Uông Tăng Kỳ (5/3/1920 - 16/5/1997), người Cao Bưu, Giang Tô, là nhân vật đại biểu cho nhóm Kinh Phái, được đánh giá là người theo chủ nghĩa nhân đạo trữ tình, một bậc sĩ đại phu, một văn nhân thuần túy cuối cùng của Trung Quốc.
Năm 1940 ông bắt đầu viết tiểu thuyết, với sự hướng dẫn của thầy giáo là Thẩm Tùng Văn khi ấy dạy ở Khoa Văn - Đại học Liên hợp Tây Nam. Năm 1943 sau khi tốt nghiệp đại học về làm giáo viên trung học ở Côn Minh, Thượng Hải, ông đã xuất bản tập truyện ngắn Giải Cấu tập.
Năm 1948 ông đến Bắc Bình, làm việc ở Viện Bảo tàng lịch sử, không lâu sau đó, tham gia đoàn công tác đi xuống phía nam của khu 4, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, đi đến Vũ Hán được giữ lại tiếp quản các đơn vị giáo dục. Năm 1950 ông được điều về Bắc Kinh công tác ở các đoàn thể văn nghệ, tạp chí văn nghệ.
Năm 1956 ông cho ra đời kịch bản kinh kịch Phạm Tiến trúng cử. Năm 1958 ông bị cho là phái hữu, bị điều xuống Ban Nghiên cứu nông nghiệp ở Trương Gia Khẩu.
Năm 1962 ông được điều về làm biên kịch ở Đoàn Kinh kịch Bắc Kinh. Năm 1963 xuất bản tập truyện cho thiếu nhi Buổi tối ở nhà Dê. Trong thời kì cách mạng văn hóa, ông tham gia xây dựng kịch bản mẫu Sa Gia tân.
Năm 1979, ông quay trở lại công việc sáng tác.
Từ những năm 1980 trở về sau, ông viết nhiều tiểu thuyết nói về phong tục, dân tình trong thời Dân quốc, rất được hoan nghênh. Ông đã xuất bản các sách như Vãn Phạn hoa tập, Tuyển tập truyện ngắn Uông Tăng Kỳ, tập bình luận văn học Vãn Thúy Văn Đàm… Tác phẩm Đại Trác kí sự của ông giành giải thưởng truyện ngắn hay toàn quốc năm 1981.
Với phong cách giản dị, thanh đạm, thoát khỏi sự ồn ào rối loạn của ngoại giới, để tâm vào việc xây dựng thế giới nghệ thuật của mình, văn phong hồn hậu, hấp thu một cách tự nhiên văn hóa truyền thống, mang đầy hơi thở quê hương, ông được coi là đi đầu trên phương diện viết tiểu thuyết bằng ngòi bút tản văn.
***********
Tiêu Thắng đi theo bố đến Khẩu Ngoại.
Tiêu Thắng vừa tròn bảy tuổi, bắt đầu sang tuổi thứ tám. Mấy năm nay nó vẫn ở với bà nội. Công việc của bố nó thường chẳng cố định ở chỗ nào, lúc thì sửa sang hồ chứa nước, lúc lại đại luyện gang thép. Mẹ nó cũng bị điều đi điều lại. Bà nội sống một mình ở quê, nên quạnh quẽ vô cùng. Năm nó lên ba, thì đã được đưa về quê rồi. Nó sống ở quê, ăn toàn củ cải, cải trắng, bánh kê, bánh ngô mà lớn lên.
