Dòng chảy
THIẾU TƯỚNG HOÀNG VĂN SỸ - TƯ LỆNH BINH ĐOÀN 15:

Trong màu xanh đại ngàn là màu xanh áo lính

Thứ Bảy, 01/02/2025 03:45

Nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, phủ xanh các vùng đất hoang rộng lớn, góp phần kiến tạo cuộc sống mới sau chiến tranh, năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) thực hiện đẩy nhanh quá trình khai hoang và mở rộng diện tích cây cao su, trong đó có chương trình đưa cây cao su lên Tây Nguyên. Thực hiện chủ trương đó, Quân đội đã đi đầu với việc thành lập Binh đoàn 15 có nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên vào năm 1985.

40 năm đưa cây cao su đến các vùng đất Tây Nguyên cũng là 40 năm hành trình của những người lính Binh đoàn 15 mang màu xanh và sự no ấm, bình yên đến với vùng đất này. Cao hơn thế, một vành đai xanh dọc biên giới quốc gia kéo dài hơn 251km đã tạo nên một dải phên giậu vững chắc của Tổ quốc.

Trong chuyến về thực tế tại Binh đoàn 15 những ngày cuối năm 2024, chúng tôi càng nhận thấy những giá trị cao quý của hình tượng Bộ đội Cụ Hồ đã được những người lính Binh đoàn 15 khẳng định và phát huy trên vùng đất Tây Nguyên nắng gió, nơi mặt trận B3 xưa. Bên cạnh những chuyến thâm nhập thực tế tại các đội sản xuất sát biên giới, cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ - Tư lệnh Binh đoàn 15 đã giúp các nhà văn VNQĐ hiểu hơn về sự tận hiến, vì nhân dân, vì đồng bào các dân tộc của những người lính thời bình trên mặt trận kinh tế - quốc phòng.

VNQĐ: Thưa Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, cũng gần chục năm các nhà văn VNQĐ mới lại có dịp về với Binh đoàn 15. Trong khoảng thời gian ấy đã có nhiều sự vận động, đổi thay, nhưng trước hết đồng chí Tư lệnh có thể cho bạn đọc VNQĐ một vài phác thảo về Binh đoàn?

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Sau khi vùng đất Tây Nguyên được giải phóng, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, quân và dân các dân tộc Tây Nguyên khẩn trương bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, xã hội, từng bước làm hồi sinh và đánh thức tiềm năng tại địa bàn chiến lược này. Đây thực sự là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, gian khổ, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, cùng với một lực lượng chuyên trách làm nòng cốt mới có thể thực hiện thành công. Trước tình hình đó, bằng tư duy lãnh đạo sắc bén, Đảng, Nhà nước đã từng bước giao cho Quân đội tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược. Từ hiệu quả tham gia phát triển kinh tế - xã hội của một số đơn vị Quân đội đứng chân ở Tây Nguyên những năm trước đó, ngày 20/2/1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) quyết định thành lập Binh đoàn xây dựng kinh tế Tây Nguyên, mang phiên hiệu Binh đoàn 15, trực thuộc Quân khu 5, Bộ Quốc phòng.

Những năm đầu thành lập với biết bao khó khăn gian khổ, Binh đoàn đã từng bước khắc phục, biến một vùng đất rộng lớn vốn là chiến trường ác liệt, đầy tàn tích chiến tranh trở thành một vùng cao su, cà phê bạt ngàn, trù phú với hàng trăm điểm dân cư mới được thành lập chạy dọc trên 250km đường biên giới ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Quảng Bình - nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong bất cứ thời kì lịch sử nào của dân tộc, từng bước khẳng định tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng Binh đoàn 15 trên cả ba mặt chiến lược “xây dựng vùng chiến lược, cây chiến lược và con người chiến lược”, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.

Trải qua 40 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, có thể nói trong bất kì hoàn cảnh nào, Binh đoàn 15 cũng luôn quán triệt sâu sắc mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Quân đội về kết hợp phát triển kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh; quan hệ mật thiết với cấp ủy, chính quyền địa phương; gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; khắc phục mọi khó khăn, gian khổ; luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng tại chỗ, góp phần ổn định đời sống nhân dân, tạo lập “thế trận lòng dân” vững chắc, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Với những thành tích xuất sắc đạt được, Binh đoàn 15 đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kì Đổi mới.

VNQĐ: Vâng! Xây dựng thế trận lòng dân được phát triển từ nghệ thuật chiến tranh nhân dân, đã rất thành công trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của chúng ta, thế còn trong thời bình, với thực tế kinh nghiệm đơn vị đã làm trên địa bàn Tây Nguyên, đồng chí Tư lệnh có thể diễn giải đôi chút về nhiệm vụ đặc biệt này?

