(Đọc Em đã đốt thơ tình anh tặng của Hoàng Việt Hằng, Nxb Phụ nữ 2019)
Giọng điệu là thứ neo giữ nhà thơ ở lại với chính mình dù thời gian có trôi qua và dù nhà thơ luôn có xu hướng đổi khác. Ở tập thơ thứ 8 này, Hoàng Việt Hằng vẫn cho người đọc gặp lại chị trong giọng điệu tự sự giản dị. Nhà thơ luôn gây ấn tượng từ những câu chuyện giản dị bằng cách đi đến tận cùng để tìm ra cái lấp lánh ở sau cuối. Em cũng như rêu/ không cho mình phận bạc.
Đọc Em đã đốt thơ tình anh tặng có thể thấy được Hoàng Việt Hằng là nhà thơ luôn đi để tìm về. Chị đi nhiều, viết nhiều, soi trong những trang viết về sự đi ấy thấy rằng chị đi để ngẫm. Những suy tư đưa nhà thơ từ những mảnh đất, vùng miền xa xôi trở về với sự thân quen, gần gụi, từ đó nhà thơ tạo nên được những bức tranh tương quan/ tương phản hoặc là sự so sánh để nghiệm ra những giá trị của đời sống, cõi người. Học bao thứ chật người mà không nhớ/ chỉ cây khế chua phên giậu, lá mơ/ tìm về quê mùa trái tim nức nở. Đó là nỗi niềm tha hương bị giằng xé giữa “chí lớn” với những khát khao mộng tưởng và sự bình yên thân thuộc. Lại có khi nhà thơ lặn sâu vào một thân phận khác để thấu thị mọi thứ: tôi thuộc phía bầy cừu và váng cỏ/ lững đững chiều tôi khóc với cơn mưa; tôi lên núi Muối mà không nhặt muối/ chỉ nhặt sắc xuân đang cuộn bên trời/ nhặt phận người đọc chữ giữa bờ môi. Và sâu trong mỗi phận người ấy, Hoàng Việt Hằng lại nhận ra mình, hiểu mình hơn. Thơ không chỉ giúp chị đi qua những chênh vênh đời mình mà qua thơ, chị có thể nói về số phận mình như thể đó là một bản thể khác, chị làm chủ bản thể ấy cũng như làm chủ số phận mình: số phận cho tôi gánh gồng nhẫn nại/ để đi biển rộng sa mạc cát dài/ để hiểu không thể tựa vào ai/ ngoài bờ vai của mình. Những yếu đuối, âu lo, ảo huyễn của người phụ nữ sẽ hiển lộ qua thơ, nhưng những điều đó lại làm nên nội lực để chị mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong đời sống.
Giọng điệu không phải là tất cả nhưng giọng điệu tạo nên cách viết và gợi dẫn đến những lựa chọn ngôn từ. Cũng giọng điệu là thứ cuốn hút sự đọc, sự cảm của người đọc. Hoàng Việt Hằng có được giọng điệu của mình nhưng chị không phải kẻ lười biếng trong lao động chữ nghĩa. Chị dùng giọng điệu ấy để nói chuyện mình, chuyện người nhưng điều giúp chị đi xa hơn với thơ phải là “tiếng nói khác” ẩn sâu trong giọng điệu, cất lên từ miền thăm thẳm. Dẫu thăm thẳm hư không/ dẫu hư không thăm thẳm thì nhà thơ cũng vẫn vời gọi được một điều gì trong cõi ấy. Có thể là: người trong hoa tàn đã mất/ bóng người có đọng trong sen; hay: trên dây phơi áo nâu sồng đã cũ/ hình như cau tách nụ sân sau.
Vẻ đẹp và nỗi đau dường như là hai điểm sáng trong hành trình thơ của Hoàng Việt Hằng. Hai yêu tố này, khi thì riêng lẻ độc lập trong một cuộc kiếm tìm nào đó của nhà thơ, khi lại song hành nâng đỡ đan quyện khiến những câu thơ đạt đến sự cao sâu của rung cảm: nước mắt vợ như vò nhàu/ dù không hắt nỗi buồn sang nhau, đó là nỗi đau và vẻ đẹp của chữ tình khi người vợ làm tất cả để cứu chồng trong cơn bạo bệnh; khi đối mặt với sống còn rộng lớn/ mẹ dạy con nhiều cách để cho đi, đó là khi một người mẹ trải qua trận lũ quét với hai bàn tay trắng vẫn dạy cho con mình cách sẻ chia với kẻ khốn quẫn hơn; vợ lính Việt Nam nhìn người lính Việt Nam/ không có huân chương nào trên ngực các anh, đó là nỗi hi sinh âm thầm của những người lính làm nhiệm vụ quốc tế, phá bom mìn ở Campuchia...