Bà nội chẳng hơi đâu mà quản nó. Bà còn ối việc. Lúc nào bà cũng tìm kiếm những mảnh vải vụn khâu vá lại để may áo dài, may áo ngắn, may quần, may áo bông, may quần ấm cho nó. Quần áo của nó đều do từng mảnh từng mảnh vải ráp lại với nhau, vệt xanh, vệt chàm, nhưng vô cùng sạch sẽ. Bà nội còn khâu giày cho nó. Tự tay bà làm mũi giày, cắt mẫu, khâu đế, rồi khâu lại. Lúc nào bà cũng bảo nó: “Cái chân cháu nó có răng, có mỏ đấy hẳn?”; “Chân cháu làm bằng sắt hay sao thế!” Rồi bà lại làm món ăn cho nó. Bánh bột kê, bánh bột ngô, củ cải bắp cải xào với trứng gà, cá vụn rim. Nó thì suốt ngày chạy chơi ở ngoài. Mỗi khi bà nội làm cơm nước xong xuôi, lại chạy ra đầu ngõ gọi: “Thắng ơ… ời…! Ở đâu thì về ăn cơm…!”
Về sau thì có nhà ăn tập thể. Bà nội đem hai cái xoong trong nhà nộp cho chính quyền, và lấy cơm từ nhà ăn mang về ăn. Đúng là tuyệt cú mèo! Bánh bao bột mì, bánh bột chiên, tôm muối chua xào với đậu phụ, cà nhồi thịt, thịt sỏ lợn! Ông đầu bếp ở nhà ăn mặc bộ quần áo trắng, đội chiếc mũ trắng, đi đi lại lại trong làn khói trắng bốc hơi nghi ngút của nồi hấp, cầm cái xẻng gõ vào bên thành nồi, lại còn lớn tiếng quát gọi. Người cũng béo lên, lợn cũng béo lên. Đúng là tuyệt cú mèo!
Sau đó thì không được nữa rồi. Lại vẫn là bánh bột kê và bánh bột ngô.
Sau đó thì trong bánh bột kê có lẫn cám, trong bánh bột ngô có mạt lõi ngô xay ra, rát họng lắm. Người cũng gầy đi, lợn cũng gầy đi. Năm ngoái, muốn bắt con lợn cũng phải nhọc sức. Năm nay, cứ đưa tay ra là tóm chắc ngay được chân sau con lợn, vừa xô một cái, nó liền đổ ịch ra ngay. Bánh độn ăn chẳng ra gì, nhưng Tiêu Thắng ăn vẫn thấy rất ngon. Nó đói.
Bà ăn không lấy gì làm ngon. Bà lấy cơm từ nhà ăn về, bẻ nửa cái bánh, nhai suốt nửa ngày. Còn lại bao nhiêu, đều để Tiêu Thắng ăn cả.
Bà vốn đã không được khỏe. Căn bệnh hen suyễn của bà mùa đông năm nào cũng tái phát. Ban ngày còn đỡ, đến đêm thì rất khó mà chịu nổi. Tiêu Thắng nằm trên lò sưởi, nghe thấy tiếng bà lên cơn hen suyễn khừ khừ khừ khừ. Đến lúc ngủ dậy rồi, vẫn nghe thấy tiếng cơn suyễn khừ khừ của bà. Nó nghĩ, bà đã bị hen khừ khừ cả đêm. Thế nhưng bà vẫn còn tiếp tục hen khừ khừ, vừa khừ khừ vừa đi đến nhà ăn lấy bữa sáng cho nó, lấy những cái bánh bột kê, bột ngô đã được độn thêm.