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Có thể hình dung thế này, 6 huyện biên giới trải dài qua 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum trước đây là một khoảng trống, sau 40 năm những người lính Binh đoàn có mặt giờ đây đã là cây cao su, là những đội sản xuất, những vùng đất trắng ấy chúng tôi đã tuyển công nhân từ khắp cả nước, chú trọng tuyển đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đưa cây cao su lên trồng và chăm sóc, khai thác, mỗi công nhân cũng là một người dân, cùng với chính sách hậu phương, chính sách an sinh xã hội, mỗi người dân ấy dần dần thành những hộ dân, mỗi đội sản xuất thành một thôn làng. 160 đội sản xuất ở trong nước của chúng tôi, mỗi đội là một cụm dân cư đi theo, chúng tôi phối hợp với địa phương làm đến đâu đưa dân đến đấy. Đầu tiên ở tập thể, khi có thu nhập rồi thì hỗ trợ tách hộ riêng, bằng cách ấy chúng tôi đã tạo tiền đề để thành lập 3 huyện mới. Ngày xưa Mo Rai là một xã diện tích rộng tương đương tỉnh Thái Bình, là trọng điểm sốt rét, không có dân vì người dân lên sốt rét bỏ về hết. Bây giờ có định hướng phát triển bền vững, thành lập huyện mới Ia H’Drai dân lại lên, bên cạnh lực lượng dân nòng cốt của Binh đoàn. Các đội sản xuất của chúng tôi đội trưởng kiêm trưởng thôn. Các đội sản xuất có các tổ an ninh trật tự, tổ tuần tra biên giới, bảo vệ cột mốc…

160 đội sản xuất của Binh đoàn bố trí xen kẽ 271 thôn làng, gắn bó chặt chẽ với nhau, quan hệ mật thiết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh, giữa nhiệm vụ quốc phòng an ninh và nhiệm vụ phát triển kinh tế, đó chính là một thế trận vững chắc bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi đã tạo ra trên khu vực biên giới hàng trăm kilomet vùng đệm, buôn lậu, tội phạm, vượt biên có muốn qua cũng khó. Lãnh đạo 6 huyện biên giới của hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum đều thừa nhận, “không có các anh chúng tôi khó mà hoàn thành được nhiệm vụ”.

Ở những vùng trắng không dân hoặc những vùng có một số buôn làng đồng bào dân tộc đa phần cuộc sống còn nghèo nàn, lạc hậu với nhiều hủ tục. Những người lính của Binh đoàn đã về với dân, cầm tay chỉ việc, dạy họ cách làm ăn, phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống văn minh. Chúng tôi đã xây dựng hệ thống điện - đường - trường - trạm, tạo những cơ sở hạ tầng đầu tiên cho một cuộc sống mới. Hàng ngàn kilomet đường giao thông nội vùng, hàng trăm kilomet đường điện, hàng chục trường học, bệnh xá, hàng trăm điểm trường mầm non đã theo dấu chân người lính Binh đoàn mà mọc lên, chăm lo cho con em công nhân, con em đồng bào dân tộc, cho người già, trẻ nhỏ và cho chính những công nhân của chúng tôi, những nơi mà hệ thống y tế giáo dục của nhà nước chưa vươn tới được thì chúng tôi đã thay mặt Đảng, Nhà nước làm cho dân. Những bản làng mới từ từ theo đó mà hình thành.

Nói thì dễ nhưng để có được kết quả ấy là cả một quá trình. Binh đoàn mới thành lập 40 năm nhưng các đơn vị thành viên thì đã ở Tây Nguyên hơn nửa thế kỉ, tiếp nối từ những năm tháng chiến tranh trên chiến trường B3. Không có dân, không giữ được dân thì không có thế trận nào cả.

