Cửa sổ văn nghệ

“Người lãnh đạo không quyết vội vàng”: Cuốn sách khiến nhiều “ông bà chủ” phải giật mình…

Thứ Năm, 04/06/2020 10:03
 

“Người lãnh đạo không quyết vội vàng”, cái tên sách cũng đã thể hiện thái độ rất hiện đại và sự giản dị đi thẳng vào vấn đề của người viết. Có lẽ anh cần hơn hết là tính hiệu quả cho người đọc. Cách trình bày bìa sách cũng là hình ảnh hai mũi tên định hướng phía trước một người được coi là lãnh đạo doanh nghiệp đang bước tới với dấu hỏi băn khoăn.

Thuộc vào tủ sách “Nâng tầm tri thức” của Tân Việt, nên các hướng dẫn về cách định hướng chính bản thân người lãnh đạo, cách để hiểu và cởi mở với nhân viên, cách phát huy hiệu suất làm việc nhóm mà thậm chí không cần người lãnh đạo kè kè ở bên… đã được “cầm tay chỉ việc” rất chí lý. Đôi chỗ, như ở mục lục, các biện pháp trên được vẽ như sơ đồ. Để bạn đọc nắm bắt ngắn, nhanh và dễ nhớ nhất.

Để hiểu cô nhân viên ngoan có bé trai 3 tuổi

Ngay từ mở đầu sách là những câu chuyện đời thường nhất. Đó là hình ảnh người lãnh đạo doanh nghiệp, vào cuối một ngày, dù lo lắng cỡ nào, vẫn mỉm cười khi có các nhân viên lần lượt xin về sớm vì đau mệt, vì con ốm. “Tất nhiên rồi, em cứ về đi”, nói xong thì lãnh đạo bắt đầu lo lắng. Và liên tục, lãnh đạo phải nỗ lực hơn nữa để theo kịp tất cả các tiến độ của công ty. Lên điện về, là thời điểm chắt chiu để kiểm tra thư điện tử, nhận đủ thứ thông báo từ mạng xã hội, đọc nốt cuốn sách về bí kíp kinh doanh đang dở dang… Rồi anh ngủ gật. Cho đến khi được đánh thức bởi tiếng loa báo là tàu đã đến ga. “Tôi đoán, những người lãnh đạo đang đọc đến những dòng này đây, có lẽ cũng nhìn thấy đâu đó hình ảnh của mình”, tác giả Nakamura Kazuhiro hóm hỉnh viết.

Và, ông đưa người ta vào các công thức hiểu mình, hiểu người, tương tác, truyền cảm hứng cho các thành viên, tránh hiểu lầm trong nội bộ hoặc cụ thể hơn là cách thiết kế một cuộc đối thoại tâm tình thứ thiệt để cố gắng hiểu nhiều hơn về một nhân viên khiếm tốn, kiệm lời. Tất cả các kĩ năng này, người thường, chứ chưa cần là lãnh đạo doanh nghiệp thành đạt, đều có thể tự tin nói là: tôi biết chứ, tôi vẫn làm đều và thành công tốt đẹp mà. Đúng là các kĩ năng tưởng là sơ đẳng này dễ khiến người ta chủ quan, cứ thế làm mà chưa bao giờ tính hết được những hiệu ứng đa chiều của nó, để làm sao đơn vị của mìnhthịnh phát nhất.

Một phụ nữ có con 3 tuổi, do làm chưa ổn một bản đề án quan trọng mà sáng hôm sau phải thuyết trình với đối tác. Anh (tác giả) đến công ty sớm 2 tiếng so với dự định và đọc, muốn gọi cho cô nhân viên để cùng sửa gấp. Nhưng anh đã không làm thế mà tìm hiểu kĩ cuộc sống đời thường của cô nhân viên trước khi trách cứ cô ấy.Có lẽ, nhiều người sẽ tỉnh ngộ khi đọc các lời khuyên kiểu “bí quyết” tâm đắc mà tác giả Nakamura Kazuhiro viết dưới đây. Một cuốn sách “nâng tầm tri thức” gần 250 trang là cả chuỗi các nguyên tắc, lời khuyên và ví dụ sinh động, từ đó rút ra các bài học bổ ích.Chỉ xin trích một ví dụ nhỏ: rằng, bạn là người cầm cân nảy mực ở cơ quan, bạn giải quyết thế nào khi thấy vài nhân viên ngồi nhìn thất thần vào màn hình máy tính và công việc đột nhiên không hiệu quả? Nhân viên nữ của bạn nghỉ chế độ thai sản, bạn là nam giới làm sao hiểu được tâm trạng và các vấn đề làm đau đầu cũng như làm hạnh phúc tràn bờ cho cô ấy nhỉ? Và anh đã tìm hiểu.

