Cửa sổ văn nghệ

Cứu di sản bằng phim 3D

Thứ Ba, 15/09/2015 08:41
Trước tình hình nhiều công trình văn hóa cổ tại Syria bị các phần tử cực đoan của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phá hủy, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp Fleur Pellerin đã chủ trì cuộc họp khẩn với nhiều nhà văn hóa, nhà khảo cổ, chuyên gia di sản, chuyên gia về kỹ thuật số. Bộ trưởng đã nhận được đồng thuận tuyệt đối trong kế hoạch dựng phim 3D về các di sản đã bị phá hủy hoặc đang gặp nguy hiểm, nhất là tại những nước đang có xung đột vũ trang.
Thành cổ Palmyre trước khi bị phiến quân IS phá hủy cuối tháng 8 vừa qua
 
Bộ trưởng Fleur Pellerin tin tưởng: đây là nhiệm vụ của cộng đồng thế giới, và chúng ta phải thay mặt nhân loại đấu tranh để bảo vệ các di sản vô giá từng tồn tại suốt hai nghìn năm nay. Cụ thể, Bộ trưởng Fleur Pellerin mong muốn các chuyên gia sử dụng công nghệ tiên tiến để lập ra một bản đồ điện tử tái hiện các Di sản thế giới ở Iraq và Syria, bao gồm cả những công trình đã bị tàn phá và những công trình đang có nguy cơ biến mất. Để làm được điều này, Pháp sẵn sàng tiên phong huy động vốn từ các nước châu Âu. Theo kế hoạch, sẽ có rất nhiều bức ảnh, tác phẩm được thực hiện bằng kỹ thuật 3D và tài liệu lưu trữ thu thập từ các nhà khoa học, bảo tàng và cá nhân. Sau đó, một ngân hàng dữ liệu sẽ được lập ra và người dùng có thể truy cập miễn phí để tìm hiểu, nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ du lịch văn hóa. Từ ngân hàng dữ liệu này, sẽ có nhiều tour du lịch qua mạng được thiết kế để mọi người có thể chiêm ngưỡng những công trình giá trị này, dù chúng có tồn tại hay không.

Lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp đã ngay lập tức nhận được hưởng ứng tích cực của nhiều người. Hai thành viên trẻ tuổi của Viện Nghiên cứu Khảo cổ và Khoa học cổ đại thuộc trường Đại học Paris 1 đã đề nghị xây dựng tài liệu hướng dẫn cách số hóa các công trình di sản nổi tiếng của Iraq, với sự cộng tác của các nhà khoa học nước này. Các nhà nghiên cứu Trường Đại học Oxfort và Harvard cũng không đứng ngoài cuộc khi đưa ra dự án quay phim tại chỗ các công trình lịch sử văn hóa đang gặp nguy cơ bằng kỹ thuật 3D. Bằng cách này có thể thu thập được khoảng 20 triệu hình ảnh vào cuối năm 2017... Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu dù vô cùng dấn thân cũng phải thừa nhận đây là dự án khó khăn và nguy hiểm, bởi những người thực hiện sẽ phải sang tận các vùng có chiến tranh, lặn lội vào các khu khai quật khảo cổ, trong đó có những khu đã bị gián đoạn bởi xung đột vũ trang.

Chắc hẳn chúng ta còn nhớ vụ ông Khaled al-Asaad, 82 tuổi, nhà khảo cổ học Syria, người canh giữ các ngôi đền khu Palmyre, đã bị IS giết hại. Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông về bảo vệ tính mạng những người làm công tác bảo tồn văn hóa tại khu vực có xung đột vũ trang. Bộ trưởng Pellerin cũng đã kêu gọi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp tạo điều kiện cấp visa cho các nhà khảo cổ người Iraq và Syria vào nước này. Bởi đây sẽ là những nhân chứng cung cấp dữ liệu lịch sử chính xác nhất về các công trình đã bị phá hủy, cho phép tiến hành nghiên cứu và thẩm định chính xác trước vô vàn hiện vật giả được bày bán bất hợp pháp trên thị trường hiện nay.

Bên cạnh tái hiện bằng kỹ thuật số những gì đã mất, một nhiệm vụ không kém quan trọng là bảo tồn các công trình và hiện vật tồn tại. Cũng phải nói thêm rằng, các phần tử IS không phải không biết giá trị của các di sản đó, và việc buôn bán tác phẩm nghệ thuật cổ cũng là nguồn tài chính béo bở của tổ chức này. Những người có trách nhiệm và tâm huyết đang liệt kê và sẽ sớm công bố danh sách đỏ các cổ vật bị cấm buôn bán, cũng như danh sách công trình cần bảo vệ bằng mọi giá ở Iraq và Syria. Ủy ban Bảo vệ các di sản bị đe dọa bởi chiến tranh và xung đột vũ trang đã được thành lập tại Pháp, sẵn sàng hành động và đưa ra các giải pháp mạnh tay để ngăn chặn tội ác chiến tranh và thảm họa văn hóa của nhân loại, như UNESCO vừa tuyên bố.

Nguồn: Đại biểu Nhân dân (Khánh Vân)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)