Khánh thành công trình Sao sáng buôn làng tại xã Ia Dom - Đức Cơ - Gia Lai. Ảnh: ĐVCC

VNQĐ: Và chắc hẳn những gì đồng chí Tư lệnh vừa nói sẽ không thiếu những số liệu để chứng minh, những câu chuyện để minh họa…

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Có rất nhiều những thống kê về các mặt công tác khác nhau, tôi chỉ xin ví dụ một số mô hình, một số số liệu tiêu biểu. Thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiềm lực con người, tiềm lực kinh tế và tiềm lực quốc phòng, hiện chúng tôi đang đầu tư, chăm sóc và khai thác trên 40.000ha cao su, 70ha lúa nước, hơn 40ha đồng cỏ chăn nuôi, xây dựng 6 nhà máy chế biến cao su với công suất hơn 40.000 tấn/năm, 1 nhà máy sản xuất phân vi sinh công suất 20.000 tấn/năm, một phân xưởng chế biến gỗ cao su công suất 20.000m3/năm, chất lượng các loại sản phẩm đều đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mĩ, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 15.000 lao động và hàng chục ngàn người có việc làm phụ, tiền lương và các chế độ chính sách cho người lao động luôn được bảo đảm. Địa bàn 251km biên giới mà các đơn vị đứng chân có 28 dân tộc thiểu số. Về y tế, chúng tôi chăm lo cho 271 bản làng, 11 bệnh xá và 1 bệnh viện 200 giường, hàng năm tổ chức cấp phát thuốc miễn phí cho bà con, tư vấn cho bà con về sức khỏe. Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vừa rồi đi kiểm tra, tham quan các mô hình tại Binh đoàn đã vào một bệnh xá ngẫu nhiên, hỏi thăm bệnh nhân, cán bộ công nhân viên ở đó để nắm tình hình và rất khen ngợi.

Giáo dục mầm non không phải nhiệm vụ của Quân đội nhưng chúng tôi đã làm từ mấy chục năm nay. 4 trường mầm non của Binh đoàn đã đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1. Cao điểm có hơn 7.000 cháu theo học, hiện tại là 6.000 cháu, trong đó 2/3 là con em đồng bào các dân tộc. 700 cô giáo tại các điểm trường sẽ đón các cháu, trông giữ, dạy dỗ để bố mẹ các cháu yên tâm làm việc. Lúc đầu tổ chức trường bà con dân tộc chưa tin, chúng tôi phải cho người dân tộc giữ rồi dần dần thay các cô giáo người Kinh được đào tạo cơ bản. Có khi gửi con rồi họ còn quay lại xem con mình được trông giữ, đối xử thế nào. Các đơn vị của Binh đoàn đều có hỗ trợ bữa ăn cho các cháu, có đơn vị 3 nghìn, đơn vị 5 nghìn, 7 nghìn một bữa, giúp các cháu nâng cao sức khỏe, hạn chế suy dinh dưỡng. Các cháu ăn mặc sạch sẽ, biết nói tiếng Kinh sớm; 2, 3 tuổi đã biết hát các bài hát thiếu nhi phổ biến, khi vào học phổ thông đã biết nói tiếng phổ thông thành thạo nên chất lượng học tập càng được nâng cao.

Cùng với đó chúng tôi cũng xây các trường tiểu học, xây trường xong đề nghị địa phương cử giáo viên vào dạy. Nhưng khi quyết toán thì bên giáo dục lại vướng vì cơ sở giáo dục không có mà lại có quyết toán sẽ mâu thuẫn, thế là chúng tôi thống nhất bàn giao 8 trường cho bên giáo dục. Số còn lại Binh đoàn vẫn tiếp tục chăm lo để yên dân, ổn định địa bàn.

Trong công tác dân vận, mô hình “Gắn kết hộ” của chúng tôi cũng đặc biệt thành công với gần 4.300 hộ người Kinh kết nghĩa với số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tương đương thành các cặp hộ gắn kết. Từ chỗ tự phát chúng tôi đã nâng lên thành mô hình và trở thành hoạt động trọng tâm trong vận động quần chúng. Các cặp hộ gắn bó chặt chẽ, trao đổi thường xuyên, giúp nhau phát triển kinh tế, thay đổi tập tục lạc hậu. Đơn giản như việc mài dao cạo mủ, không phải bà con nào cũng làm được, vì lưỡi dao gần như vuông góc, kĩ thuật mài rất khó, phải hỗ trợ đồng bào cả trong cạo mủ và mài dao, các hộ hỗ trợ nhau, đến nay cơ bản đồng bào đã mài được. Thông qua mô hình này việc nắm bắt tình hình rất nhanh và thuận lợi, nhất là từ khi triển khai “Nhật kí gắn kết hộ”. Cuối năm các hộ gắn kết ngồi lại tổng kết trong năm làm được những gì, rút kinh nghiệm gì cho năm sau, gắn việc kết nghĩa vào nhiệm vụ chính trị. Thông qua các hoạt động, các dân tộc có sự đoàn kết, giao thoa, hơn ba trăm cặp người Kinh và người dân tộc thiểu số đã thành đôi, nhiều hủ tục đã không còn, ma chay dài ngày bây giờ đã giảm xuống đôi ba ngày, tổ chức cưới văn minh, bắc rạp đàng hoàng, không còn uống rượu từ ngày này qua ngày khác nữa. Đồng bào có phong tục lễ tạ ơn, ai trong đời một lần cũng phải tổ chức lễ để tạ ơn cha mẹ, nhiều nhà thịt trâu bò làm lớn mời cả làng, rất tốn kém, chúng tôi phải vận động từ bố mẹ để hạn chế bớt, nhưng vẫn giữ đạo lí truyền thống.

