Dòng chảy  Văn nghệ
"Hà Nội không vội được đâu" và "Nối những vệt không gian"

Hà Nội trong góc nhìn của hai nhà thơ

Thứ Sáu, 19/04/2019 16:30

Trong không gian của Hội Sách Việt Nam 2019, Nhà xuất bản Văn học tổ chức buổi giao lưu với hai tác giả Lữ Mai và Nguyễn Quang Hưng nhân ra mắt hai cuốn tản văn Hà Nội không vội được đâuNối những vệt không gian. Sự kiện diễn ra sáng 19/4 trong khuôn khổ Ngày Sách Việt Nam tại Công viên Thống Nhất.

Toàn cảnh buổi giao lưu

Ở Hà Nội, viết về Hà Nội

Cùng có điểm chung là tập hợp những tản văn viết về Hà Nội, hai tác phẩm ghi lại những cảm nhận đa dạng về đời sống xã hội, văn hóa, dòng chảy truyền thống trong xã hội đương đại. Lữ Mai và Nguyễn Quang Hưng đã nắm bắt và qua góc nhìn, ngòi bút của mình để tạo nên một Hà Nội của riêng mỗi người.

Nguyễn Quang Hưng, một nhà báo viết thơ, đã in 9 cuốn sách cho rằng giữa anh và Lữ Mai có cảm nhận chung và thấm vào mình văn hóa Hà Nội. "Từ lăng kính của vùng đất khác so sánh tương quan với Hà Nội để cảm nhận văn hóa, chiều sâu lịch sử và nếp sống con người hà Nội. Chúng tôi có chung đánh giá về đời sống đương đại, góc khuất cá nhân, và không quá sa vào cái riêng mà hướng vào cuộc sống chung, văn hóa chung, để cảm nhận con người văn hóa, nhân văn của Hà Nội. Qua cuốn sách, tôi muốn mọi người thấy rằng không có vùng đất nào tách biệt, mọi nơi đều có sự giao thoa, liên đới" - Tác giả chia sẻ.

Nói như nhà phê bình Văn Giá thì hai cuốn tản văn cung cấp nguồn năng lượng tích cực về cuộc sống, con người, lịch sử, văn hóa để người ta tin và yêu cuộc sống này hơn.

Nối những vệt không gian chứa đựng câu chữ có sức nặng, nhiều lớp lang và mỗi tản văn đều có thông điệp. Đây là cách viết đặc trưng của Nguyễn Quang Hưng bởi tác giả có nền tảng văn hóa, kiến thức được tích lũy lâu dài” – Nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ. Nói về Lữ Mai, chị cho rằng tác giả có những trang viết chạm vào những gì xưa cũ, đã mất bởi tình yêu Hà Nội với cái nhìn tinh tế. Theo nhà văn, Hà Nội không vội được đâu thực sự thăng hoa khi có những đoạn viết về quê hương với những kí ức đẹp và ấn tượng. Và tựa sách thực sự chưa gợi nên đúng sự lãng mạn, tinh tế của những trang viết bên trong.

Bìa hai cuốn sách

Tản văn trong đời sống đương đại

Có thể nói trong thời đại công nghệ số phát triển bùng nổ thì tản văn cũng tự khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng bạn đọc khi mà các nhà xuất bản phát hành và bán chạy thể loại này trong 10 năm gần đây. Nhà phê bình Hoài Nam, báo Nhân dân, cho rằng hai nhà thơ viết văn bằng cảm xúc văn xuôi nên hai tác phẩm nhìn Hà Nội ở một tiêu cự lạ và có những phát hiện nhỏ li ti. Đó là cái thành công của người viết bởi phát hiện ra cái gì để nói không quan trọng bằng nói bằng cách nào khác biệt. Ngoài ra, hai tác phẩm cũng tự làm nổi bật mình khi có hệ thống ngôn từ hiện đại, cá nhân hóa trong thời buổi tản văn được in rất nhiều.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định, tản văn đưa đến cho độc giả cảm xúc, tâm trạng của người viết nên có thể đọc như thơ, đọc theo cách của người viết. Những tâm trạng không giống nhau sẽ đưa đến những cảm xúc khác nhau khi đọc mỗi tản văn. Bởi độc giả ở mỗi góc độ sẽ có cái nhìn khác về tác phẩm. Ông cũng cho rằng, mạng xã hội hiện nay như phòng chờ của văn học. Cảm xúc, tâm trạng nhất thời của con người rồi sẽ đẩy lên thành những tác phẩm viết.

“Sự phát triển của công nghệ cũng khiến tản văn dần đi xuống nhưng trên hết, tản văn phải được hậu thuẫn bởi kí ức đẹp, bởi văn học là những gì còn lại của những điều đã mất. Và hai cuốn tản văn này là một ví dụ” – Nhà thơ Hữu Việt chia sẻ.

Không phải lần đầu tiên có người viết về Hà Nội với mùa xuân, gốc đa, hoa sữa, phố cổ, gió mùa, bánh mì… nhưng Hà Nội không vội được đâuNối những vệt không gian lại chứa đựng chiều sâu văn hóa, lịch sử kết hợp quá khứ, hiện tại và giá trị sáng tạo để tái hiện một Hà Nội cốt cách và sâu lắng trong nhịp sống đương đại.

THU OANH

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Truy tìm Nadja

Truy tìm Nadja

Là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của André Breton, suốt nhiều thập kỉ, danh tính của nàng Nadja - người cũng được chọn là tựa đề sách - vô cùng bí ẩn.

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT)