VNQĐ giới thiệu: Thơ Nguyễn Kiến Thọ

Thứ Hai, 19/07/2021 00:42
NGUYỄN KIẾN THỌ
Sinh năm: 1968
Quê quán: Thanh Hóa
Hiện công tác tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên
Đã xuất bản:
Thanh minh, Nxb Hội Nhà văn, 2007
Chợp mắt và mơ, Nxb Hội Nhà văn, 2020
 
“Tôi quan niệm thơ là hàn thử biểu của con người trước cuộc sống; là thước đo cảm xúc, tâm hồn và trí tuệ của nhà thơ. Tôi làm thơ, đơn giản, chỉ là tự lắng nghe và ghi lại những suy nghĩ, rung cảm của chính mình khi không thể giãi bày được với một ai đó cụ thể. Vậy nên, với tôi, làm thơ là một cuộc trò chuyện với chính mình…”
 
Kí ức Play Cần
 
Bốn mươi năm sau trận đánh năm xưa
anh trở lại
Trường Sơn hút những ánh nhìn trống trải
những cánh rừng biền biệt phía trời xa
 
Play Cần trôi qua như mơ
chợt sững lại hoàng hôn
chiều ngơ ngác
chấp chới anh nai rừng lạc bạn
kí ức thành thảm lá cuối rừng le
 
Rợp trên đầu
rừng săng lẻ năm xưa
chiều chộn rộn lời ca ru nhịp võng
những mười tám, những hai mươi...
trẻ lắm
một tiếng cười con gái cũng đa mang
 
Các anh đi ngày ấy, cả sư đoàn
Tây Nguyên chật một khoảng trời người lính
mang chiến thắng từ Đắc Tô, Tân Cảnh
điểm hành quân, nút cuối, Play Cần
 
Play Cần
cửa ngõ cao nguyên
con mãnh thú Kon Tum
lồng lộn khắp ngã ba chiến lược
hếch cái mũi về phía xa Bình Phước
chặn con đường ta tiến xuống miền đông
trực thăng tràn- nhặng bám trên lưng
sắc áo lính úa một vùng đất đỏ
tháng tư một chín bảy hai, sấm nổ
trời cao nguyên giông bão giật trên đầu
 
Lửa đã tắt lâu rồi
Tây Nguyên thanh thản gió
ngút ngàn cà phê những triền đất đỏ
bia chiến thắng Play Cần lặng lẽ đếm thời gian
 
Anh một mình định vị giữa bao la
rần rật cháy trong đầu một mùa khô đỏ lửa
thăm thẳm đất dày còn ai nằm đó nữa
đồng đội ơi...
 
 
Mẹ ngồi xuống đi
không phải tàu to thuyền lớn
chỉ dăm cây nứa làm bè
cũng chẳng sông to suối nhỏ
ao nhà mình thôi
con mời mẹ rong chơi...
 
Mẹ cười giãn nếp nhăn
hàm răng trầu lóng lánh
mẹ ngồi cho vững nhé
tay con làm chèo...
 
Ao nhà mình thôi
bè nhỏ
những vòng sóng cũng nhỏ
mở ra khoảng trời đáy nước
mắt mẹ đăm đắm cười...
 
Ngày xưa ơi
của mẹ
là chiếc thuyền câu be bé
vùng chiêm trũng quê mình
góc cầu ao nhỏ
đàn cá chơi trốn tìm quanh vạt bèo tây
bến sông chiều kín nước
mẹ xõa tóc thành mây
bay trên khoảng trời con gái...
 
Ngày xưa của mẹ
là chùa Thầy, chùa Hương
mùa xuân trẩy hội
thuyền ra thuyền vào
tấp nập lời chào
A Di Đà Phật!
 
Rồi một lần
thuyền đưa mẹ về Tây Trúc
con khăn trắng áo xô
khóc mẹ đầm đìa...
 
Mẹ ngồi cho chắc nhé
ao nhà mình thôi
Ơ kìa mẹ đâu rồi!
 
Quờ tay không chạm mẹ
mưa nhòa mắt con...
 
Biên giới
Cho N.H
 
Tận cùng của ranh giới
trước mặt anh là đường biên
sự rành mạch không nhìn thấy
cái mơ hồ lấn lướt, mênh mang ...
 
Chỉ một bước thôi
động tác ấy là sang
chứ không phải là đi như thường nghĩ
cây cột mốc lầm lì
đăm đắm về một phương trời khác
 
Im lặng làm anh hoang mang
giữa bồn chồn háo hức
như trẻ con đợi được chia quà
anh dè dặt cho mình những điều được - mất
 
Bên kia là cái khác
cái khác không cần ngụy trang
nhưng nó làm anh không là anh nữa
những mê hoặc vội vàng...
 
Bước chân không cần mắt
không hờ hững không đam mê
giữa muôn ngàn lối rẽ
anh hồi sinh đường về.
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)