Minh họa: Công Quốc Hà
Mùa đông năm ngoái bố về thăm bà nội. Năm nào bố cũng về nhà vào mùa đông. Bố mang về nửa túi gai khoai tây, một dây nấm rơm khô, lại thêm hai lọ bơ. Bố bảo, khoai tây là bố được chia, nấm rơm là bố tự hái, tự phơi lấy, còn bơ thì phải “đi cửa sau” mới kiếm được. Bố nói, bơ được làm từ sữa bò, rất “dinh dưỡng”, bảo bà quết vào bánh mà ăn. Khoai tây thì bà mượn nồi về hấp lên, luộc lên, bỏ vào bếp lò nướng lên, cho Tiêu Thắng ăn. Nấm rơm đến tết mới ăn một bận. Còn bơ thì bà bảo bố: “Con đem đi mà ăn. Đồ quý như thế này!” Bố nhất định bắt bà để lại. Bà đành để số bơ lại, nhưng chưa từng ăn bao giờ. Bà đem hai lọ bơ cất vào trong tủ, thỉnh thoảng lại lấy giẻ lau lau. Bơ là cái gì không biết? Được làm từ sữa bò cơ? Qua lớp vỏ thủy tinh, có thể trông thấy nó có màu vàng nhạt. Năm ngoái nhà thằng Tiểu Tam sinh thêm em Tiểu Tứ, Tiêu Thắng trông thấy mẹ Tiểu Tam lấy bột hoa thông bôi rôm cho Tiểu Tứ. Màu của bơ trông tựa như màu phấn hoa thông. Sắc bơ bóng láng, trông thật đẹp. Bà bảo, cái này có thể ăn được đấy. Tiêu Thắng không muốn ăn. Nó đã bao giờ ăn đâu, nên chẳng thấy thèm.
Sức khỏe bà ngày một kém. Lúc trước, bà đi lấy bánh ở nhà ăn, có thể đi một mạch về đến nhà. Bây giờ thì bà không thể như thế nữa rồi. Đi đến bên gốc cây liễu ngoẹo cổ là bà phải dừng lại nghỉ một lúc. Bà nói với các ông bà cụ cao tuổi rằng: “Chỉ e là tôi qua được mùa đông, cũng chẳng qua nổi mùa xuân đâu!” Tiêu Thắng biết đó không phải là một câu nói hay ho gì. Đó là một câu mà người ta hay mắng vật nuôi trong nhà: “Này! Trông bộ dạng kém cỏi của mày! Qua được mùa đông, cũng chẳng qua nổi mùa xuân!” Quả nhiên, mùa xuân không dễ gì qua được. Ông già bà cả trong thôn liên tiếp nối nhau qua đời. Trên thị trấn có một hợp tác xã nghề mộc, vốn chuyên đóng đồ gia dụng, sửa chữa cày bừa, nhưng đều phải gác lại cả mọi việc, đổi sang đóng quan tài. Bên ngoài thôn mọc thêm nhiều ngôi mộ mới, cắm nhiều cành phan trắng. Bà nội không ổn nữa rồi, toàn thân bà đều phù thũng, lấy ngón tay ấn ấn, liền thành một chỗ trũng lớn, rất lâu mới đầy lại. Bà nhờ người viết thư gọi con trai mình về.
Bố chạy về tới nhà, thì bà nội đã tắt thở rồi.
Bố xin hợp tác xã nghề mộc lấy cái tủ trong buồng bà sửa thành một cỗ quan tài để mai táng cho bà. Buổi tối, bố ngồi trên lò sưởi của bà, nước mắt tuôn rơi suốt một đêm.
Lần đầu tiên trong đời, Tiêu Thắng biết thế nào là “chết”. Nó biết, “chết” chính là “không còn nữa”. Nó không còn bà nữa rồi. Nó nằm trên cái gối, trên gối vẫn còn mùi tóc của bà. Nó khóc.
Bà khâu cho nó hai đôi giày. Làm xong, bà bảo: “Cháu lại đây, thử đi xem.” “Bà đợi cháu một tí!” Rồi vù một cái, nó chạy vụt đi. Tiêu Thắng tỉnh dậy, nó để chân không rồi thử hết cả hai đôi giày. Một đôi vừa vặn với chân, một đôi rộng một chút. Bàn chân trần của nó chạm vào đế giày bằng vải, cảm nhận được cả đường chỉ khâu đế giày của bà, nó cất tiếng gọi “Bà ơi!”, rồi nức nở khóc mãi.