Chương trình “Sao sáng buôn làng” chúng tôi mới triển khai, đã làm được trên 20km chiếu sáng buôn làng bằng năng lượng mặt trời. Hôm bàn giao bà con rất phấn khởi, treo cờ quạt tưng bừng. Tại các thôn cũng đã tái lập hệ thống kẻng báo động và camera, tăng cường giám sát an ninh. Tại mỗi bản làng, các đơn vị hướng dẫn bà con làm hệ thống thoát nước, dây phơi, nhà vệ sinh, bến nước sạch sẽ. Chúng tôi cũng lựa chọn dân tộc chiếm đa số, dạy tiếng, dạy chữ cho đồng bào, ngày đi làm, đêm đi học. Người cán bộ binh đoàn phải làm tròn rất nhiều vai, từ sản xuất kinh doanh, dân vận, đến huấn luyện sẵn sàng chiến đấu…

VNQĐ: Qua câu chuyện của đồng chí Tư lệnh có thể thấy rõ hình tượng Bộ đội Cụ Hồ với các giá trị của ngày hôm nay đã được những người lính Binh đoàn thể hiện sống động trên vùng đất Tây Nguyên. Nhiệm vụ kinh tế và nhiệm vụ quốc phòng nếu tiến hành song song, tương trợ qua lại được thì rất tốt, nhưng không phải lúc nào cũng có thể giải quyết tốt đẹp mối quan hệ này. Chẳng hạn như những năm vừa rồi, khi giá cao su thế giới xuống thấp đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh và việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Binh đoàn đã giải quyết mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ ấy như thế nào, nhất là ở những thời điểm không thuận lợi?

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Giá cao su xuống thấp trong những năm qua đã tạo ra cho chúng tôi những áp lực. Áp lực trong việc cân đối giữa các nhiệm vụ. Với tính đặc thù cao, Binh đoàn xác định sản xuất không phải để lấy lợi nhuận mà để đưa dân lên giữ đất, xây dựng cuộc sống. Có năm lỗ kéo dài, kiểm toán vào chất vấn chúng tôi tại sao lỗ mà vẫn trả lương cao, tôi bảo rằng, lỗ nhất là để mất dân. Nói thì nói vậy nhưng chúng tôi cũng đã thực hiện những biện pháp thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu, giảm chi phí sản xuất. Từ sáu bảy năm nay Binh đoàn đã thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất rất hiệu quả, để sản xuất ra 1 tấn cao su trước đây chi phí hết 50-52 triệu, các đơn vị của chúng tôi tìm mọi biện pháp để giảm xuống 40 triệu rồi 30 triệu, thậm chí là dưới 30 triệu, tiết giảm trên dưới 40%. Về nguyên tắc làm kinh tế lỗ phải dừng, nhưng vì nhiệm vụ quốc phòng chúng tôi vẫn phải duy trì. Thời gian dịch bệnh cũng vậy, một số lãnh đạo cấp cao của Nhà nước vào kiểm tra bảo Hà Nội cũng chỉ trả 3 triệu để người lao động duy trì cuộc sống sao ở đây vẫn trả cao thế. Chúng tôi hiểu, công nhân của chúng tôi một người nuôi cả gia đình, đã thu hút họ vào làm việc thì phải chăm lo cho họ. Coi như là chi phí dân vận để giữ dân nhưng đưa vào đồng lương nó có giá trị cao hơn, căn cốt hơn, họ sẽ có trách nhiệm ngược lại với đơn vị. Cao su của chúng tôi được chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật, quản lí quy trình cũng tốt, 7 năm đầu tư cộng với 24 năm khai thác cho mủ, do thực hiện tốt mà chu kì khai thác được kéo dài, hơn nhiều đơn vị, doanh nghiệp cùng địa bàn.

