Trong hai ngày 21-22/11/2019, tại thành phố Hội An (Quảng Nam), Trung tâm Thông tin và mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phối hợp với Trung tâm Quản lí bảo tồn di sản văn hóa Hội An tổ chức Hội thảo quốc tế về Xây dựng mạng lưới di sản văn hoá phi vật thể biển với chủ đề “Truyền thống biển - thực hành và tín ngưỡng”.
Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Mỹ Thanh)
Nhân loại ngày nay đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp mới (4.0). Quy mô, phạm vi và sự phức tạp của lần chuyển đổi này không giống như bất kì điều gì mà loài người đã từng trải qua. Chính cuộc cách mạng công nghiệp này sẽ đặt ra cho công cuộc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung và di sản văn hóa phi vật thể biển nói riêng nhiều vấn đề đáng quan tâm. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân và với tầm nhìn dựa trên Công ước 2003 được Đại Hội đồng UNESCO thông qua về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể mà mạng lưới bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ra đời với tên gọi: Trung tâm Thông tin và mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (gọi tắt là ICHCAP), và mục tiêu căn bản của tổ chức này là: xây dựng/thiết lập mạng lưới giữa các cộng đồng, nhóm và cá nhân nhằm giúp chuyển giao và chia sẻ về di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) và tăng cường mạng lưới hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ (NGO), viện nghiên cứu và tổ chức chính phủ trong khu vực và quốc tế để trao đổi thông tin và kiến thức về DSVHPVT. Trong những năm qua, ICHCAP đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo về việc bảo tồn và phát huy mạng lưới DSVHPVT góp phần gìn giữ sự đa dạng về DSVHPVT khu vực châu Á - Thái Bình dương, đồng thời thúc đẩy sự trao đổi giữa cộng đồng quốc tế thông qua DSVHPVT. Chủ đề “Truyền thống biển - thực hành và tín ngưỡng” mà Hội thảo lần này tập trung bàn thảo là một lĩnh vực hết sức quan trọng trong DSVHPVT của nhân loại.
Ông KEUM GI Hyung, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin và mạng lưới quốc tế về di sản văn hoá phi vật thể ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khai mạc Hội thảo (Ảnh: Khánh Chi)
Có thể nói, nhân loại xưa nay, dù theo tín ngưỡng, đạo phái nào cũng đều quan tâm và nhận thức rất sâu sắc về biển. Biển là một kho tàng vô giá, phong phú, đa dạng giá trị văn hóa phi vật thể rất cần thiết được quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu, phổ biến, bảo tồn và phát huy, cho mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại.
ICHCAP và Trung tâm Quản lí bảo tồn di sản văn hóa Hội An đồng tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Truyền thống biển: Thực hành và tín ngưỡng” tại thành phố Hội An - một đô thị thương cảng thuyền buồm quốc tế nổi tiếng Đông Nam Á thời cổ, trung-cận đại, Di sản văn hoá thế giới - nhằm tiếp tục góp phần làm sáng tỏ tầm quan trọng của các điều kiện hàng hải, kinh nghiệm của con người và các tri thức truyền thống về hàng hải, về biển. Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cùng trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu mới nhất về thực hành và tín ngưỡng truyền thống biển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; cũng là cơ hội để các nhà khoa học cùng định hướng nghiên cứu gặp gỡ và kết nối, mở rộng quan hệ, tiến tới những dự án nghiên cứu ở quy mô lớn hơn. Hội thảo cung cấp một khối lượng nhất định thông tin khoa học có giá trị về thực hành, tín ngưỡng, tri thức truyền thống về biển góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị DSVHPVT biển ở các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời hình thành mạng lưới liên kết, hợp tác nghiên cứu về DSVHPVT giữa các cơ quan, các nhà khoa học nhằm hướng đến thu hoạch nhiều kết quả nghiên cứu hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lí bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, Hội thảo lần này là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỉ niệm 20 năm khu phố cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hoá thế giới, 10 năm ngày Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11).
TRÂM AN
VNQD