Những đóng góp của văn xuôi đương đại viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ

Chủ Nhật, 27/04/2025 09:55

. ĐỖ HẢI NINH

 

Văn học Việt Nam hiện đại đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều phương diện nghệ thuật, ngôn ngữ, giá trị nhân văn… với những mảng đề tài, những khuynh hướng sáng tác có tác động xã hội lớn. Văn xuôi viết về đề tài cuộc kháng chiến chống Mỹ nằm trong dòng mạch văn học viết về chiến tranh - một dòng chính trong thời kì kháng chiến (1954 - 1975), và tiếp tục được bồi đắp, phát triển sau khi chiến tranh kết thúc. Trong mười năm hậu chiến và trong công cuộc đổi mới của đất nước từ sau 1986, đã có thêm nhiều tác phẩm được ghi nhận là những thành tựu xuất sắc của văn học viết về chiến tranh, đóng góp vào tiến trình phát triển văn học Việt Nam hiện đại.

Trong ba mươi năm chiến tranh, nền văn học của chúng ta đã hình thành một dòng văn xuôi kháng chiến phát triển mạnh mẽ, xây dựng tinh thần đấu tranh, cổ vũ chiến đấu, góp phần vào công cuộc thống nhất đất nước. Những tên tuổi và những tác phẩm tạo nên một dòng mạch riêng, với phong cách và dấu ấn đặc sắc: Nguyễn Thi, Anh Đức, Nguyên Ngọc, Nguyễn Đình Thi, Phan Tứ, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Hữu Mai, Lê Lựu…, tạo tiền đề cho những bước phát triển sau này. Các nhà văn thời kì kháng chiến chống Mĩ đã tạo được những nhân vật tiêu biểu của thời đại, những biểu tượng có ý nghĩa sâu sắc và giàu giá trị nghệ thuật. Và từ đây, đã hình thành một thế hệ nhà văn trưởng thành từ kháng chiến, tiếp tục có những đóng góp trong tiến trình văn học: Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Lê Văn Thảo, Trang Thế Hy, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Trọng Oánh…; là những trường hợp tiếp nối, kế thừa như những dấu gạch nối của hai giai đoạn chiến tranh - hòa bình và bứt phá mạnh mẽ sau 1975: Thái Bá Lợi, Nam Hà, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Lê Minh Khuê, Dương Thu Hương, Dạ Ngân, Lý Lan, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Một… Bên cạnh đó, ở miền Nam giai đoạn 1945 - 1975, văn học viết về chiến tranh phân hóa mạnh mẽ với sự hiện diện của dòng văn học phản kháng (Lê Vĩnh Hòa, Lữ Phương, Vũ Hạnh, Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan…), xu hướng in đậm tinh thần dân tộc (Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm…), xu hướng phản chiến (Dương Nghiễm Mậu, Cung Tích Biền, Trần Hoài Thư, Thế Uyên…). Trong giai đoạn chiến tranh, đất nước chia cắt nhưng dòng mạch văn học viết về chiến tranh luôn bền bỉ, không ngừng chuyển động ở cả hai miền đất nước.