Cán bộ chiến sĩ Binh đoàn 15 cùng nhân dân đón tết. Ảnh: ĐVCC

VNQĐ: Nghe những chia sẻ của đồng chí Tư lệnh chúng tôi thấy câu nói “Lấy dân làm gốc”của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Binh đoàn vận dụng một cách sáng tạo và đầy trách nhiệm. Nhưng tôi mới chỉ thấy những thông tin thuận chiều, liệu có những sự trái chiều nào đó mà những người lính Binh đoàn gặp phải trong quá trình triển khai rất nhiều nhiệm vụ, trong rất nhiều vai trò, đòi hỏi phải đạt được rất nhiều mục đích như vậy?

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Mỗi đơn vị có nhiệm vụ vai trò khác nhau, mỗi quân nhân của Binh đoàn phải thực hiện nhiều vai trong một, cần hiểu đúng về vai trò, nhiệm vụ và những gì mình đang làm. Không nhiệm vụ nào kém nhiệm vụ nào. Bên cạnh giáo dục nhận thức, chúng tôi mở rộng dân chủ, hội nghị người lao động họp từ tổ đội đến cấp trung gian, trực thuộc Binh đoàn, cử lãnh đạo xuống theo dõi, chỉ đạo. Để khi ban hành nghị quyết, quay trở lại thực hiện ở cơ sở thì làm đúng như thế. Việc tuyên truyền nhận thức làm sao để đồng bào được nghe, được tham gia và thực hiện. Gần đây chúng tôi có đề xuất cho một số người lao động xuất sắc chuyển sang công nhân quốc phòng để tạo sự lan tỏa tích cực trong phấn đấu, cống hiến. Gia đình quân nhân khó khăn, bị ảnh hưởng bão lũ đều được quan tâm, hỗ trợ. Mọi thứ minh bạch, dân chủ, chế độ chính sách đều chấm điểm cả. Như vậy tất cả cán bộ, chiến sĩ, người lao động đều yên tâm phấn đấu. Công bằng, minh bạch cũng tạo ra sự yên ổn. Gần chục năm trở lại đây Binh đoàn không có đơn thư, khiếu nại tố cáo gì.

Chúng tôi làm tất cả để an dân, gắn bó người lao động, gắn bó các dân tộc thiểu số với nhau, không gây xung đột về lợi ích. Các dự án đều bố trí diện tích đất để dân sản xuất. Binh đoàn đã đề ra công thức “suối-dân-bộ đội”, nghĩa là, từ mép suối trở lên 100 đến 150m đất tốt, lại gần nguồn nước thì dành cho dân sản xuất, từ phía trên bộ đội mới làm. Việc đó đã giải quyết từ gốc, tạo sinh kế, tạo bình yên, nhân dân tin tưởng. Một vài hiện tượng tiêu cực thì cũng có, như tình trạng ăn cắp mủ, kẻ xấu đứng phía sau xúi giục trẻ con vào đổ trộm mủ, đội trưởng nói còn bị dọa đánh nhưng anh em vẫn kiên nhẫn xử lí vụ việc theo đúng quy trình và nguyên tắc đã thống nhất. Có vụ ở Chư Prông, Gia Lai, kẻ xấu chặt cây cao su của đơn vị, nhiều lần làm việc, vận động nhưng vẫn tái phạm, có bằng chứng rõ ràng, đến lần thứ bảy chúng tôi giao cơ quan điều tra hình sự phối hợp xử lí. Gia đình cũng kéo lên cổng đơn vị, tôi chỉ đạo, nếu họ ở ngoài thì không sao, đối tượng nào vi phạm vào doanh trại thì phải xử lí đúng quy định. Địa phương cũng điện bảo, mới dịch bệnh xong các anh làm thế sợ dân bức xúc, chúng tôi bảo, các anh yên tâm, rồi đâu khắc vào đấy, rồi sẽ yên. Gia đình kẻ phá hoại sợ con bị đánh, bị bỏ đói, chúng tôi cho một chuyến xe chở gia đình lên trại tạm giam cho gặp gỡ tiếp xúc để họ yên tâm. Được giải thích rõ ràng, họ xin lỗi đơn vị nhưng chúng tôi không đồng ý, yêu cầu lên xã xin lỗi công khai. Từ đó mọi thứ yên ổn.