Với thơ, Hoàng Việt Hằng luôn chọn cách đi để thấy được mình: cứ đi cứ đi da diết/ thơ nghiêng về phía khuất hẻo/ thơ lên tiếng. nhạt nhòa cùng nước mắt. Từ đó Hoàng Việt Hằng đã có nhiều cuộc đi khác trong thơ.
NGUYỄN THỊ KIM NHUNG Chọn và giới thiệu
Mai vàng nghe cau rụng
Tiếng gầu va giếng đất ở Bổ Đà
chiều nghiêng xuống tường rêu chuông đổ
trên dây phơi áo nâu sồng đã cũ
hình như cau tách nụ ở sân sau
bỏ lại hơn thua với đèn đỏ đèn vàng
theo vãi về chùa quét dọn mùa sang
lá vườn chiều ngả xuống đèn nhang
người quanh quẩn rêu phong sớm tối
có cuộc đời từng không chọn buồn vui
không chen lấn
không dập vùi ai cả
chiều chiều nghiêng giọt nắng xuống vai
ánh nắng xiên về sân sau rơm rạ
nơi bờ rào vách đất có giọt gianh
giở trang kinh, trước đèn đọc sách
rêu phong còn, cổ kính mái chùa cong
có một phận người từng trải gió giông
rêu vẫn phủ bờ tường xanh thẫm
không khát vọng, được thua, không cố chấp
chỉ lên chùa học thở với nghe kinh
không chạt đua cả với chính mình
nhìn kim giây thì kim giờ chợt hiện
sau tốc độ có ai về sống chậm
dưới mai vàng, cau rụng quanh sân.
Cùng nửa ánh trăng trong
Cùng nửa ánh trăng trong
cùng ngoảnh lại chiều tà
một mình xây nhà
một mình sinh nở
một mình một thuyền trên cạn
một mình đối mặt vận hạn
may ra còn câu thơ nằm lòng
bây giờ chỉ còn mong ngóng
chuyến đi thức giấc tiếng gà
nhẹ thênh trong chiều sân ga
khi ở thảo nguyên Nội Mông
thấy vó ngựa dồn ngực áo
cỏ rất xanh. lều giát ánh trăng
không nhà cao chen ngang
không chồn chân đèn đỏ
tôi trôi về xưa cũ
phận nửa đôi bên đời
tôi đến đất Phật ở Nepal không xin gì ở người
ngoài dấu chân chạm tới những vườn hồng
lọt thỏm những Stupa
nơi này vừa như có nghĩa là tất cả
lại vừa như không là gì
số phận cho tôi gánh gồng nhẫn nại
để đi biển rộng sa mạc cát dài
để hiểu không thể tựa vào ai
ngoài bờ vai của mình
khi đứng ở Tứ Xuyên nhìn Phật trên núi phiêu linh
lại nhớ Đôn Hoàng, hoàng hôn chưa lặn
đã buông bỏ những điều nhỏ nhặt
nghe lá rơi sao vẫn giật mình
nghe tiếng chuông đổ
tiếc nuối ngôi chùa nước Nhật đứng ven núi một chân
sao bóng chùa cũng cô đơn như chùa Một Cột ở xứ Ấn
nghe chuông chắc là nhờ gió
gió có về cửa Phật để lay
lay nỗi khổ sóng thần
lay nỗi khổ đồng ruộng Việt Nam mất dần
những bờ xôi mía mật
mà trăng không còn rơi giếng đất
tôi đã đi
với đôi giày dự phòng
cùng nửa ánh trăng trong...
Chiếc đồng hồ đã cũ
Con vẫn giữ chiếc đồng hồ đã cũ
không thể bỏ đi, thanh lí hết năm
đồng hồ báo thức trăng còn sáng
mẹ chờ mẹ đợi con về thăm
vai áo gầy. mưa phùn hòa hơi thở
chuông đổ canh giờ như hôm xưa
mẹ vẫn ngồi chờ nơi bậc cửa
nhìn đồng hồ cũ với trời trưa
vài năm sau đó mùa hoa nở
báo thức không nghe. rỗng bóng hè
con về mỗi sớm nhìn dâu bể
thương nhớ còn nguyên nơi gốc tre
không tượng đồng phơi không hình vẽ
chỉ lên giây cót một mình nghe.
VNQD