Sau năm 1975, chiến tranh kết thúc, nhưng đề tài chiến tranh vẫn tiếp tục phát triển và có thêm nhiều đóng góp mới. Viết về kháng chiến chống Mỹ nhưng có thể thấy sự nối dài và mở rộng của đề tài này hơn là viết về một sự kiện chiến tranh: đó là văn chương về những nhân vật bước ra từ cuộc chiến, những dư chấn trong từng số phận, và có thể nói đến toàn bộ đời sống hậu chiến. So với các đề tài khác (đề tài nông thôn, đề tài đô thị, hoặc đề tài lịch sử), đây vẫn là mảng đề tài được chú ý nhiều hơn bởi thực chất trong đa phần các tác phẩm thời hậu chiến, dấu ấn của chiến tranh vẫn còn in đậm trong từng câu chuyện. Kể cả khi tác giả đặt trọng tâm viết về thời bình thì bóng dáng chiến tranh vẫn thấp thoáng trong ký ức hay một phần đời của nhân vật. Chẳng hạn Mùa lá rụng trong vườn, Thời xa vắng, Tướng về hưu, Bến không chồng… tuy không đề cập trực tiếp đến chiến tranh nhưng hình ảnh người trở về từ chiến trường như Đông, Sài, Thuấn, Nghĩa… lại cho thấy dấu vết chiến tranh trong cuộc đời và số phận của họ. Người lính trở về được soi chiếu từ nhiều góc nhìn khác trước, gợi mở những chiêm nghiệm về cuộc sống. Bi kịch hậu chiến không chỉ là cái chết chia lìa, là những vết thương thể xác, đó còn là bi kịch của con người trở về lạc thời, con người thừa, con người không được sống là chính mình, không tìm được ý nghĩa cuộc sống. Văn học đã nói lên được nỗi đau của con người, đối thoại về sự tồn tại của con người và truy vấn những vấn đề của chiến tranh, nhận thức sâu sắc hậu quả do chiến tranh gây ra. “Gương mặt phụ nữ” và nỗi đau chiến tranh của họ được khắc họa rõ nét hơn trong nhiều tác phẩm: Chim én bay, Người sót lại của Rừng Cười, Bến không chồng, Nỗi buồn chiến tranh, Tiểu thuyết đàn bà, Vết thương thứ mười ba. Chiến tranh cũng được nhìn từ góc nhìn của phụ nữ qua sự hiện diện của những nhà văn nữ: Võ Thị Hảo, Dạ Ngân, Lý Lan... Tiểu thuyết đàn bà của Lý Lan cùng với Bến không chồng của Dương Hướng là hai tiểu thuyết kiến tạo được một hình ảnh mang tính “tập đoàn” về người phụ nữ trong chiến tranh, cho thấy sức tàn phá, hủy hoại khủng khiếp của nó đối với con người, ở cả bề rộng và bề sâu. Bức ảnh được cho là chụp chị Đen đang nhặt phế liệu, cưa bom xót xa và xúc động, một hình ảnh tố cáo chiến tranh mạnh mẽ, chị Đen là thân phận con lai, bị mẹ bỏ lại cho bà ngoại nuôi, chị tham gia hoạt động bí mật với hi vọng sớm được gặp mẹ nhưng chị bị nghi ngờ phản bội và nhận án tử hình từ tổ chức, con chị sang Mỹ tìm cha, cuối đời chị vẫn sống đời lam lũ lạc loài. Những người anh chị cùng mẹ khác cha trong gia tộc không biết đến sự tồn tại của chị. Cuộc đời của chị Đen là chứng tích không thể phủ nhận về sự hiện diện của hai cuộc chiến tranh liên tiếp như nỗi đau của người Việt được khắc chạm trong lịch sử: bản thân chị là kết quả của cuộc hôn phối giữa một phụ nữ Việt và một người ngoại quốc trong chiến tranh chống Pháp, đến lượt chị lại sinh ra con là Trần Thiện Dách với một người chồng Mỹ. Nhưng bi thảm và đau xót hơn cho chị Đen là khoảnh khắc trong ánh chớp lóe sáng, chị nhận ra người cầm súng chĩa vào chị chính là đứa em chị vẫn thường bế ẵm, chăm chút. Và người giao nhiệm vụ cho đứa em ấy là cậu Hai - cậu ruột của chị. Vén dần những màn sương mù của quá khứ, lịch sử của dòng họ, những người phụ nữ hậu duệ của bà Tổ Mọi, khi những người đàn ông trong gia đình tham gia vào những cuộc chinh chiến, họ phải gánh nhận hết lo toan, nặng nhọc đời thường. Chị Đen, Liễu, Thoa là đều là những cháu gái được gửi về cho bà ngoại chăm sóc. Nhưng cuộc chiến đã kéo tất cả họ vào guồng quay chiến tranh và cuộc đời họ đã bị chiến tranh đã phá hủy. Tiểu thuyết đàn bà chính là một “thực hành đạo đức của sự ghi nhớ kẻ khác”: “nhớ về kẻ thù và các nạn nhân, về kẻ yếu và bị lãng quên, về những người bị đẩy ra bên lề và thiểu số, về phụ nữ và trẻ em, về môi trường và những loài động vật, về người lưu đày và những kẻ bị cho là quỷ dữ, tất cả những ai đã phải chịu đựng đớn đau trong thời chiến nhưng hầu hết bị lãng quên trong những kí ức dân tộc chủ nghĩa (nationalist memories) về chiến tranh” (Viet Thanh Nguyen 2016, tr.12).

