Chưa bao giờ, thế hệ trẻ lại bị thuyết phục như thế về sức mạnh Việt Nam, về sự kì diệu của con người Việt Nam, về tính chất thần thánh của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ ở Việt Nam. Sức thuyết phục đó toát lên từ cuốn nhật kí có số phận kì lạ nhất, cuốn nhật kí mà người con gái Hà Nội cương nghị, thủy chung, trong sáng đến thánh thiện đã viết với bao buồn vui, cay đắng, đớn đau và nước mắt; cuốn nhật kí mà đang được viết dở dang thì tác giả của nó hai ngày sau bị địch bắn chết. Đó chính là Nhật kí Đặng Thùy Trâm.
Thì ra, lâu nay, những áng văn, bài thơ nói riêng, những tác phẩm văn học nghệ thuật cách mạng nói chung không hề khoa trương, khuếch đại khi phản ánh cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của dân tộc Việt Nam ở thế kỉ XX, mà đã phản ánh một cách chân thực, sinh động như nó vốn có. Vâng, dân tộc Việt Nam là dân tộc vĩ đại, con người Việt Nam là những con người anh hùng, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ của nhân dân Việt Nam là cuộc kháng chiến thần thánh.
Thời chống Mĩ từng có một bác sĩ, một con người tên là Đặng Thùy Trâm… Thời chống Mĩ từng có một cuốn nhật kí mà “ở trong đó có lửa”(1). Lửa của lòng căm thù. Lửa của tinh thần quật khởi. Lửa của tình thương yêu và khát vọng dâng hiến.
Lửa của tình thương yêu
Xuyên suốt Nhật kí Đặng Thùy Trâm là một tình thương yêu mênh mông, vô hạn của một trái tim giàu trắc ẩn, trái tim luôn run rẩy những làn điệu yêu thương. Đặng Thùy Trâm thương vô cùng người thương binh trẻ với ca mổ ruột thừa trong điều kiện thiếu thốn; lương tâm nghề nghiệp nói với chị rằng, “với những người như anh mà chị không cứu chữa được thì đó là điều đau xót khó mà phai đi trong cuộc đời phục vụ của một người thầy thuốc”. Chị đau xót trước cái chết của Hường; thấy “xót xa như ai xát muối vào trong ruột khi nhìn bố Hường bình thản không hay biết gì về tin sét đánh ấy”. Chị thương Đường vô tận khi cậu bé bị bắt sống trên đường công tác; “lo lắng không yên vì không biết cậu bé sôi nổi, nhiệt tình ấy có chịu nổi những đòn tra tấn của quân thù hay không". Chị buồn làm sao khi mới tối hôm qua Thìn và anh Sơn còn cùng bọn chị trò chuyện mà đêm nay hai người ấy chỉ còn là hai cái xác nằm dưới nắm đất của đất Đức Phổ mà lần đầu họ đặt chân đến. Lòng chị nao nao thương xót khi nhìn thấy thương binh mồ hôi lấm tấm trên gương mặt còn xanh mướt, ráng sức bước từng bước qua hết đèo lại dốc. Chị thương Thuận vô vàn vì khi được tin cha chết, Thuận ngã trên giường khóc nức nở, “tiếng khóc cố kìm lại vẫn bật lên". Với những học sinh, chị đến lớp bằng cả tình thương của một người chị đối với những đứa em đã chịu biết bao thiệt thòi đau khổ. Chị đau xót biết nhường nào khi nghe tin anh Dũng đã chết vì bị Mĩ bắt sống và giết tại chỗ. Nghe tin Khiêm hi sinh, chị đi từ bàng hoàng đến giàn giụa nước mắt. Chị thấy xót xa trước ca tử vong phẫu thuật cắt đoạn của một bệnh nhân già sáu mươi tuổi. Chị thấy lòng đau như cắt khi đứng bên giường bệnh một bệnh nhân dạ dày ở giai đoạn cuối. Nước mắt chị từng giọt rơi xuống trước Bốn khi ngồi bên Bốn vuốt nhẹ mái tóc em mà cứ tưởng như em còn sống. Chị thương Ninh vì nhà vừa bị đốt cháy trụi không còn một hạt lúa để ăn. Chị thương cậu liên lạc với má núng đồng tiền, lúc nào cũng cười dù vết thương trên tay sưng và đau buốt. Chị thương vô cùng người cán bộ với sức chịu đựng kì lạ, đau đớn đã làm anh tràn nước mắt mà miệng vẫn cười, vẫn một câu trả lời “không sao đâu”… Trong giờ mặc niệm những người đã hi sinh vì sự nghiệp của Đảng, chị “đau xót nhớ thương những người thân yêu trên đất Đức Phổ đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh sinh tử này"…

Bìa cuốn Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm.
