Thơ  Thơ trên bàn biên tập

Người lưu giữ những kí ức của chiến tranh

Thứ Sáu, 21/09/2018 00:56
(Đọc Chấm nhỏ của Lê Nguyễn Yên Phong, Nxb Hội Nhà Văn, 2018)
 
le nguyen yen phong cham nho

Dù tiếng súng đã ngừng, không còn bom rơi đạn nổ... nhưng trong kí ức của mỗi con người cũng như trong kí ức của cả dân tộc vẫn mãi còn lưu giữ về những năm tháng chiến tranh ấy.

Tôi vẫn nghĩ, với Lê Nguyễn Yên Phong, nếu không vì tâm hồn còn quá nặng lòng với những kí ức của chiến tranh, chắc hẳn chị đã bỏ giữa chừng con đường đến với thơ ca, và như vậy sẽ không thể có sự xuất hiện của tập thơ Chấm nhỏ - một tập thơ mang đến cho chúng ta nhiều điều để suy ngẫm.

Trong 58 bài, tác giả đã dành một phần ba tập thơ để viết về đề tài chiến tranh. Chiến tranh hiện lên bằng nỗi đau và mất mát. Đó là nỗi đau của người em gái khi anh trai không trở về, là nỗi đau của người mẹ mất đi người con trai nơi tiền tuyến, là sự thấu hiểu, đồng cảm với nỗi đau của những người vợ có chồng, những cô gái có người yêu ở ngoài mặt trận. Chiến tranh kết thúc, có người không trở về, người trở về thì mang trên mình đầy thương tích... Tất cả niềm đau, mất mát ấy đã khiến trái tim người đàn bà Yên Phong quặn thắt, để chị mượn từng con chữ để thổ lộ tình cảm của mình.

Điều đặc biệt, tập thơ xuất hiện hình ảnh của ba người lính: liệt sĩ Lê Quang Vinh (anh trai nhà thơ), liệt sĩ Cao Tường và một người lính trở về hiện diện giữa cuộc đời (Người thương binh cười). Những hình ảnh này được nhắc đi nhắc lại khá nhiều trong sáng tác của chị.

Hãy nghe chị nói về liệt sĩ Lê Quang Vinh: Tàu siết trên đường ray/ Đường tới cổng trời lút vào núi /Anh ở lại và miền Tây ở lại (Anh ở lại và miền Tây ở lại).

Đoạn thơ chị viết về liệt sĩ Cao Tường: Có một câu trả lời/ Chiếc nôi anh nằm trong đất/ Không ai không một lần xin được đưa nôi (Viết cho liệt sĩ Cao Tường).

Và người lính khi trở về: … giữa chợ đông/chiếc áo tuyềnh toàng chợ búa/ anh khoác lên tiếng cười buốt giá/mọi người rưng rưng nước mắt nói về anh/ anh cười cả phần đồng đội lặng im (Người thương binh cười).

Chỉ chừng ấy thôi, không cần phải liệt kê nhiều thêm kí ức tưởng như đã mờ dần mà những câu thơ vẫn vò xé lòng ta. Lê Nguyễn Yên Phong đã chọn một cách viết rất thực, thực như hơi thở, như những giọt nước mắt, như bao nỗi đau khôn nguôi và thường trực trong từng mảng miếng của đời sống. Lê Nguyễn Yên Phong cũng dành nhiều trang viết về mẹ. Chị không miêu tả trực tiếp về nỗi đau, nhưng niềm nhớ nhung, hi vọng… cùng nỗi buồn vô vọng của mẹ cứ lan toả vào trong từng câu chữ: … Chấm nhỏ trên cánh đồng là mẹ /Mẹ nhỏ bé bởi ngập tràn biển lúa/ Con ngã nhoài lúa níu kéo chân/ Thấm vào con hương mẹ hương đồng (Chấm nhỏ).