Nhìn từ phương diện đội ngũ tác giả và số lượng tác phẩm, có thể thấy một sự tiếp nối các thế hệ sáng tác và một dòng mạch bền bỉ, liên tục: 1- thế hệ tác giả trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến, 2- thế hệ tác giả xuất hiện từ sau khi chiến tranh kết thúc, 3- tác giả xuất hiện sau Đổi mới, 4- tác giả xuất hiện trong thời kỳ hội nhập. Các tác giả, tác phẩm nổi bật của văn học 50 năm qua đều liên quan đến câu chuyện của chiến tranh: Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Chu Lai, Xuân Đức, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Văn Thảo, Dạ Ngân, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Dương Hướng, Võ Thị Hảo, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Lý Lan, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Ngọc Thuần, Huỳnh Trọng Khang… Các giải thưởng và sự quan tâm chú ý của người đọc dành cho sáng tác viết về mảng này khá nhiều: bộ Đất trắng, 2 tập, Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng 1984, Giải thưởng Hội nhà văn 1985; Chim én bay, Giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm (1985 - 1989) Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1988 - 1989); Bến không chồng, Nỗi buồn chiến tranh, Giải thưởng Hội Nhà văn 1991; Ăn mày dĩ vãng, Giải thưởng Hội đồng Văn học chiến tranh Cách mạng và lực lượng vũ trang, Giải thưởng Hội Nhà văn 1993, Giải thưởng Bộ Quốc phòng 1994; Một ngày và một đời, Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1998… Rất nhiều tác phẩm được chuyển thể sân khấu và điện ảnh. Nhiều tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông trước đây cũng như các bộ SGK hiện hành: Người mẹ cầm súng, Chiếc lược ngà, Những ngôi sao xa xôi, Người ở bến sông Châu, Nắng đẹp miền quê ngoại, Nỗi buồn chiến tranh, Ngày cuối cùng của chiến tranh, Ngồi đợi trước hiên nhà... Văn xuôi viết về chiến tranh chống Mỹ cũng được giới thiệu, quảng bá ở nước ngoài và được đánh giá cao. Các tác phẩm Thời xa vắng, Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng đã được dịch sang tiếng Anh, riêng Nỗi buồn chiến tranh được dịch ra nhiều thứ tiếng. Bản dịch tiếng Trung Nỗi buồn chiến tranh khiến cho nhà văn Diêm Liên Khoa đánh giá đây là tác phẩm đạt đến “tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông”. Dịch giả người Đức cũng nhận xét Nỗi buồn chiến tranh còn hay hơn Phía Tây không có gì lạ. Đặc biệt là ở Mỹ, theo Laichen Sun, hiện nay đã có khoảng gần 30 trường đại học sử dụng cuốn tiểu thuyết này như một tài liệu trong giảng dạy.

