Dứt tình nhưng không dứt yêu

Thứ Tư, 01/09/2021 08:02

(Đọc Ly ca của Đỗ Doãn Phương, Nxb Hội Nhà văn, 2021)

Ly ca đã là tập thơ thứ năm của Đỗ Doãn Phương và là tập thơ thứ ba có chữ ca trong nhan đề, sau Hoan ca (2011), Tuyệt ca (2013). Tên gọi Ly ca hẳn nhiên là những bài ca ly biệt.

Ba mươi bảy bài Ly ca được đánh số làm thành phần đầu tập thơ là khúc đoạn trường lời yêu của một người đàn ông bị dứt tình nói với một người con gái/phụ nữ/đàn bà đã từng yêu. Dứt tình nhưng không dứt yêu, càng không dứt bỏ. Đó chỉ là sự vắng mặt. Sự vắng mặt trong không gian vật lí là sự cách xa không gặp nhau, không thấy nhau. Chính nó tạo nên sự hủy diệt và tái sinh một cuộc sống: Đây là cuộc sống mới của anh/ Cuộc sống đã được em tặng cho/ Bằng cách không có mặt (Ly ca 32). Người nam lấp đầy khoảng trống không có mặt đó của người nữ bằng đủ mọi tâm trạng trong đủ mọi tình huống có thể nghĩ ra được: - Chiếc ô tô đâm anh?/ - Không, là anh truyền nỗi buồn han gỉ cho nó// - Lưỡi dao đâm anh?/ - Không, là anh ứa máu độc lên nó// Anh cần một cái gì mạnh nữa/ Để hất anh ra khỏi đời em (Ly ca 1). Một nỗi đau được nói bằng ấn tượng nỗi đau để lại. Văn thơ thực ra là nhiều cách nói để chỉ nói về một điều, một việc. Nhưng phải là những cách nói mới, sáng tạo. Đỗ Doãn Phương ở tập thơ này đã làm được cái đó. Anh tưởng tượng ra nhiều cảnh ngộ, tình huống cho người đàn ông - nhân vật trữ tình sống nhiều cung bậc tâm trạng nhớ thương, day dứt, đau khổ, hi vọng sau cuộc tình, sau người tình: Anh sẽ tiếp tục hôn em trong tưởng tượng ra sao? (Ly ca 15). Đọc tập thơ vì thế mà người đọc có thể nhập thân mình vào, thấy mình trong nhiều khúc ly ca của nhà thơ.

Sự vắng mặt của em từ xa cách trong không gian vật lí được đẩy tới tột cùng và sau hết là xa cách trong cõi đời. Hình dung ra em ở nhà người khác làm vợ làm mẹ, ở nơi này nơi nọ vui chơi cùng gia đình bè bạn thì đó vẫn là có sự hiện hữu của em chung một không gian sống. Vắng mặt nhưng không vô hình. Như khi ngang qua nhà em, anh dừng xe lại, tắt hết đèn, ngồi một mình trong xe hình dung em đang trong nhà thế nào (Ly ca 18). Người với người cách mặt nhưng vẫn còn ở cõi đời. Còn khi vắng mặt là xa cách trong cõi đời thì đó là cái chết. Cả khi chết anh vẫn không dứt được bóng hình em. Nằm mơ thấy em là thông thường. Nhưng rồi không nghĩ là mình mơ nữa mà là đã khuất thì nỗi đau trở nên đậm đà hơn: Và hôm nay ở cõi trời, bỗng dưng anh choàng tỉnh/ Lần về gặp em trong lành lạnh cơn mơ (Ly ca 2). Như thế cơn mơ anh đã thành cơn mơ em. Anh vẫn còn sống trong một giấc mơ. Tôi chợt nhớ đến những bài thơ có cái tứ như thế. Chẳng hạn bài Tình yêu của người chết của M. Levmontov với khổ mở đầu: Em ạ, thân anh dù dưới đất/ Hồn anh vẫn lẩn quất bên em/ Người dẫu thành ma nơi cõi khuất/ Lòng vẫn không quên mối tình điên (Ngân Xuyên dịch). Đấy chỉ là một sự liên tưởng, nhưng cũng để nói dòng cảm xúc thơ của nhà thơ đã làm nặng thêm những bài Ly ca của Đỗ Doãn Phương: May ra khi nằm dưới ba tấc đất/ Cái tình còn đọng chút duyên âm (Chút tình).