Thơ Lê Nguyễn Yên Phong không mượt mà, thậm chí còn hơi gồ ghề. Chị viết thơ một cách phóng khoáng theo thể loại tự do. Âm điệu trong thơ được tạo ra một cách tự nhiên, vì thế, đọc thơ chị một lần thấy khó vào, đọc hai lần, ba lần thấy hiểu hơn, cảm động hơn, có lẽ vì ngấm hơn mà thấy nao nao. Tác giả dường như không viết về mình, nhưng khi đọc ta sẽ hình dung được cả một chặng đường chị đã đi không hề thanh thản. Không thanh thản bởi khi nào chị cũng lo nghĩ cho mọi người. Nghĩ tới cha là nghĩ tới quê hương, nghĩ tới mẹ là nghĩ tới sự hi sinh chịu đựng, nghĩ tới người anh trai liệt sĩ là một niềm ân hận vì chưa tìm thấy anh…

Kí ức của tác giả còn là dòng sông Hồng với biết bao kỉ niệm tuổi thơ, là Hà Nội với một tình yêu da diết ngày trẻ, còn là những vùng đất mà chị đã đặt chân đến… Để rồi, khi ngồi nhớ lại kỉ niệm đã qua, những câu bỗng bật lên niềm khát khao và đằm sâu triết nghiệm:  Bao nhiêu cái mất/Tới được cuối con đường… (Đồng Hới); Viết những câu thơ ngổn ngang bừa bộn /Một đời ước mong dịu dàng /Xin cho một lần dốc cạn yêu thương (Định hình)

Lê Nguyễn Yên Phong xuất hiện muộn. Đáng nhẽ sau khi được nhận giải thưởng cuộc thi thơ của Văn nghệ Quân đội năm 1997, chị phải đi tiếp chặng đường khởi đầu đẹp đẽ ấy. Nhưng muộn còn hơn không, tập thơ Chấm nhỏ đã để lại một dấu ấn khá đặc biệt trong lòng người đọc.
 
ĐỖ BẠCH MAI chọn và giới thiệu

Thôi anh đừng đưa em qua cầu
 
Thôi anh đừng đưa em qua cầu
lũ đổ về ngầu nước đỏ
em sợ không còn dấu cũ
lối cát mờ hun hút triền đê
 
Thôi anh đừng đưa em chiều qua cầu trở về
gió khô se mồ hôi sạn đắng
dễ lắm, đôi cánh thần tiên, một đôi cánh
thôi, anh đừng đưa em qua cầu
 
Xa kia, trời nước nối liền
chớp sáng, một cánh buồm
một cánh chim
một khát vọng
con sông tới được biển mặn
sẽ không còn bờ đâu.
 
Thôi, anh đừng đưa em qua cầu.


Sông Đáy
 
Người đàn ông ra tới cửa sông
lẫn vào nước trời
em không còn anh nữa
bao nhiêu con thuyền mất hút như thế
làm nên cái thẳm xa
 
Bỗng chớp bể mưa nguồn
anh trở lại
là ngày cỏ may chưa chạm mùa gió bắc
bông sen muộn ngọn đèn hao gầy
một ngày không thể khác
tờ giấy vo tròn mang câu thơ đơn độc
nằm trong bụi thời gian
bỗng biến thành những con chim giấy bay đi
ngọt lại nỗi buồn
cỏ may lăm lăm nhọn sắc cũng chẳng thể đau thêm
 
Cảm ơn nỗi buồn
làm cho cuộc đời đằm thắm sâu sắc
đừng chối bỏ
hãy mang vác!
 
Và mưa
bắt đầu từ một ráng đỏ
tím dần, thẫm lại
đổ sập!
 
Để sau đó rạng ngời sông Đáy của tôi
một con thuyền mất hút cuối trời.

 

Mẹ
                Tặng mẹ Nguyễn Thị Tân
 
Tưởng chẳng có gì phải kể
chiếc cối giã trầu làm từ mảnh máy bay rơi
tưởng chẳng cần chăm chú
trầu cau mẹ giã chầm chậm
tưởng chào mẹ là được rồi
bên hiên mẹ ngồi nhai trầu cùng nắng móm mém
 
Tưởng còn đêm
mà đã sang ngày của mẹ
chầm chậm mẹ giã
tất tật đều đỏ
dành gửi vào hừng đông
còn cái cay, cái say
ở với mẹ
đưa mẹ đi từ đêm qua ngày
từ năm trước tới năm sau
từ thế kỉ này sang thế kỉ khác
 
Chiến tranh đi qua đời mẹ
cướp những đứa con của mẹ
chầm chậm mẹ giã
hoàng hôn bến sông con không về loang vệt trầu
 
Thời gian đi cùng mẹ
giành giật mẹ
chầm chậm mẹ giã
mây lang thang cuộc hành trình chạm vào
ửng đỏ quết trầu
 
Căn nhà cũ kĩ không giữ được mẹ
trăng non, mảnh cau phơi bỏ quên
chiếc cối giã trầu nằm đâu đó giữa nhân gian.
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)