(Đọc Đi từ phía cổng làng của Nguyễn Văn Song, Nxb Hội Nhà văn, 2022)
Tác giả Nguyễn Văn Song
Phần lớn sáng tác của Nguyễn Văn Song trong những năm gần đây là thơ lục bát. Với thể thơ này, dường như người đọc luôn thấy ở Nguyễn Văn Song cái vẻ hiền lành, mộc mạc đậm chất làng quê xứ sở với thi liệu từ những mái tranh, mái rạ, cổng làng, giếng nước, cơi trầu… Những thi liệu đậm chất quê kiểng, những vần thơ mộc mạc hiền như tương, cà ấy tưởng đã trở nên cũ kĩ trong đời sống văn chương hiện đại nhưng qua thơ Nguyễn Văn Song, ta vẫn thấy được những xao xuyến, những rưng rưng đong đầy xúc cảm về cảnh và người sau cánh cổng làng.
Ta quen thuộc suy nghĩ sau luỹ tre là làng - nơi bao đời nay cố kết những số phận, nơi mỗi người ra đi để trở về và gọi đó là quê hương. Nhưng để nhận mặt đặt tên những ngôi làng Bắc Bộ chứa đựng bao trầm tích văn hoá, khởi phát những giá trị nhân sinh quan của người Việt đơn giản bắt đầu từ ...bao kiếp que cời/ Thảo thơm đốt cạn một đời thành quê thì không phải ai cũng làm được. Nguyễn Văn Song không làm khác đi mà anh định nghĩa lại, đánh dấu cho những ai đang xa quê: Làng tôi ở phía ông bà/ Nén hương thắp đỏ nếp nhà đơn sơ nhắc nhớ về nguồn gốc của mình. Quê hương không phải nơi để quên, để trốn tránh mà để mỗi con người xa quê thấy làng luôn hiện hữu: Làng tôi ở phía ruộng sâu/ Ngàn năm bông lúa cúi đầu mà thơm, và tìm về: Người đi muôn nẻo trở về/ Bàn chân đứng lặng triền đê đầu làng/ Đồng trơ cuống rạ mênh mang/ Nghe chiều ngả bóng rạ sang bóng mình.
Chứa đựng nhiều cảm xúc và những vần thơ đẹp nhất của Nguyễn Văn Song có lẽ là về mẹ. Không kì vĩ, rườm lời, người mẹ của Nguyễn Văn Song hiện ra trong sự đối sánh tưởng chừng như không thể nào lớn hơn: Con sông như thể mẹ tôi/ Phù sa lầm lụi dệt lời áo nâu. Vĩ đại nhưng mẹ bình dị đến nao lòng: Mẹ già đầu vấn khăn trần, áo nâu/ Gậy tre đỡ một lưng đau/ Dáng cong chở một nỗi sầu mênh mông. Nỗi sầu ấy là nỗi sầu gì? Ở cái tuổi gần đi hết cuộc đời, người mẹ nào mà còn sầu tủi thì thật là xót xa. Xót xa có phải vì: Bạn già mỗi lúc một thưa/ Cơi trầu trên chõng ngẩn ngơ nắng chiều (…) Hiên nhà quạnh vắng hắt hiu/ Thẫn thờ mẹ bổ bao nhiêu cau vàng, hay người mẹ còn xót xa điều gì khác nữa? Sinh tử âu đó cũng là quy luật tạo hoá, vũ trụ. Nhưng mẹ vẫn bổ những miếng trầu như thói quen, đó cũng là cách níu lại làng trong tiềm thức của mẹ và chính ta chăng?
Sau cổng làng ấy Nguyễn Văn Song còn khéo léo tượng hình nhiều dư ảnh của làng, nơi ta đã gặp và có thể đã quên. Là em của ngày xưa dại khờ nay tuần rằm gặp chốn cửa thiền, là tiếng rao tóc rối tóc dài, là người đàn bà goá khóc mướn đầu làng, là người quản trang ngồi như tượng trong ráng chiều, là vị sư làng gói nụ cười để: Nghìn đau ở cõi ta bà/ Hoá thành nhịp mõ nện qua tháng ngày… tất cả sống động mà bình yên in hằn lên những hệ giá trị sau cổng làng.
