Chùm thơ của tác giả Vũ Bình Lục

Chủ Nhật, 17/01/2021 06:53
Bên di chỉ Hoàng thành
 
Xẻng đất từ tay người công nhân thời hòa bình tung lên
câu chuyện trăm năm, ngàn năm dần hiển lộ
Hoàng thành xưa
mưa gió lấp vùi
binh lửa bao nhiêu năm
cung điện đền đài thành tro than trầm tích
những họa tiết hoa văn gốm sứ dường đang mỉm cười
mang mang hình hài trĩu tay nhà khảo cổ
cha ông xưa đánh giặc thế nào
yêu và ghét thế nào
dựng xây thế nào
sử sách chép sơ sài
chứng nhân còn đâu nữa?
 
Hoa lệ nguy nga mấy lớp Hoàng thành người xưa giữ nước
còn vương mùi khói lửa đao binh
nghe văng vẳng đâu đây
tiếng ca trù dìu dặt thâu đêm
tom với chát ngả nghiêng cung Trường Lạc
gió trúc ngâm sênh
nỉ non thơ tình nàng Điểm Bích
trăng kinh thành ướt đẫm mùi tương tư
những mảnh vỡ muốn hát lên
gạch đá muốn réo lên
chú Hề Hoạn buông tuồng bác học
nửa vui nửa buồn nửa ca nửa khóc
dập dìu đêm hội hoa đăng
son phấn quần hồng
che lấp tiếng kêu than nơi thôn cùng xóm vắng…
 
Tôi đứng bên cổ tích mấy vương triều vương vãi phế hưng
nghe gạch đá sôi lên tiếng voi gầm ngựa hí
tiếng Nguyễn Trãi can vua chớ đắm say nhã nhạc
Hưng Đạo đại vương dặn dò cháu con
diệu kế giữ nhà giữ nước
triết nhân là gió là mây là đất là trời
khanh tướng sang giàu
nay còn mai mất
chỉ có Nhân dân chẳng bao giờ mục nát
bài học thương dân lấy dân làm gốc
có bao giờ cũ đâu!
 
Tôi nâng trên tay viên gạch hồng Đại Việt thành chuyên
ngỡ trong mơ câu chuyện xây thành Thăng Long thuở trước
bi tráng những trang đời
nhòa trong nước mắt
rưng rưng…
 
 
Gọi đàn
Tặng cựu chiến binh tiểu đoàn đặc công 409, QK5
 
Các bạn đi tìm nhau mà chẳng bảo tôi lấy một câu
người sống tìm người sống
người chết tìm người sống
những âm thanh vang vọng
trên mặt đất, lùm cây
trong gió trong mây
những cái tên còn trụ được ở trên đời
dặt dẹo nụ cười liêu xiêu giọng nói
bước ra từ vật vã áo cơm
lắng nghe tiếng gọi bầy đàn
 
Xe hú còi bon bon về phía xa xưa
bì bõm trong mưa
năm nào gồng gánh leo đèo lội suối
bỏ lại phía sau cánh đồng và gương mặt sáng làng quê
bao lời hẹn xanh đỏ tím vàng
bơ vơ hóa thạch
ngày ấy chúng tôi đi như thác đổ
trùng trùng những đôi chân nối dài rừng cây vô tận
nhiều lắm những thân hình trai tráng
nối nhau đổ xuống trước bình minh
bây giờ háo hức gọi nhau theo tiếng gọi đàn
tóc bạc và tóc xanh í ới
đồng đội ơi chờ nhau với
người chết gọi về
người sống hú tìm sang.
 
 
Hồn quê
 
Sương khói giăng mùng ngật ngà ban mai
lúa xuân ngượng ngùng e ấp
một nét quê dịu dàng từ ngàn xưa rất thật
chỉ mình ta ngơ ngác
trước nõn nà
 
Chỉ mình ta bổi hổi với sông Trà
mấy mươi năm xuôi ngược đường trần
bước chân nghiền ngẫm
hồn đã lắng tinh sương
chan chan vị đời
đa đoan mùi tục lụy
đôi dép thần rớt lại phía trời xa
 
Những là nhớ với thương dầu dãi với bao la
heo hút cuối trời hanh hao đằng đẵng
vun vén nỗi niềm
kẻ làm trai nhọc nhằn gồng gánh
gió đông thổi trắng mái đầu
 
Chắp tay tạ lỗi với hương trầm chùa Keo
nghe nao nức tiếng đời trong dáng Phật
cha ông nghĩ ngợi gì
mà cụ rùa công kênh chú hạc
mỉm cười viên mãn nghìn năm qua?
 
Gặp giữa quê hương vồn vã nắng tháng ba
mắt em gái đong đầy niềm thương mến
một chút xưa xới lên nhiều kỉ niệm
 
Hương gió đồng bối rối
níu chân ai…
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)