Tập truyện ngắn "Nữ sinh" và sự khước từ những điều hời hợt của Dazai Osamu

Thứ Tư, 11/01/2023 15:38

Truyện ngắn của Dazai Osamu, cũng như tiểu thuyết của ông, luôn xuất hiện những cá nhân mang cảm thức mạnh mẽ về cái chết, khi họ luôn tự ý thức, bản thân là một tạo vật khiếm khuyết và những điều tốt đẹp họ hướng đến, vừa khắc kỷ, cũng vừa xa vời như thế nào.

Bao chứa những câu chuyện ngắn trải dài trong văn nghiệp Dazai Osamu từ ngày đầu ông cầm bút, tập truyện Nữ sinh là những lát cắt đầy tính thống nhất về một Dazai Osamu luôn khước từ những điều hời hợt tới mức cực đoan, tới mức tự diệt.

Khước từ sự hời hợt trong lối sống

Là người đã sống qua cả hai cuộc thế chiến khốc liệt của nhân loại và nếm trải trọn vẹn nỗi thống khổ của con người thời hậu chiến, đúng như lời dịch giả Hoàng Long nhận định “Dazai đã đưa những trải nghiệm cay đắng của mình vào tác phẩm.” Từ những thiên tiểu thuyết đã làm nên tên tuổi Dazai Osamu như Thất lạc cõi người hay Tà dương, tới những truyện ngắn đầu tay như Ngư phục ký hay truyện vừa Nữ sinh ở tập truyện Nữ sinh này.

Niềm “cay đắng” tới từ những đổ vỡ ý thức hệ trước đổi thay thời cuộc, mà trước hết, chính là lối sống con người nơi quốc đảo Nhật Bản. Những kẻ “sống” mà mà thiếu đi cá tính, sống mà chỉ như sự tồn tại hời hợt gá víu vào cuộc đời. Khước từ lối sống ấy, nhân vật trên trang viết của Dazai Osamu đớn đau khi đối diện nhân thế, cũng như dằn vặt bản thân. Và đó tựa sự phóng chiếu bản thể Dazai Osamu, dằn vặt chính mình nhằm vượt thoát thói đời lắm tục hiềm vậy.

Với sự đa dạng cốt truyện lẫn phương thức thể hiện, khi là những tích truyện huyền thoại được Dazai tiên sinh tái hiện lại dưới bút pháp vừa thực vừa mộng, khi là sự sáng tạo huyền thoại riêng với sự hóa thân, nhân hóa từ chính một tờ tiền, khi là những dòng tâm sự một người vợ trải dài trên trang thư hay khi là những dòng nội tâm của người thiếu nữ đầy nhạy cảm… Dẫu ở phương diện nào, chủ thể chính, nhân vật trung tâm trong trang sách Nữ sinh cũng mang nỗi nhiệt thành sống tới cuồng liệt.

Tập truyện Nữ sinh.

Bởi thế, họ khó lòng chấp nhận nhịp sống buồn tẻ, tù túng, đè nén cả thể xác lẫn tâm hồn như cô gái trong Ngư phục ký, khao khát hóa thành con trăn lớn mà quẫy đạp tới tự do. Như giấc mộng hóa quạ thần để sống một đời tiêu dao bên nàng Trúc Thanh xinh đẹp của chàng thư sinh nghèo Ngư Dung sau tháng ngày sống nghèo khổ cùng một người vợ khắc nghiệt. Hoặc hình ảnh người vợ quyết tuyệt viết thư chia tay chồng giữa Tiếng dế nỉ non vọng về bởi lối sống người chồng kia, đã sớm trở nên tầm thường, thậm chí là tha hóa, hèn hạ sau mọi phù phiếm, vật chất, kim tiền…

