Với thơ dự thi

Thứ Tư, 07/07/2021 11:22

Cuộc thi Thơ 2021-2022 trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội tuy mới bắt đầu, nhưng thời gian qua đã có hàng trăm tác phẩm từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về dự thi. Mặc dù không thể hồi âm hết được thư của từng tác giả, nhưng mỗi tác phẩm đều được ban biên tập đọc một cách kĩ lưỡng, cẩn trọng.

Rất nhiều tác giả gửi thư về toà soạn và có chung một câu hỏi: “Thơ dự thi có bắt buộc phải là những bài thơ viết về người lính, chiến tranh cách mạng hay không?” Người Biên Tập xin trả lời, điều đầu tiên trong thể lệ cuộc thi là không giới hạn đề tài, như vậy các tác giả có thể tự lựa chọn đề tài mà mình thấy phù hợp để viết. Bên cạnh đó, cuộc thi luôn khuyến khích những tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang và người chiến sĩ hôm nay; đề cao các tác phẩm bám sát vào hiện thực đời sống xã hội Việt Nam đương đại. Toàn bộ thể lệ cuộc thi cũng đã được đăng tải trên Văn nghệ Quân đội Online (http://vannghequandoi.com.vn), các tác giả có thể truy cập vào trang để biết thêm thông tin chi tiết, cụ thể về cuộc thi này.

Người Biên Tập cũng mong các tác giả lưu ý, thơ dự thi phải là tác phẩm chưa đăng tải trên bất kì báo, tạp chí hay phương tiện truyền thông nào. Thời gian qua, Người Biên Tập đã nhận được không ít thơ của các tác giả gửi đến Văn nghệ Quân đội để dự thi nhưng đồng thời cũng gửi đến những tờ báo và tạp chí khác. Điều này là không đúng với thể lệ cuộc thi mà Ban Biên Tập tạp chí đưa ra. Có một số trường hợp, tác phẩm đã được trao giải ở cuộc thi khác nhưng tác giả vẫn gửi đến dự thi thơ Văn nghệ Quân đội. Vậy nên mong các tác giả lưu ý hơn trong việc gửi tác phẩm dự thi của mình. Tác phẩm nào đạt chất lượng in và không sai quy chế cuộc thi thì ban biên tập sẽ liên hệ trực tiếp để thông báo với tác giả.

Đón nhận sáng tác gửi đến dự thi luôn là niềm vui, niềm hi vọng của Người Biên Tập. Nhiều bài thơ, chùm thơ đã được các tác giả đầu tư, gửi gắm tình cảm và tâm huyết để gửi về tòa soạn. Có những tác giả gửi đến nhiều chùm thơ như: Yên Hồng ở Hà Nam, Huỳnh Thị Quỳnh Nga ở Tiền Giang, Văn An ở Bạc Liêu, Nguyệt Ánh ở Đắk Lắk… đã thực sự làm cho cuộc thi “nóng” dần lên ở cả số lượng và chất lượng.

Với tác giả Yên Hồng thì những bài thơ viết về người lính luôn là ưu tiên hàng đầu khi gửi đến tòa soạn. Trong bài Các anh về tác giả viết: Các anh về khi cuộc chiến đã ngưng/ Máu các anh đã thấm từng tấc đất/ Thanh xuân các anh đã nói lên sự thật/ Cuộc chiến này để bảo vệ quê hương/ Các anh về/ Người xưa không còn qua ngõ cũ/ Một luỹ tre nhắc lại bao ân tình… Đó là những câu thơ mang đến cho Người Biên Tập nhiều hình dung về người lính trong cuộc chiến. Nhưng sau tất cả, các anh đã trở về và thắp lên những yêu thương ấm áp trong mỗi ngôi nhà: Các anh về/ Những ngọn đèn từ nay lại sáng/ Mẹ già móm mém niềm vui/ Cau chờ ngày đậu quả/ Dây trầu nhà bên đã leo giàn. Nếu tập trung khai thác sâu vào đời sống của những người lính trở về ở góc độ tâm hồn, tình cảm như vậy, có lẽ tác giả Yên Hồng sẽ có một bài thơ ấn tượng. Ở đây, do muốn nói được nhiều hơn nên tác giả lại viết cả một đoạn khá dài về sự thay đổi, phát triển của quê hương như: xây cầu, làm đường bê tông, kéo điện… làm cho bài thơ rơi vào kể tả lan man, thiếu đi khúc chiết và chiều sâu cần thiết.

