. TRÌNH QUANG PHÚ
Lê Anh Xuân và “dáng đứng Việt Nam”
- Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
- Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, 2011
Nhà thơ Lê Anh Xuân tên khai sinh là Ca Lê Hiến, khi đi chiến trường mới có bút danh Lê Anh Xuân.
Tôi và Ca Lê Hiến học cùng trường học sinh miền Nam số 24 do thầy Lê Phú Lộc làm Hiệu trưởng đóng ở khu Mác-ti (cầu quay) Hải Phòng. Tôi và Hiến sinh cùng năm, cùng trong ban chấp hành hiệu đoàn trường và đặc biệt cùng trong tiểu nhóm bích báo của trường nên rất gần nhau. Từ ngày ấy chúng tôi đã gọi Hiến là cây thơ của trường vì anh làm thơ rất hay và rất mau. Hiến hay làm những bài thơ nhớ quê, nhớ dừa, mưa, nhớ sông quê… Mỗi lần sinh hoạt Ca Lê Hiến đọc lên mọi người đều xúc động, mấy nữ sinh sụt sùi lau nước mắt. Không biết sau này khi trở thành nhà thơ thì những bài thơ học sinh thời ấy có được anh giữ lại không. Chúng tôi ở chung với nhau được hai năm thì chia tay vì sự phân bổ của trường. Về sau Ca Lê Hiến vào Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những năm 1960, tôi đọc bài Nhớ cơn mưa quê hương của anh trên tạp chí Văn nghệ, và bài thơ được giải thưởng cao của tạp chí. Bài thơ này cũng có những tứ từ những bài thơ nhớ quê ở tuổi học trò: Cơn mưa nhỏ của quê hương ta đã sống/ Nay vỗ lòng ta rung động cả trăm sông/ Ôi cơn mưa quê hương. Bài thơ được nhiều cán bộ miền Nam tập kết chép chuyền tay nhau đọc.
Sau này khi Ca Lê Hiến đi chiến trường tôi có đến thăm bác Ca Văn Thỉnh, ba của Hiến ở đường Lý Thường Kiệt, ông cũng là nhà nghiên cứu xã hội nhân văn. Ông cho biết, sau khi học xong đại học, nhà trường giữ Hiến lại làm giảng viên và Trung ương bố trí anh đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô, nhưng anh từ chối. Bác Thỉnh nói: “Thằng Hiến nó nhất quyết không đi học, nó một mực đòi trở lại miền Nam chiến đấu, bác ủng hộ ý nguyện chính đáng của nó”.
Ca Lê Hiến trở về chiến trường trong lớp những người về Nam sớm. Những năm đó, 1960 - 1964, đường Trường Sơn còn rất khó đi, phải đi bộ 3 - 4 tháng ròng mới vào tới Trung ương Cục đóng ở Tây Ninh. Trung ương cử anh về Tiểu ban Giáo dục miền Nam nhưng chỉ ít sau anh được điều qua Hội Văn nghệ Giải phóng do anh Lưu Hữu Phước (tức Huỳnh Minh Siêng) làm Chủ tịch, có lẽ Trung ương Cục đã thấy khả năng sáng tác văn học rất tốt của anh. Từ đó cái tên Lê Anh Xuân (từ miền Nam gởi ra) xuất hiện đều trên các báo, tạp chí như Thống nhất, Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Quân đội nhân dân…
Năm 1968, tổng tiến công ở miền Nam vang dội cả thế giới, miền Bắc sục sôi, lớp lớp thanh niên xung phong ra trận. Giữa lúc ấy từ miền Nam gởi ra một bài thơ của Ca Lê Hiến làm lay động lòng người, làm bừng bừng lòng tự hào, ý chí quyết thắng trong lớp lớp thanh niên trai tráng. Đó là bài Dáng đứng Việt Nam. Đây là một bài thơ nhưng nói đúng hơn là một bức tranh, một pho tượng về người chiến sĩ Giải phóng quân miền Nam anh hùng. Tháng 8 năm 1968, khi đi dự Đại hội Thanh niên sinh viên thế giới lần thứ 9 ở Sofia, chúng tôi cho dịch bài thơ ra tiếng Nga, tiếng Pháp, các bạn thanh niên thế giới đọc rất thích, có người thuộc lòng, khi gặp chúng tôi họ đọc lên. Một nhà văn hóa trong hội đồng giám khảo nghệ thuật quốc tế của đại hội hỏi tôi: Vì sao các anh không gởi dự thi bài thơ này? Nó xứng đáng được Huy chương Vàng. Tại đại hội có trao giải nghệ thuật cho các tác phẩm ảnh, tranh, thơ, nhưng phía Việt Nam ta chỉ chú ý gởi tranh và ảnh mà không nghĩ đến việc chọn gởi thơ dự thi. Tôi tỏ ra tiếc và nói với bà thành viên hội đồng: “Rất tiếc, chúng tôi không biết là thơ có thể dự thi”. Bà nhìn tôi và nói: “Nhưng Dáng đứng Việt Nam đã được tấm huy chương cao hơn là đi vào lòng mọi người, được thế giới khen ngợi và yêu thích”.