Trước đây có hiện tượng một số hộ dân tham gia tà đạo Hà Mòn, sau quá trình tuyên truyền dân không theo nữa. Địa bàn chúng tôi quản lí có 118 điểm nhóm đạo, trên 47.000 giáo dân, mỗi dịp lễ Noel đơn vị vẫn tổ chức thăm, tặng quà, đại diện nhà thờ cũng tặng quà đơn vị vào dịp tết. Ngày xưa cứ chủ nhật là công nhân của chúng tôi nghỉ đi nhà thờ, bây giờ chúng tôi phối hợp với nhà thờ để họ tổ chức làm lễ vào buổi chiều, sáng công nhân còn đi làm. Đợt đại dịch Covid-19 nhiều hộ dân tộc thiểu số không chịu tiêm vắc-xin các đơn vị cũng phải tuyên truyền. Họ không tiêm vì sợ một là đau, hai là không được uống rượu, ba là sợ chết. Có địa bàn nguyên một làng không đi. Đơn vị phải chở ông trưởng đạo xuống vận động dân mới nghe, nghe rồi thì ăn mặc như đi hội, tiêm xong đơn vị tặng cho mỗi người một hộp sữa một chiếc khẩu trang. Kết quả Binh đoàn là một trong những đơn vị tiêm phủ vắc-xin xong sớm nhất toàn quân, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

VNQĐ: Được biết, không những xây dựng thế trận trong nội địa, các đơn vị của Binh đoàn còn vươn xa, phát triển vùng đệm sang Lào, Campuchia, thực hiện nhiện vụ đối ngoại quốc phòng, ngoại giao nhân dân, xây dựng “biên giới mềm” trên dải biên cương khu vực ngã ba biên giới?

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Việc triển khai thuê đất trồng cao su sang Lào, Campuchia chúng tôi làm cũng đã lâu. Mình đông dân thế mà biên giới còn thưa, phía bạn dân còn ít hơn, hàng trăm kilomet chỉ có một vài bản, làng. Triển khai các dự án, ngoài việc sản xuất kinh doanh chúng tôi cũng quan tâm đến công tác dân vận, tạo sự đoàn kết, hữu nghị và hình ảnh đẹp về nhân dân và bộ đội Việt Nam. Khi chúng tôi sang Campuchia có nhiều cháu 14, 15 tuổi không biết chữ, chúng tôi về xin ý kiến Bộ lập 2 lớp dạy chữ Khơme tại Campuchia, bước đầu dạy cho 110 cháu. Dân hiểu và rất quý Việt Nam. 5 dự án tại Lào và Campuchia của chúng tôi thu hút được gần 2.000 lao động có việc làm ổn định, thu nhập ổn định, mỗi tháng trên 5 triệu kíp, trong khi lương cán bộ cấp cao quân đội họ cũng chỉ 4 triệu kíp, cán bộ huyện cũng chỉ hơn 2 triệu kíp. Khâm phục những gì Binh đoàn làm được, đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào cứ đề xuất Bộ Quốc phòng Việt Nam giúp Quân đội Lào có một đơn vị giống Binh đoàn 15. Binh đoàn kết nghĩa, hỗ trợ Ban chỉ đạo xây dựng chính trị cơ sở 3 trọng điểm tỉnh Say-sổm-bun của Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng Lào, hàng năm giúp bạn đào tạo cán bộ về kiến thức nông nghiệp, phát triển kinh tế. Các đơn vị đứng chân trên địa bàn nước bạn đều thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, quan hệ chặt chẽ với chính quyền, các lực lượng của bạn, thân tình như đồng chí, anh em, mọi vấn đề phát sinh đều phối hợp giải quyết tốt đẹp.

Thực hiện nhiệm vụ này chúng tôi có cái khó là chưa được bố trí đủ vốn. Vừa rồi Bộ quan tâm đã mời Ban Kinh tế Trung ương, các cơ quan của Quốc hội, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính thành lập đoàn đi khảo sát tại các đơn vị để tiến tới xây dựng cơ chế dành cho các đơn vị làm nhiệm vụ chiến lược. Chúng tôi mong muốn có thêm tiềm lực để thực hiện nhiệm vụ này.

VNQĐ: Những cái tết Tây Nguyên đã trở thành kỉ niệm với rất nhiều cán bộ chiến sĩ, công nhân quốc phòng, người lao động Binh đoàn 15. Hẳn đồng chí Tư lệnh cũng có trải nghiệm của riêng mình về những cái tết với đồng bào các dân tộc?

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Tôi ở đây đã 40 năm, gắn bó với dân nhiều. Năm nào Binh đoàn cũng tổ chức ăn tết với buôn làng. Bây giờ đồng bào cũng ăn tết truyền thống, các đơn vị kết nghĩa với buôn làng, đơn vị hỗ trợ buôn làng mua lợn gà, gói bánh chưng. Gần tết mổ lợn cấp gạo, cấp thịt cho các hộ gia đình mang về xong ra nhà rông ăn tết tập trung. Rượu có rồi nhưng mỗi nhà vẫn xách đi một bầu góp thêm. Vừa là ăn tết, vừa sơ kết hoạt động kết nghĩa trong năm. 271 bản làng đều tổ chức như thế. Khi còn làm chỉ huy tại Công ty 715 ở Ia Grai, Công ty 74 ở Đức Cơ, Gia Lai tôi cũng đã ăn những cái tết với đồng bào Êđê, Jarai, đã ngồi uống rượu với các già làng, trưởng bản nên rất nhớ không khí đó.

