Những âm thanh bơi sải mở ra

Thứ Sáu, 30/07/2021 13:12
 

(Đọc Văn học vết thâm, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Nxb Hội Nhà văn, 2021)

Đọc tập thơ này, đừng nên bỏ qua/sót bất kì một tiểu tiết nào, bởi tất cả những tệp đính kèm trực quan sinh động đều là những kí hiệu hoặc dung chứa nghĩa hoặc gợi dẫn đến nghĩa. Chạm gặp nghĩa hay không, ít hay nhiều, tùy thuộc vào tầm đón, vào cách mở nút hũ, và vào cơ duyên/may của người đọc.

Ngay từ cái tên của tập thơ đã dư dôi đa bội về nghĩa, bởi ở đây có sự tích hợp lấp lửng nước đôi về thể loại. Là thơ đấy, nhưng cũng là nghị luận về thơ đấy. Là thực hành thơ đấy, nhưng cũng là tuyên ngôn thơ đấy.

Thế giới này, tự khởi thủy, đã mang đầy thương tích. Mỗi con người, với tất cả ý nghĩa hiện sinh của nó, đều là nhân vật đa chấn. Và thơ chính là cái há miệng của vết thương khó cầm, là chữ chảy ra từ vết rách chưa liền, cũng là một phương cách khâu vết rách và xoa vết thâm.

Thơ luôn trên đường, là cái-đang-là, chưa định hình mạch lạc sáng rõ. Nhưng cái đến sau chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó có khả năng đánh/thách thức, khuấy đảo, gây bất an cho những quán tính chữ: những giấc mơ của em tràn đầy phổi anh/ nơi ô cửa trần truồng chim họa mi/ hót một giai điệu đang chạy/ và cắt ngang cơ thể/ xé bầu không khí bằng một đám tóc rối. Thơ không có lối đi dành cho hai người, là một cô lập và một mời mọc. Thơ là cái vừa tìm thấy vừa phế tẩy, là một tự giết và một tiếp tục.

Chủ thể thơ nơi tập thơ này là người ch/nữ Đan Thiềm, cầm bút chẳng qua là… tiếp tục hành trình “tìm mặt” của Hoàng Hưng, tìm “bóng chữ” của Lê Đạt, tìm “bến lạ” của Đặng Đình Hưng, tìm “mùa sạch” của Trần Dần, tìm “lõi” của Nguyễn Lương Ngọc… Tuy nhiên, người ch/nữ này đã biết chuồi khỏi bóng râm, như một con cá/ đào ngũ khỏi chiếc đĩa. Và dũng cảm/mãnh nổi loạn khiêu chiến để dọn đường tự do: những cô gái Avignon/ khỏa thân trên đường Gia Long/ hái sen; bàn tay xõa/ ngón dài Thành Thái/ anh liều mình cắt tóc Duy Tân.

người chữ, chủ thể thơ một đời ăn chữ/ nay nhả ra tim. Như một chủ ý nghệ thuật, thi ảnh trang trắng cứ xuất đi hiện lại trong tập thơ. Con người sinh ra từ O, mỗi lần sáng tạo là mỗi lần đối mặt với “pháp trường trắng”. Vậy nên phải xới máu, phải thay da cho đôi mắt, phải săn ý nghĩ, phải nghiền thân mực chảy để tràn vực chữ. Chữ là cách âm thanh nhảy dù, là cách tiếng sét nổ trong miệng để kiến tạo một thứ ngôn ngữ mới. Muốn thế, phải trữ đủ cô đơn cho sáng tạo. Và, phải đọc không ngừng, bởi đọc cũng là sống, một cái sống vượt tràn mọi giới hạn: tôi ăn cả Nam Bắc Đông Tây/ nhai và nuốt, lưỡi lùa ánh sáng; có khi tắm nước ca dao, thân thể thơm mát; đêm nay ta bói Đường thi/ cỏ Lĩnh Nam buồn rối tóc em lùa. Đọc, cho thân thể phì nhiêu chữ. Chừng nào anh thở một ngực xuân/ môi em đã chín nhụy tơ tằm thì chừng đó những từ nở thành bươm bướm. Thơ là lệ của đời, nhưng thơ cũng là tinh của lời: nỗi buồn là con sâu đo bầu trời/ dằng dặc bản nháp gió. Thử nghiệm và thử nghiệm. Kiếpthơtriềnmiên.

