Dòng chảy  Chính trị - xã hội

Tương lai rừng cộng đồng ở Việt Nam

Thứ Sáu, 10/01/2020 12:15

Ngày 9/1/2020, tại Nhà khách Quốc hội, Hà Nội, Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Hội chủ rừng Việt Nam và Trung tâm Vì con người và rừng (RECOFT) tổ chức Hội thảo “Tương lai rừng cộng đồng ở Việt Nam: Định hình và kiến nghị chính sách”.

Toàn cảnh Hội thảo

Rừng cộng đồng ở Việt Nam được hình thành và phát triển từ lâu, có vai trò lớn trong đời sống sản xuất, kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào các dân tộc sống ở vùng cao; góp phần quan trọng trong gìn giữ, bảo vệ và phát triển rừng. Để cộng đồng dân cư quản lí, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng của mình hiệu quả hơn, dần trở thành một phương thức quản lí rừng bền vững, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 đã quy định tại Điều 29 về giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn, Điều 30 về quyền, nghĩa vụ của cộng đồng dân cư thôn được giao rừng. Đây là mốc quan trọng cho quản lí rừng cộng đồng ở Việt Nam. Sau hơn 15 năm thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, rừng cộng đồng ngày càng có vị trí quan trọng trong hệ thống rừng của cả nước.

Quản lí rừng cộng đồng đã được chứng minh là một trong những phương thức quản lí rừng hiệu quả, hài hoà giữa quyền hưởng dụng rừng, tôn trọng giá trị truyền thống của cộng đồng địa phương đi kèm với các lợi ích sinh thái, bảo tồn rừng. Phương thức này cũng gắn liền với quá trình chuyển dịch từ phương thức quản lí tập trung nhà nước sang quản trị với sự tham gia của nhiều bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng địa phương.

Tuy nhiên, các mô hình rừng cộng đồng vẫn còn một số bất cập thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Một số diện tích rừng giao cho cộng đồng được đánh giá là các diện tích rừng nghèo kiệt, xa khu dân cư, người dân thiếu động lực tham gia trong bối cảnh thiếu đất sản xuất hay xung đột với các loại hình sử dụng đất khác. Điều này đã và đang đặt các diện tích rừng này trước những rủi ro bị lấn chiếm, khai thác và chuyển đổi. Địa vị pháp lí không rõ ràng, cơ chế hưởng lợi không hấp dẫn, cách tiếp cận xây dựng mô hình chưa phù hợp truyền thống, văn hoá đi kèm với những khó khăn trong năng lực tự tổ chức quản lí rừng… được coi là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Thực tiễn thí điểm và vận hành các mô hình rừng cộng đồng trong hai thập kỉ qua đặt ra nhiều câu hỏi và cần được thảo luận một cách kĩ lưỡng. Trong bối cảnh mới, phạm trù “rừng cộng đồng” cần được định hình như thế nào? Cần có các chính sách cụ thể nào để hỗ trợ hệ thống rừng cộng đồng thực sự phát triển, đặc biệt đảm bảo cộng đồng sẽ là những người chủ rừng được hưởng lợi thực sự từ rừng? Làm sao để có thể tổ chức quản lí rừng cộng đồng một cách hệ thống và hiệu quả, vừa phù hợp với bối cảnh địa phương nhưng đồng thời tôn trọng, gìn giữ được các thiết chế, văn hoá truyền thống tốt của cộng đồng? Từ bối cảnh hiện nay, các bên liên quan, như cơ quan quản lí nhà nước, các tổ chức phát triển và tổ chức cộng đồng sẽ cần phải làm gì để tiếp tục thúc đẩy sự tham gia thực chất của cộng đồng vào công tác quản lí, bảo vệ rừng cũng như hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống rừng do cộng đồng quản lí một cách hiệu quả, công bằng và bền vững trong tương lai.

Hội thảo “Tương lai rừng cộng đồng ở Việt Nam: Định hình và kiến nghị chính sách” diễn ra trong bối cảnh nói trên, nhằm chia sẻ những bài học thực tiễn và thảo luận việc định hình lại rừng cộng đồng, từ đó kiến nghị xây dựng các chính sách phù hợp trong bối cảnh mới.

Để rừng cộng đồng được quản lí tốt, phát huy hiệu quả của rừng, ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam - kiến nghị một số chính sách sau:

- Bổ sung vào Luật Đất đai đang sửa đổi đất rừng tín ngưỡng nằm trong đất rừng đặc dụng và đất rừng tín ngưỡng được giao cho cộng đồng dân cư.

- Tổ chức thống kê, kiểm kê, điều tra, đánh giá hiện trạng rừng cộng đồng trên phạm vi toàn quốc để xây dựng cơ sở dữ liệu rừng cộng đồng trong hệ thống FORMIS có khả năng cập nhật diễn biến rừng cộng đồng.

- Rà soát lại toàn bộ diện tích rừng cộng đồng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng cho cộng đồng để thừa nhận tính hợp pháp để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng.

- Rà soát lại toàn bộ diện tích rừng đã giao cho cộng đồng nhưng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng để tiến hành làm các thủ tục đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sử dụng rừng cho cộng đồng.

- Rà soát lại toàn bộ diện tích rừng do cộng đồng tự công nhận và hiện đang sử dụng, đối với:

+ Diện tích rừng nằm trong diện tích hiện đang được giao cho UBND xã quản lí thì tiến hành giao cho cộng đồng và làm các thủ tục đồng thời cấp quyền sử dụng đất và sử dụng rừng.

+ Diện tích rừng hiện đã giao cho các công ti lâm nghiệp, các ban quản lí rừng thì tiến hành theo các phương án: làm các thủ tục trả lại địa phương để địa phương giao cho cộng đồng dân cư hoặc thực hiện liên kết bảo vệ rừng, đồng quản lí rừng để đảm bảo quyền chủ rừng của các công ti lâm nghiệp, ban quản lí rừng và quyền tiếp cận rừng như quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Lâm nghiệp.

Theo ông Hứa Đức Nhị - Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam, Hội thảo được thực hiện là điều rất cần thiết giúp cho chúng ta có thể trao đổi, hiểu kĩ hơn về khái niệm về rừng cộng đồng, đặc tính chung, những khó khăn trong quản lí và bảo vệ sử dụng rừng. Chúng ta rất cần nhận thức đầy đủ về các loại rừng gắn với cộng đồng dân cư địa phương và cân nhắc hiệu quả quản lí của các cộng đồng dân cư địa phương nói chung trong quản lí bảo vệ rừng, để có những định hướng lâu dài trong việc quản lí rừng.

VIỆT ĐỖ

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)