Tạm biệt rừng
Thôi em về
bạt ngàn xanh ở lại
mái lá trung quân nâu trầm theo ánh mắt anh ngày cũ
nỗi buồn như sương bảng lảng cuối chiều
Thôi em về
tuổi xuân anh ở lại
nhà của anh là cánh rừng huyền thoại
biết tự vá thương tổn mình bằng những tán lá xanh tươi
Thôi em về
bới lại mái tóc sương
thương tuổi mình đã úa
giá như có đứa trẻ kịp tượng hình vào cái ngày xa xưa ấy
để em tìm lại những nét anh…
Trên tay em gầy sợi nắng đã phai
mà cánh rừng cứ xanh như chưa từng oằn mình hứng bom chịu pháo
tuổi anh cứ xanh như thời gian lặng thinh không một bước
chuyển mùa
thôi em về
hong nỗi nhớ trên từng viên gạch cũ
tự vá lòng mình bằng kí ức tràn anh…
Chiều Đắk Lua
Chiều rắc tím lên một triền hoa dại
Đắk Lua bình yên sông nước núi đồi
em giấu những cồn cào trong tiếng tằm ăn rỗi
để lòng mình xanh như nương dâu
Lứa tằm mới ươm giấc mơ ngày mới
bóng người xưa chưa phai cũ bao giờ
nuôi tằm nay không phải “ăn cơm đứng”(1)
em phủ quanh chỗ ngồi nỗi nhớ non xanh
Né tre xưa đã thay bằng né gỗ
những kén tơ đơn trắng muốt mịn đều(2)
mình cũng lẻ để kén tình không rối
vết xước lặn vào kí ức cài then
Hoa dại níu Đắk Lua vào sắc tím
cầu mới thênh thang đợi bước người về
cuối cơn gió những nương dâu rì rào đồng vọng
ru bình yên vào đêm…
------
1. Ý từ câu tục ngữ xưa: Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng
2. Ngày nay người dân Đắk Lua dùng né gỗ thay cho né tre để hạn chế tình trạng tằm kết kén đôi (tằm kết kén đôi tơ bị rối).
VNQD