Thơ của người đàn bà miền Nam gốc đước

Thứ Hai, 24/12/2018 00:38

(Đọc Những vàm sông đêm của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Nxb Hội Nhà văn, 2018)

Đọc thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, tôi nhận ra sự thành công ở cả tập thơ Những vàm sông đêm là khả năng lập tứ của tác giả. Nói đến thơ là người ta nói đến cấu tứ. Tứ thơ là ý tưởng bao quát toàn bài biểu hiện trong sự liên kết những cảm xúc, suy nghĩ và hình ảnh, biểu hiện trong dạng cấu tạo và phát triển của hình tượng thơ:


Loài mực/ Yêu nhau/ Để chết/ Loài cá hồi/ Yêu nhau/ Để chết/ Loài củi/ Yêu lửa/ Để hóa thành than lạnh/ Người yêu người/ Để hóa/ Bơ vơ” (Bơ vơ).


Một tứ thơ rõ ràng, trong một bài thơ mà sự khẳng định rất chắc chắn Người yêu người/ Để hóa/ Bơ vơ nhưng sao người đọc vẫn thấy hồ nghi rằng: bơ vơ kia là thật hay đó chỉ là cảm giác, về nỗi sợ hãi của một người đang hạnh phúc với tình yêu của mình? Bởi đằng sau sự khẳng định ấy là biết bao niềm tâm sự của những tin tưởng, hi vọng đang giằng níu trong tâm hồn người thơ: Xin anh/ đừng múc cạn nỗi buồn/ trong đôi mắt em/ để em còn là giếng nước (Đừng múc cạn nỗi buồn); Em đã bắc một trăm cái thang/ mà không trèo lên được đời anh/ tâm hồn anh xa hơn trời/… anh đã bắc một ngàn cái thang/ mà không trèo lên được tình yêu em/ tình yêu em không ở trên trời/ dù em/ đang ở Đà Lạt (Bắc thang lên Đà Lạt). Mà dẫu có những giây phút đi lạc: Gói/ hai bàn chân cất kĩ vô rương/ sao vẫn đi lạc/ vô cuộc đời nhiều người khác (Lạc), để rồi cuối cùng người thơ vẫn mong muốn quay về với gia đình: Chị vẫn muốn vạn lần/ đi lạc/ trong cuộc đời/ của các con


Với chị, mỗi lần đi là một lần chiêm nghiệm và suy tư ở những địa danh chị từng đặt chân đến, từ Nha Trang, Bà Nà, Hội An, Đà Lạt… ở mỗi bài thơ viết về những nơi chị đi qua đều có gì đó như là khát khao tự do của người phụ nữ, nhưng khi tự do rồi thì chợt nhận ra gia đình mới chính là nơi người phụ nữ gắn bó và cảm nhận hạnh phúc an yên: Bỏ lại chồng con/ lên đây ngồi viết/ mát mẻ lạ lùng…/ không viết nổi/ cảnh đẹp mê hồn…/ không viết nổi/ bạn bè tám chuyện cười quá…/ không viết nổi/ rảnh rang vô cùng/ không viết nổi (Lên Đà Lạt sáng tác).


Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh thể hiện một giọng nữ tính rất rõ: Suốt ba mươi năm anh bảo/ em phải quên mình/ vì chồng con… tóc bạc rồi anh lại bảo: Em phải là chính mình/ không là mình chán lắm; thế rồi: “Anh ơi/ em còn mình đâu?/ bốn mươi năm/ em toàn làm người khác/ giờ tìm mình/ ở đâu? (Chính mình). Kết cấu của bài thơ thật logic, hình tượng thơ giản dị, đọc lên cứ thấy mình giật thột. Là phụ nữ, là vợ, là mẹ không ai là không hi sinh vì chồng, vì con, để rồi đến lúc được trở về với chính mình thì không tìm thấy mình ở đâu nữa. Nhưng, không vì thế mà giọng thơ của chị buồn hay oán trách, vẫn nhẹ nhàng, tình tứ, vẫn nhẫn nại, lắng sâu: Ôi, chính mình của bươm bướm/ là sâu/ chính mình của giọt sương/ là hơi nước/ chính mình của hoa/ là nụ/ chính mình của nụ/ là cây/ chính mình của em/ là anh đó.


