VNQĐ giới thiệu: Thơ Phạm Tấn Dũng

Thứ Sáu, 22/02/2019 00:45

PHẠM TẤN DŨNG

Sinh năm 1961

Tại Gò Nổi, làng Bảo An, Điện Quang,

Điện Bàn, Quảng Nam

Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật

tỉnh Quảng Nam

Đã xuất bản:

- Nhật kí gió cuốn, Nxb Văn học, 2018

“Với tôi, thơ là thứ quà tặng của trời, là trò chơi của sự tự do hoang tưởng. Ở đó, tôi bắt gặp những mơ hồ không biên giới của giấc mơ, những giao thoa của thực và ảo, mộng mị và khát vọng, những manh mối, duyên cớ để nhận chân cuộc sống và ngóng chờ sự kế tục trong sáng tạo của một diện mạo thơ nào đó...”.

 

Quê hương

Quê hương

bốn bề sóng vỗ mặt

bãi bồi bờ lở

một bề cắt vào trong

từng thớ đất thở hắt

 

Những chàng trai sông Thu

đã ra đi

đã quay về và không về

đã quay cuồng trong gió lốc

giữa chảy xiết Thu Bồn

hay yên ả những lần tụ hội

nổi trên da thịt

cồn gò là quê hương

 

Những chàng trai sông Thu

cuộn gió mang về

làng quê đời người

bóng hình in vào đất nền áo nâu

chạm chân

đã ngùi ngùi đầu quê làng Thi Lai Hà Mật

tiếng guốc khua đều sạp chợ Phú Bông

tiếng chim gù bồi hồi giữa trưa Đông Bàn giữa chiều Bàn Lãnh

tiếng còi tàu chiều tà ga Xuân Đài gạt thầm nước mắt tiễn đưa

tiếng dệt lụa ươm tơ làng Bảo An trăm năm còn vọng

tiếng bìm bịp kêu chiều Tư Phú

tiếng vạc đêm rớt lại đầu vòm một bến Vân Ly

 

Ôi quê hương

qua bao bận chiến tranh

bãi dâu xanh rì đã khoác lên lớp áo trắng cỏ lau

những cơn bấc căm căm lặm vào da thịt

nắng rát chang chang mùa gió Lào cay nghiệt

quất vào những đôi môi khô ruộng tháng năm

nước mắt mẹ thì dâng theo ngấn lụt

thân cha gầy bám củi khô với vớt cơi trầu

chị xắn quần đếm thời gian đã khô nước mắt

đêm nghe tiếng chim cuốc kêu thay nhạc một mình

trăm trận bão giông vẫn ngửa mặt cười

xóm làng vẫn cứ vang vang đùa vui trẻ nhỏ

tinh mơ nông dân vác cuốc ra đồng vẫn sang sảng đọc thơ

 

Ôi quê hương, quê hương

những chàng trai sông Thu chân đất

vẫn ra đi vẫn quay về và không về

vẫn say khướt những lần trên bàn rượu

rồi mơ mê thầm thĩ đọc câu hò đối đáp

thương cha nhớ mẹ thì về

nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng

 

Ôi quê hương quê hương quê hương

những lần khóc

có người tha hương ngay trên quê mình

tôi này

nói với tôi

quê mình Gò Nổi.

Bóng núi

Tôi đính bóng tôi vào dốc đá

không nói gì

chỉ bóng thầm thì hôn hương đất

hôn suối ngàn cây cỏ hoang vu

tôi riêng tôi với thác Palza(1) tóc trắng

và những nụ cười ngồn ngộn nắng mưa

 

Tôi đính bóng tôi vào chân nhà guol

không nói gì

chỉ bóng thầm thì nhà nhà Bho - Hoong(2)

hôn vệt chân trần ánh nhìn lấm lét

quần tây áo pul phất phới đại ngàn

tôi với tôi lạ với bóng mình

phía đỉnh núi đồi mây giông kéo tới

một tràng tiếng Anh phát từ phía Bungalow(3)

 

Mưa

mưa không lấp nổi những bước chân

một thoáng một thời

đã từng bước trên hoang tàn sỏi đá

mà quê xưa sấm chớp đầu nguồn

ngọc có thể đã nát

vàng đã tan

 

Đêm

nẻo hoang vần vũ

tiếng chép miệng con tắc kè làm giả đính vách phên

trong lơ mơ giấc mớ

tôi thấy máu bạn tôi bị loài sên bám hút

máu của người Cơ Tu da khét mắt đăm đăm

hút cả bóng và tôi

úp ngược

núi non chiều.

 

-------

1. Palza là thác nước ở xã Sông Kôn huyện Đông Giang - Quảng Nam.

2. Bho-Hoong: tên làng Dân tộc Cơ Tu đang làm du lịch.

3. Kiểu nhà một tầng có xuất xứ từ Ấn Độ.

Thôi về

 

Về thôi

những nắng hanh chân ngày những truông treo đồi gò ghềnh cuối

tan hoàng hôn vào giọng đục u buồn thiếu phụ

tiếng gió xô tiếng cánh chim kêu đêm chỗ nằm không ấm

tôi/ em mục rã lá thu vàng

 

 

Về thôi

còn kịp vầng trăng mắc võng mái hiên

những rêu xanh tường cũ nền nhà quên tên viên gạch

những dây đàn bật khóc khi cơn giông chiều ùa về

những giọt mưa thở dài

và kỉ niệm vàng khép phía sau lưng

cánh cổng đã mục

chừng như trên chiếc bàn cũ lọ mực vẫn còn hương

 

Thôi về

xếp gọn những loay hoay

khum tay đốt ngọn nến vàng giông gió

tôi nhặt cỏ khô quấn tượng em

lưu dấu mối tình

và chắc một điều ta sẽ chẳng hẹn nhau

khi trong ngăn sâu lồng ngực

còn nghe âm âm vũ điệu côn trùng.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)