Bên cạnh đó Binh đoàn sẽ tổ chức các điểm lớn đón tết cho đồng bào mỗi năm ở một khu vực. Tết Giáp Thìn vừa rồi chúng tôi tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” tại Đức Cơ, Gia Lai cùng với “Lễ hội bánh chưng xanh”, tổ chức các gian hàng 0 đồng, khu ẩm thực Tây Nguyên tưng bừng sinh động, đúng nghĩa ngày hội, có đốt pháo hoa cho bà con xem. Sự kiện dự kiến 2.000 người tham gia, cuối cùng lên đến hơn 5.000 người, trẻ con người lớn nắm tay nhau múa hát tưng bừng. Đất đỏ cao nguyên mùa khô rất bụi, dù đã trải bạt, tưới nước rồi mà nhảy múa xong ai về cũng bụi đỏ bám đầy quần áo, lem luốc trong niềm hân hoan. Ban Công đoàn Quốc phòng vào dự, chúng tôi cũng mời các doanh nghiệp Bộ Quốc phòng cùng dự, cùng chứng kiến khí thế và niềm tin của dân. Những sự kiện như vậy quy tụ nhân dân rất tốt.

Thí sinh tham dự Hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su Binh đoàn 15 năm 2024. Ảnh: ĐVCC

VNQĐ: Có một vấn đề thế này, chúng ta đem văn minh về cho đồng bào, giúp đồng bào có cuộc sống tốt hơn thì tốt rồi, nhưng còn việc bảo tồn văn hóa các dân tộc, các đồng chí có làm gì để hỗ trợ họ trong việc này không?

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Bên cạnh việc đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng vừa phục vụ sản xuất, vừa phục vụ dân sinh, tạo ra bộ mặt nông thôn mới cho các vùng đồng bào dân tộc định canh, định cư chúng tôi cũng xây dựng, tu sửa hàng chục nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà rông văn hóa cho nhân dân các thôn, làng trên địa bàn. Cùng với việc xây dựng các thiết chế văn hóa giúp người dân địa phương tiếp thu văn hóa mới, chúng tôi cũng hỗ trợ bà con trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc. Giữ văn hóa truyền thống dân tộc mình gần như là một yêu cầu, địa bàn chúng tôi có tất cả 28 dân tộc sinh sống đan xen, giao lưu nhưng vẫn động viên bà con giữ gìn những nét bản sắc của mình. Ngay cả Binh đoàn, chúng tôi cũng xác định nét văn hóa của đơn vị mang màu sắc Tây Nguyên. Khi Quân đội triển khai 5 vũ điệu tập thể, riêng Binh đoàn 15 đã bổ sung thêm điệu múa xoang nữa là 6. Mỗi đơn vị tổ chức một đội cồng chiêng, sưu tầm đủ bộ chiêng, mời nghệ nhân chỉnh chiêng cho đúng âm. Những việc làm như vậy đã góp phần gìn giữ và phát huy vốn văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên nói riêng.

VNQĐ: Khi vào Binh đoàn, chúng tôi vô tình nhìn thấy một câu khẩu hiệu trước một doanh trại “Tất cả vì màu xanh Tây Nguyên”. Có thể nói, hành trình 40 năm qua những người lính Binh đoàn đã nỗ lực vẽ nên bức tranh xanh về Tây Nguyên với điểm nhấn ấn tượng về cây cao su… Đồng chí Tư lệnh có thể cho một vài cảm nhận về cây biểu tượng của Binh đoàn?

