The Big Short (Thiếu sót lớn) là một trong những tâm điểm chú ý của cuộc đua năm nay. Chỉ mới ra rạp hồi tháng 10.2015, nhưng bộ phim nhanh chóng trở thành phim yêu thích của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ, với các đề cử quan trọng như Đạo diễn xuất sắc, Kịch bản chuyển thể xuất sắc và Biên tập phim xuất sắc. Đây cũng là phim giành được nhiều phiếu bầu qua các vòng bầu chọn gắt gao, và có thể coi là một “ngựa ô” của Oscar 2016.
Bridge of Spies (Cây cầu gián điệp) hiện diện mạnh mẽ nhất trong vòng quay của mùa giải thưởng điện ảnh năm nay, với các đề cử dành cho Chỉ đạo nghệ thuật, sản xuất, diễn xuất và biên kịch, cũng như các đề cử thuộc về kỹ thuật như quay phim, hòa âm, kỹ xảo hình ảnh… Tuy nhiên, Bridge of Spies lại tỏ ra yếu thế ở các đề cử của Viện hàn lâm, khi giành tới 6 đề cử mà đạo diễn kỳ cựu Steven Spielberg lại không có tên trong danh sách đề cử Đạo diễn xuất sắc.
Fox Searchlight là hãng phim hiếm hoi giành giải Oscar Phim hay nhất trong 2 năm liền cho 12 Years a Slave (12 năm nô lệ) và Birdman (Người chim), nhưng năm nay các nhà phát hành dường như tìm ra con đường đi của mình chậm hơn. Brooklyn giờ mới nổi lên sau một thời gian dài kể từ khi ra mắt tại LHP Sundance cách đây 1 năm. Mặc dù được nhiều phiếu bầu, nhưng cũng không ít chuyên gia của Viện hàn lâm không thấy ấn tượng.
Mad Max: Fury Road (Con đường tử thần) được nhắc đến khá nhiều kể từ khi ra mắt, và chỉ đứng sau The Revenant (Người về từ cõi chết) về tổng số đề cử: 10 đề cử. Số lượng đề cử nhiều có thể dẫn đến thành công, điều này đã từng được chứng minh. Gravity(Cuộc chiến không trọng lực) là một thí dụ. The Martian (Người về từ sao Hỏa) là bộ phim tham gia cuộc đua sau khi “trình làng” tại LHP Toronto. Mang tính giải trí nhiều hơn, nhưng The Martian lại được đánh giá là một ứng cử viên, tuy nhiên có lẽ cơ hội không nhiều.
|
Không thể không nhắc đến The Revenant, tác phẩm xuất sắc với 3 Quả cầu vàng và doanh thu phòng vé vô cùng ấn tượng. Kể từ khi ra mắt ngày 25.12.2015, phim đã thu về gần 166 triệu USD, được nhiều đề cử Oscar nhất, 12 đề cử, và đang là chú ngựa ô mạnh mẽ nhất trong các phim ứng cử viên. Tuy nhiên, trong lịch sử Oscar, chưa từng có nhà làm phim nào hai năm liền giành giải Phim hay nhất. Liệu điều này có lặp lại với Alejandro G. Inarritu - người đã có Birdman giành tượng vàng Oscar năm ngoái?
Đối với Room (Căn phòng), mọi chuyện dường như khó khăn hơn khi khởi đầu của bộ phim trên con đường săn giải thưởng không hề thuận lợi. Không chuyên gia nào của Hiệp hội Diễn viên Mỹ hay Viện hàn lâm điện ảnh Anh “nhìn” ra bộ phim, và phim chỉ giành Quả cầu vàng cũng như BAFTA hạng mục diễn xuất cho nữ diễn viên chính Brie Larson. Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ là nơi cuối cùng lựa chọn Room vào danh sách đề cử Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc. Điều đó cho thấy những cảm xúc mạnh mẽ mà bộ phim đem lại cho các thành viên Viện hàn lâm. Tuy nhiên, những cảm xúc đó có đủ mạnh để đưa phim lên bục vinh quang hay không thì vẫn còn nhiều dấu hỏi.
Cuối cùng, Spotlight (Tiêu điểm) xuất hiện trong năm mới đầy mạnh mẽ, gom hầu hết giải thưởng của các nhà phê bình cũng như các hiệp hội. Phim lọt vào danh sách đề cử Quả cầu vàng và BAFTA, nhưng chỉ giành được giải Kịch bản gốc hay nhất của BAFTA, và trắng tay ở Quả cầu vàng. Phim được đánh giá là có khả năng tiềm tàng đối với Oscar, thậm chí không thua kém các ứng cử viên nặng ký kể trên.
Rất nhiều điều có thể xảy ra trong lễ trao giải. Ai biết câu chuyện sẽ thay đổi như thế nào vào phút chót, nhất là khi Oscar năm nay được đánh giá có nhiều ứng viên ngang ngửa và vô cùng gay cấn?
Nguồn: Đại biểu nhân dân (Khánh Nguyên)