Tác giả đã liệt kê (chắc là một cách hài hước nữa) những công việc mà thức dậy sớm hôm đó cô phải làm: 6 giờ thức dậy, chuẩn bị thức ăn gồm cà chua bi, bánh mì nướng, trứng chiên và sữa uống cả ngày cho con trai; tiếp đến là chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà; sau đó là phơi quần áo cho cả nhà; tiến tới gọi con trai dậy (vì cu cậu luôn ngủ nướng), ăn sáng cùng con trai, dọn nhà bếp, kiểm kê thực phẩm để có danh sách hàng cần mua trong chuyến đi chợ chiều nay; giúp con vệ sinh cá nhân; tự mình chuẩn bị tư trang và trang điểm trước khi đến công ty… Đưa con đến trường, con mè nheo níu tóc, làm tóc cô xổ ra. Chạy cật lực đến chuyến tàu nhanh đông nghẹt, muộn một giây là lỡ và phải 15 phút sau mới có một chuyến nữa. Trên tàu check email và sửa soạn vài tài liệu. Đến công ty muộn vài phút.

Tác giả đã rất chi tiết từng suất cà chua bi nhân 3 (chắc do cu cậu thích món này) và việc lưu luyến túm tóc mẹ khi bị buộc phải ở lại lớp cả ngày mà mẹ về mất. Và anh viết, “khi thống kê, tôi cũng thấy toát mồ hôi và thở không ra hơi vì một buổi sáng quá bận rộn của cô ấy”. Từ đó, sự thông cảm là cần thiết và cần hành động trên cái nền hiểu và thông cảm với mỗi nhân viên.

Có ai đó trong chúng ta, con cái đã lớn, nhà lầu xe hơi rồi, đứng ở sự rảnh rang của mình mà thét lác các nữ nhân viên mẫu mực như đã mô tả ở trên không? – tôi tin là có đấy.

Ăn nắm cơm trên đỉnh núi mù sương

Hãy dành vài dòng trích về lời của tác giả Nakamura Kazuhiro: “Nắm cơm bạn ăn trên đỉnh núi cao phủ đầy sương sau quãng đường leo núi vất vả có hương vị hoàn toàn khác với nắm cơm bạn ăn tại bàn làm việc ở công ty vào giờ nghỉ trưa”. Khi đối thoại với nhân viên, vì thế bạn cần tạo không gian thoải mái và hữu ích cho cuộc trò chuyện, có thể đi bộ, hoặc lúc điểm tâm, hoặc hai người ngồi chếch nhau 45 độ thay vì trực diện. Ánh sáng ở không gian gặp cũng nên tính toán.

Tác giả dẫn luôn chuyện của mình: để nói chuyện thoải mái nhất với vợ, anh thường dành khoảng thời gian mình đang lái xe đưa cả nhà về mỗi ngày, phía sau là các con đã ngủ gật và vợ chồng nhìn cuộc sống băng qua các ô kính rộn rã, mơ màng. Lúc đó, anh hỏi, “em có ổn không, e có lo lắng gì không, có muốn gia đình mình làm điều gì đó cùng nhau không”. Và tính hiệu quả của nó rất tốt.

Trong đối thoại, cũng đừng cố duy trì cuộc nói chuyện liên tục, hãy để cảm xúc chi phối, hãy để trái tim lên tiếng. Khoảng lặng ngẫm ngợi giữa hai phía, theo tác giả Nakamura Kazuhiro, cũng là “thời gian ủ men” rất lý tưởng để mọi việc phát triển theo chiều hướng tốt.

Bạn quá bận rộn chạy đua với vòng quay điên đảo của nhịp kim các cái đồng hồ; song đừng vì thế mà quyết định vội vàng, hãy thẳng thắn đối diện với chính mình và tận hưởng những gì đã xảy ra như một trải nghiệm đáng giá.

Nhìn lại quãng đường nhiều thành công của mình, tác giả tự vấn như một lời khuyên gan ruột trước khi khép lại cuốn sách: “Tôi nghĩ, bản thân mình ngày trước đã quá màu mè. Một người lãnh đạo thực sự có lẽ luôn cư xử tự nhiên hơn nhiều. Một khi bạn rũ bỏ hình ảnh được tô vẽ bởi sự kì vọng của xung quanh và những định kiến thông thường lên người lãnh đạo, khi chỉ còn lưu lại nguyên tắc cốt lõi của bản thân, đôi mắt của bạn tự nhiên sẽ nhìn thấy được nhiều thứ hơn”.

Có ai trong chúng ta, dù là lãnh đạo các công ty, của các nhóm hoạt động hay chỉ là “người cầm trịch giàn đồng ca” các đứa con bé bỏng của mình, đã cảm thấy giật mình vì lời khuyên ở trên chưa nhỉ? Đôi khi, chúng ta đã quá hồ đồ, nếu không tin, xin hãy đọc tác giả Nakamura Kazuhiro.

Sinh ngày 2/3/1978, tại thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, tác giả Nakamura Kazuhiro đang học Tiến sỹ Khoa Nghiên cứu thiết kế hệ thống và quản trị tại Đại học Keio. Anh có thời gian dài làm việc tại tập đoàn MISUMI nổi tiếng. Sau các thành công có được, anh tự khởi nghiệp để thực hiện ý tưởng về cải thiện sức khỏe tinh thần cho người đi làm và giao tiếp trong gia đình. Hiện tại, anh là Chủ tịch của Project Design Office, đồng Chủ tịch Dialogue, đồng Chủ tịch Wellbeing hotel. (Sách “Người lãnh đạo không quyết vội vàng” được NXB Lao Động và Nhà sách Tân Việt phát hành, giá bìa 85.000 đồng).

BÍCH HOÀNG

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)