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Để đưa cây cao su gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên là một quá trình. Đồng bào Tây Nguyên nhận thức chậm, thay đổi cách nghĩ cách làm chậm, thời tiết ở đây mùa mưa lại kéo dài 6 tháng, chúng tôi phải mất hơn 15 năm đưa lao động từ các tỉnh phía Bắc vào làm mẫu. Lúc đầu, do khó khăn gian khổ người lao động vào phần lớn bỏ về. Từng bước khắc phục, bám đất bám làng, đến nay đã 9 nghìn người đồng bào dân tộc thiểu số ở lại, lực lượng người lao động của Binh đoàn đã lên tới gần 15 nghìn người. Cây cao su đã thành chiến lược, là hệ thống ngụy trang khổng lồ che chắn cho bộ đội cơ động khi có tình huống. Diện tích 40.000ha cao su cũng có ý nghĩa về môi trường, tạo độ che phủ tốt, chống xói lở, rửa trôi. Mỗi năm cao su cho sản lượng gần 10 tháng. Phát triển diện tích cây cao su là bước đi vững chắc, gắn với sinh kế người dân, tạo sự yên tâm cho bà con. Nhờ cây cao su, bản làng trù phú hơn. Chúng tôi đã xây dựng 266 cụm điểm dân cư mới, đưa được trên 13.000 hộ dân với gần 50.000 nhân khẩu lên biên giới. Cuộc sống của đồng bào từ sau giải phóng đã thay đổi rất nhiều, rất tốt. Có việc làm, có thu nhập, họ yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho con cái.

Cây cao su từng ngụy trang cho bộ đội trong thời chiến, đến thời bình tiếp tục tỏa bóng, dưới màu xanh đại ngàn và cao su là màu xanh áo lính, trong màu xanh cao su có bóng dáng của những thế hệ cán bộ, nhân viên, người lao động Binh đoàn.

VNQĐ: Mong muốn lớn nhất của Binh đoàn hiện nay là gì, thưa đồng chí Tư lệnh?

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: Chúng tôi mong cuộc sống của người dân ngày càng tốt lên. Bà con lương cũng tốt dần nhưng công việc rất vất vả, đi cạo cao su cả đêm, suốt chín, mười tháng trong năm. Đồng bào vốn sợ ma nhưng vẫn phải đi làm đêm. Đồng bào vốn đi đâu đi cả làng nhưng làm cao su phải làm đơn lẻ, một mình một lô. Đặc biệt vào mùa mưa, địa hình đồi núi trơn trượt, bước hụt đổ mất thùng mủ là mất thu nhập. Tháng cuối năm mùa cao điểm có thể thu nhập hai ba chục triệu, nhưng bình quân cả năm thì thu nhập của họ cũng chỉ bảy tám triệu thôi. Như vậy với đồng bào là cũng tốt lắm rồi nhưng chúng tôi vẫn muốn làm sao để tốt hơn nữa. Đã tốt không có nghĩa là tốt mãi. Trước đây 6 huyện biên giới gần như không có dân, nay dân gần như khép kín rồi nhưng vẫn còn nhiều điểm cần phủ, làm sao để biên giới lấp kín dân, xây dựng vành đai trù phú, tạo thành phên dậu vững chắc nhất để bảo vệ đất nước. Đường sá, hạ tầng khu vực biên giới cũng còn thiếu thốn, thông cảm với điều kiện nhà nước, ngân sách hạn hẹp chúng tôi cũng không dám đề xuất nhiều nhưng cũng cần đầu tư, cùng với Binh đoàn kiến tạo hạ tầng để xây dựng củng cố vùng biên. Chúng tôi đang đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cả kĩ thuật công nghệ và phương thức quản trị. Xã hội phát triển mà mình cứ dậm chân tại chỗ là sẽ không yên tâm, là sẽ tụt hậu. Lương của người lao động thì tạm ổn nhưng với đội ngũ cán bộ sĩ quan Binh đoàn thu nhập cũng còn thấp, so với quân hàm còn chưa đạt. Vừa rồi Bộ trưởng quan tâm hỗ trợ một số trả lương ngân sách, chúng tôi phân bổ cho các đơn vị, phân bổ công khai từ lãnh đạo chỉ huy, cấp ủy, người lao động. Nguồn lực lâu dài cho Quân đội, cho đơn vị cũng có những thách thức khi sinh viên bây giờ ra trường lương tháng có thể mười lăm hai mươi triệu, trong khi sĩ quan của Binh đoàn thu nhập như thế, về lâu dài cũng rất khó… Bộ đội có vững thì dân mới vững được.

VNQĐ: Vâng! Có thể coi đó là tâm huyết, những mong muốn chính đáng của người lính Binh đoàn 15 đối với nhân dân, đối với vùng biên giới Tây Nguyên, cũng là thể hiện những giá trị cốt lõi của Bộ đội Cụ Hồ. Chúng tôi tin rằng với sự nỗ lực của những người lính Binh đoàn 15, những cống hiến, hi sinh thầm lặng của những người lính thợ trên mặt trận kinh tế-quốc phòng, mảnh đất Tây Nguyên giàu truyền thống cách mạng sẽ mãi xanh tươi cùng sự phát triển của đất nước. Chúc toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động của Binh đoàn một năm mới thắng lợi trên mọi nhiệm vụ!

VNQĐ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)