Rất tiếc, sau bài thơ kiệt xuất này, Lê Anh Xuân đã hi sinh. Những người biết anh thương nhớ anh đã đành, nhiều bạn trẻ miền Bắc đã bày tỏ sự tiếc thương anh, chỉ vì đã nằm lòng Dáng đứng Việt Nam của anh. Đúng là: Tên anh đã thành tên đất nước/ Ôi anh giải phóng quân/ Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.
Năm 1973 ở Paris về, tôi được vào làm việc với Trung ương Cục. Hôm đó, tôi và hai nhà báo Lê Bá Thuyên, Trần Phượng cùng ngồi với các anh Lưu Hữu Phước, Lê Văn Thảo, Ngô Y Linh, Chim Trắng… Tôi có hỏi Lê Văn Thảo về cái chết của Ca Lê Hiến. Lê Văn Thảo nói: “Hiến chết ngạt dưới hầm bí mật. Tôi là người dẫn anh em đến lấy xác Hiến đưa về an táng ở Cần Đước”. Thảo kể: Giai đoạn đó chủ trương của lãnh đạo là ít đưa văn nghệ sĩ ra tuyến trước của cuộc chiến đấu để tránh tổn thương, hi sinh. Nhưng Ca Lê Hiến mấy lần năn nỉ xin cấp trên cho anh vào nội đô Sài Gòn. Hiến nói với Lê Văn Thảo: “Bụng dạ tôi cồn cào quá, ở trỏng đánh như vậy mà mình ở ngoài này nó làm sao ấy. Ông nói giúp, nói thêm cho tui đi”. Thế rồi cấp trên đã đồng ý. Ca Lê Hiến được cấp súng, quân trang ra trận. Đây là một đoạn nhật kí của Ca Lê Hiến ghi ở cửa ngõ phía Tây Nam Sài Gòn:
“Ngày 12 tháng 5: Lãnh súng không có bao, lau súng. Đêm pháo bắn đỏ hướng Đức Huệ.
Ngày 13 tháng 5: Ngủ bên bờ sông B.L, pháo bắn, mưa ướt.
Ngày 14 tháng 5: Ẩn dưới khóm tràm nhỏ tránh trực thăng, trên đầu không lúc nào ngớt tiếng máy bay. Ăn bánh tét trừ cơm.
Ngày 15 tháng 5: Trực thăng rà soát, qua vườn dừa, lội qua nhiều rạch, cánh trực thăng rơi, ướt hết đồ, chạy muốn đứt hơi”.
Thông thường hầm bí mật đều có lỗ thông hơi. Trong trường hợp bị ngạt thì có thể mở nắp xông lên chiến đấu, mở đường máu để thoát hoặc cùng lắm là trước lúc hi sinh vẫn tiêu diệt được kẻ thù. Trong trường hợp Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân mọi người cho rằng, có thể hầm mới trên đường hành quân không được chăm sóc, lỗ thông hơi bị tắt. Ca Lê Hiến không mở đường máu vì sẽ lộ, còn cả đơn vị. Không có hợp đồng tác chiến thì một mình sẽ làm nguy cho cả đơn vị. Ca Lê Hiến đã âm thầm nén chịu và hi sinh để bảo vệ an toàn cho đồng đội.
Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân ra đi ở tuổi 28 xuân xanh, anh đã về cõi tiên như lời thơ anh viết trong kiệt tác Dáng đứng Việt Nam hai tháng trước đó: Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ.
Đúng, anh cũng là một “dáng đứng Việt Nam”, thơ anh cũng xứng đáng hơn như thế. Năm 2011, Nhà nước đã truy tặng Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tác phẩm của Lê Anh Xuân được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Thu Bồn và “bài ca chim chơ-rao”
- Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, 2001
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, 2017
Năm 1968, miền Nam tổng tiến công thắng lớn. Chúng tôi, những cán bộ miền Nam ở miền Bắc được làm công tác văn học báo chí cho miền Nam, vô cùng trân trọng và yêu quý các tác phẩm của các nhà văn từ chiến trường ác liệt gởi về.
Bài ca chim Chơ-rao của Thu Bồn nổi tiếng những năm ấy. Đây là trường ca đầu tiên từ miền Nam gởi ra, lại viết về Tây Nguyên bất khuất. Không hiểu bút danh Thu Bồn là ai. Vì mỗi nhà văn vào miền Nam đểu đổi tên. Tôi khẳng định tác giả phải quê ở Quảng Nam và là vùng ven sông Thu Bồn. Hỏi bên Văn nghệ Quân đội mới biết Thu Bồn là bút danh của nhà báo Hà Đức Trọng. Anh là một trong tốp những cây viết trẻ vào chiến trường năm 1962, tốp đầu tiên của lực lượng viết văn quân đội. Năm đó, Hà Đức Trọng 27 tuổi nhưng là một quân nhân đã có thâm niên quân ngũ 15 năm vì anh tham gia thiếu sinh quân từ năm 12 tuổi. Tôi được cơ quan phân công đi Bắc Kinh để nhờ bạn in cho một số tác phẩm văn học miền Nam và trao một số bản thảo để phía Hội Nhà văn Trung Quốc dịch ra tiếng Trung, trong số đó có Bài ca chim Chơ-rao của Thu Bồn. Tôi là người viết văn, nhưng trường ca của Thu Bồn có sức hút đối với tôi, bởi vì đây là một tác phẩm hay, hay cả về thể loại và cả về nội dung ca ngợi sự kiên cường bất khuất vượt trên gian khổ hi sinh của Tây Nguyên. Hơn nữa, những năm ấy tôi đang quan tâm viết về Tây Nguyên. Tôi đã gặp anh hùng A Xâu, A Vai, Kan Lịch… Và một sự tình cờ tôi đã chọn con chim chèo bẻo làm tượng trưng cho ý chí quật cường của người Tây Nguyên. Vì con chim chèo bẻo nhỏ mà anh hùng, biết tập hợp cả đàn để đánh và đánh đến cùng, đánh cho kẻ thù thua chạy mới thôi. Con chim chèo bẻo được đồng bào các dân tộc yêu thích. Người dân tộc Êđê gọi là chim kwai, người Gia Rai gọi là chim kơ-chươi, người Cor gọi là chim sip-po-lít. Người dân tộc Raglai gọi là con chim paly và nó là tơ-kai, là kuê, là quay hươ bao… của các dân tộc khác. Người Ba Na của anh hùng Núp gọi là chim đơ-rao. Tôi có linh tính rằng cánh chim chơ-rao của Thu Bồn cũng là chim chèo bẻo mà người Kinh vẫn gọi. Trước ngày miền Nam giải phóng tôi có kí sự Như cánh chim Kơ-vây viết về các anh hùng Tây Nguyên.
Sau ngày đất nước thống nhất, tôi có dịp gặp nhà thơ Thu Bồn. Một nhà thơ người đậm đà, tầm thước, da ngăm đen, dáng đi vững chắc, linh hoạt, trên môi anh luôn có nụ cười hồn nhiên cởi mở và giọng nói thì sang sảng. Hỏi ra mới biết năm 1962, tốp những nhà văn quân đội ra chiến trường gồm 13 người mà mọi người vẫn gọi là tiểu đội văn nghệ quân đội. Nhưng đến ngày giải phóng miền Nam cả tiểu đội hi sinh gần hết, chỉ còn lại có 3 người. Đó là nhà văn Nguyễn Chí Trung, sau này là Thiếu tướng, Trợ lí của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người thứ hai là nhà thơ Thanh Giang và Thu Bồn là người thứ ba. Cả ba người cũng giống như Nguyên Ngọc trong chống Pháp, đã sống chết với Tây Nguyên. Tôi trao đổi với Thu Bồn về chim chèo bẻo và kể cho anh nghe về chuyện tôi viết kí Như cánh chim Kơ-vây. Thu Bồn gật đầu: “Con chim chèo bẻo ở miền Tây Quảng Nam người Kinh gọi là chim bồ chao. Người Ba Na có vùng gọi là chim bơ-lang. Bà con dân tộc Ba Na ở Quảng Nam và Kon Tum thuộc triền đông của núi Ngọc Linh gọi là chơ-rao”. Anh nói thêm: Có lẽ người Kinh ta phiên âm từ chơ-rao thành bồ chao. Sau này trao đổi với chị Tuyết Nhung ở buôn Krông, là phó giáo sư, tiến sĩ người dân tộc Êđê đang dạy ở Đại học Tây Nguyên, chị nói: Chim chèo bẻo người Êđê gọi và viết đúng là chim kwai (phiên âm là kơ-vai), người Ba Na gọi là chim d’rao, có nơi gọi là chơ-rao.