Dẫu rằng, tất thảy có thể chỉ là ảo mộng hay tận cùng, thứ đón lấy họ, chỉ là một vòng xoáy tuần hoàn tiếp nối tăm tối, ngục tù của sự chuyển sinh, chuyển kiếp bé mọn tựa “nàng” ở Ngư phục ký, khát khao trở thành con trăn lớn mà cuối cùng, nàng chỉ có thể hóa thành con cá diếc nhỏ xíu “bơi qua bơi lại vòng vòng trong cái vũng gần lòng thác đổ. Nó vẫy vẫy mấy cái vây để nổi lên mặt nước rồi lại quẫy đuôi lặn xuống đáy nước sâu.” Nhưng, con người, dưới ngòi bút Dazai Osamu đã dám đấu tranh cho niềm nồng nhiệt yêu sống đến thế. Nên, mặc cho tự hủy hay tận diệt, họ cũng là đốt cháy phần sinh mệnh nhỏ bé này, cho kiếp sống trần thế, chẳng hoài tạm bợ.

Khước từ sự hời hợt về tư tưởng

Từ sự chối bỏ lối sống hời hợt, tập truyện Nữ sinh còn như lời tuyên ngôn cho sự chối bỏ, thậm chí phê phán sự hời hợt trong tư tưởng của Dazai Osamu. Bởi sự hời hợt trong tư tưởng, mà người ta hời hợt với đời sống hay chính lối sống tạm bợ, được chăng hay chớ, tồn tại hôm nay không biết ngày mai, khiến người ta dần chai sạn mà hình thành tâm lí hờ hững với cuộc đời, người thân lẫn chính mình?

Hay chính những năm thế chiến, thời cuộc xoay vần, nền tảng truyền thống đối diện trước sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai, khiến con người trở nên bế tắc giữa lằn ranh chân lí, đúng sai. Vì những gì họ tin tưởng tới tôn thờ, đã sụp đổ sau tất thảy biến động cuộc đời. “Sa sút bi thảm. Cô đơn. Không, đối với Nhật Bản bây giờ mà nói thì không chỉ riêng chúng tôi mà tất cả những người sống ở Tokyo này nữa, nhìn đâu cũng thấy một sự sa sút trầm kha.” (Người vợ)

Nhưng dù là bất kì nguyên nhân hay khía cạnh nào, cũng không thể chối bỏ, nỗi thất vọng của một cá nhân, đang dõi nhìn cuộc đời và nhân thế, ngày càng chìm sâu trong cuộc khủng hoảng ý thức hệ. Tuổi trẻ lạc lối giữa kì vọng của bản thân với những đánh giá, xét nét người đời để rồi hoài nghi bản ngã, đánh mất cái tôi, chìm sâu xuống vực thẳm những câu hỏi cuộc đời vọng về không lời giải đáp. “Mặc dù là mắng chúng tôi là không có hi vọng và tham vọng đúng đắn đấy nhưng trong trường hợp chúng tôi mang lí tưởng đúng đắn mà hành động thì bọn họ có thể trông chừng và chỉ bảo cho chúng tôi đến đâu đây chứ?” (Nữ sinh) Tuổi trung niên thì đánh mất chí hướng mà dần chìm vào lối sống trụy lạc, phàm tục.

Người ta hời hợt về tư tưởng, bởi người ta đã không còn tư tưởng để theo đuổi nữa rồi. Người ta lạc lối và người ta thay đổi. Người ta đánh mất cái tôi, đánh mất cả những sơ tâm ban đầu. Người ta hi vọng để rồi thất vọng. Người ta tin tưởng để rồi nhận về chỉ là nỗi bất lực tột cùng của sự phản bội. Người ta cô đơn trong chính mái ấm, bên cạnh chính người từng yêu thương và xa lạ với chính mình.

Tiếng kêu khản đặc của Tờ tiền giấy “Hãy biết xấu hổ đi. Nếu còn là người thì hãy biết xấu hổ vì cảm giác xấu hổ là một thứ chỉ có ở riêng con người” như tiếng chuông thức tỉnh cuối cùng, tác giả Dazai Osamu dóng tới những ai còn lương tri, và còn “tư tưởng”. Trước khi, lớp người “lương tri”, tự đẩy bản thân tới bước đường tự diệt. Bởi “Nỗi khổ đau của chúng tôi chẳng một ai hay biết cả” (Nữ sinh) và cuộc đời, thì chẳng còn đủ một “chỗ đứng” cho họ.

Dazai Osamu

 

Khước từ sự hời hợt trong quan niệm về cái đẹp và nghệ thuật

Bên cạnh những truyện ngắn như tuyên ngôn sống của Dazai Osamu thì ở tập truyện Nữ sinh, còn xuất hiện các tác phẩm, như lời tuyên ngôn nghệ thuật của Dazai tiên sinh, trong văn nghiệp ngắn ngủi nhưng đã kịp để lại dấu ấn đậm nét trên văn đàn Nhật Bản cùng dòng chảy văn chương thế giới hiện đại. Và một tác giả, cực đoan tới khắc kỉ ở cả lối sống lẫn tư tưởng như Dazai Osamu, thì cách ông quan niệm về cái đẹp và nghệ thuật, cũng là sự khước từ mạnh mẽ những gì hời hợt.

Nghệ thuật, trước hết phải là sự thấu hiểu, tri kỉ từ tận tâm hồn con người bất kể trong cảnh bần hàn. Mà người làm nghệ thuật, đâu chú trọng bần hàn hay sang giàu. Dường như, họ cảm thấy đủ đầy, đồng cảm ngay chính trong cảnh huống ngỡ rằng bi đát nhất.

Nghệ thuật, kị nhất là những lời tung hô sáo mòn. Và khi người làm nghệ thuật, thả trôi bản thân theo vật chất lẫn nhún nhường trước sự tung hô thiên hạ, cũng là khi, người đó đánh mất “bản ngã” của kẻ theo đuổi cái đẹp vậy. “Cuối cùng anh định trở thành thứ gì vậy chứ? Hãy biết hổ thẹn đi. Đừng bao giờ nói lại cái câu ngu ngốc đáng sợ “được hiện diện ở đây” thêm lần nào nữa.” (Tiếng dế nỉ non)

Với Dazai, nghệ thuật không đơn thuần chỉ là sự tái hiện cái đẹp một cách trung thành hay đơn giản. Mà nghệ thuật, là sự tái hiện cái đẹp qua cá tính riêng mạnh mẽ của người nghệ sĩ. Những con người có “tài năng”, có “liêm sỉ”, luôn ý thức “xấu hổ” lẫn “hổ thẹn” trước mỗi lời ngợi khen “có cánh.” Nghệ thuật là sự cực hạn của cảm xúc và hiện thực trên lằn ranh tự nhận thức của tác giả. Vị kỉ hay mơ hồ, đều đẩy người làm nghệ thuật chìm sâu xuống vực thẳm mông lung, vô định. “Tức là anh chỉ thuần túy tinh thần, âm thầm yêu lấy cái hình dáng của bản thân mình mà anh cũng chẳng biết rõ, thậm chí nghĩ rằng không biết vậy có phải cao thượng hay không, rồi đắm mình trong những niềm tự hào ngọt ngào.” (Một chuyến đi)

Dazai Osamu, vẫn luôn như thế, từ ngày đầu cầm bút ở những truyện ngắn đầu tay Ngư phục ký tới ngày cuối cùng ông đi tới nơi Thất lạc cõi người, luôn mạnh mẽ, quyết liệt tới cực hạn, cực đoan. Cả trên thái độ sống, thái độ làm người và thái độ làm nghệ thuật. Tác phẩm của ông ngập tràn cái chết và mỗi truyện ngắn trong tập truyện Nữ sinh, cũng không phải ngoại lệ. Cái chết hiện lên muôn hình vạn trạng, trong trạng huống u uất hay sự hóa thân của nhân vật. Vậy nên, có thể nói chăng, mỗi câu chuyện trong Nữ sinh, như mỗi lát cắt bản thể một Dazai Osamu, trọn một đời, tìm kiếm nghĩa sống trong ý chết, kiếm tìm chân giá trị cái đẹp và nghệ thuật giữa thời cuộc rối ren, khổ đau “trầm kha” đến tự tận.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)