người nữ, chủ thể thơ sinh ra từ nước/ trở về với nước. Không phải ngẫu nhiên mà thi ảnh mưa hiện diện dọc suốt thi tập. Thế kỉ mưa dài. Mưa rơi như tiếng người già nhai trầu/ rồi tạnh bằng màu rong rêu. Mưa vá những vết nứt bãi bồi nơi thân thể tôi mềm mại. Mưa mát những vết thâm. Mưa xóa dấu, mưa tái tạo. Mưa hủy diệt, mưa hồi sinh.

Thơ trong tập thơ này là cách chủ thể thơ đạp tung chật hẹp, để xới hành trình khác, để mặc một thế giới khác. Vừa hành xác, vừa hành lạc. Khoái cảm bình phương: khoái cảm được sáng tạo kiểu thơ hàm ngôn kín nghĩa thách thức cái đọc nhân với khoái cảm được cầm tay những người lạ mặt, tức lớp người đọc mới.

Với ý nghĩa như vậy thì thiết nghĩ việc đặt câu hỏi nếu có rằng cuộc di chữ này sẽ đến đâu trở nên không cần thiết. Chỉ cần biết là trong thư viện người thủ thư ngủ gục/ thế mà anh lại mơ. Thơ là cuộc tìm tiếng không hồi kết. Mỗi cuộc tìm là những âm thanh bơi sải mở ra. Mở ra tiếng nói này và tiếng nói khác. Khai phóng những khả thể sống và những khả thể thơ.

HOÀNG ĐĂNG KHOA giới thiệu và chọn
 

Cái chết luôn là một động từ
khi xe xong sợi lạnh
mùa nắng sẽ lên ngôi
 
Thỉnh thoảng khi soi gương, tôi lại nghĩ đến cái chết –
cơ thể, một hiện thực hữu tồn
mà, cái chết, luôn là động từ chia ở thì tương lai gần;
 
trong giấc ngủ
viên đạn quay ngược trở vào nòng
lỗ thủng trên thân người liền lại
vũng máu biến mất/ tựa nếp nhăn
nụ hôn/ cùng vòng tay
chảy mãi.
 
Sau lát cắt, bày cơn mộng đói
tỉnh dậy ăn một cái chết tươi giòn.
 
 
Xô-nát thị thành
làm sao có thể chia cho em một nắm đất dày
làm sao nỡ chia cho em - vực thẳm
 
Người đàn ông tìm tôi
người đàn ông tìm tôi trong thành phố
anh úp mặt vào hai bàn tay
thế kỉ mưa dài
anh úp mặt vào hai bàn tay:
 
biết bao giờ cho hết
số phận zời zạc này……………………………..
…………………………………………..
………………………………..
Phố xá nháo nhào vỉa hè
anh quấy gương mặt mình trong cốc
leng keng em
mùi mắt cà phê đen.
 
Ước gì đêm nay
ta cùng ôm nhau nghe mưa
tang/tang/tang/tang/tang...
bên cuốn sách dày
mùi cà phê phiến gỗ
cái máy tính đang mở
miệng đòi ăn những ngón tay anh.
 
Em bảo anh đừng buồn nữa nghe không
dẫu ngày mai cuộc đời khép cửa
anh biết mình vẫn sống được qua ngày
bằng chữ.
 
 
Tàu đêm ba mươi
gửi D
 
Để chị dẫn em đi
mưa đêm nay sao nhiều em nhỉ
đường trơn, em vịn vào vai chị
một tiếng khóc thật khẽ
tiếng nứt cơ thể
thật khẽ thật khẽ
thật khẽ.
 
Em bịt mắt nhé
mình chơi trốn tìm
chị trốn đáy giếng
em rẽ nước suông
xua nắng em bước
cái dáng khổ gầy
bàn tay chị nhỏ
che làm sao đây?
 
Ngày mai em đi
chị tìm lông ngỗng
bới cuồng dấu chân
nơi đâu ẩn nấp?
 
Tàu đã chạy rồi.
 
Biết nói gì với em
cơn gió tháng tám chặn ngang họng
biết nói gì với em?
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)