Bố đi thăm hỏi các ông các bác trong thôn, rồi thu dọn đồ đạc trong nhà, lấy những cái nồi bát gáo chậu còn dùng được chất cả vào trong một cái sọt to. Lại đem đôi giày mà bà nội khâu cho Tiêu Thắng bỏ vào sọt. Đem hai lọ bơ còn chưa đụng vào tí nào cũng bỏ cả vào sọt. Khóa cửa lại, rồi dắt Tiêu Thắng lên đường.
Tiêu Thắng không quen ở với bố. Nó ở với bà đã quen rồi. Mới đầu nó không nói năng gì cả. Nó nhớ nhà, nhớ bà, nhớ cây liễu ngoẹo cổ ấy, nhớ đôi ngỗng trắng tinh của nhà Tiểu Tam, nhớ chuồn chuồn, nhớ muồm muỗm, nhớ chú cào cào mỗi khi cất cánh bay lên phát ra tiếng xành xạch, để lộ cả lượt cánh màu hồng đào mềm mại dưới cái cánh xanh cứng hơn bên ngoài… Về sau, ở với bố quen rồi. Bố là bố mà! Hai bố con đi ô tô, ngồi tàu hỏa, sau đó lại đi ô tô. Bố tốt lắm. Bố luôn khơi gợi cho nó nói chuyện, kể cho nó rất nhiều chuyện ở Khẩu Ngoại, nó ngày càng nói nhiều hơn, hỏi hết cái này đến cái khác. Nó dần nảy sinh một sự thích thú rất nồng nàn với “Khẩu Ngoại”.
Nó hỏi bố, sao lại gọi là “Khẩu Ngoại”? Bố bảo, “Khẩu Ngoại” nghĩa là khu vực bên ngoài vùng Trương Gia Khẩu, lại cũng gọi là “Bối Thượng”. “Vì sao gọi là Bối Thượng?” - Nó cứ tưởng chữ “Bối” ở đây là một con đê bối. Bố bảo, cứ đợi lúc nào đến con sẽ biết.
Quả tình thì “Bối” là một quả núi lớn sườn trơn dốc. Đỉnh núi bằng phẳng, rất giống một con đê bối, nhưng mà lớn lắm! Xe ô tô lấy hết ga chạy lên trên. Xe bò đi rất khó nhọc, tựa hồ đến thở cũng không thở nổi, liên tục gằn từng tiếng khừng khừng. Lên được núi lớn rồi, ối chà, một vùng đất bằng rộng lớn! Đúng là bằng phẳng thật! Vừa phẳng vừa rộng, cứ như được láng đều vậy. Làm sao có thể phẳng được như thế này! Xe ô tô lên được mặt đê rồi, thì vui vẻ hẳn, không còn kêu khừng khừng nữa, êm ro ro chạy thẳng về phía trước. Lên mặt đê rồi, không khí cũng đột nhiên thay đổi hẳn. Dưới đê là mùa hè, mà lên đến mặt đê rồi thì cứ như mùa thu, bỗng nhiên mát mẻ hẳn. Trên đê, dưới đê, cứ y như được cắt bằng dao, bằng phẳng thật! Xa xa là mấy qủa đồi nhỏ, tròn xoe. Đến một cái cây cũng không có. Ở quê nó có rất nhiều cây. Cây du, cây liễu, cây hòe. Còn đây không biết là chỗ nào, mà chẳng có lấy một cái cây gì cả! Chỉ có một khoảnh đất bằng rộng lớn, xanh biếc, mọc đầy những cỏ. Có đất. Khoảng đất này lớn thật. Từ ngọn đồi này, tựa như có một tấm vải lớn, kéo thẳng tới ngọn đồi kia. Mảnh đất này rốt cuộc rộng bao nhiêu? Bố bảo nó: Có một người nông dân dắt một con trâu mẹ đi cày, cày một lượt, đến lúc trở về thì con trâu mẹ dắt thêm một con nghé non, đã ba tuổi rồi!