Nói thế để thấy rằng, Đi từ phía cổng làng không chỉ tiếng lòng của Nguyễn Văn Song với quê hương mà từ cánh cổng ấy đã giúp anh tìm thấy mình trong cuộc sống, trong văn chương. Thơ Nguyễn Văn Song cũng đã đưa những phận người từ phía cổng làng, vượt ra khỏi cổng làng mà đến với nhiều cổng làng, nhiều tấm lòng trong thiên hạ!
TRỊNH THU TUYẾT giới thiệu và chọn
Giếng làng
Cả làng chung một giếng khơi
Nước trong in cả khoảng trời vắt trong
Dây gầu nối những đếm đong
Câu chào nối với ngõ trong, ngõ ngoài
Tiếng người giặt áo sớm mai
Theo ai đi suốt rộng dài nhớ thương
Làm đồng khát lỡ độ đường
Mát lòng ngụm giếng quê hương trưa hè
Kìa ai thấp thoáng nón mê
Tựa như dáng mẹ đi về tháng năm
Vui buồn mưa nắng tảo tần
Giếng làng biết cả lặng thầm trong thêm
Hình như thấu cả lòng đêm
Thẳm sâu như thể mắt em thẹn thùng
Cái hôm em bước theo chồng
Giọt trăng lấp loáng trong lòng giếng tan
Chiều nay vệt nắng xiên ngang
Cúi tìm đáy giếng hồn làng ngày xa
Thả dây múc bóng quê nhà
Kéo lên đầy một gầu nhòa khói sương.
Que cời bếp
Mỗi lần nhớ chái bếp quê
Hồn như bùng nhớ cái que tre cời
Đơn sơ chỉ một đoạn thôi
Mà sao thương đến suốt đời còn thương
Sá gì bỏng rát trăm đường
Xả thân nhen bếp tỏa hương ruộng đồng
Ấp iu từng đốm lửa hồng
Cời tro đến cháy cạn lòng thành than
Bà vùi xuống củ khoai lang
Que cời ủ lửa dâng làn khói thơm
Mẹ vần xuống bếp nồi cơm
Que vun than ấm hồn rơm đượm đà
Những khi giông bão tràn qua
Chị ngồi bên bếp mắt nhòa khói cay
Đoạn tre run lạnh trong tay
Cời lên chỉ thấy que gầy lạnh thêm
Củi, rơm xa ngái nỗi niềm
Bếp quê vắng ngọn khói mềm nhẹ trôi
Chạnh thương bao kiếp que cời
Thảo thơm đốt cạn một đời thành quê.
Về ngồi bậc đá bờ ao
Về ngồi bậc đá bờ ao
Tìm chuồn chuồn ớt thuở nào níu đôi
Ao đêm đặc tiếng quẫy đuôi
Cá rô đớp bóng sao trời đung đưa
Nghe trong bậc đá ngày xưa
Tuổi thơ thức giấc như vừa hôm qua
Đục trong ta tắm ao ta
Gái trai từ vũng ao nhà lớn lên
Tìm người giặt áo trong đêm
Bàn tay em khỏa dịu mềm sóng loang
Sao em làm bóng trăng tan
Để tôi ngồi vớt bọt vàng ngẩn ngơ
Mẹ ngồi đãi thóc tinh mơ
Xoáy tròn miệng rá cho phơ tóc chiều
Sạn sành gạn được bao nhiêu
Mà sao hạt thóc chắt chiu vẫn gầy
Trưa hè gió mỏng, nắng dày
Đá xanh mấy bậc đong đầy chuyện quê
Trẻ già một giọng nồng khê
Nói cười quên cả bộn bề xưa sau
Vui buồn một thuở đằm sâu
Giờ về đâu giữa úa nhàu thời gian
Nhà xây chiếm nửa ao làng
Lặng im bậc đá xanh tràn màu rêu.
VNQD