Cửa sổ văn nghệ

Quà tháng Năm dâng Bác

Thứ Năm, 14/05/2015 15:30
Càng gần kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên các làn sóng phát thanh, truyền hình càng rộn ràng lời ca tiếng hát ca ngợi Bác. Điều đó khiến tôi bồi hồi nhớ giai điệu của những bài hát ca ngợi Bác.
Trong số đó, có thể kể đến hai ca khúc cực kỳ ấn tượng là Nhớ lời Bác của nhạc sĩ Hoàng Vân và Quà tháng Năm dâng Người của nhạc sĩ Hồng Đăng.

Giai điệu về lời dạy làm người thấm thía
Nhạc sĩ Hoàng Vân là một nhạc sỹ lớn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ngoài những ca khúc nổi tiếng gắn bó với những chặng đường lịch sử đất nước, ông còn có ca khúc Nhớ lời Bác viết về những lời Bác dạy.
Tôi còn nhớ nhạc sĩ Hoàng Vân viết bài Nhớ lời Bác cuối năm 1968 được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam (dạo ấy chỉ có đài phát thanh thôi chứ chưa có truyền hình). Năm 1969 khi tôi vào học lớp 8 Trường cấp III Kiến Thụy, Hải Phòng thì đó cũng là lúc Bác Hồ qua đời. Lớp 8B của tôi do cô Nguyễn Kim Thanh (người Nghệ An) dạy Hóa làm chủ nhiệm, cô bảo học trò tập một bài hát để tham gia hội diễn văn nghệ trường. Vâng lời cô, lớp tôi đã chọn bài Nhớ lời Bác của nhạc sỹ Hoàng Vân.
Nói không quá đáng, lớp người tuổi ngoài 50 trở lên ở miền Bắc hầu như không mấy ai không thuộc bài Nhớ lời Bác và có lẽ cũng như tôi, sau bao năm bẵng đi chẳng được nghe, giờ nghe lại chắc xúc động lắm.
Chỉ riêng cách chuyển tải những nội dung sâu sắc vào lời ca và giai điệu một cách thật tự nhiên, phải công nhận nhạc sĩ Hoàng Vân là bậc kỳ tài.
Những lời Bác dạy từ ngày ấy cứ vang mãi, không bao giờ phai trong lòng con dân đất Việt: “Nhớ lời Bác suốt đời ta/Trung với nước hiếu với dân/Dù gian nan khó khăn không sờn/Đường ta đi đường chiến thắng/Tay chúng ta làm nên/Giỏi đường cày, mạnh tay búa/Trên tuyến đầu tay súng sẵn sàng/Nhớ lời Bác vững lòng tin/Ta xây đắp khối kết đoàn/Đừng như chim én bay xa đàn/Học nhân dân người thầy lớn/Như núi cao biển sâu.../Rừng cây xanh xa đất – nước/Có lẽ nào hoa lá tốt tươi?”.
Bác không chỉ nhắc nhở cán bộ chiến sĩ giữ phẩm chất cách mạng cao quý “trung với nước, hiếu với dân, vững lòng tin, đoàn kết gắn bó, chan hòa với nhân dân” mà Người còn dạy dỗ, chỉ bảo ân cần từng li từng tí việc xây dựng nhân cách “Nhớ lời Bác chớ tự cao/Luôn khiêm tốn, giúp đỡ nhau/Cùng nêu cao tấm gương phê bình/Cùng soi chung, cùng bước tiếp/Nên thấy mình đẹp hơn”. Những lời dạy thật vô cùng thấm thía về cách làm người.
Ngày nay, toàn Đảng, toàn dân đang ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chợt nghĩ, cùng với bao nhiêu phong trào, hình thức này nọ, nếu mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân bình thường thỉnh thoảng nghe lại bài hát Nhớ lời Bác và nếu nghe cho thuộc, cho ngấm và làm được thì chỉ chừng ấy lời dạy của Bác thôi ta đã có thể hài lòng.
Bản clip này do Tốp ca nam nữ Đài Tiếng nói Việt Nam trình bày, hai giọng ca đỉnh là Trần Khánh và Tuyết Thanh lĩnh xướng. 
Nói giúp tấm lòng yêu kính Bác
Tôi có người anh vợ là nhạc sĩ. Nhớ có lần đến ngồi trà lá, anh nhắc đến một đồng nghiệp là nhạc sĩ Hồng Đăng, bảo rằng Hồng Đăng viết nhạc giỏi mà coi tử vi cũng tài. Tôi chả biết tài tài tử vi của bác ấy đến đâu, chứ về âm nhạc thì đúng là giỏi, quá giỏi. Hồi còn dạy học, tôi rất thích bài Quà tháng năm dâng Người của bác ấy. Tôi luôn thầm dặn mình nếu gặp người nhạc sĩ đã làm mình mê đắm ấy, thế nào cũng phải hỏi cặn kẽ về cái bài hát Quà tháng Năm dâng Người đã theo mình suốt thời dạy học.
Trong những bài hát về giáo viên, về ngành Sư phạm, ca khúc Quà tháng Năm dâng Người (viết năm 1960, nhạc Hồng Đăng, lời Hồng Đăng-Thế Bảo) có thể nói được các thầy cô giáo cực kỳ yêu thích, ngang với Bài ca người giáo viên nhân dân của Hoàng Vân. Thời ấy, những năm 1980 trở về trước, hầu như người nào làm nghề dạy học cũng thuộc hai bài này.
Lời ca giản dị nhưng chứa đựng tấm lòng kính yêu Bác Hồ của các thầy cô giáo. 
Bác đã dạy “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Đinh ninh lời Bác dặn, ai cũng tự nhủ mình hãy xứng với niềm yêu thương mà Bác đã dành cho. Trong cái khung cảnh thật đẹp, thật nên thơ “Nhìn bầu trời quê hương lung linh nắng nhuốm cành hoa xoan/Rộn ràng chân bước, bước đến lớp các em nhỏ quàng khăn”, tấm lòng chợt bồi hồi, mong ước “Lòng ngày đêm mong sao Bác sống muôn ngàn năm/Kính yêu người luôn nhắc nhau nhớ bao lời Người/Luôn khuyên ta vì nhân dân nâng cao văn hóa/Ngày đêm ta vun muôn ngàn hoa/Quà tháng năm kính dâng người cha/Từng tiếng hát khắp xa gần thiết tha dâng Người”.
Có lúc lời hát sâu lắng, êm đềm như trải lòng, có khi vút lên như lời hứa, niềm tin chắc chắn “Từng mùa xuân măng non đã lớn lên từ đây/Núi sông này luôn vẫn ghi nhớ công ơn Người/Hy sinh suốt đời sao cho nhân dân no ấm/Người thương dân thao thức từng đêm/Đường khó khăn có người dìu ta/Lòng chúng cháu kính dâng người lời hát thiết tha”. Trong ca từ và nét nhạc của Hồng Đăng, người nghe có cảm giác hiển hiện trước mắt mình vị lãnh tụ thật cao quý mà gần gũi, tràn đầy yêu thương.
Bên cạnh cặp song ca Quý Dương-Trung Kiên, hai ca sĩ Ngọc Tú-Minh Quang (Đoàn Ca nhạc Tổng cục Chính trị) trình bày ca khúc Quà tháng năm dâng Người cũng rất truyền cảm, ấn tượng.

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ (Nguyễn Thông)
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)