Xe ô tô đã đến thị trấn của huyện có tên là huyện Cô Nguyên. Đó là bến cuối cùng của họ. Một cỗ xe bò đến đón họ. Bộ dạng cỗ xe ấy thật buồn cười, hai bánh xe là hai cái bánh gỗ, lại không được tròn lắm, cứ lộc cà lộc cộc lăn về phía trước. Tiêu Thắng nằm ngửa mặt trên xe bò, trên đầu là bầu trời xanh rất rộng. Xe bò đi chậm lắm, còn không nhanh bằng nó đi bộ. Có lúc, nó nhảy xuống đất hái mấy bông hoa dại, đi một chặp, rồi lại trèo lên xe.
Việc trồng trọt ở nơi này cũng không giống như ở những vùng phía trong. Ở đây không có cao lương, cũng không có ngô, chỉ trồng mạch, trồng vừng. Mạch thì rất sạch sẽ, cứ như được lấy nước tắm rửa, chải gội cho vậy. Vừng thì được che bằng những cái ô nhỏ màu xanh, trông rất nho nhã, chẳng giống rau mầu, mà cứ y như một loại hoa để xem chơi.
Ồ, một cánh đồng hoa thạch thảo thật lớn. Thạch thảo thì quê nó cũng có, nhưng không cao to như ở đây, cao đến ngang eo người lớn, nở những bông hoa như cánh bướm to bằng bàn tay. Nhìn không biết đến đâu là cùng. Một cánh đồng thạch thảo thật lớn! Cả đời này Tiêu Thắng cũng không quên được. Nó cứ như đang ở trong một giấc mơ vậy.
Xe bò cứ đi mãi, đi mãi. Bố bảo: Đến rồi! Nó ngồi lên nhìn: cả một cánh đồng khoai tây, đều đang nở hoa, màu phấn hồng, màu xanh tím nhạt, màu trắng… Nhìn ngút tầm mắt, tựa như trời vừa đổ một trận mưa tuyết. Những bông tuyết theo gió bay phất phơ, khiến nó hơi hoa mắt. Không xa có một dãy nhà, tường đất, cửa kính. Đó chính là “Trạm nghiên cứu khoai tây” mà bố đang công tác.
Từ trong nhà có một người chạy ra. “Mẹ…!” Nó vừa nhìn là nhận ra ngay! Mẹ chạy lại, vươn tay ôm chặt nó vào lòng.
Tiêu Thắng sẽ ở lại nơi này, ở cùng với bố và mẹ nó.
Nếu có cả bà cùng tới đây thì tốt biết bao.
Bố của Tiêu Thắng học ngành nông nghiệp, nhưng mấy năm nay toàn làm những việc đâu đâu. Bà nội hỏi bố: “Làm sao họ cứ điều con đi hết chỗ này đến chỗ khác như thế?” Bố nó đáp: “Vì con dễ bắt nạt.” Chẳng ai muốn tới Trạm nghiên cứu khoai tây cả, vì ngại xa xôi. Bố nó thì bằng lòng. Mẹ nó học hội họa, mấy năm trước chuyên vẽ mấy bức tranh hai em bé nhổ một cây củ cải lớn mà nhổ không nổi này, rồi một quả đậu mà phía trên nếu giương cánh buồm lên thì có thể làm được cái thuyền này. Mẹ cũng bằng lòng cùng bố đến đây, để vẽ “khoai tây đồ phả” - tất cả những hình vẽ về cây khoai tây.
Mẹ bưng cơm lên cho mọi người ăn. Là bánh bột ngô thực sự, và hai bát cháo to. Mẹ bảo, cháo này nấu từ hạt lồng vực, hơi giống như hạt kê, nhưng nhỏ hơn kê. Bát cháo xanh ngăn ngắt, rất sánh, rất thơm. Lại còn một đĩa tây cá diếc, rất to. Bố bảo, cá diếc ở nơi khác rất ít có con nào hơn một cân, còn cá diếc trong “đầm” ở đây có con nặng tới một cân hai. Cá diếc ăn hạt lồng vực, béo lắm. Lồng vực chín rồi, gió thổi hạt bay đầy xuống đầm, nên cá có hạt lồng vực ăn. Tiêu Thắng ăn no căng cả bụng.
