Những điều xa vắng

Thứ Hai, 07/01/2019 00:59

(Đọc Lửa từ quá khứ của Nguyễn Văn KhôiNxb Hội Nhà văn, 2018)

Quá khứ là những gì đã xa vắng hiện tại, nhưng cũng chưa bao giờ vắng mặt, nó còn lại và thậm chí luôn hiện diện. Lửa từ quá khứ là những điều còn lại, dai dẳng, thầm kín và cháy bỏng.

Quá khứ không để lại cho chúng ta trọn vẹn điều gì, nhưng quá khứ lại cho ta những khoảnh khắc. Những khoảnh khắc ấy rõ ràng, đậm sâu, nhưng không thể nắm bắt. Khoảnh khắc ấy có thể là thực, có thể là tưởng tượng từ những điều có thực. Thơ sẽ ghi lại điều ấy, cho dù đó chỉ là cảm giác của nhà thơ: gì như là xa vắng/ cho lòng người nhói đau/ hẹn nhau ở kiếp sau/ nói một lời gan ruột. Đọc Nguyễn Văn Khôi từ những xa xôi để thấy một khả thể, trong lúc cảm xúc thăng hoa nhất, và giữa lằn ranh mơ hồ nhất của hư và thực nhà thơ sẽ nói ra những điều thầm kín nhất, kìm nén nhất mà không e sợ bị phát giác điều gì. Đó là lời thành thực nhất nhưng không bao giờ được kiểm chứng. Ta gọi đó là thơ.

Những biến cố lớn sẽ gây nên sự chấn động, những rung động nhỏ sẽ làm nên thơ. Tôi đã nghĩ vậy khi đọc Nguyễn Văn Khôi. Đêm qua rằm vầng trăng như khóc/ như kẻ cô đơn xót ngọn cỏ khô vàng/ sông đắm xuống một dòng phẳng lặng. Việc nhà thơ viết về cái gì đã không còn quan trọng, vấn đề ở chỗ nhà thơ viết như thế nào. Đôi khi người viết vẫn tự cào xước hay đốn gục chính mình để từ những tổn thương và mất mát ấy một điều gì mới mẻ, khác biệt sẽ sinh ra. Đó có thể là cách nói khác về cách nhà thơ tìm lối đi cho mình. Lạ thay và cũng kì diệu thay ở chỗ, thơ luôn đến từ những điều giản dị: ngọn gió mềm ngọn bút/ vẽ sắc ấm trời xanh/ vẽ vào đồi vào suối/ vẽ vào má vào môi/ vẽ lên trái tim tôi/ nét nho nhỏ lành hiền/ trái tim nhớ rặng trâm bầu thuở trước. Vậy thì, lớn lao hay tầm thường ở chỗ, thơ có tạo ra được một dư chấn nào hay không mà thôi.

Nếu có một dữ dội, đứt gãy hay nỗi đau nào mà người ta cảm thấy êm ái, thì đó là thơ. Linh hồn đứa con/ gia tài đời mẹ/ nắm đất se sẽ/ những dấu chân in theo hình đất nước/ bằn bặt nở hoa nơi xa... Nỗi đau thành đồi, thành núi/ thành ngọn măng nhỏ nhoi. Sức mạnh của thơ luôn nằm ở sự tưởng tượng. Điều đó dẫn nhà thơ đi xa hơn rất nhiều cái đích được thơ nhắc đến. Những liên tưởng của nhà thơ là một phép biến hóa có thực. Nó biến cái hữu hình trở nên vô hình và ngược lại. Nó cũng có thể chuyển hóa cái này thành cái khác. Như ở những câu thơ trên, nhờ vào những liên tưởng mà thơ có khả năng xoa dịu nỗi đau.

Nhưng sau hết, thơ vẫn là một hiện hữu không thể định hình. Như là câu chuyện của xa vắng và hiện diện. Trong cơn giông nghiệt ngã buổi chiều/ câu hỏi nhoáng trên những quầng mây xám. Thơ nằm ở khoảnh khắc “nhoáng lên” ấy. Vậy thì cái mà một nhà thơ thực sự có thể làm được chỉ là một sự gợi ra mà thôi. Thơ nên là như thế.

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG chọn và giới thiệu

Xem tranh

 

Những đường chân trời bao dung

đàn chim tự do trên cánh đồng hoa hồng

bay mải miết về phía đông hửng nắng

 

Có bầu trời phía tây mang khối màu trĩu nặng

màu của lòng ngự trị nhân gian

bên lâu đài nguy nga, lũ lượt dòng người hoạn nạn

bóng đổ xuống lòng tay thần bí

 

Trước cuộc sống sinh động khôn cùng

bức tranh chỉ chấm phá đôi phần sắc diện

còn những vết đau vĩnh cửu cuộn lên

ai vẽ nổi?

 

Ai vẽ nổi

con đường thảm họa

từ quá khứ, hiện tại tới tương lai?

 

Trong khung kia, những mảng màu bằng lặng

ngoài cuộc đời, sóng gió vẫn cồn lên.

 

Giữa hoa

 

Thuyền trôi trong đầm sen

ảo mờ như hơi thở

e bóng hoa rạn vỡ

ngại sắc hoa lụi dần

 

Gì như là dịu êm

những cánh hồng mỏng mảnh

gì như là xa vắng

cho lòng người nhói đau

 

Hẹn nhau ở kiếp sau

nói một lời gan ruột.

Con đường ta đi

 

Có phải con đường run rảy trên lá

sương rây che thân

gió mỏng giăng màn

giường sỏi đá trong bóng đêm tê cóng

 

Có phải con đường trăng thơm cỏ óng

in vết chân kì ảo giấc mơ

rải rác ánh lân tinh xanh lịm

 

Con đường ngôi sao nhói vào từng nhịp tim

ngọn lửa đốt lên bập bùng lời gọi

mỗi bước chân một sải cánh về nguồn

 

Con đường riêng tư chỉ của nỗi buồn

ta kiên nhẫn trong ta nhắc mãi

hãy nhìn đi, vượt qua ngày mai

những hân hoan âm thầm đang tiến lại.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)