Đặng Thùy Trâm thắc mắc "tại sao những người cách mạng lại có thể thương nhau đến mức kì lạ” - “một tình thương sâu thẳm và mênh mông như biển cả, một tình thương trào dâng như những đợt sóng bạc đầu, một tình thương trong trắng, chân thành vô hạn" - "tình thương của những trái tim khao khát yêu thương, những trái tim rớm máu vì cuộc chiến tranh khói lửa này". Trong gian khổ “lúc nào chị cũng thấy sung sướng vì ở đâu cũng là biển cả của tình thương".
Lửa của khát vọng dâng hiến
"Cái quý giá nhất của con người là cuộc sống. Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí, cho khỏi phải hổ thẹn vì những năm tháng sống hoài sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: Sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người" - lời của N.A.Ostrotsky đã được Đặng Thùy Trâm khắc ghi làm lẽ sống, làm mục tiêu lí tưởng đời mình. Chị nói với mẹ, cũng là tự nói với bản thân: “Con biết nói sao khi lòng con thương mẹ trăm nghìn triệu mà cũng đành xa mẹ ra đi. Quân thù đang còn đó, bao nhiêu bà mẹ còn mất con, bao nhiêu người chồng mất vợ. Con có tiếc gì đâu để đổi lấy độc lập, tự do”. Chị “lấy niềm tự hào chung để quên đi thất vọng riêng tư". Chị tự kêu gọi mình, "hãy cứ tìm lấy niềm vui, cứ sống giàu lòng tha thứ, giàu đức hi sinh một cách tự giác”. Chị tự hào vì "không có nơi đâu như mảnh đất này, mảnh đất mà mỗi người dân đều là một dũng sĩ diệt Mĩ, mảnh đất thấm máu kẻ thù, mỗi gia đình đều mang nặng khăn tang mà vẫn kiên cường chiến đấu với niềm lạc quan kì lạ”. Khối lượng công việc quá lớn mà người không có, nên một mình chị vừa phụ trách bệnh xá, vừa lo điều trị, vừa giảng dạy. Vô cùng vất vả và cũng còn nhiều khó khăn trong công việc nhưng hơn bao giờ hết chị cảm thấy rằng mình "đã đem hết tài năng sức lực để cống hiến cho cách mạng”. Chị xác quyết: “Người cộng sản rất yêu cuộc sống nhưng khi cần vẫn có thể nhẹ nhàng mà chết được. Chết mà vẫn yêu sao cuộc sống, cuộc sống mà người ta đã đổi bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương suốt 23 năm nay. Cuộc đấu tranh này ác liệt chưa từng thấy và trong ác liệt ấy chúng ta đã chiến đấu dũng cảm kiên cường chưa từng thấy".
Vì sao người ta có thể hi sinh trọn đời cho cách mạng, trung thành tuyệt đối với cách mạng? Câu trả lời của Đặng Thùy Trâm là: “Bởi vì cách mạng đã rèn đúc nên những con người cao đẹp và gắn họ thành một khối bền vững và gắn bó hơn bất cứ một vật gì trên đời. Sống trong gia đình cách mạng có gì vinh dự hơn". Nhận được tình thương vô bờ mà mọi người dành cho mình, chị thầm hứa với tất cả "sẽ bình tĩnh vượt qua mọi khó khăn, đứng vững tư thế người chiến thắng”.
Những trang nhật kí của Đặng Thuỳ Trâm vì thế cứ thế đầy lên lửa của sự tận tụy làm một người cộng sản: "Ba má và các em yêu thương, ở ngoài đó ba má và các em làm sao thấy hết được cuộc sống ở đây. Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hi sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu. Con cũng là một trong muôn nghìn người đó. Con sống, chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc. Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc. Dĩ nhiên con cũng cay đắng vì không được sống tiếp cuộc sống hòa bình hạnh phúc mà mọi người trong đó có con đã đổ máu xương để giành lại. Nhưng có gì đâu, hàng triệu người như con đã ngã xuống mà chưa hề được hưởng trọn lấy một ngày hạnh phúc. Cho nên con có ân hận gì đâu”; “Cuộc đời mình là một cuốn sổ, những dòng chữ ghi trên đó đẹp như một bài ca nhỏ. Hãy ghi tiếp những dòng xứng đáng"; "Mỗi phút sống phải là một phút vinh dự. Một phút sống là một phút chiến đấu phục vụ cách mạng. Đừng để tình cảm chỉ đạo cuộc sống. Phải như Paven, như Ruồi Trâu. Chính trong gian khổ này ta mới càng hiểu cái giá trị của những con người cách mạng. Ai đứng vững trong lửa đỏ và nước sôi người đó sẽ là người chiến thắng”; “Ước mơ bây giờ là đánh thắng giặc Mĩ, là độc lập tự do của đất nước. Mình cũng như những thanh niên khác đã lên đường ra tiền tuyến và tuổi trẻ qua đi giữa tiếng bom rơi đạn nổ. Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường, tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt”…