Bố nói, phải đưa Tiêu Thắng đến cùng vì có ba lí do: một là bà nội đã mất rồi, ở quê chẳng còn ai cả; hai là Tiêu Thắng đến tuổi đi học rồi, sau kì nghỉ hè sẽ đến một trường tiểu học cách đó không xa xin học; ba là ở đây ăn uống cũng đầy đủ hơn một chút. Khẩu Ngoại đất rộng người ít, làm lụng cũng dễ hơn một chút. Ở đây, ruộng mỗi người tự giữ lại cũng được năm mẫu! Tùy nghi cày cuốc một mảnh cũng có thể trồng trọt được chút gì. Bố và mẹ bèn khai hoang một mảnh đất ở bên trạm nghiên cứu, trồng khoai tây, bí ngô. Khoai tây đã có hoa rồi, bí ngô cũng đã có nụ. Chẳng bao lâu nữa là có cái ăn.
Trạm nghiên cứu khoai tây rất vắng vẻ, tất cả không có bao nhiêu người. Có bố, mẹ, và mấy người công nhân. Công nhân thì đều có nhà riêng. Ở trong trạm chỉ có một nhà Tiêu Thắng. Chỗ này, đúng là yên tĩnh. Cả ngày không nghe thấy một âm thanh gì, ngoài tiếng gió thổi qua những bông lúa mạch, sàn sạt như một cơn mưa nhỏ. Thi thoảng có một con chim én nhỏ cất tiếng kêu chí chách.
Hàng ngày bố đội một chiếc mũ rơm ra đồng cùng làm việc với những công nhân, làm cỏ cho khoai tây. Cũng có lúc bố đọc sách, tra cứu tài liệu. Mẹ thì cứ sáng dậy lại đi khắp nơi hái một nắm tướng hoa khoai tây, một nắm tướng lá khoai tây mang về cắm vào lọ, dồn hết tinh thần nhìn vào nó, rồi vẽ từng nét từng nét một. Những bông hoa mẹ vẽ giống hệt những bông hoa thật! Tiêu Thắng ngày nào cũng theo mẹ ra đồng, lúc quay về giày và gấu quần đều ướt đẫm vì sương. Hai đôi giày mới bà làm cho nó vẫn chưa đi. Giày và hai lọ bơ đều được mẹ cất vào tủ khóa lại.
Ban ngày không có việc gì, nó bèn chạy chơi khắp nơi, đi lang thang. Ở đây rộng lắm, không có gì ngăn cản hết, chạy rất xa, ngoảnh đầu lại vẫn nhìn thấy dãy phòng của trạm nghiên cứu, không thể lạc được. Nó chạy ra đồng cỏ đi xem bò, xem ngựa, xem dê.
Cũng có lúc nó ra chăm chút cho vườn bí ngô, khoai tây của nhà mình. Giẫy cỏ một tí, rồi ra giếng khoan lấy nửa thùng nước đem lại tưới. Việc này chẳng phải là chơi. Tiêu Thắng đợi để được ăn chúng. Nhà Tiêu Thắng cũng không nấu cơm, mà lấy thức ăn từ nhà ăn của đại đội. Đồ ăn của nhà ăn càng ngày càng kém đi. Cháo lồng vực đã không còn nữa rồi. Bánh bột ngô cũng không còn nữa rồi. Bây giờ ăn bánh bo bo đỏ, với canh rau cải ngọt. Tiếp theo đây, có nhẽ sẽ còn kém nữa. Tiêu Thắng đã hơi sợ bị đói rồi.