Văn xuôi viết về kháng chiến chống Mỹ không chỉ được đánh giá cao bởi những góc nhìn đa chiều về chiến tranh, bởi tinh thần nhân văn và sự khám phá đời sống con người, mà còn bởi những tìm tòi nghệ thuật, kết tinh giá trị văn hoá và tâm hồn Việt Nam. Thời gian cuộc chiến tranh kéo dài và độ lùi thời gian đủ để tạo nên những thế hệ viết về chiến tranh lật trở, soi chiếu theo những góc khác nhau. Sở dĩ viết nhiều về bi kịch do nhà văn muốn thực hiện một cuộc đổi mới của chính văn chương để viết khác trước, phong phú đa dạng hơn. Các nhà văn hậu chiến có độ lùi thời gian, sự lắng chậm lại sau chiến thắng để suy ngẫm về những mất mát đau thương bằng một sự cộng cảm, chiêm nghiệm thực sự. Họ cất tiếng nói của văn chương, viết về chiến tranh và hậu quả chiến tranh trong nhận thức ở chiều sâu nhân văn. Các tác phẩm văn xuôi có thể nói về những vấn đề trước đây do điều kiện chiến tranh chưa thể nói hết: cái xấu, cái ác, cái bạo lực nảy ra từ trong bối cảnh chiến tranh. Trong tiểu thuyết Kể xong rồi đi (Nguyễn Bình Phương) những ký ức chiến trận chiếm dung lượng không nhiều, được khúc xạ qua lời của người ngoài cuộc nhưng đầy dữ dội và ám ảnh đã cho thấy rõ hơn gương mặt khác của chiến tranh, từ một góc nhìn nhân văn: chiến tranh là sự hủy diệt nhân hình và nhân tính và khơi dậy “bản năng chết” của con người. Đó chính là sự thức nhận chiến tranh với một độ lùi thời gian cần thiết cho những lý giải và chiêm nghiệm của một cây bút quân đội như Nguyễn Bình Phương. Và trong Nỗi buồn chiến tranh, lo âu về nhân tính của con người trong chiến tranh trở thành mối quan tâm lớn, xuyên qua những ký ức của Kiên, từ ám ảnh của anh về tử thi cô gái Tân Sơn Nhất đến câu chuyện Oanh - một đồng đội của Kiên đã hứng trọn băng đạn bắn lén của nữ chiến binh phía địch mà anh đã nương tay. Cùng xuất phát từ cái nhìn về bản chất bạo lực của chiến tranh như Phía Tây không có gì lạ, Bảo Ninh tiếp tục chất vấn về đạo đức con người: Chiến tranh buộc con người phải lựa chọn bản năng bắn giết, trong chiến tranh, nhân tính, tình người phải đánh đổi cả tính mạng như trường hợp của Oanh. Những cuộc chiến kết thúc nhưng để lại cho văn chương những ngẫm ngợi về thời đại, những góc khuất, những uẩn khúc, những khoảng trống lịch sử và cả những dư chấn cần lý giải.