Còn đây là chất Nam Bộ rất khó bị trộn lẫn trong thơ chị: Má chôn cuống nhau em vào tiếng cuốc/ chiều miệt vườn gió lạc trong cây/ đêm bị thương bởi tiếng đờn cò/ chú Tư vuốt/ ánh trăng thành tiếng nấc… /em là miệt vườn/ anh bỏ quên/ ngoài cửa sổ (Miệt vườn). Và cách nhà thơ xưng danh quê hương cũng thật giản dị: Má gốc gió ba gốc xa từ nắng/ em gốc Nam Kì/ Cần Đước… đước à/ có tiếng cười lạt lẽo/ nhưng khóc không lạt lẽo/ khóc mặn/ một hôm/ những cây đước bước lên thành người Cần Đước/ em - người đàn bà miền Nam gốc đước (Cần Đước)


Nguyễn Thị Ánh Huỳnh - nhà thơ Nam Bộ với giọng thơ riêng, với cấu tứ thơ mới mẻ và sáng tạo, hình tượng thơ giản dị, giọng thơ đậm chất miền kinh rạch Nam Bộ thật sự đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng độc giả.

HOÀNG THỊ THU THỦY


Miệt vườn

Má chôn cuống nhau em
vào tiếng cuốc
chiều miệt vườn gió lạc trong cây
đêm bị thương bởi tiếng đờn cò
chú Tư vuốt
ánh trăng thành tiếng nấc

Miệt vườn
gan ruột ai xuống xề câu vọng cổ
khách thương hồ
li rượu bốc mù sương
tiếng vạc sành xe thổ mộ
nhịp hồn xưa
gõ mõ suốt canh trường...
không ai là người dưng
khác làng cũng lối xóm
quầng mây thành bà con
người khuất mặt khuất mày tiên tổ
ổ chim trên bàn thờ
li rượu uống tàn nhang

Miệt vườn
cố hương của nỗi niềm vạn cổ
ai chưa biết thưởng thức nỗi buồn
có đi tới tận cùng châu thổ
cũng không tìm thấy miệt vườn

Em là miệt vườn
anh bỏ quên
ngoài cửa sổ.


Cần Đước


Má gốc gió
ba gốc xa từ nắng
em gốc Nam Kì
Cần Đước

Đước ơi
đước mang bầu ở chân
chồm chồm
như những chiếc nơm
úp phù sa
lấn biển

Những kiếp người phiêu bạt
lặn vô thân phận đước
buồn vui với bão tố
ngủ nghê cùng sóng khơi
giành giật với biển cả
từng hạt hồng cầu đất
ăn mặn chát
uống mặn chát
nước mắt người
mang linh hồn đước
mặn mòi
đước à
có tiếng cười lạt lẽo
nhưng khóc
không lạt lẽo
khóc mặn

Một hôm
những cây đước
bước lên bờ
thành người Cần Đước
em - người đàn bà miền Nam
gốc đước.


Những vàm sông đêm


Hoàng hôn xắn quần
lội qua ngày
những vàm sông se sẽ
ngồi lên
nghiêng mình
nước chảy

Những vàm sông sồn sồn
không mảnh trăng suông
làm y phục

Đêm
là người tình bất lực
nằm ê chề
bên những vàm sông

Không bờ đê để níu kéo
không một mái dầm để thở than
không con cá kèo để lí lắc
không còn ai ngoài vàm

Anh về phố lấy vợ
vàm sông ế…
em theo chồng bỏ quê
vàm nằm không…

Những vàm sông
vật vã nuôi từng con tép
đêm đêm
đi biển một mình
sinh nở phù sa
thành châu thổ

gió thở dài
đêm ngáp ngáp
những vàm sông
ôm buồn tênh
mà ngủ

Những người đàn bà xứ Nam Kì
chết đi rồi
hóa những vàm sông đêm?

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)