Phố trọ

Thứ Hai, 23/12/2024 15:34

(Đọc Phố trọ của Trần Lê Anh Tuấn, Nxb Hội Nhà văn, 2024)


          Phố trọ là tập thơ đầu tay của Trần Lê Anh Tuấn gồm 27 bài, đa phần được viết theo thể tự do với dung lượng từ được tiết chế tối đa. Nhiều bài có dung lượng vừa phải, nhiều bài ngắn, rất ngắn. Tôi nghĩ đây là một hướng đi đúng của tác giả. Trong thời buổi mà các thể loại văn xuôi từ tiểu thuyết, kí, truyện ngắn đều co lại trước sự vội vã, hối hả của nhịp sống đương đại thì không lí gì thơ vẫn tồn tại những sáng tác (không phải trường ca) dài lê thê đến hai, ba thậm chí bốn, năm trang giấy, dẫu vẫn biết chất lượng nghệ thuật là yếu tố quan trọng nhất.
          Thơ Trần Lê Anh Tuấn cô đọng, dồn nén. Dồn nén câu chữ để “tinh luyện” ra một thứ ngôn ngữ thơ đích thực đẹp và gợi cảm, giàu hình ảnh, tính biểu tượng. Thơ Tuấn như một thế giới hội họa đa sắc màu với những bức tranh thiên nhiên, phong cảnh lãng mạn nên thơ tuyệt đẹp: Chớp mơ mai/ Chài sương khói/ Trăng rằm đi lạc/ Chim nhạn gọi bạc sao khuya/ Chiều quăng lưới bắt mây về/ Đội mũ Đá Bia (Ngoại ô); những bức trừu tượng đầy tính ẩn dụ, mê đắm, huyễn hoặc: Đêm dậy thì xuân/ Mưa rơi mềm mái chùa cổ/ Em khỏa thân nắng sơn dầu/ Sông sâu chảy vào gốm (Người làm gốm); những bức chân dung trầm tư, góc cạnh: Người đi từ cửa hầm/ Trên tay chiếc đèn trăm năm vẫn sáng/ Gương mặt vắng bóng người/ Còi tàu lừng lững cổ tự (Người gác hầm Babonneau). Ngôn ngữ thơ Tuấn cũng giàu tính nhạc bởi sự phối kết hài hòa giữa vần và nhịp - những thứ mà không ít nhà thơ đương đại đã từ chối sử dụng khi sáng tác: Mùa thu đâu là trái cấm/ Dấu xưa đỏ sẫm bao giờ/ Góc phố co ro gió đẫm/ Lặng yên vỡ phía dại khờ (Lãng quên mùa thu).
          Thơ Tuấn dồn nén cảm xúc. Dồn nén cảm xúc cho cảm xúc thật đủ đầy, sâu lắng và dạt dào để khi bật lên sẽ thành những tiếng thơ tha thiết yêu thương. Phải gắn bó thế nào, yêu thương thành phố mình đang sống thế nào mới nghe thấy tiếng chuông nhỏ trong chiều Phố vắng xa/ Chiều nhỏ tiếng chuông/ Vang lên trong cõi (Phố vắng xa), mới thấy được cách thành phố tự vá vết thương bằng lá rụng (Người thợ may) và mới dám viết một câu thơ gợi cảnh mùa đông ở một nơi thuộc vùng Nam Trung Bộ “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”: Phố thành thật rét một chiều đông/ Mưa thành thật rơi từ trong lòng (Nhớ Tuy Hòa).
          Thơ Tuấn dồn nén suy tư. Dồn nén suy tư để có những chiêm nghiệm đau đáu về cuộc đời. Đó thường là những câu hỏi chạm đến ước mơ về hạnh phúc muôn thuở: Ngày giãn cách/ Trái đất quay quanh nỗi buồn/ Chạm vào đâu để bình yên (Phố xa) hay về tha hóa của con người hiện đại: Có khi nào sự thật ngủ yên như thế/ Có khi nào chúng ta đánh mất thơ ngây (Đứng trên miệng núi lửa) hoặc về lẽ vô thường của một kiếp người: Nơi nào là khởi đầu/ Nơi nào là kết thúc/ Chỉ là mây bay/ Đầy một vết thương sâu (Mộ nhà thơ). Bên cạnh đó, còn có những tự vấn, tự họa về chính bản thân: Anh ở đây/ Một giáo đường mưa/ Một mùi hương sạch/ Một ngọn đèn lả bóng/ Một mộng thương hồ/ Một đêm đông tỉnh lẻ (Nơi chốn).
          Những dồn nén ấy đã tạo nên đặc trưng thơ cho riêng Tuấn. Đó là sự kết hợp khéo léo giữa cảm xúc cá nhân với sự quan sát tinh tế cùng trí tưởng tượng phong phú, là cách sử dụng ngôn ngữ giản dị, không “làm duyên làm dáng” nhưng cẩn trọng và sáng tạo. Đây là điều hiếm xảy ra với tác phẩm đầu tay. Vậy là thi đàn Việt lại có thêm một nhân tố mới, một niềm hi vọng mới.
                                           ĐOÀN MINH TÂM giới thiệu và chọn

 

Ngoại ô

Ngoại ô nho nhỏ gió
Lòng lộng trời tự do
Hoa chớm nở
Hương chớm thơm

Anh thay mặt trời gác em ngủ
Chóp mơ mai
Chài sương khói

Trăng rằm đi lạc
Chim nhạn gọi bạc sao khuya

Chiều quăng lưới bắt mây về
Đội mũ Đá Bia.

Đêm đông

Em đến trước mặt
Mà mùa đông đến sau lưng
Sương lạnh vỗ vào chiều biền biệt
Một góc phố mưa bay không do dự
Mùi cà phê đã an ủi tôi
Như mùi hương em tách vỏ
Thanh xuân là thập giá của mỗi người

Phố giấu nỗi buồn trên mái phố
Nghe rêu hoang đàng tuổi tên
Em giấu nỗi buồn trong túi áo
Những ngón tay dài như thiên đường

Em đến trước mặt
Mà mùa đông đến sau lưng
Đàn chim bay như bay mãi trên bầu trời
bao câu hỏi không hồi đáp
Đồi hoa nở như nở mãi những ưu tư
không tàn lụi
Mùa đông đã an ủi tôi
Như một lẻ loi cuối
Quán vắng là nơi chốn của mỗi người

Tôi lần tìm những vì sao rụng
Những dòng sông lạ quen
Em mang đi đâu trái tim trống rỗng
Chưa kịp lấp đầy một đêm đông.

Khoảng cách

Bên trời một ô cửa mở
Tiếng người ấm hơn bếp lửa

Ai nấu thuốc bắc
Đắng ngọt gió quê

Tôi về chải lại khu vườn khô lá
Đường tàu chạy vào tim mưa đổ

Thời gian dài những ngón tay
Sao ôm được hết khói bay

Em như cánh chuồn đậu xuống giọt sương
Tôi không với tới
Một tiếng chuông ngân

Thập tự nỗi buồn
Em gảy tiếng đàn sông nước
Đẫm những vết thương
Thời gian xóa dần khoảng cách.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)