Một trong những thành tựu lớn của văn học viết về chiến tranh đó là từ việc viết về những nỗi đau mất mát, hướng tới khát vọng hòa bình, hòa giải và cả những băn khoăn về những đổ vỡ, đứt gãy của lòng người trong công cuộc hàn gắn không dễ dàng gì. Văn học hậu chiến nói chung và văn xuôi viết về chiến tranh nói riêng đã nhanh chóng nắm bắt, phản ánh xu thế chung đó. Ngay từ những ngày đầu hòa bình, trong tiểu thuyết Miền cháy, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã đặt ra vấn đề này khi đặt nhân vật mẹ Êm, người có chồng và con đã hi sinh cho kháng chiến phải đối diện với tình huống nhận ra đứa bé bấy lâu bà nhận nuôi chính là đứa con của kẻ thù đã từng giết chính con mình. Cuộc tái ngộ giữa bà mẹ với tên sát nhân là một thử thách ghê gớm và người mẹ đã vượt qua thù hận cá nhân để tránh những đau thương và thù hận chất chồng, cũng là hướng tới sự hòa giải dân tộc. Trong Lạc rừng, Bình - một người lính trẻ miền Bắc tình cờ bị lạc, cùng chịu cảnh tù binh giống như một lính Mỹ khiến anh có những chuyển biến trong quan niệm từ ngộ nhận đến dần dần vỡ lẽ về con người, văn hóa Tây Nguyên và văn hóa Mỹ. Trong tiểu thuyết Minh sư, song song với mạch truyện viết về Nguyễn Hoàng thuở Nam tiến mở cõi là cuộc tìm về với lịch sử thời kháng chiến chống Mỹ mà nhân vật Đoàn Minh Thành đã từng được chứng kiến phần nào trên mảnh đất quê hương anh và câu chuyện của chị Tư Trà - người phụ nữ có hai người chồng ở hai chiến tuyến nay đi tìm con cho chồng với tâm nguyện hóa giải những chia cách, phân li. Những nỗ lực khi viết về vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc cũng chính là khát vọng hòa bình mà các tiểu thuyết viết về chiến tranh hướng tới. Trong Tiểu thuyết đàn bà, cả một cuộc phân ly lớn đã diễn ra, khi kết thúc chiến tranh cả một đại gia đình lớn không còn quy tụ, con cháu trong gia đình bị thất lạc, những câu hỏi về sự biến mất của người này người kia không có lời đáp, những vết thương chiến tranh chưa lành lại. Nhưng sau hết, những nút thắt dần được hóa giải khi Không Bé tìm được mẹ, Liễu quyết định ở lại Việt Nam để chia sẻ với những cảnh đời bất hạnh sau thời gian nằm trong bệnh viện, rồi tập tài liệu của cậu Hai trao lại cho Thoa có đầy đủ thông tin về chị Đen và con trai chị, và tình cờ trên chuyến bay về Việt Nam tìm mẹ của Dách, ngồi cạnh Không Bé là người đàn ông đen như cột nhà cháy tên là Dách. Cuộc hôn nhân giữa cô gái Việt - Không Bé (Betty) với chàng trai Mỹ - Ted là một ước mơ hướng tới sự hàn gắn và hòa giải. Dẫu đã có những cãi vã, xung đột, họ đã xích lại gần nhau hơn bằng tình yêu, vượt qua những khoảng cách văn hóa, ngôn ngữ và cả quá khứ đau thương. Tiểu thuyết đàn bà để cho nhân vật Thoa trở đi trở lại với nguồn cội của dòng tộc, với câu chuyện của ông tổ và và tổ mọi như là một cách hướng tới khát vọng hòa bình trong màu xanh của cánh rừng xóa sạch dấu vết những cuộc chiến tranh: “Rồi khi vó ngựa đã xa xăm, tiếng gươm giáo tắt lịm, chim muông lại hội về, cây cỏ lại mọc xanh, tuần tự đơm hoa kết trái. Rừng xưa không lưu dấu vết những chiến binh từng trẩy qua, dù quân Chân Lạp, quân Tây Sơn, quân nhà Nguyễn, quân Xiêm, hay quân nhà Minh vong quốc” (Lý Lan, tr.18). Đó là khát vọng hòa bình, khát vọng về sự hàn gắn và hòa hợp, được thể hiện trong sự hài hòa, gắn kết giữa con người và con người, con người và thiên nhiên. Những cảnh ngộ của chiến tranh, những chiêm nghiệm về chiến tranh, tư tưởng nhân văn cũng như tinh thần hòa giải và hòa hợp tạo nên thành công của rất nhiều tác phẩm viết về chiến tranh từ sau 1975.

Nhìn lại văn xuôi viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ trong 50 năm qua, có thể thấy một lực lượng sáng tác hùng hậu, số lượng tác phẩm đồ sộ với những tên tuổi xuất sắc. Chẳng hạn Nỗi buồn chiến tranh có thể được coi là tác phẩm kinh điển viết về chiến tranh của văn học Việt Nam. Nỗi buồn chiến tranh là tác phẩm đồng hành cùng đổi mới văn học ở Việt Nam, thể hiện tư duy nghệ thuật mới mẻ và mở ra xu hướng mới của văn học Việt đương đại: tái hiện chiến tranh từ trải nghiệm cá nhân và cho phép tiếp cận chiến tranh từ nhiều phía. Nỗi buồn chiến tranh đã thể hiện được chiều sâu của văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Việt nói riêng trong tâm hồn những con người bé nhỏ, bình thường trong chiến tranh, chịu tác động nhiều nhất nhưng còn sống sót là còn khắc khoải về nhân tình và nhân tính, về nghệ thuật, văn chương. Nỗi buồn chiến tranh cũng cho thấy sức hút và thành công của một tác phẩm văn học Việt Nam đương đại tiêu biểu vươn tới tầm phổ quát của văn chương nhân loại, chú ý đến nỗi đau, mất mát của con người, luôn hoài nghi, chất vấn và thức gọi con người về nhân tính, tình yêu, hòa bình.

Đ.H.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)