Với người làm thơ, dường như mùa xuân luôn gợi ra một tâm trạng khác. Một cái gì đó khôn nguôi như nỗi nhớ, vời vợi như nỗi buồn nhưng cũng lấp lánh như niềm hi vọng. Người Biên Tập rất vui được trò chuyện về thơ xuân trong số tạp chí đặc biệt đón mừng năm mới Kỷ Hợi.
Từ Sóc Trăng tác giả Sơn Hà gửi về tạp chí những câu thơ tràn đầy niềm lạc quan của một người lính:
Đặt ba lô ta lại cuốc ruộng làm vườn
Áo lính lấm lem mùi bùn thơm phức
Cây đào trước sân nở hoa đỏ rực
Mùa xuân đang náo nức quanh ta
Tinh thần của người lính in đậm trong những trang thơ của tác giả Sơn Hà. Không kể lể về những hi sinh mất mát, tác giả mang đến một không khí tươi vui, lãng mạn, buông tay súng lại cầm cuốc cầm cày hát lên bài ca lao động. Vẻ đẹp của tinh thần người lính ấy lại được viết trong không khí của mùa xuân, mang đến một sức sống mới. Nếu như bài thơ không có những câu còn quá thiên về kể lể với ngôn ngữ đời thường thì đây sẽ là một bài thơ đẹp viết về người lính.
Từ đất mũi Cà Mau tác giả có bút danh Hương Tràm gửi về tạp chí bài thơ Mùa xuân với những câu thơ bày tỏ nỗi lòng của cô thanh niên xung phong trong mùa xuân giải phóng đất nước:
Mùa xuân chưa bao giờ đẹp thế
Gác súng bên thềm em nghe những khúc ca
Giá như anh đã không gục ngã
Trước sự bừng thức của mùa xuân
Mùa xuân ấy đã đi vào lịch sử và đi vào tâm thức của dân tộc Việt Nam. Nhưng trong mỗi người, đặc biệt là những người đã trực tiếp trải qua thời khắc ấy thì vẫn còn biết bao điều để nói, để sẻ chia. Như cô du kích trong những câu thơ trên, cô đã cảm nhận được vẻ đẹp của tự do, của thống nhất vào mùa xuân năm ấy, nhưng cũng trong thời khắc đó cô lại nhớ đến người yêu đã ngã xuống ngay trước chiến thắng, ngay trước một mùa xuân huy hoàng của dân tộc. Sự đối lập của hai dòng cảm xúc trong những câu thơ của tác giả Hương Tràm đã mang đến nhiều suy cảm cho người đọc. Trong chiến thắng lớn lao của dân tộc sẽ có những nỗi đau, những mất mát, hi sinh của mỗi người. Đó là chiến tranh. Người Biên Tập rất đồng cảm và chia sẻ với câu chuyện của tác giả Hương Tràm. Tin rằng đất nước sẽ có những mùa xuân tươi vui và vĩnh cửu như mong muốn của tác giả.
Tác giả Nguyễn Xuân Mẫn ở Đắk Lắk gửi đến bài thơ viết về mùa xuân của người lính đảo:
Đất liền đêm pháo hoa
Mừng giao thừa đang đến
Những người lính đảo xa
Thả hồn mơ theo sóng
Sự mộng mơ đã đồng hành và giúp những người lính đảo vượt qua không chỉ nỗi nhớ thương đất liền mà cả những gian nan, thử thách, hiểm nguy nơi đầu sóng ngọn gió. Trong giây phút giao thừa thiêng liêng và rực rỡ, những người lính đảo thả hồn mình theo những con sóng để bày tỏ nỗi nhớ mong cũng như niềm hi vọng. Đây là những câu thơ ấn tượng của tác giả Nguyễn Xuân Mẫn. Nếu như bài thơ khai thác sâu hơn về tâm tình, nỗi niềm của người lính đảo thay vì những câu viết về sự rộng lớn của biển trời, về sắc màu của mùa xuân thì bài thơ sẽ hoàn thiện hơn.
Từ mảnh đất trung du Phú Thọ tác giả Đỗ Văn Từ viết về ngày giáp tết với những vất vả của người mẹ:
Tết về ruộng ngấu cày bừa
Mẹ tôi tất tưởi chạy đua với ngày
Cố cấy xong vạt ruộng này
Màu xanh theo ngón tay gầy loang xa
Người Biên Tập rất ấn tượng với những câu thơ mang đến không khí tết rất đặc trưng của vùng Bắc Bộ. Trước tết, người nông dân luôn tất bật với ruộng đồng, mong sao việc đồng áng được xong xuôi để yên lòng ăn tết. Vụ đông xuân được cấy xong trước tết với niềm ước mong sang năm mới ruộng đồng tốt tươi, mùa màng no đủ. Màu xanh theo ngón tay gầy loang xa cũng là câu thơ đẹp, hàm ẩn về một mùa xuân xanh tươi. Hình ảnh những người mẹ, những người phụ nữ mải miết trên cánh đồng trong cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông khi tết đang đến gần vốn quen thuộc trong đời thường mà cũng rất đẹp trong thơ.
Mùa xuân, bên cạnh những vẻ đẹp chúng ta vốn thấy thì cũng còn những khuất lấp ẩn sâu. Người làm thơ sẽ là những người thấu suốt để nhìn ra điều đó. Người Biên Tập thực sự ấn tượng với bài thơ Xuân lặng của tác giả Tùng Nguyễn ở Lạng Sơn. Xin được chia sẻ bài thơ này:
Tết này không nấu rượu
Củi mưa ướt hết rồi
Chỉ toàn là tuyết thôi
Cái lạnh mày ác thế
Làm con trâu nó què
Nó lăn ra dốc ruộng
Phạ ơi
Sao lạnh ghê
Tết này đào cũng rụng
Chẳng bán được cành nào
Thằng A Tùng nó khóc
Níu áo mệ đòi theo
Mệ ơi mệ mua dép
Với cho con cái quần
Xuân vừa đi qua ngõ
Trong lòng người phân vân.
Có những mùa xuân hiện diện trong nỗi xót xa như vậy. Bài thơ tuy chưa đạt đến sự hoàn thiện về nghệ thuật, cấu tứ, ngôn ngữ nhưng đã khiến cho người đọc phải dừng lại, đọc lại và suy ngẫm. Sự tự nhiên, chân thực từ cách viết, cách kể về cái tết của người vùng cao trong giá lạnh khắc nghiệt mang đến một hiệu quả nhất định. Đó chính là sự gợi ra lòng trắc ẩn và sự đồng cảm. Người Biên Tập tin rằng với thế mạnh của mình, tác giả Tùng Nguyễn sẽ có những sáng tác hoàn chỉnh hơn.
Tác giả Mai Hiên ở Hà Nội gửi đến bài thơ Xuân bên anh với tâm trạng, cảm xúc của một cô gái đang yêu:
Mùa xuân như thỏi son
Vẽ môi em hồng thắm
Anh nhìn em im lặng
Mùa xuân đã nói gì?
Cô gái đang yêu nhìn mùa xuân bằng đôi mắt mơ màng của tuổi trẻ khi ví mùa xuân như thỏi son môi làm đẹp cho mình. Nhưng Người Biên Tập ấn tượng hơn cả là sự nhạy cảm của cô gái khi người yêu chỉ nhìn mình và im lặng, cô gái bày tỏ nỗi hoài nghi, Mùa xuân đã nói gì? Mùa xuân đã trở thành chủ thể đầy trữ tình trong mối tình này, như thể mùa xuân là lí do để họ yêu nhau, nhưng mùa xuân cũng là cơn cớ để giận dỗi. Theo Người Biên Tập, nếu tác giả Mai Hiên đổi cách ví Mùa xuân như thỏi son thành Mùa xuân như nét son, thì sự thanh thoát và gợi mở sẽ lớn hơn.
Tác giả Yến Phương ở thành phố Hồ Chí Minh viết về mùa xuân tha hương với nhiều ngậm ngùi, thương nhớ:
Phương Bắc đã nắng chưa
Mà lòng con còn buốt
Bao đêm xuân mẹ đun lại nồi bánh
Con có về được đâu
Không có sự trau chuốt về ngôn ngữ nhưng hình ảnh người mẹ ngồi đun lại nồi bánh chưng với ước mong con sẽ trở về đã lay động được người đọc. Thơ cần những sự “đánh động” như thế. Giữ cho mình những cảm xúc vốn có và trau dồi hơn những kĩ năng của nghề viết, Yến Phương sẽ có những tác phẩm hay hơn.
Mùa xuân rồi sẽ đến, nắng ấm có thể không dành cho tất cả mọi người nhưng Người Biên Tập tin rằng niềm lạc quan, và sức sống tiềm ẩn mà mùa xuân mang lại cho loài người là có thật. Mùa xuân luôn có những ngôn ngữ riêng để nói với mỗi chúng ta. Mong tiếp tục nhận được thư, bài của các cộng tác viên trên mọi miền đất nước. Chúc bạn đọc một mùa xuân ấm áp, yên vui.
NGƯỜI BIÊN TẬP
VNQD