhận ra rằng chúng ta đang chiến đấu với “thế hệ vĩ đại nhất” của đất nước này - một thế hệ với quyết tâm thống nhất, duy trì sự tồn tại của dân tộc, sẵn sàng đứng lên đánh đuổi hết quân ngoại xâm”; “Cũng cần nhận thức rõ ràng rằng, một Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của Hà Nội, khác với luận điệu mà các quan chức Mĩ luôn rao giảng trong suốt cuộc chiến, không bao giờ là một mối đe dọa đối với nước Mĩ”.
Trong lời tựa Chân trần chí thép, Thượng tướng Phan Trung Kiên, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, viết: “Tôi khâm phục sự trung thực và dũng cảm của tác giả quyển sách khi bộc lộ những cái nhìn khác biệt với quan điểm thù hận ở thời tuổi trẻ của ông và ở chính quyền Mĩ hồi đó. Thật không dễ để viết được một cuốn sách thẳng thắn và sâu sắc như vậy”.
Cho dù còn có chỗ này chỗ nọ trong cách nhìn, cách nghĩ và lối viết nhưng Chân trần chí thép rất xứng đáng được cả hai quốc gia ca ngợi. Đương nhiên, không có sự đồng nhất tuyệt đối. Tác giả cho rằng bản thân “viết cuốn sách này là để xây dựng nền tảng cho hàn gắn”.
Rõ ràng từ sau năm 1994 đến khi cuốn sách ra đời, James G. Zumwalt đã chuyển đổi nhận thức rất cơ bản, từ thù hận định kiến đến thấu hiểu, sẻ chia, ca ngợi Việt Nam trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử. Điều này đã được minh chứng qua hành động của ông cùng cựu chiến binh Mĩ sang Việt Nam trợ giúp các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, cung cấp tài liệu, tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bộ đội Việt Nam… Và quan trọng hơn cả là góp phần hàn gắn, xây đắp mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kì lên tầm cao mới: đối tác chiến lược, toàn diện.
H.Đ.B
VNQD