Cửa sổ văn nghệ

Sức sống của kí ức

Chủ Nhật, 14/01/2024 11:25

 Kí ức không phôi pha là triển làm cá nhân đầu tiên của hoạ sĩ Khổng Đỗ Duy, hiện đang diễn ra tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Triển lãm bao gồm những bức tranh được vẽ trong giai đoạn hoạ sĩ sung sức nhất trong sáng tạo. Anh cho thấy sự chín muồi của cảm xúc, ý tưởng khi trình hiện những điều mà chính bản thân anh nhận ra là gan ruột nhất. Với hơn 40 tác phẩm hội hoạ và 10 tác phẩm gốm, các tác phẩm hội hoạ được sáng tác với chất liệu sơn dầu trên toan, và gốm được làm trực tiếp tại làng nghề gốm nổi tiếng Hương Canh, quê hương của hoạ sĩ.

Từ nội tâm, Khổng Đỗ Duy đã gửi gắm nỗi nhớ, sự trân trọng, lưu giữ… vào những thứ gần gũi, giản dị, cũ xưa như một chiếc radio cổ, một chiếc máy khâu cũ, những đồng tiền xu cổ... Hoạ sĩ quan niệm, tất cả những điều đó như là một món quà đẹp của cuộc sống ban tặng. Kí ức, hoài niệm như một trạng thái của con người trong thời hiện tại, nó giúp ta yêu tất cả những gì đẹp đẽ thuộc về thời xưa cũ, nó khiến cho ta như muốn hòa mình vào không gian tràn ngập hơi thở cổ xưa không nguôi ngoai trong những tâm hồn bị tổn thương. Dù hiện thực có luôn thay đổi, nó như dòng chảy không ngừng cuốn chúng ta về phía trước, nhưng đâu đó trong chúng ta vẫn có một góc hoài niệm mong mỏi nhớ nhung những điều xưa cũ đầy yêu thương không phôi pha trong lòng.

Nói về triển lãm Kí ức không phôi pha, hoạ sĩ Lê Thế Anh chia sẻ: Nếu trước đây Khổng Đỗ Duy ưa xê dịch, thích vẻ đẹp ngoại giới với cỏ cây biển hồ, thì giờ đây anh thích những thứ có xu hướng nội tại, thuộc về quá khứ. Nghĩa là anh không vẽ từ ngoài vào mà vẽ từ phía trong ra. Nếu trước đây anh vẽ tung tẩy, thiên về bút pháp trừu tượng, biểu hiện, thì gần đây anh vẽ thiên về ước lệ, tượng trưng. Chính vì vậy sự khái quát trong tác phẩm của anh cũng trở nên cô đọng, súc tích hơn.

Với những gam màu đẹp, ấm áp được xử lí rất tinh tế khéo léo, Khổng Đỗ Duy đưa người xem trở về một không gian chưa hẳn quá xa nhưng cũng đã mai một dần. Hoạ sĩ tâm niệm, anh luôn trân quý quá khứ, hiện tại và tương lai đều như nhau, bởi có quá khứ mới có hiện tại, có hiện tại mới có tương lai, quá khứ là nền móng cho tương lai phát triển tươi mới hơn. Hình bóng quê nhà, kí ức tuổi thơ, những hoài niệm xa xăm của ngày tháng cũ không nguôi trong tôi, là những thứ được anh khai thác đưa vào trong tranh, anh muốn mang đến một câu chuyện không của riêng mình, mà là của bạn, của chúng ta, đó là câu chuyện của hoài niệm, của dân gian, của tuổi thơ được anh kể lại bằng những cảm xúc trên bề mặt toan. “Với tôi nghệ thuật là nơi lưu giữ những kí ức đẹp”. Trải qua nhiều giai đoạn sáng tác, cách thể hiện có thay đổi nhưng những gì thuộc về kí ức, về hoài niệm về di sản vẫn là những chủ đề xuyên suốt trong tranh của anh.

Để có triển lãm này hoạ sĩ Khổng Đỗ Duy đã chuẩn bị và làm việc liên tục trong 3 năm. Các tác phẩm là những câu chuyện dài về những hoài niệm được trộn pha một chút hiện đại, được khoác lên một lớp màu tươi mới, rộn ràng vui tươi trong không khí xuân xưa, với mong muốn mang tới cho người xem đối diện một cái nhìn mới mẻ về những không gian hoài niệm và đầy tích cực.

Triển lãm kéo dài đến ngày 17/1/2024 tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài.

THU LAN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)