Dòng chảy  Văn nghệ

Phát động cuộc thi truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập"

Thứ Sáu, 26/04/2019 13:43

Ngày 26/4/2019, tại Hà Nội, Báo Nông thôn Ngày nay/ Báo điện tử Dân Việt và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ phát động cuộc thi truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập".

Buổi lễ có sự hiện diện của nhà văn Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Khuất Quang Thuỵ - Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Báo Văn nghệ; đồng chí Nguyễn Hồng Sơn -Trưởng ban Tuyên huấn, Hội Nông dân Việt Nam; nhà báo Lưu Quang Định - Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt; đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cùng gần 100 nhà thơ, nhà văn quan tâm/ sở trường về chủ đề “tam nông” trong bối cảnh hội nhập.

Toàn cảnh sự kiện

Cuộc thi truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm Báo Nông thôn Ngày nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2019), nhằm tìm kiếm, chọn lọc và trao giải cho các truyện ngắn xuất sắc phản ánh đời sống hiện thực của nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam; tôn vinh người nông dân, cổ vũ tinh thần hăng say lao động, phát huy sáng tạo ở nông thôn mới; bảo vệ, phát huy các phong tục, văn hóa, nét đẹp của làng quê, nông thôn; phê phán những mặt trái, những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường, của quá trình đô thị hóa đối với làng quê Việt Nam.

Tại lễ phát động cuộc thi, nhà báo Lưu Quang Định - Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt, Trưởng Ban tổ chức - phát biểu: “Hơn nửa thế kỷ qua, nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một trong hai mảng đề tài làm nên thành tựu lớn nhất của văn học Việt Nam, bên cạnh mảng đề tài chiến tranh và người lính.

Bức tranh nông thôn mới hôm nay đang có sự biến đổi ghê gớm, không chỉ hiển thị hình ảnh lão nông lam lũ chân lấm tay bùn, ‘con trâu đi trước cái cày theo sau’ mà còn là hình ảnh những ông chủ bấm di động điều khiển hệ thống tưới tiêu, những trang trại chăn nuôi rộng hàng trăm héc-ta, những khu du lịch nông nghiệp - sinh thái tiền tỷ..., bên cạnh đó là những mặt trái, những góc khuất, bi kịch của quá trình ly nông - ly hương, đô thị hóa nông thôn... Tất cả tạo nên những ‘cánh đồng bất tận’ cho các nhà văn hoặc thâm canh hoặc khai hoang…”.

Nhà báo Lưu Quang Định

Các nhà văn có mặt tại buổi lễ như Trần Đăng Khoa, Tạ Duy Anh, Võ Thị Xuân Hà, Đỗ Tiến Thuỵ, Vi Thuỳ Linh… đã bày tỏ sự hứng khởi đối với cuộc thi, nguyện sẽ tích cực sáng tác và gửi tác phẩm tham gia dự thi, đóng góp sức sáng tạo vào mảng văn học về đề tài “tam nông” vốn rất phát triển trong dòng chảy văn học nước nhà.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện Ban giám khảo cuộc thi chia sẻ: "Mảng văn học về đề tài nông thôn Việt Nam, đặc biệt là về làng quê thời hội nhập là mảng rất quan trọng, bởi chúng ta nhìn vào thành tựu văn chương Việt Nam đa phần là những tác phẩm về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tôi tin chắc rằng nếu mở ra đề tài ‘Làng Việt thời hội nhập’ thì hứa hẹn sẽ có nhiều tác phẩm hay, vì đây là vỉa tẩng, là sở trường, thế mạnh mà văn học Việt Nam chưa khai thác hết, chưa phát huy hết. Phần nhiều nhà văn Việt Nam ‘sinh ra từ làng’, ‘ra đi từ làng’, hầu như ai cũng có một làng quê trong mình, nên chạm đến làng là ngòi bút của họ dễ thăng hoa, xuất thần nhất”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhà văn Tạ Duy Anh phát biểu: “Khi đói khát thì người ta mong làng giàu có. Khi làng giàu có thì người làng lại ‘sống trong sợ hãi’. Trong bối cảnh ‘làng quê đang biến mất’ thì sứ mệnh của nhà văn là không chỉ tôn vinh văn hoá làng, phản ánh tiến trình phát triển đi lên một cách tự nhiên, tất yếu của làng, mà còn là cảnh báo, phản tỉnh về một sự tan nát, nhiễm độc của làng”.

Nhà văn Tạ Duy Anh

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ: “Sở dĩ vấn đề nông thôn được văn học nghệ thuật quan tâm là vì nông thôn đang có rất nhiều biến động biến đổi. Khi người nông dân đọc thấy/ xem thấy những vấn đề của mình thì họ được thông hiểu, sẻ chia, biết nhận diện và củng cố đường đi tiếp theo của mình”.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

Cuộc thi truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" sẽ được tổ chức trong 2 năm, từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2021, dự kiến tổng kết và trao giải vào tháng 5/2021 - đúng dịp kỷ niệm 37 năm ngày Báo Nông thôn Ngày nay ra số đầu tiên. Cơ cấu giải thưởng như sau: 1 giải nhất trị giá 50 triệu đồng; 2 giải nhì trị giá 20 triệu đồng/giải; 3 giải ba trị giá 10 triệu đồng/giải; 10 giải khuyến khích trị giá 3 triệu đồng/giải. Ngoài ra, tác giả có nhiều tác phẩm dự thi nhất sẽ được trao giải thưởng trị giá 5 triệu đồng. Ban tổ chức cũng sẽ trao tặng thưởng cho các tác giả có tác phẩm hưởng ứng cuộc thi có chất lượng cao.

Nông dân Đoàn Văn Vươn đến từ Hải Phòng và Đoàn Văn Tiến đến từ Ninh Bình có những chia sẻ thú vị tại buổi lễ

P.V

 

 

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)