Lửa của lòng căm thù, của tinh thần quật khởi
Thiết nghĩ không cần thiết phải bình luận gì thêm trước những câu chữ rực lửa lòng căm thù, tinh thần quật khởi nơi người chiến sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm: "Những người đã ngã xuống một cách vẻ vang như vậy là hạnh phúc rồi. Còn chúng ta… chúng ta cần phải sống với ngọn lửa căm thù cháy rực trong tim, phải dùng ngọn lửa ấy đốt cháy kẻ thù"; "Bao giờ cho hết những đau xót này - nay một người ngã xuống, mai lại một người ngã xuống. Xương máu đã chất cao như ngọn núi căm thù sừng sững trước mắt chúng ta. Bao giờ! Bao giờ và bao giờ hở các đồng chí? Bao giờ mới đuổi hết lũ quân uống máu người không tanh ấy khỏi đất nước chúng ta?”; “Ôi, chiến tranh! Sao mà đáng căm thù đến vậy và đáng căm thù vô cùng là bọn quỷ hiếu chiến. Vì sao chúng lại thích đi tàn sát bắn giết những người dân hiền lành giản dị như chúng ta? Vì sao chúng đang tâm giết chết những thanh niên còn đang tha thiết yêu đời, đang sống và chiến đấu với bao mơ ước? Phải hàn gắn được vết thương trên mình Tổ quốc ta kia"; “Mỗi ngày nghe tin thắng lợi trên hai miền đất nước, niềm vui tràn ngập nhưng nỗi buồn cũng trĩu nặng tâm tư. Vì sao ư? Vì còn giặc Mĩ thì còn đau thương tang tóc, vì còn giặc Mĩ thì không có một hạnh phúc nào cả"; "Đường ơi, mỗi lần nhớ đến em là lòng chị lại trào dâng một mối căm thù đến ngạt thở với lũ giặc cướp nước. Phải bắt chúng đền tội, phải trả thù cho em và bao nhiêu đồng chí của ta đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu ác liệt này"; "Lần đầu tiên đào huyệt chôn một người đồng đội, những nhát cuốc của mình bổ xuống đá làm tóe lửa lên như nỗi căm thù đang bốc cháy trong lòng"; "Buồn bây giờ không thể biểu hiện bằng nước mắt mà hãy bằng ý chí trả thù, bằng sự nghiến răng lại mà ngẩng đầu bước tiếp chặng đường gian khổ”…
* *
*
Vâng, có sức thuyết phục hơn trăm ngàn lời khuyên nhủ là một con người với cuộc sống cụ thể của thời chiến, một cách sống trong sáng thánh thiện đến kì lạ. “Sự tận tụy làm người của Thùy Trâm là một nhân tố khiến cho những người lính Mĩ khác hẳn về lí tưởng cũng phải kính trọng"(2). "Sự nghiệp của chị còn rất có ý nghĩa với tất cả mọi người. Những dòng chữ của chị có một sức kêu gọi tuyệt vời"(3).
Đọc Nhật kí Đặng Thùy Trâm, chúng ta càng thấm thía hơn về sức mạnh Việt Nam, về sự kì diệu của con người Việt Nam, những con người lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa (Huy Cận), những con người đã sống và chết/ giản dị và bình tâm/ không ai nhớ mặt đặt tên/ nhưng họ đã làm ra đất nước (Nguyễn Khoa Điềm). Đọc Nhật kí Đặng Thùy Trâm, ta nghe âm âm hồn thiêng sông núi, đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ những buổi ngày xưa vọng nói về. Ta tự hào về nước chúng ta/ nước những người chưa bao giờ khuất (Nguyễn Đình Thi).
Cuộc đời của người anh hùng Đặng Thùy Trâm là câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi: Sống đẹp là thế nào? Sống đẹp là lẽ sống của người cộng sản - người mang trái tim giàu, biết dâng hiến, biết lẽ phải, yêu thương, căm giận/ biết đi tới và làm nên thắng trận (Tố Hữu).
P.A
--------
1. Theo Frederic Whitehurst, cựu chiến binh Mĩ từng ở bên kia chiến tuyến của Đặng Thùy Trâm, người gìn giữ cuốn nhật kí hơn 35 năm, thì đây là lời của một người lính ngụy - thông dịch viên người Việt trong đơn vị anh ta. Xem Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Nxb Hội Nhà văn, 2005, tr.21.
2. Lời của nhà phê bình Vương Trí Nhàn. Xem Nhật kí Đặng Thùy Trâm, sđd, tr.14.
3. Lời Frederic Whitehurst. Xem Nhật kí Đặng Thùy Trâm, sđd, tr.24.
VNQD