Không đề
Gồng gánh nỗi niềm phố thị
cây cột đèn kiên nhẫn dầm chân
nhành đai châu cựa mình
bước gió
phố cũ thở dài một người thao thức
bạn bè thuở ấy xa rồi
người gối đất rừng già
người nghĩa trang bia mộ
người đi xa
lòa xòa khung cửa lá si
Lũ vành khuyên thoát bẫy gọi nhau về
ríu rít mách chiều đa cảm
cành trứng gà kia kết tổ ong vàng
bọ ngựa với bầy cánh cam điệu bộ
thềm cây an nhiên
đất thở
đêm co kéo khúc dạo đàn lũ dế
ngày mở sáng
hoa bìm cười trong sương
Những ngày này đọc Aleksandr Grin
nhà văn ôm ngực rũ cơn ho trận đói
mà cây bút - cây buồm
biển dậy sóng từng trang văn thánh thiện
Cánh buồm đỏ thắm nàng Assol vẫy gọi (1)
đêm Sankt-Peterburg vạt áo ủ chân trời
Những ngày này
Exenhin hẳn thôi không chuốc thêm buồn nữa
Con đường mùa đông toan trắng vắt qua chiều
mặt trăng vàng ệch chú ngựa con sải vó (2)
cỗ xe độc hành
mái tóc thi nhân bồng bềnh sương giá
cỏ cựa mầm trong lớp tuyết vừa đông...
-------
1. Assol: Nhân vật trong tác phẩm Cánh buồm đỏ thắm của nhà văn Nga
Aleksandr Grin (1880-1932).
2. Hình ảnh trong bài Con đường mùa đông của nhà thơ Nga Sergei Aleksandrovich
Yesenin (1895 -1925).
Tặng chú chuồn chuồn ngủ đậu
Bay lên từ câu thơ Đỗ Phủ (1)
từ Bức tranh quê nhà thơ sông Thương (2)
này đôi cánh lụa
với người chân trời góc bể
đố ai biết tổ chuồn chuồn
Ta lặng ngắm sứ giả của Thủy Tề
nhà khí tượng bé tí
bay cao bay thấp bay là là
đôi mắt kép sinh thái
cặp răng sắc như chấu liềm
từng cắn rốn bọn trẻ trâu mơ mộng
mơ ước làm Yết Kiêu vượt sóng
vết sẹo tí hon đau nhói thử can trường
Bạn ta khuất sau cánh rừng nhiễm độc
hun hút ngả đường đạn bom bùn đất
cổ thụ úa rừng cây ngàn thành than
đất hoang tàn mặt trăng sao Hỏa
những bàu phá chết cá chết cỏ
nòng nọc đứt đuôi tuyệt diệt ấu trùng
cô giao liên X’tiêng khăn rằn thút thít
phía nguồn sông thác đổ xa mờ
Nhẹ nhàng từ đâu
về đây phố nhỏ
chuồn chuồn biết chăng
ta thương cây nhị chiều chiều
anh kép chèo
tiếng đàn như khóc
cảm thương thân phận chuồn chuồn
vì tình con nhện hàng xóm tơ vương
với cả người thương mắt biếc
dịu một ánh nhìn
bây giờ kẻ Nam người Bắc
buồn vương trong mắt
ngóng nhau lại lý chuồn chuồn (3).
-------
1. Thơ Đỗ Phủ: “Điểm thủy thanh đình khoản khoản phi” (Điểm nước chuồn chuồn thoáng thoáng bay).
2. Thơ Anh Thơ: “Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay”.
3. Dân ca Nam Bộ.
Ghi ở Thái Nguyên
Mưa với nắng tranh nhau làm kẻ đồng hành
tranh nhau chiếm lĩnh vòm trời mống cụt
con đường cao tốc bốn làn vun vút
đẩy thành phố Tân Cương trà
sang phía núi cùng cây
một Thái Nguyên bốn mươi sáu năm trở lại
biết hình dung thế nào
lững thững Đại Từ đây!
Ấn tượng cũ chén mời nhau đậm bóng
tua tủa cột thu lôi vây đuổi sét trên đồi
than bụi vai em phía Gia Sàng bom dội
đường sắt vượt B52 vồi vội chuyến tàu
áo lính chật toa dài năm Bảy chín
sông Cầu ân tình cầu Gia Bảy vời sang
quán nước bên đường nguôi nắng hè cơn khát
bảo tàng Thái Nguyên ánh lửa chói sao vàng
một Thái Nguyên ATK
bền lòng căn cứ địa
rừng suối Võ Nhai ngày vơi cơn sốt ác
những lô chè sương biếc phủ đồi hoang
đầy Thái Nguyên ngọn gió ngàn rong ruổi
Tam Đảo mờ sương Hồ Núi Cốc chèo đưa
cao ốc trập trùng hoa lau vờn kẽ ngách
chuyến xe buýt chập chiều chưa vãn khách
nhạc du thuyền dìu dặt chuyện tình xưa
Đậm mà thanh cùng Thái Nguyên hồi tưởng
Tân Cương trà ấm lại những ngày xa
bạn vỗ nhịp Sông Lô trường ca (1)
tôi nương thuyền văn thử vượt thác Sông Đà(2)
theo chén trà sương về Thăng Long bầu bạn
một Thái Nguyên rừng búp non đầy tháng
biên niên hương bao nhiêu tình yêu...
---------
1. 2. Tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao, cùng tùy bút đặc sắc Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân.
VNQD