Nó học được việc hái nấm. Đầu tiên là mẹ dẫn nó đi hái hai lần, sau đó thì tự nó cũng biết đi hái. Sau cơn mưa xuống, mặt trời vừa ló lên, không khí ẩm ướt lép nhép, là nấm sẽ mọc lên. Lũ nấm sinh sôi rất kì lạ, đều mọc ở trong cái “vòng nấm”. Tiêu Thắng cúi thấp đầu xuống, nghiêng mắt nhìn xem, xa xa trên đồng cỏ có một vòng tròn cỏ mọc sẫm màu khác thường, xanh đen xanh đen đi, thấp thoảng trong đó có thể nhìn thấy mấy cái chấm trắng, đó chính là một “vòng nấm” tròn xoe. Nấm sẽ mọc trên vòng tròn cỏ sẫm mầu ấy. Phía trong vòng tròn không có, phía ngoài vòng tròn không có. Vòng nấm sẽ cố định ở đó. Năm nay nấm mọc, sang năm lại mọc. Chỗ nào có vòng nấm, những người dân ở đó đều biết cả.
Có một cái vòng nấm như phát cuồng, nó không ngừng mọc nấm, lớn nhanh như thổi, mọc nấm liền ba ngày ba đêm, cứ như có ma, nhìn đến phát sợ. Bảy tám nhà quanh đó đều tới hái, lấy dây xâu lại, treo dưới mái hiên nhà. Nhà nào cũng treo ba bốn xâu. Mọi người bảo, cái vòng nấm này sang năm sẽ không mọc nấm nữa, nó chết rồi. Tiêu Thắng cũng hái được một ít. Nó thích thú vô cùng, trong lòng như mở cờ. “Mày giỏi lắm! Mày giỏi lắm! Nhiều ghê! Nhiều ghê!” Nó phát tài rồi.
Làm sao nó lại thích thú như thế? Nấm có thể ăn được mà!
Tiêu Thắng vừa lấy dây xâu những cây nấm, vừa rơi nước mắt. Nó nhớ đến bà. Nó muốn gửi cho bà hai xâu nấm. Bây giờ thì nó đã biết, bà nó chết vì đói. Người ta không phải chết ngay lập tức vì đói, mà sẽ chết một cách từ từ vì đói.
Bánh bo bo đỏ ở nhà ăn càng ngày càng không ngon, vì độn thêm cám. Canh lá cải ngọt cũng càng ngày càng khó nuốt, vì chẳng có tẹo mỡ nào. Nó ghét thứ bánh bo bo đỏ độn cám ấy, ghét thứ canh cải ngọt không có dầu mỡ ấy!
Nó vẫn đi lang thang, chạy chơi khắp nơi.
Bên ngoài nhà ăn đại đội bỗng náo nhiệt hẳn lên. Đầu tiên là người ta cho kéo một xe bò “gạch dê” đến. Tiêu Thắng hỏi bố, đó là cái gì. Bố nó bảo: “Gạch dê” - “Gạch dê là gì?” - “Phân dê đem ép chặt lại, cắt thành từng miếng từng miếng.” - “Dùng làm gì ạ?” - “Đốt!” - “Cái này đốt được ư?” - “Đốt tốt lắm đấy! Lửa rất đượm.” Sau đó người ta chuyển đến một cái bếp to. Rồi giết hơn mười con dê. Tiêu Thắng đứng bên cạnh xem làm thịt dê. Nó chưa từng được xem giết thịt dê bao giờ. Ồ, không rơi một giọt máu ra ngoài, một tấm da dê được lột ra nguyên lành!
Việc này để làm gì vậy?
Bố bảo, sắp hội nghị cán bộ ba cấp!
“Sao lại gọi là hội nghị cán bộ ba cấp?”
“Đợi con lớn lên rồi sẽ biết!”
Hội nghị cán bộ ba cấp, tức là cán bộ ba cấp ăn cỗ.