Và cả hai sự vắng mặt - xa cách và lìa trần - đã được tổng hợp lại theo mức độ cao dần trong bài Ly ca 8: Buổi sáng đầu tiên không có em/ Tôi vẫn thấy bình minh lên rạng rỡ/ Buổi tối đầu tiên không có tôi/ Em vẫn thấy đầy trời sao lấp lánh// Ngày đầu tiên không còn trên thế gian/ Ta sẽ có nhau, ban ngày, ban tối. Con người rồi sẽ gặp lại nhau, sau hết, ở cõi vô cùng. Ở cõi đời yêu, được yêu, không được yêu, đoàn tụ và chia li, hạnh phúc và đau khổ, thì tất cả vẫn là cái đáng sống của một đời người, một kiếp người. Không ai sống hai lần nên hãy sống trọn vẹn, tận cùng cuộc sống đã được cho ta làm người. Những câu thơ nói về cái chết, cõi âm cho hai người tình gặp lại, được bên nhau mà tôi trích ở trên, cũng chỉ là một cách nói khác để nói về niềm vui sống ở cõi trần dẫu có chia li, dằn vặt: Thà ước được bên nhau giữa núi đồi mai danh ẩn tích/ Còn hơn là đến khi phải buông bỏ hết/ Chỉ còn hai tấm thân buồn nằm dưới đất hai nơi (Ly ca 33). Ở phần hai của tập thơ nhan đề Khúc ca hư vô gồm 24 bài Đỗ Doãn Phương đã từ Ly ca đau đớn trong tình yêu mà mở rộng ra những suy niệm kiếp người.

Thơ của Đỗ Doãn Phương ở tập Ly ca cuốn được người đọc vào thơ là nhờ tác giả đã viết bằng những câu chữ hành thơ giản dị, rõ ràng như lời nói thường, tạo ra được những tình huống, hoàn cảnh rất đời, rất thực, có thể xảy đến với bất cứ ai. Mỗi bài thơ như một câu chuyện có thời gian, không gian, trạng thái được kể ngắn gọn, rồi kết lại bằng những câu có sức nén xuống để bung ra. Nỗi đau tình yêu của nhân vật trữ tình rất dữ dội, mạnh mẽ, nhưng tác giả không bắt câu chữ phải vật vã ồn ào, to tiếng. Cứ thế, mỗi bài thơ đọc lên tưởng nhẹ nhưng đọc xong thấy nặng. Nặng vì nỗi đau ly biệt và vì tình thương còn lại sau tình yêu. Nặng nhưng lại thấy như được tiếp thêm niềm yêu sống vì còn biết đau là còn biết sống.

PHẠM XUÂN NGUYÊN giới thiệu và chọn

Bài ca hư vô

Hạ bớt rèm cửa sổ
Trước khi ngủ, anh không cần bầu trời
In hình vào võng mạc
Anh chỉ cần nền đất đủ rộng
Để duỗi dài thoải mái chân tay

Nhẹ tênh, khi trên vai
Bầu trời không còn như tấm lưng còng úp xuống
Yên bình, khi ngã ra bất tận
Tấm lưng mình hóa thành mặt đất.

Ly ca 12

Mặc quần áo khá tươm tất
Đến quán đó sớm hơn một chút
Chọn chỗ gần cửa sổ, anh chờ…

Cuộc hẹn đầu tiên kể từ khi em lấy chồng
Được nhìn thấy em trong bộ đồ mà anh chưa từng biết đến
Và những gì tấm thân em vừa đón nhận
Như dòng sông biếc xanh vừa trộn biển mặn mòi

Niềm hoan hỉ trong em đã chảy thế nào?
Đã đổ đầy ra sao khi em khỏa thân đón nhận?
Trong ánh nến, anh cứ hình dung làn da em lộ sáng
Nghe bào thai trong bụng lớn dần.

Ly ca 36

Trở lại căn nhà của cha mẹ em
Trên triền đồi chạng vạng
Mẹ nhìn anh ngại ngùng như thể mắc nợ
Cho một thời con gái của con

Có thêm bức ảnh cưới, nhưng căn nhà vẫn trống trơn
Anh lau bụi trên gương mặt vợ chồng em như người Cha ban phúc
Anh đã không có mặt trong ngày em đi theo hạnh phúc lớn nhất
Nhưng anh đã về đây - nơi khi cảm thấy khổ nhất em lại về

Anh bảo mẹ, hãy treo bức ảnh cưới lên thật cao
Bật điện cho sáng hơn để từ phương trời xa em không thấy tối
Anh sẽ trút bỏ hết những dằn vặt của tấm thân như sau một lần cải mộ
Rồi tạm biệt mẹ nhẹ nhàng, đã hết kiếp nợ, anh đi.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)