Cửa sổ văn nghệ

Đang diễn ra triển lãm “Mùa xuân bất diệt”

Thứ Hai, 17/03/2025 10:42

 Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang diễn ra triển lãm Mùa xuân bất diệt, giới thiệu hơn 200 tác phẩm của cố họa sĩ Lê Lam.

Họa sĩ Lê Lam (1931-2022) là một trong những đại diện tiêu biểu của nền mỹ thuật hiện thực cách mạng Việt Nam, ghi dấu ấn sâu đậm qua các bức kí họa sống động và chân thực về chiến tranh. Ông theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, dưới sự dẫn dắt của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Cả cuộc đời và sự nghiệp của cố họa sĩ gắn liền với phong trào cách mạng, từ những năm tháng kháng chiến cho đến khi đất nước thống nhất.

Phát biểu tại lễ khai mạc, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, triển lãm Mùa xuân bất diệt của cố họa sĩ Lê Lam có ý nghĩa đặc biệt, hướng tới kỉ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tranh của ông mang đậm dấu ấn lịch sử, giá trị nghệ thuật, đồng thời là kho tư liệu quý báu về lịch sử dân tộc qua lăng kính hội họa.

Trong suốt sự nghiệp của mình, hoạ sĩ Lê Lam luôn giữ vững quan điểm rằng nghệ thuật hiện thực không chỉ đơn giản là tái hiện hình ảnh mà còn phải phản ánh tinh thần và bản sắc dân tộc. Ông sở hữu khối lượng tác phẩm lớn nhờ phong cách làm việc cần mẫn, khả năng kí họa nhanh và tinh thần luôn sẵn sàng dấn thân vào thực địa trong suốt những năm tháng kháng chiến. Ông đã để lại hàng ngàn bức kí họa chiến trường, tranh cổ động và tranh khắc gỗ phục vụ cho công cuộc tuyên truyền cách mạng. Những đóng góp nổi bật của họa sĩ Lê Lam không chỉ nằm ở số lượng tác phẩm đồ sộ, mà còn ở giá trị tinh thần và lịch sử mà tác phẩm của ông mang lại. Di sản mà họa sĩ Lê Lam để lại không chỉ là những bức tranh, mà còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước và khát vọng tự do. Nghệ thuật của ông là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, là lời nhắc nhở về những hi sinh to lớn của thế hệ cha ông.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Những kĩ thuật, chất liệu độc đáo cùng lòng yêu nước sâu sắc trong tranh của họa sĩ Lê Lam đã truyền cảm hứng cho nhiều họa sĩ trẻ Việt Nam. Kí họa chiến trường của ông gắn liền với hình ảnh gian khổ của cuộc kháng chiến, các chiến sĩ, cô giao liên, bà má… Từ những khung cảnh Kiev, Liên Xô... cho đến hình ảnh con người Việt Nam, tất cả đều được khắc họa bằng góc nhìn gần gũi, yêu thương và đầy tính nghệ thuật.

Triển lãm Mùa xuân bất diệt là lời nhắc nhở về những hi sinh cao cả của thế hệ cha ông, khẳng định tinh thần cách mạng sẽ mãi tươi mới, như mùa xuân bất diệt trong lòng mỗi con người Việt Nam.

Họa sĩ Lê Lam chủ yếu vẽ tranh hiện thực, về chủ đề chiến tranh, cách mạng, nổi bật như các bức: Tranh khắc gỗ Chân dung Hồ Chủ tịch, Mừng xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Du kích thanh niên xung phong; tranh in lưới Hết lòng vì tiền tuyến; tranh cổ động Bảo vệ chính quyền nhân dân, Kỉ luật là sức mạnh của quân đội ta… Bức tranh nổi tiếng nhất của ông là Dừng lại (sơn dầu) về một người phụ nữ ở Long An đã dũng cảm chặn xe địch đang càn qua đồng lúa sắp chín.

Triển lãm mở cửa đến ngày 20/3/2025 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

NGUYỄN HỮU SƠN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)