Triển lãm khai mạc ngày 21/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, 97 Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Triển lãm trưng bày 50 bức/bộ tranh với nhiều đề tài như: Thờ cúng, Trấn trạch và Trang trí.
Tranh dân gian kính Việt Nam là một trong 30 dòng tranh dân gian của Việt Nam. Chất liệu tranh là tranh kính/kiếng vì vậy tranh có những đặc trưng riêng. Tranh phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo từng vùng miền vì vậy có thể tạm phân loại theo khu vực địa lý như sau: tranh dân gian kính Hà Nội; tranh dân gian kính Huế; tranh dân gian kính Nam Bộ.
Nam Bộ là nơi tranh dân gian kính ra đời và phát triển do những đặc điểm về địa lý, khí hậu vì vậy, được chia thành 3 dòng tranh tương ứng với 3 dân tộc tại đây: tranh dân gian kính người Kinh; tranh dân gian kính người Khmer; tranh dân gian kính người Hoa.
Về đề tài tranh dân gian kính tại Việt Nam cũng có ít nhà nghiên cứu, có nhiều khoảng trống cần phải xác minh làm rõ. Tranh kính lại là tranh khó chụp ảnh vì tranh có độ phản quang lớn, bóng, chất liệu dễ vỡ. Tranh dân gian kính Việt Nam lại không bền do kĩ thuật vẽ, điều kiện thời tiết nước ta nóng ẩm, nên không có quá nhiều bộ sưu tập lớn được lưu trữ. Khi nghiên cứu dòng chảy lịch sử của tranh kính trên thế giới, choáng ngợp vì tranh kính có một lịch sử lâu đời từ những năm đầu công nguyên, gắn với tín ngưỡng, tôn giáo của con người, đặc trưng văn hóa từng thời kì.
Cũng như các dòng tranh dân gian khác, tranh dân gian kính cũng đứng trước những thách thức của thời đại, không có người kế nghiệp như ở dòng tranh dân gian kính Huế. Chỉ có một cách duy nhất để có thể tồn tại và phát triển, đó là học tập, nâng cao kĩ thuật để có thể đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của người dân.
Ban Tổ chức hi vọng thông qua triển lãm và việc ra mắt quyển sách Tranh dân gian kính Việt Nam, tranh kính sẽ được đưa về đúng giá trị của nó trong sự phát triển của văn hóa dân tộc. Cũng mong rằng, thông qua triển lãm này, các công ty, doanh nghiệp để tâm tới việc ứng dụng họa tiết tranh dân gian vào đời sống hiện đại, để tranh dân gian có một sức sống mới, bền bỉ hơn, thấm nhuần hơn. Để chúng ta có thể tự hào chung tay cùng nhau giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản của cha ông.
PV
VNQD