Đó là tên của sự kiện trưng bày được khai mạc sáng ngày 6/10/2019, tại Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội kỉ niệm 65 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019).
Chưa đầy 1 tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, thực dân Pháp, với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, đã gây hấn và phát động chiến tranh ra cả nước. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân dân Hà Nội đã nhất tề đứng dậy, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Sau 9 năm trường kì kháng chiến đầy hi sinh, gian khổ, Hà Nội đã góp phần quan trọng cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp kí Hiệp định Genève ngày 21/7/1954, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Sáng ngày 10/10/1954, Uỷ ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội, từ nhiều hướng, cùng ca khúc khải hoàn, tiến về Hà Nội. 15 giờ cùng ngày, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội, cùng các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản thành phố, trang nghiêm dự lễ chào cờ do Uỷ ban Quân chính Thành phố tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột Cờ cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng trong niềm vui giải phóng.
Toàn cảnh lễ chào cờ tại sân Cột Cờ ngày 10/10/1954
Đã 65 mùa thu trôi qua, nhưng những kí ức thiêng liêng về ngày Thủ đô hoàn toàn giải phóng ấy vẫn như còn nguyên vẹn trong mỗi người dân, mỗi nhân chứng lịch sử; âm hưởng của bản hùng ca Hà Nội chiến đấu và chiến thắng vẫn luôn vang vọng tới những thế hệ mai sau.
Trưng bày “Hà Nội mùa thu năm ấy” nhằm góp phần giới thiệu những giá trị tốt đẹp của những năm tháng không thể nào quên nói trên. Sự kiện phục dựng, tái hiện không khí Thủ đô những ngày mùa thu năm 1954, qua những bức ảnh, những hiện vật, những chia sẻ của các nhân chứng lịch sử.
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (bên phải) và bác sĩ Trần Duy Hưng (bên trái) chỉ huy nghi lễ chào cờ tại sân Cột Cờ ngày 10/10/1954
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, trong hồi kí Trưởng thành trong chiến đấu (Nxb Hà Nội, 2006) viết: “Trong buổi lễ chào cờ lịch sử này, tôi được vinh dự đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô: Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể. Lời Bác thân mật, tha thiết. Nhiều người không nén được xúc động, nước mắt rưng rưng: Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!... Tôi cũng xúc động không cầm được nước mắt, phải dừng lại ít phút, vì những tiếng hô chứa chan lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô”.
Trưng bày “Hà Nội mùa thu năm ấy” kéo dài đến hết ngày 25/12/2019, tại Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội.
P.V
VNQD