Ngôn ngữ của thơ

Chủ Nhật, 23/12/2018 00:18

Đó là một ngôn ngữ mới, một ngôn ngữ khác do nhà thơ sáng tạo nên. Tất nhiên đó không phải là sự cố tình, lên gân hay tô vẽ với con chữ. Cái mới và cái khác là do ý tưởng, xúc cảm, tưởng tượng và văn phong của người viết cấu thành nên ngôn ngữ của thơ.


Biểu đạt tâm trạng, cảm xúc của chủ thể trong một hoàn cảnh nào đó, hoặc là, trong một hoàn cảnh có tính tiêu biểu, tâm trạng, cảm xúc của chủ thể bộc lộ, đó là thời cơ để thơ lên tiếng. Tác giả Thanh Dung ở Vĩnh Phúc đã gửi về tòa soạn bài thơ Đêm khuyết với những câu thơ đầu tiên khá ấn tượng:


Trăng em đã khuyết từ lâu
Bởi một lời như vết cắt
Đêm nay chớp rạch ngang trời
Thức cơn đau nhói


Những câu thơ như lời thổn thức, gợi những buồn đau về một mối tình dang dở. Người Biên Tập rất chia sẻ với bạn Thanh Dung, không chỉ qua những lời kể về mối tình của bạn, mà ngay khi đọc những câu thơ này chúng tôi cũng có thể hình dung được cảm xúc chân thật của người viết. Tuy nhiên trong thơ, nhiều khi cái thật lại làm mất đi chất thơ, vì vậy đòi hỏi người viết phải lựa chọn ngôn ngữ khác. Người Biên Tập đang muốn nhắc đến khổ thơ thứ hai của bạn:


Không chặt, xé mình vẫn thành hai nửa
Anh trời xa sao thể tròn đầy
Khi tình anh em còn ôm giữ
Thì làm sao anh được vẹn nguyên.


Vẫn biết bạn Thanh Dung đang muốn diễn đạt nỗi đau đớn và sự giằng xé trong mối tình chia phôi. Nhưng những động từ mạnh như chặt, xé trong cách sử dụng ở câu thơ trên sẽ không mang lại hiệu quả nghệ thuật, thẩm mĩ cho thơ. Bạn có thể làm mềm đi câu chữ mà người đọc vẫn hiểu được ý thơ của bạn. Ví dụ, bạn có thể sửa là: Không chia mình vẫn thành hai nửa. Với thơ ca, chúng ta cũng không nên diễn đạt lặp ý. Ở câu thứ hai của khổ thơ bạn đã viết: Anh trời xa sao thể tròn đầy, vậy câu thứ tư: Thì làm sao anh được vẹn nguyên hoàn toàn có thể xóa đi. Không chia mình vẫn thành hai nửa/ Anh trời xa sao thể tròn đầy/ Khi tình anh em còn ôm giữ. Như vậy bài thơ sẽ có sức nén và gợi hơn rất nhiều. Cảm ơn bạn Thanh Dung đã chia sẻ thơ và câu chuyện của mình. Mong bạn sẽ luôn vững vàng trong cuộc sống và có những bài thơ hoàn chỉnh hơn.

Ảnh minh họa


Tác giả Hoa Quốc Minh ở Nông Cống, Thanh Hóa gửi đến tòa soạn một chùm thơ viết về làng quê trong quá trình đô thị hóa. Trong đó có bài thơ Mùa đô thị khá thú vị:

 

Khi anh nói lời yêu
Cau trong vườn cũng vừa chớm nụ
Ngày em e thẹn cúi đầu
Từng chùm quả chũm tình gói ghém
Mẹ ra vào thủ thỉ
Chờ cau hạt chắc da căng

Những thân cau kiêu hãnh bên đường
Không còn bởi mùa đô thị hóa
Mẹ nhìn những xác cây khô
Khóc tình chúng mình đã chết
Chuyến xe đô thị lăn qua
Mang mùa cau và em đi mãi.