Tôi vui vì tôi và anh Thu Bồn đều yêu con chim chèo bẻo oai hùng. Tôi đề nghị anh đọc cho tôi nghe một đoạn của trường ca mà anh nhắc nhiều đến chim chơ-rao. Thu Bồn cười vui vẻ, anh đọc:
Chim Chơ-rao ôi! Chào chim nhé
Con chim không bao giờ chịu lẻ đàn
Chim hãy đến rẫy rừng ta ca hát
Đem nguồn vui đến nóc buôn Sang
…
Hỡi bầy chim Chơ-rao trong mây trắng
Hỡi con chim Xa-lon trong nắng
phất cờ
Hỡi con Xen-đun, Xem-tơ-răng lấy mật
Rộn ràng cây Kơ-tơ-đáp sáng tinh mơ
…
Bài hát chim Chơ-rao xinh đẹp
Đậu bên bờ suối đá trơn
…
Tất cả đàn chim Chơ-rao bay lượn
Chim Chơ-rao mà sao má đỏ hồng
Thu Bồn dừng lại nhìn tôi và nói: “Kơ-vây của ông, chơ-rao của tôi đều là biểu trưng một tấm lòng, một nốt rung để ca ngợi những chàng trai, các cô gái xinh đẹp của các dân tộc Tây Nguyên anh hùng bất khuất. Chim chơ-rao vô cùng xứng đáng là hình ảnh tượng trưng đúng nhất và đẹp nhất về những con người Tây Nguyên nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung”.
Nguyễn Mỹ và “cuộc chia ly màu đỏ”
- Liệt sĩ, hi sinh ở chiến trường Khu 5
- Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, 2007
Nhà thơ Nguyễn Mỹ cùng quê hương Tuy An (Phú Yên) với tôi. Anh lớn hơn tôi mấy tuổi. Cuối đầu năm 1954 rất tình cờ tôi gặp anh. Khi đó tôi là chú liên lạc 14 tuổi đi đưa công văn của Tỉnh đội cho Tiểu đoàn chủ lực tăng cường để chống chiến dịch Át-lăng của địch. Khi đến Tiểu đoàn bộ thì mọi người đang văn nghệ. Một anh bộ đội trẻ đẹp trai, áo sơ mi vải xi-ta có cò vai của vệ quốc quân đang ngâm thơ, bài thơ do anh sáng tác được mọi người vỗ tay nhiệt liệt, đó chính là anh lính 18 tuổi Nguyễn Mỹ, quê ở xã An Nghiệp.
Khoảng năm 1958 - 1960, những năm đầu cầm bút, tôi quen nhà thơ Nguyên Hồ cùng quê Phú Yên với tôi, đang làm việc ở Nhà xuất bản Phổ thông. Qua anh tôi có bài in trong những tập sách nhỏ về phong trào thủy lợi. Những ngày trên đất Bắc ấy, người Phú Yên rất ít, bởi vì theo Hiệp định Genève thì Phú Yên phải bàn giao cho địch ngay sau ngày hòa bình. Tỉnh ủy phải trú đóng ở Bình Định, số cán bộ đi tập kết rất ít, cho nên mỗi khi gặp được người cùng quê Phú Yên chúng tôi quý mến như ruột thịt. Tại nhà xuất bản tôi gặp lại Nguyễn Mỹ. Anh Nguyên Hồ giới thiệu và nói chuyện một lúc tôi nhận ra anh, người thanh niên ngâm thơ hồi chống Pháp. Chúng tôi thường gặp nhau nói chuyện thơ văn. Tôi thường đọc thơ anh trên báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi với Nguyễn Mỹ gần nhau vì là cùng bộ đội Phú Yên chống Pháp, nhất là cùng quê ở Tuy An nên thỉnh thoảng ngày nghỉ rủ nhau đi thư viện hoặc dạo chơi đâu đó.