Tác giả Từ Nguyên Tĩnh gửi đến bài thơ Trái tim nhịp cầu: Trong niềm suy nghĩ đến xót xa/ Tôi gọi tên nhịp cầu/ Nhịp cầu gọi tên tôi rất rõ/ Ôi cái phút sinh tử/ Trái tim tôi tan vỡ/ Tôi lặn vào tim mình và gọi/ Nhịp cầu ơi… Bài thơ nói lên nỗi xót xa của người lính khi chứng kiến những nhịp cầu huyết mạch bị địch ném bom làm hư hỏng nặng. Người Biên Tập cảm nhận rất rõ tình cảm của người viết qua những câu thơ trên. Xuyên suốt bài thơ tác giả viết về những đồng đội đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ cầu cho những đoàn quân nối nhau ra trận, và cây cầu đã trở thành linh hồn của những chiến sĩ bảo vệ cầu. Bài thơ toát lên không khí hùng tráng của năm tháng ấy: Trên đồi cao/ Mắt nòng pháo vẫn thức/ Trái tim như nói với tôi/ Nước mắt không rửa được nỗi đau/ Nhưng trái tim cảm được sự dũng cảm/ Con người không chịu cúi đầu/ Ơi cái phút thiêng liêng đó/ Tôi biết mình nhận ra nỗi đau/ Nỗi đau của người lính giữ cầu/ Nhịp cầu bị thương... Người Biên Tập rất bất ngờ khi đọc hết bài thơ dài gặp được lời chia sẻ của người viết: “Tôi viết bài thơ ở trận địa Đại đội 4 anh hùng trên cao điểm 54 và chưa kịp gửi cho báo nào. Lúc đó cách thể hiện như thế này chưa ai chấp nhận. Bài thơ viết trong tâm trạng cầu Hàm Rồng bị máy bay Mĩ dùng bom tinh khôn để đánh bị thương nặng, và rớt xuống dòng sông Mã. Tác giả không tự tin bài thơ được chấp nhận nên để lại sổ tay đã 50 năm trời”. Xin cảm ơn tác giả đã giữ những cảm xúc, những hình ảnh chân thật đó, để hôm nay đọc lại, chúng ta có được một hình dung cụ thể hơn về trận chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng năm nào.

Tác giả Quang Nhật ở Tây Hồ, Hà Nội gửi đến bài thơ Mẹ chờ, khắc hoạ hình ảnh người mẹ đưa tiễn con ra nơi chiến trận: Ải Bắc đạn bom xé nát lòng/ Con xin ra trận lập chiến công/ Tiễn con, mẹ vẫy rung chiều mỏng/ Dáng gầy hun hút khoảng mênh mông. Đây là hình ảnh vốn đã quen thuộc trong thơ văn Việt Nam. Khi viết mong tác giả hãy chọn cho mình một góc nhìn riêng, một cách thể hiện riêng để bài thơ tránh đi vào lối mòn quen thuộc. Ở câu thơ thứ ba, Người Biên Tập mạnh dạn góp ý cùng tác giả để thay chữ rung bằng chữ run, câu thơ khi ấy sẽ tạo ra cảm giác tốt hơn, ấn tượng hơn.

Nhiều bài thơ, chùm thơ của tác giả Hoài Hương ở Nghệ An gửi đã đến tay Người Biên Tập. Điều khác biệt là trước mỗi bài thơ, tác giả luôn viết kèm những dòng tâm sự để giải thích cặn kẽ sự ra đời của bài thơ. Tác giả Hoài Hương thân mến! Việc mỗi bài thơ được in kèm theo lời giải thích “viết bài thơ này như thế nào” là điều không thực sự cần thiết. Đọc để tìm ra “lời hay ý đẹp”, đọc để đi sâu vào khai thác, khám phá tâm hồn, tình cảm của tác giả trong bài thơ luôn là công việc, niềm yêu thích với Người Biên Tập nói riêng và độc giả nói chung. Cũng có khi, vì những lời đề dẫn, giải thích của tác giả mà bài thơ đã bị giảm đi những thi vị vốn có với người đọc.

Cuộc thi Thơ 2021-2022 trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội rất mong tiếp tục nhận được sự cộng tác nhiệt tình từ các cộng tác viên trên mọi miền Tổ quốc cũng như các tác giả người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Trân trọng!

NGƯỜI BIÊN TẬP

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)