Ở khổ thơ đầu, tác giả Hoa Quốc Minh đã có những câu thơ đẹp, gợi, và rất tình. Một tình yêu đậm chất thôn quê với hương cau, trái cau. Từng chùm quả chũm tình gói ghém là một câu thơ ấn tượng khi so sánh với sự e thẹn của người thiếu nữ chớm yêu. Tác giả đã xây dựng câu chuyện tình yêu phát triển theo một trình tự hợp lí của thời gian và của diễn biến tâm lí tình cảm con người. Sự hợp lí ấy đã khiến cho sự sắp đặt của người viết trở nên tự nhiên, không bị gượng. Điều đáng tiếc ở đây là, ở những câu thơ sau, khi viết về sự đô thị hóa, những câu thơ đã thiên về kể lể. Rõ ràng tác giả đang nói về sự mất mát nhưng lại chưa làm người đọc thấy rung cảm. Với thơ, có thể bạn đã có một tứ hay, một ý tưởng độc đáo, nhưng đôi khi rành rọt quá trong cách viết thì bài thơ cũng đã kém hay đi rồi. Một bài thơ hay chưa chắc đã đòi hỏi bạn phải hiểu cặn kẽ, nhưng một bài thơ được viết cặn kẽ thì đã không hay rồi. Đó là nghệ thuật của ngôn ngữ thơ ca. Qua những chia sẻ này Người Biên Tập hi vọng tác giả Hoa Quốc Minh sẽ phát huy được tố chất thơ ở những sáng tác sau.
Từ Ninh Thuận, tác giả trẻ Nguyễn Văn Giao gửi đến bài thơ Vì sao, với những câu thơ gợi nhiều suy nghĩ về tình cha con và hạnh phúc gia đình:


Nắng tắt từ đỉnh núi
Gió thốc từng cơn lên mái dạ
Mẹ ngồi đêm chỏng chơ
Sao cha chưa về để khoác áo cho con

Bởi vì con lỡ đánh rơi chiếc bát đang bưng
Tiếng vỡ tan khiến cha hoảng hốt
Nên cha đi tìm lại bình yên
Hay vì mẹ hồi hôm nhóm lửa muộn
Đêm mịt mùng cha không biết về đâu


Nắng tắt từ đỉnh núi, đây là câu thơ có sức gợi trong hoàn cảnh người cha là trụ cột gia đình đã không còn hiện diện. Có thể thấy được nỗi lòng của người con và người vợ khi vì lí do nào đó mà người cha đã đi xa không về. Sự mong ngóng của người con trong bài thơ là điều khiến người đọc xót xa, chia sẻ. Trong cách tự hỏi vì sao cha không về chứa đựng nhiều tình cảm dành cho cha. Có điều, những cảm xúc thôi thì chưa đủ để có được một bài thơ hay, người viết cần phải có thêm kĩ năng với câu chữ, ngôn từ để những cảm xúc ấy được biểu đạt trọn vẹn nhất, súc tích nhất. Mẹ ngồi đêm chỏng chơ; Bởi vì con lỡ đánh rơi chiếc bát đang bưng là hai câu thơ diễn đạt còn rườm rà, chưa thoát được ý. Tiếng vỡ tan khiến cha hoảng hốt, từ hoảng hốt trong trường hợp này cũng chưa phù hợp. Theo Người Biên Tập, tác giả có thể sửa để bài thơ được hàm súc hơn, cắt gọt những từ không cần thiết để ý thơ thoát hơn. Ví dụ:


Nắng tắt từ đỉnh núi
Gió thốc từng cơn lên mái rạ
Mẹ ngồi chong đêm
Sao cha chưa về khoác áo cho con
Bởi vì con lỡ đánh rơi chiếc bát
Tiếng vỡ tan khiến cha bồn chồn
Nên cha đi tìm lại bình yên...


Với sáng tác đầu tay, Người Biên Tập hi vọng tác giả Nguyễn Văn Giao sẽ trau dồi, trang bị thêm cho mình những kĩ năng ngôn ngữ thơ và đi được dài hơn trên con đường này như tác giả bày tỏ mong muốn.


Hãy để thơ dẫn gọi bạn đi, khi đó bạn không phải cố tình tạo ra những biến cố cho bài thơ của mình. Nhưng để được thơ dẫn gọi thì bạn hãy sửa soạn một tâm thế sẵn sàng. Đó là hai yếu tố cần thiết để có thơ hay, cảm xúc và ngôn ngữ. Nhưng Người Biên Tập cũng muốn nói thêm rằng, với một bài thơ hay thì hai yếu tố này sẽ không còn phân định.

NGƯỜI BIÊN TẬP

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)