Một lần vào năm 1965, tối thứ bảy, Nguyễn Mỹ rủ tôi đi Câu lạc bộ Thống Nhất. Những năm đất nước còn chia cắt, ở Hà Nội hồ Hoàn Kiếm ngày chủ nhật là nơi anh chị em miền Nam về dạo để mong gặp người quen, vì vậy có thời gian gọi hồ Hoàn Kiếm là “hồ tìm kiếm”. Và bên bờ hồ phía gần đền Lê Lợi có một ngôi nhà to nằm ở ngã ba đường Hàng Trống và đường Lê Thái Tổ được Ban Thống Nhất cho làm Câu lạc bộ Thống Nhất. Cuối tuần thường có những cuộc nói chuyện tình hình miền Nam, xem văn nghệ, chiếu phim… Và nơi đây cũng là nơi bà con miền Nam gặp gỡ nhau. Trong câu lạc bộ có những món ăn miền Nam như bún bò Huế, bún mắm Nam Bộ, bánh xèo, bánh tráng cuốn miền Trung… Hôm đó đúng là đêm thơ, các nghệ sĩ nổi tiếng ngâm các bài thơ viết về miền Nam, về nỗi nhớ mong miền Nam, về khát vọng thống nhất đất nước. Nguyễn Mỹ nghe chăm chú, bỗng người xướng ngôn giới thiệu Trần Thị Tuyết, nghệ sĩ ngâm thơ số một lúc bấy giờ sẽ ngâm bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ. Cả hai chúng tôi vui mừng vỗ tay. Tôi biết Nguyễn Mỹ viết bài thơ này và đã đăng trên tạp chí Văn nghệ được mọi người khen, nhưng không ngờ bài thơ được ngâm hôm nay. Người nghe im phăng phắc, khi nghệ sĩ kết thúc, các tràng pháo tay kéo dài. Một người giọng Nam Bộ đứng lên yêu cầu ngâm lại. Bài thơ nói về cuộc chia ly để người chồng ra chiến trường đánh Mỹ với lòng đầy tự tin ở ngày chiến thắng. Nghệ sĩ Trần Thị Tuyết cảm ơn chỉ xin ngâm lại một đoạn. Mọi người nhiệt liệt tán thưởng. Hôm ấy, tôi thấm sâu hơn về tính chiến đấu, về tài năng của Nguyễn Mỹ.
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh nóng bỏng
sáng ngời
…
Và người chồng ấy đã ra đi...
Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung
nhè nhẹ
Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào
Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau...
Tôi nắm chặt tay Nguyễn Mỹ với tất cả sự rung cảm đang trào dâng. Chúng tôi vui hân hoan. Một người bên cạnh vỗ tay kêu “bốp” thật to và nói theo kiểu Nam Bộ: Thằng cha nào viết hay quá, đúng quá, giỏi quá ta! Anh ta đâu có biết rằng tác giả của bài thơ hay đó ngồi bên cạnh đang vui sướng trong lòng. Nguyễn Mỹ im lặng, tôi nói khẽ vào tai anh: “Phần thưởng cho anh đấy”. Những ngày ấy, chỉ một bài thơ này đã đưa Nguyễn Mỹ bước vào quỹ đạo thơ Việt Nam.
Năm 1968, tôi về công tác ở Ban Miền Nam của Trung ương Đảng, Nguyễn Mỹ gặp tôi thông báo anh được chấp nhận trở về miền Nam chiến đấu. Anh vui lắm, thấy rõ sự rạo rực cả trên nét mặt và ánh mắt của anh. Hôm đó, nhân có bài mới in được nhuận bút tôi mời anh và anh Nguyên Hồ cùng chú Tường Linh của tôi cũng là người hay viết ca dao với Nguyên Hồ thời chống Pháp ra hồ Trúc Bạch ăn bánh tôm Tây Hồ uống bia hơi để chia tay Nguyễn Mỹ. Nguyễn Mỹ đọc tặng chúng tôi bài thơ về Phú Yên, về Tuy An quê hương:
Tuy An đất mẹ dịu hiền này
Những thung vui như cối gạo đầy
Núi như đàn ngựa chồm ra biển
Sông Cái như tà áo lụa bay
Chúng tôi chia tay nhau, ngày anh vào chiến trường cũng chỉ mới 30 tuổi. Anh vào Khu 5 làm phóng viên cho Báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ. Tôi vẫn đọc được thơ, được bài của anh qua những trang báo từ Khu 5 gởi ra. Nhưng tài năng đang chói sáng ấy đã tắt, anh hi sinh bên bờ sông Đắk Tu của chiến trường Quảng Đà (nay thuộc tỉnh Quảng Nam) chỉ sau 3 năm ra chiến trường.
Nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ không có nhiều thơ, đến khi hi sinh cũng chưa có tác phẩm in riêng. Mãi chục năm sau ngày anh đi xa, tác phẩm Nguyễn Mỹ mới được xuất bản. Tuy nhiên, chỉ một bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ của anh đã tạo được dấu ấn. Vũ Quần Phương đã nhận xét rất đúng: “Nguyễn Mỹ đã lập được đường bay của mình, riêng biệt độc đáo, rất có ý nghĩa đối với sự cách tân của cả thi đàn”.
T.Q.P
VNQD