(Đọc tập thơ Quá một như không của Trần Hưng, Nxb Hội Nhà văn, 2020)
Đọc Trần Hưng hơn mười năm, tôi đã thấy rất rõ vẻ tự nhiên trong thơ anh. Vẻ tự nhiên ấy, có thể khái quát bằng câu thơ của R. Tagore: Em thế nào thì cứ thế mà đến/ Chớ loay hoay sửa soạn áo quần.
Thơ Trần Hưng trong Quá một như không, từ bài đầu tiên đến bài cuối tập đều nhất quán một giọng điệu, một cảm xúc, một biên độ, một hằng số dẫn đến một chân trời. Nói như thế không có nghĩa là chật hẹp, là bất biến, mà nó luôn dài rộng sinh sôi trong một thể thống nhất: mộc mạc, nhi nhiên, không sửa soạn, càng không trang điểm.
Trước tiên đó là thơ. Thơ đích thực. Thơ của mồ hôi, nước mắt và trí tuệ. Cũng chính từ đó, Trần Hưng bước vào thơ bằng cái lạ của riêng mình. Đó là cái lạ của nét duyên thầm, của dư vang vọng từ câu chữ: còi tàu kéo riết ga Yên Bái/ Thác Bà ngả xuống ngực miền xuôi/ xa nhau sông núi thăng bằng lại/ răng khểnh con kênh một góc trời (Yên Bái). Vậy nên, càng đọc thơ anh càng thấy lộ rõ vẻ bất cần sửa soạn, bất cần trang điểm. Hưng cứ thế mà xuất chiêu, cứ thế mà dung gợi, vừa khẩn trương vừa đủng đỉnh, vừa chắt chiu xây nên vương quốc chó đá, hồ ly, ngựa đá, xe ôm, cải đắng của mình: Anh đứng như cây/ giang tay cành cộc/ phồng môi nọc kiến/ vang vang tiền kiếp em cười (Duyên); Ô bàn cờ mặt đất/ rau cải đắng ai trồng/ núi như là con tốt/ mất khi vừa sang sông (Cải đắng Lạng Sơn); Tưởng là ánh sáng/ hóa ra chân tường/ chuồn bay dụi kính/ người ngồi soi gương (Ngõ sâu bóng nắng trên cao).
Không trang điểm, không sửa soạn khiến thơ Trần Hưng có một số bài xộc xệch, đôi lúc tưởng trên đông dưới hè, nhưng người đời không thấy chướng tai gai mắt mà chỉ khẽ nhíu mày. Ở những bài khá nhất của Trần Hưng, bao giờ tôi cũng có cảm giác đó. Như những câu kết trong Dòng trạng thái mới nhất của rùa Hồ Gươm: Long lanh ma quỷ thánh thần/ muôn vàn muôn vẻ muôn phần muôn năm là sự cao cường vốn có của Trần Hưng mà anh đã loay hoay sửa nó nhiều lần. Hoặc như hai câu cuối trong bài Mặc định: Người lớn thở phào ta không nguôi/ trẻ con cười ta vẫn không nguôi, cũng vậy.
Tôi ưa thích sự trần trụi của Trần Hưng. Chỉ có sự trần trụi mới mau chóng gây thảng thốt cho con người: Hình như đều muộn/ về đâu cũng xa (Không đề); Đèn trắng lóa còi tàu/ hỏi nhau về đâu (Phố cảng từ thời Pháp); Hội lội hoa rơi dấu/ không/ không/ không/ không/ giày (Tấm Cám); Cửa miếu làng xưa/ chó đá ngồi xem mùa hạt/ chim chào mào đánh rơi (Chó đá); Bất ngờ đỏ mặt phù sa/ sông trôi về phía phù hoa thật rồi (Gặp lại)…
Ở những bài lục bát, đôi lúc thấy anh cũng vặn vẹo ra trò, nhưng là sự vặn vẹo thực thà hạt lúa củ khoai, con cháu nông dân có gì dùng nấy: Hai tay trả mỏi cho trời/ lưng còn đằng đẵng một thời ai ai/ tình yêu bóc ngắn cắn dài/ đồng tiền giật gấu vá vai vụng về (Áo); Vừng ơi duyên mỏng tình dày/ gọi em thon nõn tháng ngày búp măng (Thần chú Đồ Sơn); À ơi để rách ru lành/ bụi than ngày cũ đã thành áo thay (Hạ Long ru); Ừ rêu với suối thì mềm/ ừ mơ với khát với thèm thì môi (Sư thầy và một người trẩy hội).
