Dòng chảy  Văn nghệ

Tranh tối tranh sáng

Thứ Tư, 13/02/2019 11:13

Chiều tối ngày 12/02/2019 (mùng 8 Tết Kỷ Hợi), tại AGOhub 12 Hòa Mã, Hà Nội đã diễn ra sự kiện khai mạc Triển lãm mĩ thuật “Tranh tối tranh sáng”.

Đây là triển lãm của 15 họa sĩ đã tham gia dự án nghệ thuật trong đường hầm nhà Quốc hội, gồm: Nguyễn Thế Sơn, Trần Hậu Yên Thế, Trịnh Minh Tiến, Lê Đăng Ninh, Vũ Kim Thư, Triệu Minh Hải, Triệu Khắc Tiến, Trần Công Dũng, Phạm Khắc Quang, Cấn Văn Ân, Vũ Xuân Đông, Vương Văn Thạo, Nguyễn Xuân Lam, Phan Hải Bằng và Oanh Phi Phi. "Tranh tối tranh sáng" chính là sự nối dài cảm hứng từ dự án Quốc hội.

Giám tuyển Triển lãm là Nguyễn Thế Sơn, nghệ sĩ thị giác và giảng viên nghệ thuật, người đã liên tục kiên trì phá bỏ các ranh giới về thực hành nghệ thuật trong công việc giảng dạy ở Đại học Mĩ thuật Việt Nam, trong tác phẩm của cá nhân anh, các tác phẩm nhiếp ảnh phù điêu cũng như các dự án nghệ thuật cộng đồng. Thành công lớn nhất của anh gần đây là tổ chức và tuyển chọn cho dự án nghệ thuật trong đường hầm của tòa nhà Quốc hội. Dự án này hứa hẹn một khởi đầu cho việc xây dựng một bảo tàng nghệ thuật đương đại ở Hà Nội.

2 tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn: "Hợp tác xã vận tải sức trẻ" (phù điêu ảnh) và "Méo" (ảnh in trên foamex)

Triển lãm “Tranh tối tranh sáng” lần này như là lời chúc mừng của không gian nghệ thuật AGOhub đối với thành công của 15 nghệ sĩ đã thực hiện tác phẩm cho dự án nói trên.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: Cuộc trưng bày này như một kết hợp, nhắc lại cảm hứng từ tinh thần làm việc nhóm của các nghệ sĩ đã tham gia dự án nghệ thuật trong đường hầm nhà Quốc hội thời gian vừa qua. Đó là một dự án với những nỗ lực liên tiếp trong một thời gian khá ngắn ngủi cố gắng đưa những thực hành nghệ thuật mang xu hướng đương đại có khả năng tương tác và đối thoại với không gian rất đặc biệt đậm tính văn hoá lịch sử và chính trị của nhà Quốc hội.

Lần trưng bày này như một cuộc gặp mặt đầu Xuân, mở ra những kết nối với không gian AGOhub - một không gian kích thích sự sáng tạo trong các hoạt động văn hoá nghệ thuật và kiến trúc. Đây cũng là dịp công chúng có cơ hội tiếp xúc với các tác giả và những thực hành nghệ thuật độc đáo của từng cá nhân.

Cuộc trưng bày này trở nên có ý nghĩa hơn khi mà các thực hành nghệ thuật đương đại đang ở một giai đoạn giao thời của xã hội Việt Nam, nơi các giá trị cũ và mới, các khái niệm truyền thống và đương đại đang trong trạng thái xung đột, chưa có được những sự nhận thức rõ ràng, nói như dân gian là đang trong thời buổi “tranh tối tranh sáng”.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn (giữa) thuyết minh về tác phẩm của mình. Theo đó, anh có bộ tác phẩm phản ánh số phận của một ngôi nhà cổ ở Hà Nội thông qua sự biến đổi diện mạo sau gần 100 năm; đặc biệt, 2 tác phẩm "Hợp tác xã vận tải sức trẻ" và "Méo" cho thấy sự biến đổi nhanh chóng chỉ sau 5 năm của ngôi nhà.

Chủ ý đặt tên cho Triển lãm là “Tranh tối tranh sáng”, những người thực hiện ngầm đưa ra một sự chơi chữ. Có khá nhiều tác phẩm trưng bày tại Triển lãm sử dụng công nghệ chiếu sáng bên trong nó. Chính đặc tính mập mờ của trạng thái này mang lại sự kích thích sáng tạo, thách thức phá bỏ những định kiến, đồng thời cũng tạo nên động lực cho chính những người thực hành nghệ thuật.

Tác phẩm của hoạ sĩ Vũ Kim Thư: "Cuộc sống đô thị" (mực tàu trên giấy dó + đèn Led)

Tại Triển lãm, người yêu nghệ thuật cũng được xem một bộ phim tài liệu 28 phút về quá trình thực hiện dự án nghệ thuật trong đường hầm của tòa nhà Quốc hội của 15 nghệ sĩ trong các xưởng nghệ thuật khác nhau ở Hà Nội, Thái Bình và Huế, cùng với sự hỗ trợ của hơn 100 nghệ nhân và các kĩ thuật viên.

AGOhub là cổng kết nối cộng đồng kiến trúc - xây dựng - nghệ thuật, thúc đẩy chia sẻ và tương tác hỗ trợ, cùng kiến tạo các cơ hội phát triển cho mỗi cá nhân tổ chức liên quan. AGOhub hướng tới xây dựng một hệ sinh thái sáng tạo, nơi mọi đam mê được ươm mầm, mỗi sáng tạo được thể hiện, khám phá và phát huy.

Triển lãm mĩ thuật “Tranh tối tranh sáng” tại AGOhub sẽ kéo dài đến ngày 12/3/2019.

ĐĂNG HOÀNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Thanh xuân của “người đàn bà tìm nước”

Thanh xuân của “người đàn bà tìm nước”

Tôi như một vị quan tòa trong cuộc hôn nhân chơi vơi của đôi vợ chồng - những nguyên mẫu của nhân vật trong truyện ngắn Người đàn bà đi tìm nước của mình... (VÕ DIỆU THANH)

Lòng dũng cảm và đức hi sinh của người lính chẳng thể nào hư cấu được

Lòng dũng cảm và đức hi sinh của người lính chẳng thể nào hư cấu được

Chịu khó đọc, tự tin mình cũng có thể viết được như mọi người, nhưng lúc đó tôi chưa có ý thức trở thành người viết chuyên nghiệp, chỉ muốn kể lại những câu chuyện chiến tranh gian khổ ác liệt... (TRUNG SỸ)

Có khi là từ những mơ hồ

Có khi là từ những mơ hồ

Trong tiểu thuyết, nhân vật Nhà văn trẻ có một người vợ bỗng dưng mất tích, trước khi rời đi, cô tháo cái sim điện thoại bỏ vô bể cá, nên cuộc kiếm tìm trở nên vô vọng... (TRẦN NHÃ THỤY)

Người đàn ông của li cà phê buổi sáng

Người đàn ông của li cà phê buổi sáng

Thế hệ tôi 8x sinh sau năm 1975, không biết chiến tranh là gì, bom đạn là gì, chưa cảm được mất mát, chia li, đau khổ của cảnh binh đao, khói lửa một thời mà các thế hệ trước đã phải trải qua... (LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG)