Dòng chảy  Văn nghệ

Hình ảnh quỷ trong truyện kể và tín ngưỡng dân gian Estonia

Thứ Năm, 11/04/2019 20:58

Với mục tiêu hợp tác và phát triển khoa học xã hội nhân văn tại Việt Nam, Quỹ phát triển văn hóa châu Âu và Đoàn học giả từ Trường Đại học Tartu - một trong những ngôi trường danh tiếng và lâu đời nhất khu vực Bắc Âu - đã có thời gian làm việc tại Đại học Huế.

Nhân dịp này, sáng ngày 11/4/2019, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã mời giáo sư Ulo Valk - một trong những giáo sư hàng đầu trên thế giới về folklore, Trưởng khoa Nghiên cứu Estonia và folklore so sánh của Đại học Tartu, đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu tự sự dân gian quốc tế - đến thuyết trình và trao đổi học thuật với chủ đề “Demonology and Intertextuality: The Devil in Estonian Folklore” (tạm dịch: Quỷ học và liên văn bản: Hình ảnh quỷ trong truyện kể và tín ngưỡng dân gian Estonia).

Toàn cảnh sự kiện

Theo giáo sư Ulo Valk, các thể loại folklore luôn tồn tại với hàng ngàn phiên bản và các phiên bản này có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau vô cùng phức tạp. Folklore luôn dựa vào truyền thống, nằm trong sự kết nối với các hình thức diễn ngôn đại diện cho thể chế và quyền lực, với hoạt động sáng tạo và các loại hình nghệ thuật, với văn hóa và xã hội… Ý nghĩa của folklore, do vậy, phụ thuộc vào bối cảnh xã hội và vào sự tương tác của chính con người. Từ đó, điều quan trọng là phải suy nghĩ về sự hiện diện của con người trong các thể loại văn hóa dân gian ngay cả khi chúng ta đang nghiên cứu các bản thảo cổ đại.

Ma quỷ (Satan) trong Kitô giáo là kẻ thù chính của Thiên Chúa và Kitô hữu. Anh ta là một trong những cựu tổng lãnh thiên thần, theo truyền thuyết đã nổi loạn chống lại Thiên Chúa và do đó đã bị trục xuất khỏi thiên đường cùng với các thiên thần hỗ trợ anh ta. Trong quỷ học và dân tộc học thời kì đầu và trong khoa nghiên cứu văn hóa dân gian, anh ta là một nhân vật được nhân cách hóa và xuất hiện dưới hình thức trực quan.

Tại buổi thuyết trình, giáo sư Ulo Valk và các cử toạ đã thảo luận về văn hóa dân gian của người Estonia, về quỷ và giải thích nó thông qua các cách tiếp cận liên văn bản.

Giáo sư Ulo Valk tại buổi thuyết trình

Đất nước Estonia về cơ bản đã được Kitô giáo hóa vào thế kỉ XIII nhưng sức mạnh của tôn giáo này luôn tăng lên theo thời gian. Vào thế kỉ XIX, quỷ dữ đã trở thành sinh vật siêu nhiên nổi tiếng và mạnh mẽ nhất trong các truyền thuyết của Estonia. Giáo sư Ulo Valk cho rằng, chúng ta chỉ có thể hiểu được vai trò và chức năng của quỷ khi đặt nhân vật này trong bối cảnh Kinh thánh và các giáo lí Kitô giáo. Các nhân vật quỷ bản địa và quỷ giáo sĩ mang bản sắc không giống nhau vì hình ảnh của quỷ trong tôn giáo thể chế đã được điều chỉnh phù hợp với văn hóa dân gian ở từng địa phương.

Để minh hoạ sinh động, cụ thể cho nhận định trên, giáo sư Ulo Valk lần lượt trình bày các ví dụ. Thứ nhất, truyền thuyết về sự sa ngã của các thiên thần - nhóm truyền thuyết đề cập đến mối quan hệ liên văn bản giữa văn hóa dân gian, Kinh thánh, phong tục dân gian và truyền thống của các giáo sĩ. Thứ hai, quỷ dữ, tội lỗi và cái chết - những thành tố được kết nối một cách chặt chẽ trong những học thuyết cơ bản của Kitô giáo cũng như trong các bài thánh ca được hát trong các buổi lễ Chủ nhật tại các nhà thờ. Thứ ba, hư cấu ma quỷ trong văn học.

Từ việc phân tích các ví dụ trên, giáo sư Ulo Valk đi đến nhận xét và kết luận: Theo học thuyết Kitô giáo, cả thế giới được coi là chiến trường giữa Thiên Chúa và Satan. Sức mạnh to lớn của Satan trong thế giới này đã đặt cõi siêu nhiên dưới sự kiểm soát của quỷ dữ. Sự truyền bá của Kitô giáo đã gây ra sự quỷ hóa các linh hồn tự nhiên trong văn hóa dân gian Estonia và biến quỷ trở thành nhân vật siêu nhiên thống trị. Do đó, rất khó để hiểu văn hóa dân gian Estonia thế kỉ XIX mà không coi Kitô giáo là khung tham chiếu - ngay cả trong những truyền thuyết không đề cập trực tiếp đến Kinh thánh và không chứa các yếu tố Kitô giáo rõ ràng. Bối cảnh của văn hóa dân gian thường bị ẩn giấu và nhiệm vụ của một nhà nghiên cứu dân gian là làm sống lại điều này để làm cho sự hiểu biết về các nguồn văn hóa cũ trở nên khả thể.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân (ngoài cùng bên phải) là người đã kết nối với giáo sư Ulo Valk, cũng là thông dịch viên tại sự kiện

PHÚ THÀNH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)