Dòng chảy

Những con rắn nổi tiếng trong văn chương nghệ thuật

Thứ Sáu, 24/01/2025 16:22

Hình ảnh con rắn là một biểu tượng giàu ý nghĩa và thường xuyên xuất hiện trong văn học thế giới. Nó mang nhiều tầng ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào bối cảnh văn hóa, tôn giáo và triết học cũng như đời sống xã hội ở mỗi quốc gia và qua từng thời đại.

 

Con rắn là biểu tượng của sự cám dỗ và tội lỗi

Một trong những lần xuất hiện nổi tiếng nhất của con rắn là trong câu chuyện về Adam và Eva trong Sách Sáng Thế (Genesis) của Kinh Thánh. Ở đó con rắn được mô tả là hiện thân của quỷ Satan, kẻ đã cám dỗ Eva ăn trái cấm từ Cây Tri Thức. Hình ảnh này gắn liền với sự sa ngã của loài người, trở thành biểu tượng của tội lỗi, sự lừa dối và cám dỗ.

Gần hai ngàn năm sau khi Kinh Thánh ra đời, nhà thơ nổi tiếng người Anh John Milton John Milton (9/12/1608 – 8/11/1674) cho ra đời tác phẩm trường ca “Thiên đường đã mất” (Paradise Lost) lấy cảm hứng từ Kinh Thánh. Trong tác phẩm này, hình ảnh con rắn cám dỗ Eva và Adam được tái hiện lại dưới góc nhìn văn chương, đồng thời chứa đựng ý nghĩa triết học và thần học sâu sắc, thể hiện những xung đột giữa thiện và ác, tự do và trách nhiệm. Hình ảnh con rắn trong tác phẩm là một biểu tượng đa chiều, vừa phản ánh bản chất của Satan vừa khắc họa những yếu tố nội tâm của con người như dục vọng, kiêu hãnh, và tự do ý chí.

Bức tranh Vườn địa đàng với sự sa ngã của con người của Jan Brueghel và Peter Paul Ruben trưng bày ở bảo tàng nghệ thuật Mauritshuis thành phố The Hague Hà Lan. 

Con rắn là biểu tượng của sự độc ác, quyến rũ và tình ái

Trong thần thoại Hy Lạp, Gorgon là tên chung để chỉ về ba chị em quái vật nữ với ba tên riêng là Stheno, Euryale và em út là Medusa. Gorgon thường được miêu tả với những đặc điểm chung như: mái tóc họ là những con rắn, họ có khuôn mặt xấu xí và bất cứ ai nhìn vào họ cũng sẽ bị hóa đá, họ có đôi tay bằng đồng thau với những móng tay sắc bén và những chiếc răng nanh sắc nhọn.

Trong văn chương nghệ thuật thì cái tên Medusa được nhắc đến nhiều nhất. Hai cô chị là Stheno và Euryale thì bất tử, còn Medusa thì không. Thần thoại Hy Lạp kể rằng á thần Perseus đã chặt đầu Medusa nhờ vào việc dùng tấm khiên đồng sáng như gương được nữ thần Athena ban cho để soi vào Gordon mà không phải trực tiếp đối mặt. Sau đó Perseus đã sử dụng cái đầu của Medusa như một thứ vũ khí làm hóa đá kẻ thù, mang đi chu du khắp nơi. Máu từ đầu Medusa chảy xuống biển Đỏ hóa thành một loại san hô màu đỏ và rơi xuống sa mạc Sahara hóa thành một loài rắn độc.

Một số truyền thuyết khác kể rằng Medusa từng là một cô gái xinh đẹp với mái tóc vàng nhưng bị thần biển Poseidon cưỡng hiếp. Cô chạy vào ngôi đền của nữ thần Athena để tìm nơi ẩn náu và Athena, tức giận vì ngôi đền của mình đã bị ô uế đã trừng phạt Medusa bằng cách biến cô ấy thành một con quái vật. Các chị gái của cô cũng bị biến thành quái vật vì đã cố gắng giúp đỡ cô.

Có lẽ Medusa là một cô gái xinh đẹp, kể cả khi đã trở thành quái vật thì vẫn xinh đẹp. Đơn giản vì thần thoại Hy Lạp kể rằng chỉ có đàn ông mới hóa đá khi nhìn thấy Medusa, còn phụ nữ thì không. Và Medusa chỉ ám hại đàn ông chứ không ám hại phụ nữ. Có lẽ, “hóa đá” là một từ khóa quan trọng. Bất cứ người đàn ông nào khi nhìn thấy một phụ nữ xinh đẹp sẽ dễ dàng “hóa đá” hơn là khi thấy một phụ nữ xấu xí.

Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra thường được biết đến qua hình ảnh gắn liền với con rắn. Cleopatra thường được miêu tả với rắn hổ mang quấn quanh tay hoặc ngực. Đây là một biểu tượng đa chiều, phản ánh quyền uy, vẻ đẹp, sự khôn ngoan, nhưng cũng mang theo thông điệp về cái chết, sự vĩnh hằng và hy vọng tái sinh. Văn hào người Anh Shakespeare trong vở kịch "Antony and Cleopatra" đã miêu tả cái chết của Cleopatra như một sự kiện mang tính anh hùng và đầy kịch tính. Cleopatra chấp nhận cái chết bằng rắn độc như một cách để giữ gìn danh dự và thoát khỏi sự sỉ nhục của kẻ chiến thắng.

Rắn còn được miêu tả như một con vật say mê sắc đẹp và tình dục. Thời trung đại ở Việt Nam, Nguyễn Dữ trong tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục” kể chuyện thần rắn ở một đền thờ tại Hải Dương, bị kiện vì tội bắt cóc Trịnh Thị để cưỡng hiếp. Cuối cùng rắn bị Long Vương trị tội, phạt phải đi lưu đày: "Giữa ban ngày, không mây mà mưa, nước sông đầy, rồi có một con rắn dài mười trượng, vảy biếc mào đỏ nổi trên mặt nước mà đi lên mạn Bắc, đàng sau có hằng trăm con rắn nhỏ đi theo, đền từ đấy không linh thiêng nữa". Đền thờ con rắn ấy về sau tục danh gọi là “Dâm từ”.

“Thanh Xà Bạch Xà” hay “Bạch Xà truyện” là một trong bốn truyền thuyết dân gian nổi tiếng nhất của Trung Quốc, miêu tả câu chuyện tình yêu thăng trầm ly biệt giữa nàng Bạch Nương Tử là một con rắn tu luyện thành người và chàng trai Hứa Tiên. Câu chuyện đã nhiều lần được chuyển thể thành Kinh kịch, thành phim điện ảnh và phim truyền hình. Còn tại Việt Nam, “Bạch Xà truyện” đã được dựng thành cải lương.

Minh họa Bạch Xà truyện ở Di Hòa Viên, Bắc Kinh, Trung Quốc. 

Con rắn là biểu tượng của sự tái sinh, trường tồn và quyền lực

Cũng trong thần thoại Hy Lạp cổ đại thì hình ảnh con rắn được liên kết với thần y học Asclepius. Hình ảnh cây gậy quấn rắn (Caduceus) của thần y học cầm trong tay tượng trưng cho sự chữa lành, tái sinh và trường tồn. Trong nhiều nền văn hóa Châu Á, con rắn tượng trưng cho sự tái sinh, nhờ khả năng lột da của nó. Tục ngữ Việt Nam có câu “Rắn già rắn lột, người già người tụt vào săng”.

Hình ảnh con rắn Naga giữ một vai trò vô cùng quan trọng và đa diện, mang nhiều ý nghĩa trong các truyền thuyết, thần thoại, tôn giáo và văn hóa Ấn Độ. Trong tiếng Phạn (Sanskrit), rắn Naga có nghĩa là “rắn hổ mang lớn”. Chúng là những sinh vật bán thần, thường có thân rắn và đầu người hoặc chỉ có thân rắn hoàn toàn. Rắn Naga không chỉ là biểu tượng của sự cám dỗ, hủy diệt mà còn tượng trưng cho sự tái sinh, thần thánh và quyền lực. Trong các sử thi lớn của Ấn Độ như “Mahabharata” và ‘Ramayana”, rắn Naga xuất hiện nhiều lần. Trong sử thi “Mahabharata”, một nhân vật nổi bật là rắn độc Kaliya đã bị người anh hùng Krishna đánh bại, thể hiện chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Shesha, một con rắn Naga lớn, là con rắn đã nâng đỡ thần Vishnu ngự trên lưng, thường được miêu tả như một con rắn với nhiều đầu, mỗi đầu tượng trưng cho một vũ trụ. Sau này, hình ảnh rắn Naga theo sự chuyển di văn hóa đã lan tỏa khắp vùng Đông Nam Á, đặc biệt được thể hiện trong kiến trúc. Chính cái tên rắn Naga gọi theo giống cái là Nagini đã tạo cảm hứng cho nhà văn nữ J.K. Rowling sáng tạo ra nhân vật rắn Nagini trong tác phẩm lừng danh “Harry Potter”.

Tượng rắn Naga bảy đầu của Campuchia tại Cung điện Hoàng gia ở Phnom Penh. 

Rắn có thể được coi là một "cổ mẫu" (archetype) trong văn chương thế giới. Cổ mẫu là những hình tượng, nhân vật, biểu tượng, hoặc motif phổ quát và lặp đi lặp lại trong các tác phẩm văn học, phản ánh những kinh nghiệm, nhận thức, cảm xúc chung của nhân loại, có từ thời xa xưa. Cổ mẫu thường có nguồn gốc từ tiềm thức tập thể (collective unconscious), một khái niệm được nhà tâm lý học Carl Gustav Jung đưa ra và chúng tồn tại trong các câu chuyện, truyền thuyết, thần thoại, và văn hóa trên khắp thế giới. Từ xa xưa, rắn đã gắn liền với nhiều tầng ý nghĩa, gắn với những biểu tượng khác nhau trong văn hóa, tôn giáo và văn học của các dân tộc trên toàn cầu. Sự hiện diện của rắn trong nhiều tác phẩm văn chương, hay trong 12 con giáp cho thấy đây là một “cổ mẫu” được ưa chuộng. Rắn tồn tại ở hầu hết các hệ sinh thái, gần gũi với đời sống con người từ xa xưa. Nó vừa quen thuộc vừa bí ẩn, gắn với các đặc điểm sinh học kỳ lạ như lột da, nọc độc chết người, khả năng di chuyển uyển chuyển mà không cần chân... Những đặc điểm này đã kích thích trí tưởng tượng của con người, làm cho rắn trở thành một hình tượng phong phú trong tiềm thức tập thể. Do vậy, hình ảnh con rắn với tính đa dạng và biểu tượng phức tạp, là một cổ mẫu quan trọng trong văn chương thế giới. Nó mang những ý nghĩa đối lập, từ cám dỗ và nguy hiểm đến tri thức và tái sinh, từ tình yêu, sự quyến rũ đến tình dục… cho thấy ý nghĩa đa dạng của loài vật này trong việc lồng ghép phản ánh các khía cạnh sâu sắc của tâm hồn và đời sống con người.

HÀ THANH VÂN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)