Cũng vì không trang điểm, không sửa soạn mà thơ Trần Hưng có hơi hướng tự nhiên chủ nghĩa, thoắt ngắn thoắt dài, thoắt hay thoắt dở. Hay không đến mức thiên hạ phải khiếp phục. Dở không đến nỗi người đời phải tránh xa. Thơ Trần Hưng như vài ván game, dăm cuốc xe ôm đời thường, mặc thiên hạ bắc bậc kiêu kì lung linh váy áo.
Chính sự tùy nghi này đã vô tình dựng xây nên sự khác biệt của Trần Hưng. Và chính sự tùy nghi của Trần Hưng đã nảy nòi ra những câu thơ kiểu như: Em tự bủa vây em phấn son trùng điệp/ ta mưu sinh tua tủa tháng năm dài (Hiệp sĩ cuối cùng); Em cất chiếc gương vào túi sách/ trăng rằm khỏa thân trong đêm mưa (Trung thu); Phiêu phiêu nóng nóng dài dài/ vỉa hè miễn phí một vài gót cao (Điếu cày quán nét); Qua cầu tưởng gió bay chơi/ ai ngờ cởi đất tụt trời cho sông (Hữu hạn ảo hờ)… Thoạt đọc, những câu thơ này tưởng chẳng có gì, nhưng đọc kĩ thấy rõ đây chính là đóng góp đáng ghi nhận của thi sĩ họ Trần. Hẳn, phải đớn đau, phải chiêm nghiệm và buông bỏ lắm Trần Hưng mới viết được như thế.
PHÙNG VĂN KHAI chọn và giới thiệu
Ngựa đá sang sông
Bao giờ ngựa đá sang sông
Để anh bán hết ruộng đồng sang theo
Vợ con xe máy một đèo
Quần bò cứ choãi chân chèo phố đông
Bao giờ ngựa đá sang sông
Lênh đênh bia đá tượng đồng ra xa
Ta mò nước đục tìm ta
Bãi bồi tuổi ngọ đến là long đong
Nõn nà sang với rêu phong
Cỏ hoa đã sẹo bên hông ngựa thồ.
Áo
Cúi đầu tạ lỗi vá may
Áo nào vừa được hao gầy tha hương
Quanh đi quẩn lại phố phường
Câu thơ viễn xứ về thương hẹp hòi
Hai tay trả mỏi cho trời
Lưng còng đằng đẵng một thời ai ai
Tình yêu bóc ngắn cắn dài
Đồng tiền giật gấu vá vai vụng về
Thôi người ngon giấc bùa mê
Cởi lòng ta đắp bốn bề gió mây
Lên đường ta cũng như cây
Khoác mùa xuân đứng dang tay giữa trời.
Xe ôm ca
Nhá nhem cho chí sớm mai
Cuốc cày nửa gánh, gia tài một xe
Sông ngang núi dọc bộn bề
Tuổi trâu tuổi ngựa đi về là ai
Ta đang thở ngắn than dài
Mình còn bớt một thêm hai làm gì
Phong phanh xuân tím môi chì
Có về Gia Lộc Tứ Kỳ không em
Về đâu má lúm đồng tiền
Xe ôm vừa rẻ vừa hiền vừa nhanh
Thôi thôi mắt chớ tròng trành
Kẻo chìm cả vợ con anh ở nhà
Mình ngồi một chuyến cùng ta
Sao đường càng chạy càng xa thế này
Năm trơn tháng xóc ngày lầy
Đời như đất cát bắn đầy áo mưa
Phải cơm phải gạo thì đưa
Biết đâu gian dối mà chừa cả tin
Lùi ra dịch lại đi mình
Để ta chất nốt nhân tình lên xe.
VNQD