Đại đội vốn có hai nhà ăn, nhà ăn phía nam, và nhà ăn phía bắc, ở giữa cách một khoảng sân, trên sân lại che một cái rạp nhỏ, trời mưa cũng có thể đi qua lại giữa hai nhà ăn được. “Xã viên” vốn được chia ra ăn cơm ở hai nhà ăn. Nay có hội nghị cán bộ ba cấp, thì tất cả mọi người đều chen nhau dồn sang ăn ở nhà ăn phía bắc cả. Nhà ăn phía nam để trống, dành cho các cán bộ tham dự hội nghị.
Hội nghị cán bộ ba cấp họp trong ba ngày, ăn cỗ ba ngày. Bữa trưa ngày thứ nhất là thịt dê, nấm rơm tẩm bột. Ngày thứ hai, thịt kho, cơm trắng. Ngày thứ ba, bánh bột mì bơ nướng. Bữa tối thì chỉ qua loa láo nháo thôi.
“Xã viên” và “cán bộ” cùng ăn cơm một giờ. Xã viên ăn ở nhà ăn phía bắc, cán bộ thì ở nhà ăn phía nam. Nhà ăn phía bắc vẫn là bánh bo bo đỏ, canh cải ngọt. Người trong nhà ăn phía bắc ngửi mùi thức ăn từ nhà ăn phía nam bay sang, lại bảo: “Thịt dê, nấm rơm tẩm bột, thơm quá, thơm quá!” “Thịt kho, cơm trắng thơm quá, thơm quá!” “Bánh bơ nướng, thơm quá, thơm quá!”
Tiêu Thắng mỗi bữa đi lấy cơm cũng ngửi thấy mùi thơm thức ăn từ nhà ăn phía nam. Thịt dê, cơm trắng, nó cũng chẳng lạ gì. Nó đã từng thấy, cũng từng ăn rồi. Nhưng bánh bơ nướng thì nó chưa từng được ngửi mùi lần nào. Thơm thật, ngửi thấy mùi thơm đó, chỉ muốn được ăn một miếng.
Về đến nhà, vừa ăn cái bánh bo bo đỏ, nó vừa hỏi bố: “Vì sao họ lại được ăn bánh bơ nướng?”
“Vì họ tham dự hội nghị.”
“Hội nghị làm sao lại được ăn bánh bơ nướng?”
“Họ là cán bộ.”
“Cán bộ làm sao lại được ăn bánh bơ nướng?”
“Ôi dào! Sao con hỏi lắm thế! Ăn bánh bo bo đỏ của con đi!”
Đang nuốt miếng bánh bo bo đỏ, mẹ Tiêu Thắng bỗng nhiên đứng dậy, dốc chút bột mì trắng tinh trong hũ ra, rồi lại lấy từ trong tủ ra một lọ bơ mà bà nội còn chưa hề đụng tới, mở nắp lọ, xắn ra một miếng to, tìm lấy một nắm đường trắng, đánh đều, rồi cán làm hai cái bánh bột mì trộn bơ, bỏ vào lò nướng chín. Cái bánh bơ tỏa mùi hương thơm ngào ngạt, y như mùi thơm bốc ra từ nhà ăn phía nam. Mẹ để cái bánh bơ trước mặt Tiêu Thắng, nói:
“Ăn đi con, đừng hỏi nữa.”
Tiêu Thắng ăn hai miếng, đúng là ngon thật. Bỗng nhiên nó nhệch miệng bật khóc thành tiếng, rồi gọi to một tiếng: “Bà ơi!”
Mắt mẹ nó cũng ngân ngấn lệ.
Bố bảo: “Đừng khóc nữa, ăn đi.”
Tiêu Thắng vừa ròng ròng nước mắt, vừa ăn cái bánh bơ. Nước mắt chảy cả vào miệng nó. Bánh bơ nướng thì ngọt, còn nước mắt thì mặn chát.
Châu Hải Đường dịch và giới thiệu
VNQD