Dòng chảy

Con đường duy nhất là đi trên trang viết

Thứ Năm, 16/01/2025 08:49

 Sáng 15/1/2025 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác văn học năm 2025; trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2024; kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 2024. Đây là sự kiện được mong đợi trong năm của nhiều người cầm bút.

Hội nghị có sự tham dự của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học.

Tại Hội nghị, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: "Chúng ta sẽ để lại sau lưng những phiền muộn, những lo âu của năm 2024 để bước vào một giai đoạn mới nhiều ước mơ hơn, nhiều dự định hơn. Xin cảm ơn các hội viên, các đơn vị đồng hành đã cảm thông, nhắc nhở, gợi mở cho Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Năm qua, các hội viên đã gắn kết, đi qua từng khó khăn. Và cuối cùng, chúng ta nhận ra, chỉ có con đường duy nhất là đi trên trang viết, bởi nếu không bước đi trên con đường đó, chúng ta sẽ thất bại ở nhiều nghĩa".

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã đọc báo cáo tổng kết Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024.

Theo đó, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục tìm kiếm, phát hiện, vinh danh những tác phẩm nổi bật được xuất bản trong năm. Ban tổ chức đã nhận được 208 tác phẩm dự thi, trong đó có 7 tác phẩm đoạt giải.

Ở hạng mục văn xuôi, tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái của tác giả Phạm Thị Bích Thủy được xướng tên. Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam nhận xét: "Thành công nhất của tác giả là viết như một can dự tích cực vào cuộc sống. Viết không phải là đi tìm câu trả lời, mà là liên tục tra vấn cái thế giới đầy những đổ vỡ và khủng hoảng này...". Tập truyện ngắn Trên đỉnh giời của nhà văn Y Ban được Giải đặc biệt đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Thạch cho rằng đây là "tập truyện ngắn xuất sắc nhất mà chúng ta có thể chờ đợi ở văn chương Việt Nam hiện nay".

Ở hạng mục thơ, năm 2024 có ba tác phẩm cùng được trao giải thưởng là: Đồng của Trần Lê Khánh. Nhà thơ Thi Hoàng, thành viên Hội đồng Thơ đánh giá tập thơ Đồng bộc lộ một địa chỉ tâm hồn, ở đó con người thời hội nhập không xa lạ bản sắc dân tộc. Qua đây, Trần Lê Khánh thể hiện sự từng trải, không chỉ từng trải vốn sống mà còn từng trải văn hóa…; Tập thơ Viễn ca của Nguyễn Tiến Thanh được nhà phê bình Phùng Gia Thế cảm nhận đây là những dấn bước tự nhiên đi qua ngày tháng cũ của nhà thơ trên hành trình sáng tạo; Tập thơ Phục sinh của Đào Quốc Minh được nhà thơ Mai Văn Phấn cho rằng, tập thơ mở ra một hành trình khám phá sâu sắc về tâm hồn con người, một cuộc hành trình nội tâm đầy ý nghĩa.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2024 cho các tác giả đoạt giải.

Ở hạng mục lý luận phê bình, công trình Lý luận phê bình văn học miền Nam 1954 - 1975: Tiếp nhận và ứng dụng của nhà phê bình Trần Hoài Anh đã được ghi nhận. Theo nhà phê bình Võ Quốc Việt thì đây là công trình “không chỉ khảo sát bề rộng của thực tiễn văn học miền Nam 1954-1975 mà còn chạm đến những chiều sâu vi tế của từng hiện tượng văn học. Nhà nghiên cứu Trần Hoài Anh đã đi sâu vào các quan niệm về thể loại, mang đến cho bạn đọc một bức tranh phong phú và đầy màu sắc của sinh hoạt văn học miền Nam, với đủ loại khuynh hướng lý luận phê bình...

Ở hạng mục văn học thiếu nhi, tác phẩm Chiếc xe buýt bay của Mai Chi và Huỳnh Long giành được giải thưởng. Đánh giá về tác phẩm này, Hội đồng Sơ khảo cho rằng, câu chuyện trong tác phẩm là một bài ca tình bạn của tuổi thơ trong sáng, giúp các em được bay bổng rồi lại trở về nhà để thấm thía hơn nữa tình cảm gia đình, từ đó biết yêu thương những người quanh và biết trân trọng những gì mình đã có...

Hạng mục văn học dịch năm 2024 bỏ trống cho Ban Chấp hành nhận thấy chưa có tác phẩm phù hợp. 

Giải thưởng Tác giả Trẻ năm 2024 đã được trao cho hai tác giả: Võ Đăng Khoa với tập truyện ngắn Lạc đà bay và Phùng Thị Hương Ly với tập thơ Dưới vòm hoa đại khải.

Nhà thơ Hữu Việt và nhà văn Nguyễn Một trao Giải thưởng Tác giả Trẻ cho các tác giả đoạt giải.

Nhà thơ Phùng Thị Hương Ly xúc động với Giải thưởng Tác giả Trẻ, chị chia sẻ cảm xúc: "Thật khó để bày tỏ hết niềm vui này. Giải thưởng là một sự ghi nhận của Hội Nhà văn Việt Nam và hội đồng giám khảo dành cho tôi. Đây là nguồn động viên lớn cho tôi trong hành trình sáng tác, nhắc nhở tôi giữ ngọn lửa đam mê và có thêm nhiều tác phẩm có ý nghĩa trong hành trình tiếp theo của mình".

Để ghi nhận, tôn vinh những nỗ lực của nữ nhà văn Việt Nam không chỉ trong cuộc sống, trong sáng tạo, mà cả những cống hiến cho cộng đồng, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao Giải Nhà văn Nữ ấn tượng năm 2024 cho nhà thơ Đỗ Thị Tấc và nhà văn Đoàn Phương Huyền.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ hi vọng bạn đọc sẽ có sự nhìn nhận rộng mở hơn với các tác phẩm đoạt giải để có thể hiểu được hết các giá trị bên trong đó. Ông cũng mong rằng các tác phẩm được trao giải sẽ có một đời sống dài lâu. “Các tác giả đoạt giải đã mang đến một giọng nói mới, khác biệt, không giống hôm qua. Họ đã đóng góp vào một cách nhìn, mang đến những cảm xúc mới. Cá nhân tôi cũng xin cảm ơn các tác giả, vì đã mang đến cho tôi một đời sống mà tôi chưa từng biết tới trước khi đọc các cuốn sách này”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Lễ kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 2024 đã gọi tên 60 hội viên mới ở các chuyên ngành: văn xuôi, thơ, lí luận phê bình, văn học dịch, văn học thiếu nhi.

Cũng qua buổi lễ, Hội Nhà văn Việt Nam thông tin, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa XI dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4 năm 2025, đây không chỉ là dịp để nhìn lại 50 năm phát triển của văn học Việt Nam mà còn là cơ hội xác lập vị thế mới và hướng tới những giá trị nổi bật trong tương lai.

Từ nay đến Đại hội, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ triển khai một số nhiệm vụ quan trọng như tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 với chủ đề “Tổ quốc bay lên” và dự kiến tổ chức sự kiện “Duyệt binh trong hòa bình” với sự tham gia của các nhà văn Việt Nam từng mặc áo lính hành hương về chiến trường Quảng Trị năm xưa.

PV

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)